Nếu không thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học sẽ lúng túng tuyển sinh
“Nên tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 hay thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh?” – là chủ đề nhận được sự quan tâm và tranh cãi của dư luận trong những ngày qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng.
Không phải trường nào cũng có tiềm lực tổ chức thi riêng
Đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia – căn cứ quan trọng giúp các trường đại học tuyển sinh – hiện vẫn chưa biết có diễn ra hay không, vì phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Theo Bộ GDĐT, nếu dịch bệnh kiểm soát tốt, học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15.6, thì kỳ thi vẫn sẽ diễn ra. Còn không, Bộ GDĐT sẽ báo cáo Quốc hội quyết định phương án phù hợp.
Trong bối cảnh này, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Đây là trường đại học đầu tiên của phía bắc thực hiện điều này nhằm chủ động “ứng phó” trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Phía Nam, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ có kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức để thực hiện tuyển sinh, trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không thể diễn ra.
Còn nhiều trường đại học khác vẫn đang hồi hộp chờ kỳ thi THPT quốc gia có diễn ra hay không. Dù muốn tổ chức kỳ thi riêng, nhưng thời gian quá gấp nên các trường khó chuẩn bị kịp.
Trước diễn biến này, ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay kỳ thi chung không thể diễn ra, nhiều trường đại học sẽ lúng túng trong việc tuyển sinh.
“Không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng, vì làm được một bộ đề thi riêng là rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề hệ lụy sẽ khó lường.
Nếu chỉ dùng học bạ để xét tuyển sẽ không ổn, sẽ có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Còn trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển” – ông Ngọc nêu quan điểm.
TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT). Ảnh: Quang Khánh
Chuyên gia này cũng cho rằng, phương án tốt nhất là nếu học sinh có thể quay trở lại trường học chậm nhất vào ngày 15.6 thì các em vẫn có gần 2 tháng để vừa hoàn thành nốt năm học, vừa ôn tập. Khi nội dung học kỳ II đã được tinh giản, đề thi không ra vào nội dung học kỳ II thì không đến mức phải bỏ kỳ thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến, nhưng theo ông Ngọc, sẽ khó đảm bảo chính xác và công bằng cho học sinh. Vì vậy, Bộ GDĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.
Video đang HOT
“Không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi”
Đó là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi nói về các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Ông cho rằng, Bộ GDĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học.
“Tôi tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học, không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi” – TS Khuyến nói.
TS Lê Viết Khuyến cho biết thêm, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.
Trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.
Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học; các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa có chất lượng và hiệu quả.
ĐẶNG CHUNG – THU NGUYỄN
Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở!
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh các kiến nghị thay đổi về thi THPT quốc gia do ảnh hưởng dịch bệnh.
Đề xuất bỏ bớt môn thi cần được xem xét
Thưa ông, nhiều ý kiến đã đề xuất thay đổi cách thức thi THPT quốc gia vì học sinh (HS) phải nghỉ học do dịch bệnh Covid-19. Theo ông, Bộ GD-ĐT có thể quyết định được việc này không, hay phải xin ý kiến Quốc hội hoặc sửa luật Giáo dục?
Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện luật Giáo dục hiện hành, luật Giáo dục 2019 đến tháng 7.2020 mới có hiệu lực thi hành. Theo luật Giáo dục hiện hành, việc công nhận tốt nghiệp THPT không quy định hình thức thi như thế nào mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT quyết định. Thực tế những năm qua, Bộ GD-ĐT đã làm việc này có hiệu quả, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT.
Ông Phạm Tất Thắng - Ảnh: Ngọc Thắng
Thứ hai, về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT có thể hướng dẫn nhưng hướng dẫn như thế nào là việc cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Ví dụ lâu nay chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gắn với việc dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ... Thực tế phần lớn các trường ĐH đang dùng kết quả đó để tuyển sinh, các trường tuyển sinh riêng hoặc kết hợp thêm các hình thức khác để tuyển sinh thì không nhiều.
Do vậy, nếu năm nay thay đổi kỳ thi THPT quốc gia thì có ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ hay không? Nếu ra quyết định vào thời điểm này thì liệu các trường ĐH, CĐ có kịp thay đổi phương thức tuyển sinh hay không? Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán vấn đề này.
Thứ ba, yêu cầu đặt ra về việc điều chỉnh theo hướng tinh giản chương trình. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Khung chương trình như thế, thời gian như vậy, ngành GD-ĐT hoàn toàn có thể hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục, căn cứ vào tình hình thực tế như hiện nay; căn cứ thời gian thực học, thời gian cần phải kết thúc năm học... Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể tinh giản chương trình, chuyển một số nội dung trong chương trình từ học trực tiếp sang học trực tuyến hoặc tự học có hướng dẫn... Về nguyên tắc, học gì thi nấy, việc ra đề thi là quyền chủ động của ngành GD-ĐT nên những phần tinh giản không đưa vào nội dung đề thi.
Theo ông, những đề xuất như cắt bớt một số môn thi, đưa kỳ thi về các nhà trường... có phù hợp không; nếu được thực hiện thì nó có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục, chất lượng đầu ra của HS THPT năm học này hay không?
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tôi thấy rằng mỗi đề xuất ấy đều thể hiện trách nhiệm của các nhà giáo và có cơ sở nhất định về thực tiễn, đều cần được xem xét. Rõ ràng, dịch bệnh xảy đến là bất khả kháng, các nhà trường hoàn toàn bị động và việc nghỉ học không thể tránh khỏi. Tất cả đều vì an toàn, sức khỏe của HS, sinh viên lên hàng đầu.
Việc đề nghị bỏ một số môn thi, theo tôi cũng là đề xuất có cơ sở mà Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc và xem xét vì luật không quy định thi bao nhiêu môn. Bộ hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình thực tế đặc biệt của năm nay để điều chỉnh chương trình, tổ chức hình thức thi cử sao cho phù hợp.
Đã đến lúc các trường ĐH phải tự chủ tuyển sinh
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề, nhân bối cảnh này các trường ĐH cần phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có việc tự chủ tuyển sinh thay vì cứ "bám" vào kỳ thi THPT quốc gia như lâu nay?
Tôi thấy ý kiến như vậy là hoàn toàn đúng. Thực tế luật Giáo dục ĐH lâu nay đã trao cho các trường quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, quyền này chưa được các trường ĐH vận dụng rộng rãi và mạnh mẽ, thể hiện ở chỗ phần lớn các trường vẫn dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển; những trường có hình thức thi riêng và xét tuyển bổ sung không nhiều. Do vậy, tôi cho rằng bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo dục phổ thông như hiện nay thì các trường ĐH cũng cần phải có ứng phó cho phù hợp. Đây là cơ hội để các trường thực hiện quyền tự chủ mà pháp luật đã trao cho mình, trước hết là trong tuyển sinh; nó cũng giúp cho Bộ GD-ĐT linh hoạt hơn trong hướng dẫn tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT.
Dịch bệnh khiến nhiều trường học chưa thể mở cửa trở lại cũng đặt ra một vấn đề là nếu chúng ta tổ chức được kỳ thi THPT nhiều lần trong một năm hoặc thi trên máy tính... thì việc thi vào thời điểm nào không đặt ra quá nặng nề như bây giờ. Theo ông, việc này có nên sớm thực thi?
Cá nhân tôi thấy đó là một xu hướng tất yếu và Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị để thực hiện được cách làm này. Việc thực hiện tổ chức thi như thế nào, thi mấy lần trong một năm, thi trên giấy hay thi trên máy... hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GD-ĐT.
Thi như hiện nay chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định, ngành GD-ĐT cũng đề xuất khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì cách thức thi cử, đánh giá... cũng phải thay đổi phù hợp với yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Việc xảy ra dịch bệnh như thế này là một thách thức, nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là cơ hội đặt ra yêu cầu buộc chúng ta phải thay đổi, như ở trên nói là quyền chủ động của trường ĐH trong tuyển sinh; ngành GD-ĐT và các nhà trường phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đánh giá, thi cử để vừa phù hợp tình hình thực tế, vừa theo được xu thế phát triển chung. Mặc dù việc các trường ĐH sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, về mặt lý thuyết, cũng có thể coi là việc họ đã sử dụng quyền tự chủ trong lựa chọn phương thức tuyển sinh của mình"
Bộ GD-ĐT vẫn giữ phương thức thi, "giảm tải" về đề thi
Cuối giờ chiều 17.3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, thay mặt Bộ GD-ĐT trả lời chính thức về cách thức thi THPT quốc gia năm nay. Về việc một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt/giảm số môn thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: Thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017 - 2020. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để: xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương; làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
"Trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường ĐH đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau", ông Trinh cho biết.
Ông Trinh khẳng định: "Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể là: nghiên cứu giảm tải chương trình; Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi phù hợp; do vậy giáo viên và HS không quá lo lắng".
Ý kiến
Ổn định và công bố quy chế thi sớm, rõ ràng
Thi THPT quốc gia là phương án phù hợp vì không chỉ công nhận tốt nghiệp mà còn là cơ sở để xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Bộ cần công bố quy chế thi, tuyển sinh ĐH - CĐ trong thời gian này để HS yên tâm. Có những hướng dẫn cụ thể về nội dung thi, công bố rõ ràng nội dung kiến thức bao gồm kiến thức của bậc THPT hay kiến thức của lớp 12.
Thêm vào đó, cần có đề minh họa sớm để HS có thể tận dụng thời gian này tự ôn luyện.
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nên điều chỉnh, giới hạn lại kiến thức
Vì là căn cứ để các trường ĐH xét tuyển đầu vào nên giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia là thích hợp. Do tác động của dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng quá trình học tập liên tục của HS cùng với áp lực về thời gian nên Bộ cần điều chỉnh và giới hạn lại kiến thức trọng tâm cho kỳ thi.
Võ Thanh Bình (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien.vn
Học sinh cử tuyển đạt đủ điểm sàn sẽ không cần qua dự bị ĐH, CĐ Học sinh thuộc đối tượng cử tuyển nếu thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ được ưu tiên chuyển ngay vào đào tạo chính thức mà không phải qua học dự bị ĐH, CĐ. Công tác cử tuyển được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019 có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT...