Nên có thêm hội đồng thẩm định sách giáo khoa riêng cho giáo viên
Nên lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên trước khi phê duyệt sách giáo khoa (SGK) và nên thành lập một hội đồng thẩm định riêng cho giáo viên.
Cần sớm lấy ý kiến rộng rãi giáo viên trên diện rộng, đa dạng các tỉnh thành, vùng miền trước khi thẩm định SGK – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đây là những ý kiến chủ đạo của các giáo viên (GV) khi Bộ GD-ĐT bắt đầu tiến hành việc thẩm định và lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho năm học sau.
Một GV ngữ văn bậc THCS tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho rằng sách dành cho học sinh thì ý kiến nhận định của GV khá quan trọng. Phải có ý kiến của GV trước khi phê duyệt, có thể thực hiện trên mạng. Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định và tác giả nghiên cứu để chỉnh sửa cho phù hợp.
Tương tự, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần có 2 hội đồng thẩm định: một là chuyên gia, các nhà quản lý và hội đồng còn lại là các GV tiểu học.
Lấy ý kiến bằng cách cho GV tiếp cận với sách sớm, trên diện rộng, đa dạng các tỉnh thành, vùng miền. Các GV tự gửi ý kiến nhận định, nhận xét về SGK. Đây là khâu tạo kết quả tốt nhất vì chính GV, người trực tiếp giảng dạy biết vấn đề gì nên, vấn đề gì cần thiết cho cuốn SGK phù hợp với học sinh.
Bà Vũ Thu Hương cũng đặt câu hỏi tại sao hội đồng thẩm định cũ chưa hiệu quả dù 1/3 số thành viên là GV tiểu học. Bởi GV trong hội đồng đó có thể là nhân viên, học trò của các thành viên nên chưa đưa ra tiếng nói xác thực, bị thuyết phục bởi những lập luận chủ quan từ các chuyên gia.
Về vấn đề thực nghiệm SGK, nhiều ý kiến cho rằng những “bùng nhùng” xảy ra trong thời gian vừa qua vì không cho dạy thử nghiệm một cách đàng hoàng, đúng cách của thử nghiệm. Tiến sĩ Hương cho rằng các bộ sách được các nhóm tác giả tổ chức thực nghiệm là một hạn chế. Có thể nhóm tác giả chọn một số bài học có tính chất tiêu biểu, hay nhất để thực hiện.
Tiến sĩ Hương đề xuất bên cạnh để nhóm tác giả tổ chức thực nghiệm thì Bộ GD-ĐT cần tiến hành độc lập trên diện phổ quát, ở các vùng miền khác nhau. Ngoài ra, ít nhất mỗi bộ sách cần thử nghiệm 2/3 nội dung”.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng nếu các mẫu thực nghiệm không đủ lớn thì việc đánh giá không có giá trị. Thực nghiệm cần đảm bảo quy mô về địa lý và thời gian. Đặc biệt, đơn vị tổ chức và GV tham gia thực nghiệm cần thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Đồng thời, cần thành lập một hội đồng phản biện độc lập, tránh tình trạng chủ quan, rà soát trước khi phê duyệt, ban hành. Hội đồng thẩm định, ngoài trình độ, năng lực thì cần thể hiện trách nhiệm, quyết liệt trong việc đưa ra ý kiến. Các hội đồng phải độc lập, thành phần cơ cấu đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Thẩm định sách giáo khoa lớp 1 có "quên" ý kiến giáo viên tiểu học?
Quá trình thẩm định lại sách giáo khoa cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn, cần đi từ lý thuyết đến thực tiễn.
Trước những vấn đề gây tranh cãi về chương trình mới lớp 1, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đã nêu ra một số nguyên nhân, hạn chế tồn tại trong khâu triển khai chương trình mới trong năm học 2020 - 2021.
Video đang HOT
Không thực nghiệm sách giáo khoa mới là làm khó giáo viên, học sinh
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới được áp dụng đại trà đã gây ra nhiều sự cố đáng tiếc.
Cụ thể, chương trình mới nặng hơn, có cuốn sách giáo khoa xuất hiện những từ ngữ, nội dung chưa thực sự phù hợp.
Việc tăng từ 10 lên 12 tiết học đối với môn Tiếng Việt khiến chương trình quá tải.
Theo chương trình mới, mỗi tuần tăng 2 tiết Tiếng Việt đồng nghĩa với việc học sinh phải học số lượng âm nhiều hơn. Việc đẩy nhanh tiến độ học vần, học viết và đọc đã cho thấy gánh nặng, áp lực của chương trình mới đối với cả học sinh và giáo viên.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định tầm quan trọng của việc thẩm định lại sách giáo khoa lớp 1. (Ảnh: Tiến sĩ Hương cung cấp)
Tiến sĩ Hương phân tích: "Số tiết học tăng lên nhưng do không có thực nghiệm trước nên chúng ta không thể biết được rằng 12 tiết học đó có thực sự phù hợp với năng lực học sinh hay không? Liệu rằng các em có thể tiếp thu lượng kiến thức nhiều như vậy?
Hệ quả là khi triển khai thực hiện, hầu hết giáo viên phản ánh chương trình quá nặng, quá tải và gây khó khăn trong công tác giảng dạy".
Bên cạnh đó, sau hơn 1 tháng triển khai, có bộ sách giáo khoa đã bộc lộ những vấn đề khiến dư luận phản ứng gay gắt.
"Ngoài việc sử dụng những từ ngữ khó hiểu, không phù hợp thì việc phân bổ nội dung bài học trong sách cũng tồn tại nhiều hạn chế", Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định.
Để chứng minh, Tiến sĩ Hương nêu câu chuyện "Hai con ngựa" trong sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều.
Theo đó, câu chuyện này được chia làm 2 phần, cắt ngang nội dung và gây hiểu lầm về ý nghĩa câu chuyện.
Thêm vào đó, khả năng ghi nhớ của học sinh có hạn, các con khó có thể liên hệ nội dung từ bài hôm trước đến bài hôm sau. Chính vì vậy, những bài đọc dài chia làm 2 phần không phù hợp với năng lực của học sinh lớp 1.
"Rõ ràng, tất cả những vấn đề trên xảy ra là do chúng ta không có thời gian thực nghiệm một cách nghiêm túc đối với chương trình sách giáo khoa lớp 1.
Tôi cho rằng, thời gian thực nghiệm phải kéo dài từ 1 đến 2 năm. Nhưng trên thực tế, cả chương trình giáo dục phổ thông mới lại được thực nghiệm chỉ vỏn vẹn 1 tháng.
Nếu được thực nghiệm trước khi áp dụng, dù xảy ra sự cố, việc chỉnh sửa, khắc phục chắc chắn được thực hiện đơn giản, dễ dàng hơn và tránh được vấn đề tốn kém, lãng phí".
Ngoài vấn đề thực nghiệm sách giáo khoa, Tiến sĩ Vũ Thu Hương còn đặt ra câu hỏi đối với công tác tập huấn cho giáo viên khi triển khai chương trình mới.
Theo Tiến sĩ Hương, năm học 2019 - 2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian học online kéo dài đã gây nhiều áp lực đối với giáo viên, thời gian tập huấn cho chương trình mới cũng bị hạn chế.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan thì công tác tập huấn cũng chưa được thực hiện một cách chuẩn mực.
"Thời gian qua, có ý kiến cho rằng những khó khăn, bất cập trong dạy học lớp 1 là do giáo viên chưa nắm bắt được tinh thần của chương trình mới, chưa thực hiện tốt phương pháp dạy học.
Vậy, chúng ta lại phải đặt ra câu hỏi là công tác tập huấn cho giáo viên đã tốt chưa, đã đảm bảo chất lượng hay chưa?
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chương trình mới đã trao quyền chủ động cho giáo viên. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên đều lung túng, khó khăn trong khi dạy học. Rõ ràng, với một chương trình hoàn toàn mới như vậy, giáo viên rất cần những hướng dẫn cụ thể và thiết thực hơn", Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.
Thẩm định sách giáo khoa cần ghi nhận ý kiến của giáo viên tiểu học
Mục tiêu của chương trình mới là rèn luyện tốt phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, với những bất cập còn tồn tại của chương trình lớp 1 năm nay, mục tiêu này sẽ rất khó để đạt được.
Tiến sĩ Hương chia sẻ: "Nội dung sách giáo khoa gây nhiều tranh cãi, chương trình được đánh giá là quá tải. Phụ huynh lo lắng và thúc ép con học nhiều hơn, vì vậy không thể hình thành năng lực tự học cho trẻ.
Bản thân các em học sinh cũng bị áp lực bởi tiến độ chương trình. Giáo viên chạy theo chương trình, chạy theo sách giáo khoa nên khó có đủ thời gian để rèn luyện phẩm chất, phát triển năng lực cho học trò".
Thẩm định lại sách giáo khoa cần ghi nhận ý kiến đóng góp của giáo viên tiểu học. (Ảnh minh họa: Phạm Minh)
Chính vì vậy, Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định sự cần thiết đối với việc điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa cũng như thẩm định, rà soát lại nội dung sách giáo khoa lớp 1.
"Những nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa mới cần được chỉnh sửa lại. Việc phổ biến lại nội dung đã chỉnh sửa đến với giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng cần được quan tâm, chú trọng.
Bên cạnh đó, quá trình thẩm định lại sách giáo khoa cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn, cần đi từ lý thuyết đến thực tiễn.
Những người tham gia thẩm định không chỉ có đội ngũ chuyên gia mà còn phải triển khai rộng rãi đối với giáo viên tiểu học các vùng miền khắp cả nước", Tiến sĩ Hương chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giáo viên Tiểu học là người trực tiếp giảng dạy, trực tiếp làm việc với sách giáo khoa nên việc ghi nhận ý kiến của giáo viên là vô cùng quan trọng.
Giáo viên tham gia vào hội đồng thẩm định sách giáo khoa có thể thực hiện ngay tại địa phương. Họ sẽ viết nhận xét, ý kiến đóng góp và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, việc thẩm định lại sách giáo khoa sẽ hiệu quả mà không gây tốn kém.
Bàn về giải pháp gỡ rối cho chương trình mới lớp 1 năm nay, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định:
"Cần giảm tiết học, không dạy học theo kiểu dồn ép với tiến độ quá nhanh, không nên gây sức ép quá lớn đối với học sinh lớp 1.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp cởi trói cho giáo viên trong công tác giảng dạy".
Theo Tiến sĩ Hương, dù nói rằng theo chương trình mới, giáo viên có thể linh hoạt tổ chức dạy học theo điều kiện và năng lực học sinh. Tuy nhiên, thực tế cơ quan quản lý trực tiếp giáo viên như tổ bộ môn, hiệu trưởng luôn đặt ra yêu cầu cụ thể theo quy định.
Do đó, giáo viên phải được quyền chọn sách và dạy học linh hoạt theo năng lực học sinh mà không bị áp đặt theo những quy định cứng nhắc, xa rời thực tế như hiện nay.
Cần chặt chẽ hơn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa Bộ GD&ĐT đã đưa ra một quy trình chặt chẽ về biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa (SGK) rất chặt chẽ. Tuy nhiên, lỗi "sạn" trong SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều thì cần phải điều chỉnh lại. Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều đã có nhiều "sạn" khiến dư luận ồn ào, Bộ GD&ĐT đã...