Nếu không kiềm chế, sẽ xảy ra xung đột trên Biển Đông
Sáng ngày 17/11, tại TP Đà Nẵng diễn ra hội thảo có chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là chuyên gia, học giả đến từ nhiều nước trên thế giớ như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Anh Pháp, Trung Quốc… và các nước Đông Nam Á.
Hội thảo diễn ra 7 phiên, gồm các nội dung chính: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông; các bên tham gia và lực lượng hoạt động trên biển Đông; Tình hình chung ở Biển Đông và chính sách của các bên có liên quan; Quan hệ Quốc tế và trật tự ở biển Đông; Luật pháp quốc tế; Đất liền, Đại dương và bầu trời; Luật biển Quốc tế-các yêu sách và giải pháp và Các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng: Đánh giá về tình hình Biển Đông trong năm qua, có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định, tự do đi lại trên biển và trên không, không có gì phải lo ngại. Quan điểm khác thì cho rằng, hòa bình ổn định và tự do đi lại bị đe dọa nghiêm trọng, nếu không có sự kiềm chế và các nỗ lực hợp tác của các bên liên quan thì bất ổn tất yếu sẽ xảy ra. Do những khác biệt như vậy nên những kiến nghị, chính sách vẫn nằm trên giấy. Và vì vậy trên Biển Đông, môi trường ngày càng xuống cấp, các nguồn lợi hải sản bị suy giảm và “nguyên trạng” đang dần bị thay đổi. Riêng trong năm nay, đã xảy ra những vụ việc hết sức nghiêm trọng, kéo dài về thời gian, dồn dập về diễn biến.
“Nếu so sánh bức ảnh chụp nguyên trạng trên biển Đông trong những năm qua ai cũng thấy rõ xu hướng nguyên trạng đang bị thay đổi. Riêng trong năm nay, đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hi vọng của nhân dân trong khu vực về một biển Đông hoà bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại”, ông Quý nhấn mạnh.
Tàu Trung Quốc dùng súng bắn nước cao áp phun thẳng vào tàu chấp pháp của Việt Nam trong vùng biển Việt Nam.
Ông Đặng Đình Quý cũng đề nghị các học giả trao đổi sâu về những diễn biến gần đây, về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông: “Biển Đông ngày càng phức tạp, chúng ta cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn hơn tới Biển Đông, giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến biển Đông; để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”.
Đồng tình với nhận định trên, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng dẫn chứng, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng trong tháng 5-6 vừa qua đã làm cho lượng khách quốc tế đến với TP.Đà Nẵng giảm so với năm 2013, môi trường đầu tư nước ngoài vào TP cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
“Các sự cố xảy ra với ngư dân chúng tôi khi đánh bắt trên biển Đông nói chung và ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa nói riêng gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hữu nghị của người dân thành phố. Điều chúng tôi quan tâm hơn đấy là sự suy giảm lòng tin. Công cụ ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất không phải là sự hiện diện của quan hệ thương mại và sự tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia mà là lòng tin giữa các quốc gia có liên quan”, ông Chiến nói.
Video đang HOT
Theo ông Chiến, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này. Vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó.
Theo PetroTimes
Tướng Pháp: Việt Nam hãy "gõ trống" lên...
"Tôi đã từng nói với đồng nghiệp của bạn ở Paris rằng Việt Nam là đất nước "trống đồng" nên tôi nghĩ các bạn hãy "gõ trống" để cả thế giới thấy được vấn đề", Tướng Pháp Daniel Schaeffer bày tỏ trước việc Trung Quốc đang dùng hàng loạt chiêu trò xâm phạm Biển Đông.
Tướng Pháp Daniel Schaeffer trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân Trí.
Bên lề Hội nghị quốc tế "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" đang diễn ra ở Đà Nẵng, Tướng Daniel Schaeffer, Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, đã có cuộc trao đổi riêng với phóng viên Dân trí về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, chiến lược của Trung Quốc cũng như khả năng kiện Trung Quốc của Việt Nam và giá trị của các bằng chứng lịch sử trong các tranh chấp Biển Đông.
Giàn khoan thứ hai có thể kéo tới nhiều nơi
Trung Quốc vừa đưa tiếp giàn khoan thứ hai vào Biển Đông và vị trí hiện tại của nó là ở gần đảo Hải Nam. Theo ông, Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan này tới đâu?
Tôi cho rằng có nhiều khả năng. Có thể là giàn khoan này sẽ tiếp tục được đưa tới vị trí hiện nay của giàn khoan Hải Dương-981. Cũng có thể giàn khoan này sẽ ở trong vùng biển gần đảo Hải Nam trước khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981. Hải Dương-981 không ở một vị trí kể từ khi được triển khai. Ít ngày sau khi được triển khai vào vùng biển gần Hoàng Sa, nó đã được kéo cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Trung Quốc có thể nói "chúng tôi không tìm thấy gì" và họ sẽ kéo tới giàn khoan vị tới vị trí mới.
Cũng có khả năng giàn khoan thứ hai sẽ được kéo tới những lô dầu khí mà Việt Nam chưa khai thác. Ngoài ra, có khả năng khác là giàn khoan có thể được kéo tới vùng biển của Philippines, của Malaysia, hay vùng biển Indonesia, trong "đường 9 đoạn". Tất cả các khả năng đều có thể, thậm chí là nó có thể được kéo tới Thái Bình Dương.
Nguy cơ tiềm tàng của giàn khoan này là gì thưa ông?
Có hai khả năng. Nếu giàn khoan được kéo tới Thái Bình Dương, trong trường hợp này, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giảm đôi chút. Khả năng thứ hai là giàn khoan nằm trong vùng biển của Việt Nam thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn căng thẳng hơn, thậm chí là sau khi các quan chức cấp cao của hai bên, với phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, người từng là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp nhau vào ngày 18/6.
Trung Quốc là "ảo thuật gia" nhiều chiêu trò
Vậy Trung Quốc đang áp dụng chiến lược gì ở Biển Đông thưa ông?
Tôi cho rằng kể từ năm 2006 Trung Quốc đã dùng chiến lược "chiếm dần từng bước", nghĩa là thực hiện các bước đi cụ thể, vững chắc, không thể lay chuyển trên Biển Đông, để chiếm vùng biển này, để cuối cùng thế giới công nhận "đường lưỡi bò" là của họ.
Nhưng quan điểm này không thể chấp nhận được với các nước ASEAN, các nước có bờ biển giáp với Biển Đông và không thể chấp nhận với cả thế giới. Bởi chỉ cần nhìn vào châu Âu, chúng tôi có 6 công ty thương mại lớn hoặc là đi qua Biển Đông hoặc là có hoạt động trên Biển Đông, ví dụ như, tàu Viking 2 Việt Nam thuê của công ty Pháp, Bourbon Group, tập đoàn chuyên về các hoạt động trên biển, như cứu nạn, lắp đặt cáp dưới lòng biển...
Khi Trung Quốc chiếm các đảo trên Trường Sa, trong đó có đảo Gạc Ma, của Việt Nam, vào tháng 3/1988, cả thế giới thức dậy trong bất ngờ. Nhưng Trung Quốc đã có kế hoạch lâu dài để chiếm Biển Đông và cả Biển Hoa Đông. Họ có rất nhiều chiêu trò. Họ là "ảo thuật gia" với chiếc mũ mà mỗi lần họ rút về chúng ta không biết họ có gì trong mũ, trong túi quần, túi áo họ, nhưng chúng ta luôn biết là có điều bất ngờ. Đó là lý do vì sao các nước phải lên tiếng mỗi khi Trung Quốc có động thái trên Biển Đông. Nếu các nước ASEAN khua trống "đủ lớn" thế giới sẽ lắng nghe và gây áp lực với Trung Quốc.
Vấn đề là Trung Quốc cố gắng giữ cho vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề khu vực, nhưng nó không thể là vấn đề khu vực được bởi từ ngày 9/5/2009, khi họ đệ trình "đường 9 đoạn", theo đó tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông lên Liên hợp quốc, thì tự bản thân vấn đề đã được quốc tế hóa rồi.
Dùng công hàm gửi LHQ của Trung Quốc để phản biện
Tướng Daniel Schaeffer cho rằng Việt Nam, Philippines có thể dùng chính công hàm của Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc làm phản biện.
Mới đây Trung Quốc cũng đã gửi tài liệu giải thích cho hành động triển khai giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam. Theo ông vì sao họ làm vậy trong khi họ không hề muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông?
Tôi cho rằng đây có thể là phản biện chống lại Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei có thể sử dụng. Các nước có thể nói: Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề (Biển Đông-pv) nhưng sự quốc tế hóa đã được thực hiện bởi ít nhất 2 lần Trung Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Tôi đã từng nói với đồng nghiệp của bạn ở Paris rằng Việt Nam là đất nước "trống đồng" nên tôi nghĩ các bạn hãy "gõ trống" để cả thế giới thấy được vấn đề. ASEAN cũng cần phải đoàn kết hơn để dẫn đầu cuộc vận động khắp thế giới chống lại Trung Quốc
Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine đã không xảy ra thì có thể Mỹ và Nga sẽ mang lại sự cân bằng ở phương Đông và Trung Quốc có thể sẽ "bớt ầm ĩ" hơn như bây giờ.
Theo ông chúng tôi nên kiện Trung Quốc điều gì nếu đưa tranh chấp Biển Đông lên tòa án quốc tế?
Tôi cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc đúng như những gì Philippines đang làm, thách thức tính xác thực của "đường 9 đoạn" theo Luật quốc tế bởi "đường 9 đoạn" này cắt vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và các nước khác.
Việt Nam cũng nên hỏi thêm kinh nghiệm của Philippines. Sau khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước luật biển, vào tháng 8/2006, họ đã gửi tuyên bố loại bỏ một số trường hợp được đưa ra tòa án quốc tế, liên quan đến các vùng chồng lấn quy định đâu là vùng biển của họ và của các nước láng giềng. Nhưng tuyên bố này không thể "che chắn" cho được mọi khả năng và Philippines đã tìm ra Phụ lục số 7 của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) và Điều khoản 298 về khả năng đưa vụ việc ra tòa án quốc tế về Công ước luật biển.
Philippines có thể kiện "đường lưỡi bỏ" Trung Quốc lên tòa án quốc tế về luật biển là bởi họ biết họ tuân thủ theo luật của Liên hợp quốc. Việt Nam nên làm điều tương tự. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ lớn tiếng phản đối, nói rằng "Việt Nam không tôn trọng luật biển quốc tế", nhưng Trung Quốc thừa biết họ mới là nước không tôn trọng và thừa biết các bạn, Việt Nam, cũng như Philippines và các nước khác mới là những nước tôn trọng luật biển.
Theo ông thì bằng chứng lịch sử có giá trị gì trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông?
Bằng chứng lịch sử tất nhiên có giá trị. Bản đồ "đường 9 đoạn" được in vào năm 1947. Nhưng phải đến tháng 5/2009 Trung Quốc mới gửi công hàm về "đường 9 đoạn" này lên Liên hợp quốc, tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Và nó được chính thức đưa ra sau khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS. Cần phải xem xét đến việc Trung Quốc đưa công hàm về "đường 9 đoạn" sau khi phê chuẩn UNCLOS. Nếu Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của họ, họ đã đồng ý đứng ra trước tòa án quốc tế.
Trong một vụ kiện tòa án quốc tế luôn xem xét các bằng chứng lịch sử. Nhưng các bằng chứng lịch sử đó phải được chứng minh, được khẳng định bởi các chuyên gia có tiếng. Trung Quốc luôn nói đến bằng chứng lịch sử của "đường 9 đoạn" nhưng bằng chứng của họ đâu?
Ngài có nghĩ đến tình huống xấu nhất cho căng thẳng hiện nay ở Biển Đông hay không?
Không tôi không nghĩ tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cùng lắm là "nửa đụng độ". Bởi nếu chiến tranh xảy ra, Mỹ buộc phải nhảy vào can thiệp và khi đó họ, cả Mỹ và Trung Quốc, sẽ tự phá hủy chính họ đúng theo nghĩa đen, như chúng ta đã từng trải qua trong Thế chiến II.
Hơn nữa các tuyến đường biển trên Biển Đông nhộn nhịp gấp 3 lần Kênh đào Suez, gấp 6 lần Kênh đào Panama. Hầu hết tàu thương mại tới Trung Quốc là đi qua những tuyến đường này. Sẽ không ai muốn có chiến tranh xảy ra.
Thùy Trang
Theo Dantri