Nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích
Tâm lý trẻ em rất nhạy cảm, giáo viên khoe nhưng cái sự khoe ở đây không khéo thành ra phản tác dụng, nó ảnh hưởng rất lớn lâu dài đến tâm lý của các em học sinh.
Nhiều chuyên gia đã phân tích về sự tổn thương tâm lý của lứa tuổi học sinh nhất là các em bậc Tiểu học, đây là lứa tuổi đang hình thành nhân cách.
Xã hội nhiều lần lên án việc chạy theo thành tích của ngành giáo dục cũng như cư xử thiếu tính giáo dục của một vài giáo viên.
Có nhiều quan điểm cho rằng những em học sinh chưa được điểm cao, chưa nhận giấy khen hàng năm thì cũng chưa hẳn nói lên được điều gì về tương lai của các em sau này.
Nhưng ngay thời điểm hiện tại cách khen ngợi trẻ không có tính sư phạm lại dễ làm trẻ bị tổn thương tâm lý, thậm chí nó ám ảnh theo em đó suốt những năm ngồi ghế nhà trường.
Cô Lê Thị Nếp: ” Giáo dục rất cần sự yêu thương”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Nếp – Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, chia sẻ:
“Cán bộ giáo viên trường chúng tôi thật sự không đồng tình, bất bình và cảm thấy ái ngại sau khi xem bức ảnh cả lớp giơ giấy khen nhưng một học sinh lại không có gì với nét mặt rất buồn.
Tâm lý trẻ em rất nhạy cảm, giáo viên khoe nhưng cái sự khoe ở đây không khéo thành ra phản tác dụng, sự không khéo đó nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của em học sinh đó.
Đừng nghĩ rằng các em chưa nhận thức được mà ngược lại các em hiểu rất rõ, các em được nhận giấy khen thì tâm trạng rất vui trong khi một mình em đó ngồi thu lu ở góc bàn thì quả là đáng thương và tủi thân.
Mình không thiếu gì cách khen và cũng không thiếu gì cách để khoe, nhưng với kiểu khoe như vậy thì với tư cách là giáo viên Tiểu học tôi hoàn toàn không tán thành. Bản thân người lớn cũng sẽ buồn nếu bị như vậy mà ở đây là là trẻ em.
Trong giáo dục đại trà hiện nay thì chúng ta đang lạm dụng giấy khen có thể nói là quá mức, khen quá nhiều và khen không đúng, khen không trúng, không thực chất.
Ngay lớp tôi đang dạy có 34 học sinh nhưng cuối năm vừa qua chỉ có 7 học sinh được xếp loại tiên tiến xuất sắc, có 8 em được đi dự thi Trạng nguyên qua mạng, Toán trên Internet…đã đạt giải và nhận giấy khen.
Vậy cả lớp có 15 em được nhận giấy khen trên tổng số 34 học sinh, tôi thấy việc khen ngợi các em như vậy rất trúng và thực chất, có thế thì học sinh mới tâm phục khẩu phục mặc dù những em học sinh còn lại không phải là học kém, cũng chỉ thua các bạn được bằng khen một khoảng cách rất ngắn”.
7 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được xếp loại tiên tiến xuất sắc trong năm học 2020 vừa qua trên sĩ số lớp 34 học sinh. Ảnh nhân vật cung cấp.
Theo cô Nếp: “Nói như vậy không phải chúng tôi tiết kiệm sự khen ngợi học sinh mà hàng ngày trong mỗi giờ lên lớp, trong mỗi hoạt động thì tôi vẫn khen học sinh bằng lời.
Với những năng lực, kỹ năng, phẩm chất… các con đã đạt được trong giờ học thì tôi khen ngay lập tức và tôi cũng không bao giờ tiết kiệm lời khen.
Nhưng đến cuối năm học để có một tờ giấy khen đúng nghĩa ghi nhận sự cố gắng chăm chỉ của học sinh, được phụ huynh tôn trọng và cảm thấy đúng, xứng đáng thì tờ giấy khen đó mới có ý nghĩa.
Chứ mình cứ phát giấy khen đại trà với số lượng quá nhiều như hiện nay thì tờ giấy khen đó không còn giá trị gì.
Cũng như chúng tôi, nếu một giáo viên đứng lên nhận bằng khen đại trà của cấp huyện, cấp tỉnh… thì chưa chắc đã được các đồng nghiệp tâm phục, mất đi ý nghĩa.
Một tờ giấy khen có ý nghĩa, được tôn vinh từ những việc mình đạt xuất sắc nhất và chỉ mình mình đạt được.
Video đang HOT
Còn nếu cứ phát giấy khen cho đủ bộ, rồi nhìn mặt phụ huynh để phát, nhìn ông nọ bà kia để nhận xét kết quả học tập thì tôi thấy hoàn toàn không được.
Trong các buổi họp phụ huynh của lớp tôi chủ nhiệm, tôi nói rõ khi dạy và đánh giá các em thì phụ huynh phải thông cảm rằng tôi sẽ đánh giá thực chất.
Không phải nhìn mặt các bậc phụ huynh để tôi đánh giá các em, còn khi đã đánh giá thì đó là kết quả đúng và trúng.
Xin phép các bậc phụ huynh đừng lấy việc đó để mà giận vì tôi không làm được những điều phụ huynh mong muốn, tôi thấy năng lực của các em thế nào thì tôi đánh giá như thế, không thiên vị hay chạy theo thành tích”.
Cô Nếp cho biết: “Trong trường tôi việc khen thưởng được quy đinh rõ ràng, bản thân Hiệu trưởng cũng rất tâm lý và nghiêm khắc.
Không bao giờ chúng tôi khen quá nhiều trong một tập thể lớp vì việc đó sẽ mất đi ý nghĩa, không mang lại hiệu quả cao trong giáo dục. Với những em có học lực yếu trong lớp, tôi sẽ chọn một điểm nổi bật gì đó của các em để mà khen ngợi trước lớp, có thể là về năng lực thể thao, vẽ đẹp, tin học hoặc đầu tóc gọn gàng…
Chả lẽ những em học sinh đó không thể có điểm gì đáng được khen hay sao? Với những em như vậy thì giáo viên phải bám vào một đặc điểm gì đó để khuyến khích các em cố gắng.
Mình sẽ khen từng mặt mạnh của em đó để làm sao cho em đỡ tủi thân trong một tập thể lớp, hơn nữa đó sẽ là động lực giúp em tiến bộ và cố gắng hơn trong học tập”.
8/34 em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình, được đi dự thi Trạng nguyên qua mạng, Toán trên Internet…đã đạt giải và nhận giấy khen. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Phụ huynh suy nghĩ gì?
Chị Ngọc Trâm, Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: “Theo tôi thì phụ huynh họ không thể tự vào lớp học để chụp những tấm ảnh như vậy, mà ở đây là có sự sắp đặt của giáo viên.
Tấm ảnh này thể hiện thành tích của giáo viên chứ không phải là mục đích để tuyên dương học sinh giỏi.
Mọi hành động của giáo viên trên lớp đều ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, làm sao để khi các con nhìn vào phải tự mình thấy cần phải cố gắng hơn, đấy mới là điều cần thiết chứ không phải để các con thấy tự ti, tủi thân.
Nếu tôi là mẹ cháu học sinh kia thì thực sự tôi thấy rất rất buồn và thương con vô cùng. Vẫn biết con mình có thể yếu mặt nào đó không được như giáo viên mong muốn nhưng cháu không đáng bị đối xử như thế, không hề có tính giáo dục trong một hoàn cảnh như vậy.
Tôi cũng trách cô giáo vì tại sao lại chụp tấm ảnh như đó? Trong khi cô quá rõ có một vài học sinh trong lớp không theo kịp các bạn về khả năng.
Nếu như sự việc cứ im lặng trôi qua thì không nói làm gì, đằng này còn đưa lên mạng xã hội và bàn tán thì thật sự hành động đó không thể nào chấp nhận được.
Thật xót xa khi thấy con mình trở nên lạc lõng giữa “rừng” giấy khen của cả lớp. Hình ảnh đó cho thấy sự phản cảm, phản giáo dục, thể hiện sự phô trương, thích hình thức.
Tôi nghĩ việc học ở đây ngoài kiến thức ra thì điều quan trọng nữa là học làm người, vậy nên con mình không được như các bạn thì mình vẫn phải dạy dỗ làm sao cho cháu tiến bộ.
Nay lại chụp con mình như vậy thì quá là xúc phạm danh dự một đứa trẻ và phụ huynh của cháu, cho dù giáo viên vô tình hay cố ý. Tôi thấy thương con mình nhiều hơn và cũng cảm thấy mất niềm tin vào giáo dục.
Có thể nghĩ hơi bi quan nhưng là tôi thì tôi sẽ chuyển trường cho cháu, cứ để cháu ở lại lớp đó thì chắc cháu cũng không học được sau sự việc chụp ảnh kia, rồi rất nhiều những bình luận, còn các bạn cháu nghĩ sao về việc này?”.
Cô Lê Thị Nếp và các em học sinh lớp 1C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đồng tình với những quan điểm trên khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Lê Thị Túy – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, chia sẻ quan điểm:
“Tổn thương hay chấn thương tâm lý của những đứa trẻ là quá rõ ràng, trẻ bị tổn thương là khi có sự bỏ rơi về mặt tâm lý, thiếu quan tâm.
Điều quan trọng nữa sẽ làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần cho em học sinh này là khi về nhà mà không có tờ giấy khen để khoe với bố mẹ.
Nếu những hành động kiểu như tặng giấy khen tràn lan, chụp ảnh kiểu này vẫn còn tiếp diễn thì trẻ sẽ có những thái độ tiêu cực, thiếu tự tin hoặc ngược lại sẽ trở nên lỳ lợm, chống đối.
Sang chấn tâm lý hay tổn thương về cảm xúc không hề đơn giản, trẻ con giàu cảm xúc nhưng cũng dễ bị tổn thương nếu như trẻ cảm thấy mình bị cô lập, tách biệt trong lớp học”.
Bà Túy nói: “Hiện nay tôi thấy lớp học gần như em nào cũng được nhận đủ loại giấy khen, như vậy là quá dễ dãi trong việc khen thưởng.
Chính điều này gây ra hiệu ứng ngược về tâm lý, nếu giấy khen là thứ dễ dàng đạt được thì nó không còn trở nên đáng quý trọng và sẽ không khiến cho các em học sinh nỗ lực phấn đấu để đạt được.
Bệnh thành tích có lẽ đã trở thành một vấn nạn, càng đáng suy ngẫm hơn khi các em học sinh được sống trong một nền giáo dục đang lấy những tờ giấy khen làm thành tích. Giáo dục mà đề cao giấy khen hình thức, bằng cấp, sẽ tạo ra những máy học vẹt”.
Bà Túy nhấn mạnh: “Thực tế xã hội đã cho thấy, việc tốt nghiệp đại học và những sinh viên có bằng cấp cao giờ đây không còn là hiếm.
Sinh viên ra trường đa số đạt bằng tốt, nhưng ngược lại thì tỉ lệ thất nghiệp vẫn khá cao vì các em thiếu kỹ năng thực tiễn, kỹ năng mềm?
Đó mới là điều quan trọng và đáng phải suy nghĩ một cách nghiêm túc, chứ không phải chỉ chạy theo những bệnh thành tích, những tờ giấy khen vô nghĩa”.
"Lạm phát" giấy khen tại các trường học: Đừng đổ lỗi cho sức ép từ phụ huynh!
"Một số ý kiến cho rằng, việc quá nhiều học sinh được giấy khen là do sức ép từ phụ huynh, điều này chưa chính xác. Nguyên nhân của việc này đến từ chính bệnh thành tích của giáo viên, lãnh đạo nhà trường...", ThS Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia) nhận định.
"Phổ cập" giấy khen, chuyện không mới
Vừa qua, hình ảnh một cậu bé "đơn độc" giữa các bạn trong lớp ai cũng được giấy khen. Ông có cảm nhận gì khi xem bức ảnh đó?
-Tôi chưa kiểm chứng được hình ảnh đó xuất hiện từ khi nào, nhưng khi xem hình ảnh đó tôi thấy buồn vì nó xảy ra trong bối cảnh Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã và đang thực thi chương trình giáo dục dựa trên năng lực của học sinh trên toàn quốc, đồng thời đã có khá nhiều văn bản và chỉ thị được ban hành nhằm xoá bỏ nền giáo dục chạy theo thành tích. Nó khiến tôi trăn trở nhiều và đang cố lý giải căn nguyên.
Bức ảnh gây "bão mạng" về trường hợp một nam sinh không được giấy khen trong lớp học. Ảnh: TL
Câu chuyện giấy khen ngày càng được cho là "lạm phát" tại các trường học, nhất là ở các thành phố lớn. Là do học sinh đã giỏi hơn?
-Tôi thích cụm từ "lạm phát giấy khen", bởi câu hỏi đặt ra, liệu chúng ta đang có một nền giáo dục vượt trội hay không khi mà học kỳ nào, năm học nào hầu hết học sinh đều đạt thành tích tốt. Nếu chúng ta có được một nền giáo dục mà học sinh "vượt trội" thế thì tại sao chúng ta vẫn là quốc gia đang phát triển? Đây là câu hỏi cần được trả lời.
Hệ lụy của việc học sinh đơn độc không được giấy khen trái ngược với các bạn vui mừng trong lớp học được giấy khen?
- Quay lại hình ảnh em học sinh đơn độc không được nhận giấy khen giữa cả lớp giơ cao thành tích của mình, tôi có cảm tưởng là đây có thể là một hình thức theo cách nghĩ của giáo viên đó là tạo động lực cho học sinh để cố gắng đạt được như các bạn. Nhưng nếu giáo viên đó nhìn nhận theo cách đó thì tôi xin thưa rằng đó là cách tạo động lực phi tâm lý giáo dục và phi giáo dục.
Hãy đặt chúng ta vào em đó xem, chúng ta sẻ cảm nhận như thế nào khi tất cả các bạn đều được tuyên dương còn mình thì không?. Chắc chắn là tự ti và thấy mình thật yếu kém, là kẻ thất bại. Và cảm giác đó theo thời gian sẽ lớn dần lên vì thiếu tự tin vì sợ thất bại, dẫn đến sẽ xảy ra tình trạng em học sinh đó đánh mất tương lai của mình.
Không thể đổ lỗi sức ép từ phụ huynh
Th.S Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh: NVCC
Như vậy, một bộ phận giáo viên không tinh tế hay đã bị "bệnh thành tích" gây áp lực dẫn đến "ban phát" giấy khen, phân biệt giữa các học sinh?
-Tôi cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là năng lực sư phạm của giáo viên, nhưng nếu nó xảy ra ở một vài trường hợp giáo viên ở một vài nơi thì chúng ta có thể tạm chấp nhận được. Đáng tiếc, đây không phải là hình ảnh đơn nhất mà đã xảy ra ở đa số các cấp học trên cả nước. Nếu Bộ GD&ĐT không có chủ trương đánh giá học sinh như vậy thì nguyên do từ đâu "bệnh thành tích" đó vẫn len lỏi ở nhiều trường học trên cả nước? Nếu các trường, các hiệu trưởng, các giáo viên không bị áp lực để lấy thành tích cho mình thì chắc chắn học sinh chúng ta không trở thành nạn nhân của căn bệnh này.
Có một số ý kiến cho rằng, ngoài áp lực thành tích từ nhà trường, chính phụ huynh cũng là một phần lý do khiến giấy khen ngày càng tăng lên?
-Ý kiến này chưa thật chính xác bởi một số giáo viên quay sang đổ lỗi phụ huynh. Họ cho rằng họ duy trì hình thức khen thưởng vậy để làm hài lòng phụ huynh. Nhưng đó chỉ là ngụy biện, bởi có một bộ phận giáo viên "bán điểm" cho phụ huynh qua những buổi học thêm, có đi học thêm với cô thì học trò mới có thể đạt điểm cao và đạt danh hiệu trong học tập. Nhưng tôi tin số phụ huynh và giáo viên này không nhiều.
Căn nguyên nhất cho hiện tượng khen thưởng vô tội vạ không gì khác ngoài áp lực thành tích của giáo viên, hiệu trưởng và nhà trường. Chúng ta đang xây dựng một nền giáo dục không phải vì sự phát triển tương lai của con em chúng ta, mà chúng ta đang tạo nên một nền giáo dục để phục vụ cho những mục đích của người lớn, đó là tham vọng của phụ huynh, thành tích của giáo viên và hiệu trưởng.
Bệnh thành tích trong giáo dục còn thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?
-"Bệnh thành tích" trong giáo dục nói chung là nằm ở chỗ chúng ta đã và đang thiết kế một hệ thống giáo dục chỉ hướng tới con đường đi theo học vấn đại học mà không chú trọng đến giáo dục nghề nghiệp. Tư tưởng "học để làm quan" vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của chúng ta. Vì thế chúng ta vẫn đang duy trì một hệ thống giáo dục THPT theo mô tuýp cũ cổ súy cho giáo dục học thuật chỉ phục vụ vào đại học mà xem nhẹ giáo dục nghề nghiệp. Sự tồn tại hàng loạt trường chuyên, lớp chọn là sản phẩm của nó.
Ở các quốc gia phát triển như: Đức, Singapore, Nhật... chương trình THPT được thiết kế theo hướng chuyên biệt theo từng lĩnh vực theo năng lực của mỗi học sinh. Họ có những trường trung học chuyên về kỹ thuật, kinh tế, các môn để các em theo con đường đại học, giảm tải các môn văn hóa vì nó không phục vụ gì cho nghề nghiệp các em sẽ làm.
Học giỏi và thành công chưa chắc song hành
Nhiều người đánh giá cao và mong muốn học sinh nào cũng giỏi, vậy đối với những học sinh trung bình liệu có thành công trong cuộc sống sau này?
-Nhiều ví dụ sống điển hình không chỉ trong nước mà còn trên thế giới mà nhắc đến không ai không biết về năng lực học của họ và thành công của họ. Như Steve Jobs, Bill Gates... không học hết đại học hoặc bỏ giữa chừng. Nhiều ngôi sao, doanh nhân thành công ở Việt Nam cũng chưa học hết đại học...
Nền giáo dục chúng ta khá nặng và khó hơn nên học sinh trung bình của Việt Nam có thể tương đương với khá của học sinh Úc. Tuy nhiên, ở Úc xã hội chưa bao giờ quan niệm rằng học sinh học giỏi sẽ thành công trong cuộc sống sau này. Với trường học, giáo dục đơn nhất theo hướng học thuật như Việt Nam, trong thực tế thì nhiều học sinh học rất giỏi nhưng lại thất bại trong cuộc sống thực tế. Trong khi đó, có những người chưa tốt nghiệp đại học, thậm chí học chỉ trung bình nhưng lại rất thành công trong lĩnh vực của mình.
Là người nghiên cứu về giáo dục tại Úc, ông cảm thấy có những điểm khác biệt nào giữa đánh giá, xếp loại học sinh giữa hai nước?
-Từ hiện tượng trên có thể thấy vấn đề đánh giá trong giáo dục của chúng ta có nhiều điều đáng bàn. So với các quốc gia khác như Úc chẳng hạn. Họ đánh giá năng lực học sinh dựa trên sự tiến bộ của học sinh đó chứ không phải dùng để so sánh với học sinh khác. Cách đánh giá cũng rất đa dạng chứ không nhất thiết là chỉ giấy khen.
Thường tất cả kết quả đánh giá - dù điểm số hay bất kỳ ở hình thức nào - đều gửi riêng cho học sinh đó và được luật giáo dục xem nó là quyền riêng tư của học sinh. Nếu muốn công khai phải xin ý kiến học sinh đó. Như vậy, có sự khác biệt lớn giữa hai nước và rõ ràng đó sẽ không được xem như là tiêu chí để đánh giá giáo viên có nhiều học sinh giỏi hay không.
Qua câu chuyện giấy khen, ông có kiến nghị đối với ngành giáo dục?
-Học để làm quan còn ăn sâu vào tiềm thức chúng ta. Để xóa bỏ, trước hết cần thay đổi lại tư duy nhận thức của xã hội, của các nhà quản lý giáo dục, của đội ngũ giáo viên trong việc giáo dục các em.
Hãy trả nền giáo dục về với đúng bản chất của nó là để đào tạo những cá nhân được phát triển một cách toàn diện đức, trí, thể, mỹ và các kỹ năng sống cũng như năng lực nghề để có thể thành người tự do và công dân có ích cho xã hội. Cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục, hướng nó phát triển theo đa dạng để có thể phát triển hết năng lực của mỗi học sinh, chứ không nên định hướng giáo dục học thuật như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Vừa qua, trước thông tin xuất hiện hình ảnh một nam sinh "lọt thỏm" trong lớp học giữa các bạn ai cũng được giấy khen, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu bức ảnh được chia sẻ trên mạng có thật, giáo viên làm sai hướng dẫn, quan điểm của bộ trong đánh giá học sinh. Đó là không được so sánh các học sinh với nhau. Hiện, Bộ GD&ĐT dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học. Hình thức khen thưởng trong dự thảo thông tư có nhiều điểm khác với hiện nay, trong đó không có sự so sánh giữa các học sinh.
Chuyện ai cũng được giấy khen và nhận định học giỏi chỉ làm thuê Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nêu quan điểm học giỏi chỉ làm thuê là góc nhìn phiến diện. Liên quan bức ảnh "cả lớp nhận giấy khen, chỉ mình em lẻ loi" được chia sử trên mạng, nhiều bình luận, quan điểm bày tỏ về câu chuyện thành tích trong giáo dục. Những ý...