Nét chữ tình người nơi tâm lũ
Nhiều người lớn tuổi ở vùng cát Quảng Bình nói với chúng tôi, cả cuộc đời gắn bó với cát, với bão lũ nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nhưng chưa lần nào họ chứng kiến sự khủng khiếp của lũ như trận vừa qua.
Lũ lụt đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành giáo dục nơi đây. Hàng trăm trường học chìm trong nước, sách vở, các phương tiện dạy học, bàn ghế… đều bị lũ nhấn chìm. Nhiều giáo viên, học sinh đã bật khóc khi trở lại trường và chứng kiến thảm cảnh do lũ gây ra.
Nhưng, với tình yêu con chữ, nhiều phụ huynh, học sinh trong cả nước đã hướng về vùng lũ để tiếp thêm sức mạnh cho giáo viên, học sinh vùng lũ. Món quà tuyệt vời nhất trong dịp 20-11 năm nay là giáo viên, học sinh vùng lũ được trở lại trường. Đó là tâm sự đầy yêu thương của nhiều giáo viên chúng tôi gặp mặt.
Lũ lụt đã làm nhiều trường học ở Quảng Bình bị đổ tường, hư hỏng.
Chồng chất khó khăn sau lũ
Khi bài viết này đến tay bạn đọc, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn gần 2.000 học sinh ở 7 điểm trường lẻ chưa thể đi học trở lại do lũ lụt làm sập trường lớp. Nói về những thiệt hại do lũ lụt gây ra cho ngành giáo dục vùng cát, ông Đinh Qúy Nhân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Bình trầm ngâm cho biết: Chỉ trong 10 ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phải gánh chịu 3-4 trận lũ lớn. Trận lũ trước vừa rút, thầy cô và học sinh vừa sửa soạn, quét dọn trường lớp xong thì lũ tiếp theo lại vào. Lũ sau cao hơn, gây ngập hơn lũ trước.
Mưa lũ gây thiệt hại đối với ngành giáo dục Quảng Bình lên tới trên 370 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 334 trường học với trên 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng rất lớn.
Trước những thệt hại nặng nề do mưa lũ, ngành giáo dục Quảng Bình cắt giảm tất cả các hội nghị và một số hoạt động khác từ nay đến hết năm 2020 để tiết kiệm nguồn chi. Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ sử dụng vào việc hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học, cùng các nguồn hỗ trợ khác của tổ chức, cá nhân để chia sẻ khó khăn với các trường học bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt.
Một trường học ở Quảng Bình chìm sâu trong lũ.
Gần 2 tuần sau khi lũ lụt đi qua, những thiệt hại do lũ mưa lũ gây ra vẫn còn hiện hữu ở Trường THCS Phù Hóa, huyện Quảng Trạch. Thầy Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, nước lũ đã dâng cao hơn 2m làm ngập nhiều phòng học của trường. Lũ về ban đêm nên nhấn chìm nhiều bàn ghế, dụng cụ học tập, trang thiết bị của nhà trường.
Lũ rút, thầy cô đến trường, nhiều người đã không kìm được nước mắt khi thấy bùn đất ngổn ngang, rác thải trôi về làm ngập sân trường, phòng học. Thầy cô cầm tay nhau động viên tạm gác lại nhà cửa dọn dẹp sau, phải ưu tiên quét dọn trường lớp trước để đón học sinh trở lại trường. Bùn đất bám chặt vào tường nhà, bàn ghế, các dụng cụ đồ dùng dạy và học nên việc lau chùi, dọn trường lớp hết sức khó khăn.
Thầy Dương Ngọc Tú, Phó Trưởng Phòng GDĐT huyện Quảng Trạch cho hay, trận lũ vừa qua đã khiến 13 trường học tại địa phương này bị ngập sâu, nhiều thiết bị trường học bị hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại của các trường gần 7 tỷ đồng. Ngay sau khi lũ rút, Phòng Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy”, cùng với sự chung tay của phụ huynh, các lực lượng đoàn viên thanh niên, công an, quân sự, các trường học vùng lũ lụt đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa soạn lại phòng học với quyết tâm đón học sinh đi học trở lại sớm nhất.
Video đang HOT
Chúng tôi đến huyện Lệ Thủy, nơi được coi là rốn lũ trong đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều trường học nơi đây đã đầy ắp tiếng cười của giáo viên, học sinh. Nhưng khi nhắc đến mưa lũ thì nhiều người ở vùng đất này vẫn giật mình thảng thốt. Thầy Nguyễn Văn Vững, Trưởng Phòng GDĐT huyện Lệ Thủy cho biết: Lũ lên ban đêm, lại nhanh quá nên chỉ sau vài tiếng đồng hồ, nhiều trường học trên địa bàn đã bị nước lũ ngập hết tầng 1, có trường nước lũ còn dâng lên tận tầng 2. Khi lũ rút thì hầu hết trang thiết bị dạy học của các trường đều bị hư hỏng, bám đầy bùn đất. Nhiều trường học bị sóng lũ đánh sập tường rào, tường lớp học, bùn đất ngổn ngang đến nay vẫn chưa thể khắc phục xong.
Lực lượng Công an, Quân đội và thầy, cô giáo vùng lũ dọn bùn đất, sửa soạn trường lớp để đón các em học sinh trở lại.
Đợt mưa lũ vừa qua không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho ngành giáo dục Quảng Bình mà còn làm 3 học sinh thiệt mạng hết sức thương tâm. Đó là em Đinh Minh Tú, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tân Hóa, huyện Minh Hóa do trượt chân khi đang tránh lũ, rơi xuống nước sâu. Hai anh em ruột trong một nhà là em Hoàng Anh Quân, lớp 5 và Hoàng Văn Quý, lớp 2, trường Tiểu học Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy. Nước lũ lên nhanh, bố mẹ hai em Quân và Quý nhờ chú ruột đưa 2 em lên thuyền đến nhà ông nội tránh lũ. Trên đường đi, thuyền bị lũ đánh úp làm 2 em chết đuối. Trong căn nhà trống huơ trống hoác, nhìn di ảnh hai em, nhiều người đã không thể cầm được nước mắt…
Tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò sau cơn lũ dữ
Hình ảnh gây xúc động mạnh đối với người dân cả nước là sau lũ những hàng xe nối dài trên quốc lộ 1A của cả nước về với Quảng Bình. Trong đoàn xe về vùng lũ để hỗ trợ người dân có rất nhiều giáo viên, học sinh và cựu học sinh hướng về thầy cô giáo và học sinh vùng lũ.
Ngay sau khi nước lũ vừa rút, rất nhiều giáo viên, học sinh ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã tranh thủ các ngày nghỉ cuối tuần để về các điểm trường ngập lụt giúp đỡ các đồng nghiệp, học sinh vùng lũ lau dọn lại trường lớp. Nhiều trường học tổ chức quyên góp mua sách vở, áo quần đưa về vùng lũ giúp các bạn học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nam Lý, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cho biết: khi chứng kiến cảnh lũ lụt gây thiệt hại kinh hoàng cho các phụ huynh, giáo viên, học sinh vùng lũ, thầy cô giáo trong trường đứng ngồi không yên. Các giáo viên trong nhà trường đã cùng nhau góp tiền để nấu hàng trăm suất cơm mang đến cho đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh vùng lũ có cái ăn để chống chọi với mưa lũ…
Lực lượng Công an, Quân đội và thầy, cô giáo vùng lũ dọn bùn đất, sửa soạn trường lớp để đón các em học sinh trở lại.
Ngay trong đêm 19-10, khi mưa lũ đang dâng cao ở Quảng Bình, hàng ngàn giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức gói, nấu bánh chưng gửi vào vùng lũ. Các em học sinh và thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương, Nghệ An thức thâu đêm gói và luộc bánh chưng để kịp gửi vào tiếp tế cho phụ huynh, giáo viên, học sinh vùng lũ.
Thầy Nguyễn Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cho biết, khi nhà trường tổ chức gói bánh chưng để gửi vào vùng lũ, các cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường rất hào hứng tham gia hoạt động này. Hơn 200 chiếc bánh chưng do tự tay các em học sinh gói, nấu suốt đêm để gửi vào cho các bạn đang mắc kẹt do lũ lớn là tình cảm chân thành, là bài học thương người như thể thương thân đối với các em học sinh.
Còn tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, phụ huynh, học sinh và chính quyền địa phương đã mua 300 kg nếp gói bánh chưng ngay trong ngày 19-10 để kịp chuyển đến giúp đỡ đồng bào bị ngập lụt. Ngoài ra, địa phương này còn quyên góp thêm 5 triệu đồng và 83 thùng mỳ tôm, 63 kg gạo, 15 lít nước mắm, 5 lít dầu ăn… để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn do mưa lũ, nước ngập dài ngày.
Hướng về vùng giáo viên, học sinh gặp bão lũ thiên tai, thầy Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành, Nghệ An kêu gọi giáo viên, học sinh trong trường không tặng hoa dịp 20-10 để dành tiền ủng hộ các bạn học sinh, thầy cô giáo vùng lũ. Trường THPT Bắc Yên Thành cũng quyết định không tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-2020) như kế hoạch ban đầu đã đề ra để dành toàn bộ kinh phí dự kiến chuyển vào ủng hộ người dân vùng lũ…
Giáo viên, học sinh nhiều trường học ở Nghệ An tổ chức nấu hàng ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét gửi phụ huynh, giáo viên, học sinh vùng lũ Quảng Bình.
Kết thúc bài viết, chúng tôi muốn nói đến bức thư của một thầy giáo vùng lũ gửi học sinh trường mình. Đó là thư của thầy Hà Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (một trong những trường học bị ngập sâu trong lũ lụt) đã gửi cho học sinh trước ngày đi học trở lại sau lũ. Bức thư đã gây xúc động đến nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh cả nước. Bức thư có đoạn viết:
” Thân gửi các em học sinh!
Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở – dù không còn nhiều để xếp – chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm, em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mang dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao nilon, cột thật chặt và nhớ ghi rõ tên, trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!… “.
Lũ lụt đã đi qua nhưng tình người còn mãi ở lại vùng tâm lũ khi trên những quyển sách, quyển vở, những bộ quần áo mà nhiều thầy cô giáo, học sinh đang mặc in dấu tình cảm của giáo viên, học sinh cả nước. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay ở vùng mưa lũ, hoa sẽ không nhiều nhưng chắc chắn tình cảm sẽ dày lên theo con chữ, bởi đó là nơi yêu thương từng để cả nước hướng về.
20-11: "Học sinh đến trường là quà quý cho chúng tôi"
Các thầy cô ở vùng lũ miền Trung chia sẻ không cần hoa, không cần quà, chỉ cần thấy những nụ cười của các em đến trường là món quà ý nghĩa nhất với họ trong ngày 20-11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi học sinh (HS) cả nước đang náo nức để tri ân thầy cô thì tại những vùng ngập lụt ở miền Trung, các thầy cô, phụ huynh và các em HS đang cùng nhau nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tất cả bước vào cuộc đua để bảo đảm chất lượng chương trình học.
Đến thời điểm này, tại một số điểm vùng sâu vùng xa, phải rất khó khăn các em HS mới có thể đến trường vì sạt lở, bùn đất bủa vây.
Ngày nhà giáo đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa
Nếu như những năm trước dọc tuyến đường nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế rộn ràng những gian hàng bán hoa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thì năm nay vắng hẳn. Riêng nhiều ngôi trường ở vùng lũ chúng tôi không còn thấy hình ảnh những nhóm HS đi xe đạp với bó hoa tươi thắm dâng lên thầy cô.
Hơn một tháng qua, địa phương này phải hứng chịu sáu trận bão lũ liên tiếp, nước ngập sâu trong trường hơn 1 m, hàng ngàn HS phải nghỉ học một thời gian dài.
Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), cho biết mưa lũ kéo dài hơn một tháng nay cũng là thời gian trường bị ngập lụt. Lũ rút dần, thầy cô tranh thủ dọn dẹp để đón HS trở lại trường.
"Mọi năm nhà trường vẫn tổ chức kỷ niệm 20-11 và có mời một số giáo viên về hưu tới để họ thăm lại trường lớp, giao lưu cùng các thầy cô ở trường nhưng với tình hình này, khả năng... sẽ hẹn vào mùa sau" - cô Lan tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cũng cho biết: Bây giờ ở điểm Trường Cu Dong, hàng rào thì bị lũ cuốn, sân trường bị vỡ nham nhở, đồ chơi cho trẻ cũng sứt sẹo, hư hỏng.
Cũng theo bà Hà, năm nay nhà trường không có hoạt động gì về ngày 20-11. Trường và giáo viên tập trung cho việc khắc phục, việc gì tự làm được thì vận động phụ huynh cùng giáo viên làm. Ước mơ của ngày truyền thống nhà giáo năm nay của các giáo viên là trường không phải đóng cửa, HS được đến trường.
Ngày 20-11 của Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng được tổ chức khác những năm trước. Các thầy cô trong trường chỉ làm một bữa cơm nhỏ để mọi người ngồi lại tâm sự sau thời gian dài vất vả dọn dẹp trường lớp.
Cô Thúy Phụng, giáo viên nhà trường, tâm sự: "Ngày 20-11 năm ngoái, lúc về đến phòng thì tôi thấy một túi nylon đựng năm lon nếp để trên bàn và mấy củ khoai, sắn nằm dưới nhà. Tôi thấy nhiều em nhỏ còn hái hoa dại, những khóm hoa dã quỳ trên rừng về tặng các thầy cô. Cảm động và ấm lòng lắm. Còn năm nay chỉ cần thấy các con đi học đầy đủ là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi".
Thầy cô dọn dẹp cho ngôi trường ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang - (Thừa Thiên - Huế) bị tốc mái sau bão số 13. Ảnh: N.DO
Khắc phục hậu quả bão lũ, chạy đua tiến độ dạy học
Ông Đỗ Viết Đề, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), chỉ tay vào dãy phòng học chỉ còn bộ khung bằng bê tông nói: "Việc lợp lại mái nhà cần có kinh phí và có tay nghề, chứ nếu làm được thì giáo viên cũng leo lên đó làm rồi".
"Được sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng địa phương kèm với công sức của các thầy cô, nhà trường sẽ cố gắng khắc phục thiệt hại và tạo điều kiện để các em HS đến trường một cách nhanh nhất. Để kịp chương trình, trường dự định vừa tổ chức cho HS trở lại học vừa khắc phục hậu quả" - ông Đề nói.
Lo ngại hơn là sau mỗi trận bão lũ, nhiều HS nghèo tay trắng trở lại trường học bởi sách vở, bút mực đều bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Sau cơn bão số 13 vừa qua, 34 điểm trường hư hỏng, nhiều trường bị tốc mái khá nặng. Hiện đã có nhiều trường ở vùng lũ HS nghỉ học quá dài ngày, nhiều trường nghỉ hơn một tháng. Từ đó việc tổ chức dạy bù cho các em là hết sức khó khăn.
Chúng tôi không tiếp khách, không nhận hoa vào ngày 20-11 này nhưng lãnh đạo sở sẽ có những món quà gửi đến các cán bộ, giáo viên ở những nơi khó khăn.
Bà LÊ THỊ HƯƠNG, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị
Giúp thầy trò vùng lũ 'rũ bùn' đứng dậy Những trận mưa bão, sạt lở liên tiếp trong hơn một tháng qua đã khiến nhiều học sinh và giáo viên vùng lũ Quảng Trị phờ phạc. Nhiều giáo viên bị lũ cuốn hết tài sản. Nhiều học sinh không còn sách vở, áo quần vì bị lũ ngâm dài ngày. Nhiều trường học ở Quảng Trị ngập trong bùn đất sau lũ,...