Nên có thêm chi phí hỗ trợ đi lại đối với thầy cô đi học bồi dưỡng
Có thầy cô kiến nghị, cần tạo điều kiện về mặt thời gian và có thêm chi phí hỗ trợ đi lại để thầy cô yên tâm học tập, nâng cao năng lực chuyên môn.
Hiện hầu hết các địa phương trên cả nước đã hoặc đang tiến hành kiểm tra giữa học kỳ 1. Năm nay, khối học sinh lớp 6-7 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có một số môn học tích hợp mới: Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lý, Sinh học và Hóa học).
Tùy theo tình hình thực tế đội ngũ giáo viên ở từng trường, các môn học tích hợp sẽ được phân công cho 1 người giảng dạy, hoặc 2-3 giáo viên cùng đảm nhận một môn học. Vì vậy, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành tìm hiểu tình hình thực tế ở môn số địa phương để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá các môn học mới này.
Học sinh vùng khó “đuối” trước yêu cầu kiến thức của Chương trình mới
Tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc (tỉnh Phú Yên), do đội ngũ giáo viên hiện có chưa được đào tạo dạy liên môn, vì vậy với các môn học tích hợp, nhà trường vẫn bố trí 2 giáo viên cùng giảng dạy: môn Lịch sử và Địa lý 2 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên 2 giáo viên (trong đó, 1 giáo viên đảm nhận dạy phân môn Vật lý, Hóa học, 1 giáo viên dạy phân môn Sinh học).
Cô trò trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Website nhà trường
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Sỹ – Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bá Ngọc cho biết hiện nay trường đã tiến hành xong việc kiểm tra, đánh giá học sinh giữa học kỳ 1.
Qua đánh giá, thầy Sỹ mức độ học sinh tiếp cận với chương trình mới chỉ đạt ở mức trung bình, lý do là đặc thù học sinh của trường thuộc vùng miền núi, năng lực của các em có phần hạn chế hơn so với học sinh ở khu vực miền xuôi, các thành phố lớn. Mặt khác, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới nhìn chung phần kiến thức khá nặng, đối chiếu với năng lực học sinh của địa phương cũng là một trở ngại trong quá trình tiếp cận.
Nắm được những khó khăn hiện tại của nhà trường, từ đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học của chương trình mới, thiếu trang thiết bị dạy học,… ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
“Đầu năm học mới, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt, xây dựng kế hoạch giảng dạy môn học, rồi phân công giảng dạy,… Ngoài ra, hàng tháng nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên đề, góp ý xây dựng giảng dạy để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình dạy học,…”, thầy Sỹ cho hay.
Video đang HOT
Việc xây dựng đề thi nhằm kiểm tra, đánh giá học sinh được thiết kế căn cứ theo phân phối chương trình dạy học. Trao đổi thêm với phóng viên, thầy Phan Cao Trạng – Tổ trưởng tổ chuyên môn Lý-Hóa-Sinh cho biết, hiện với môn Khoa học tự nhiên, thầy Trạng đảm nhận dạy phân môn Vật lý và Hóa học do trước đây thầy được đào tạo 2 môn này, phân môn Sinh học do một giáo viên khác trong tổ nữa đảm nhận.
“Đề thi được xây dựng bám sát với phân phối chương trình môn học. Ví dụ, ở học kỳ 1, môn Sinh học chiếm 50%, môn Vật lý và Hóa học mỗi môn chiếm 25% cấu trúc đề thi. Sang học kỳ 2, môn Vật lý chiếm 50%, hai môn còn lại là Sinh học và Hóa học chiếm 25%”, thầy Trạng chia sẻ.
Trước khi xây dựng đề kiểm tra giữa kỳ 1 môn Khoa học tự nhiên, hai thầy cô giáo đảm nhận dạy sẽ họp và thảo luận, thống nhất cấu trúc đề thi. Mỗi thầy cô giáo sẽ đảm nhận ra đề thi môn học mình dạy, và thầy Trạng, với vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ là người phụ trách tổng hợp và chốt lại đề thi.
Tương tự, khi chấm bài, hai thầy cô sẽ đảm nhận chấm riêng phần kiến thức phân môn của mình, sau đó ghép lại và tính điểm tổng kết chung của cả bài Khoa học tự nhiên.
Theo thầy Trạng, vì đặc điểm học sinh vùng miền núi, năng lực các em còn hạn chế, do vậy các câu hỏi đưa ra chủ yếu ở mức tìm hiểu, nhận biết nhiều hơn vận dụng.
Thầy Phan Quốc Hưng đánh giá: “Điểm kiểm tra của các em rất thấp, không hình thành được cái phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của môn học mới”. Ảnh: Website trường Trung học cơ sở Cần Đăng
Trình độ học sinh còn hạn chế cũng là trở ngại lớn cho các thầy cô khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Phan Quốc Hưng – Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử-Địa trường Trung học cơ sở Cần Đăng (tỉnh An Giang) cũng thừa nhận khó khăn khi năng lực học sinh chưa đảm bảo đáp ứng theo học chương trình của sách mới.
Vị tổ trưởng tổ chuyên môn chia sẻ: “Các em học sinh nếu chăm chỉ thì tiếp thu rất nhanh. Tuy nhiên, đặc thù học sinh trường tôi đa số là con em vùng nông thôn, bố mẹ đều đi làm thuê ở thành phố hết. Vì vậy, tính tự giác học tập của học sinh không cao. Chưa kể, rất nhiều em học sinh có tư tưởng đi học cho vui, hết cấp 2 các em sẽ nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp gia đình.
Do vậy, tình trạng chung ở các lớp học là khoảng 50% học sinh trong lớp có lực học dưới mức yêu cầu của mục tiêu chương trình đề ra”.
Đánh giá kết quả kiểm tra giữa học kỳ 1 vừa qua, thầy Hưng lắc đầu: “Điểm kiểm tra của các em rất thấp, không hình thành được cái phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của môn học mới. Chương trình mới này nội dung hay hơn so với sách cũ, tuy nhiên với học sinh khu vực nông thôn, tôi cho rằng kiến thức khá nặng và học sinh rất khó tiếp cận và lĩnh hội được hết các kiến thức người viết sách mong muốn”.
Đề xuất có thêm sách hướng dẫn dành riêng cho học sinh miền núi
Trước những khó khăn như vậy, thầy Phan Cao Trạng bày tỏ mong muốn sớm có các lớp học bồi dưỡng, giảng dạy giúp giáo viên có đủ điều kiện đảm nhận dạy các môn học tích hợp, nhằm hạn chế khó khăn khi cùng 1 môn học mà có 2 giáo viên dạy.
Giáo viên vùng miền núi gặp khó khăn khi thường phải di chuyển xa xôi để tới các địa điểm tập huấn, chưa kể, phải lo công việc giảng dạy ở trường, vừa chăm lo việc nhà. Do vậy, thầy Trạng nêu kiến nghị:
“Giáo viên sẵn sàng đi học bồi dưỡng thêm để có đủ điều kiện giảng dạy theo yêu cầu chương trình mới. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng để các thầy cô tích cực tham gia, cần tạo điều kiện về mặt thời gian và có thêm chi phí hỗ trợ đi lại để thầy cô yên tâm học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường”.
Ngoài ra, với tình hình chung hiện nay, rất nhiều thầy cô giáo ở các trường vùng miền núi cho rằng chương trình mới có nội dung kiến thức còn nặng so với học sinh vùng khó, do vậy, các thầy cô đề xuất cần có thêm tài liệu bổ trợ để giảng dạy thêm cho học sinh miền núi, tránh quá trình “đuối” kiến thức kéo dài, gây phân hóa sâu sắc năng lực học sinh giữa các vùng miền.
“Tôi rất mong Bộ Giáo dục sớm có kế hoạch xây dựng, ban hành sách hướng dẫn dành cho học sinh vùng miền núi khó khăn, cụ thể nội dung kiến thức cần đơn giản và dễ hiểu hơn để giúp học sinh đặc thù nơi đây dễ tiếp thu kiến thức”, thầy Trạng nói.
Ngoài ra, thầy Phan Quốc Hưng cũng đặt thêm vấn đề về sự quan tâm, phối hợp giáo dục con em của phụ huynh, đặc biệt ở khu vực nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn nhằm định hướng, khuyến khích học sinh có mục tiêu kiên định trong học tập, khám phá tri thức. Chỉ có học tập mới thay đổi được số phận.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018: 'Sốc' về điểm đánh giá giữa kỳ
Thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kiểm tra đánh giá giữa học kỳ I năm học 2022-2023.
Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh, học sinh khối 10 băn khoăn nhất là điểm học hằng ngày và điểm bài kiểm tra giữa kỳ ở một số môn học rất thấp.
Giờ học môn Vật lý của lớp 10A7, Trường THPT Lương Ngọc Quyến.
Năm học 2022-2023, cấp THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Theo đó, cùng với sách giáo khoa mới, phương pháp dạy, kiểm tra của HS có nhiều thay đổi.
Với Trường THPT Lương Ngọc Quyến, năm học này, Nhà trường có 15 lớp khối 10 với trên 700 HS. Trong đó có 10 lớp Ban Khoa học tự nhiên, 5 lớp Ban Khoa học xã hội. Khi chuyển từ chương trình cũ sang chương trình giáo dục mới, các em HS gặp không ít khó khăn về cách thức học và làm bài kiểm tra.
Em Mạc Phương Diệp, lớp 10A11, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, cho biết: Lớp em có 46 bạn thuộc Ban Khoa học xã hội. Đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, nhiều bạn nhận điểm số các môn học rất thấp. Có đến 1/2 lớp nhận điểm kiểm tra môn Vật lý dưới trung bình, chủ yếu điểm 3, điểm 4. Ngoài nguyên nhân do chúng em học trọng tâm các môn khoa học xã hội, thì chương trình lớp 10 mới có nhiều bộ môn không có tài liệu, sách tham khảo như chương trình cũ. Cách thức kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi. Ví dụ như môn Ngữ văn, trước đây bài kiểm tra tự luận là một bài văn viết 2-3 trang giấy, nhưng giờ chỉ là 1 câu tự luận viết 300-400 chữ, còn lại là câu hỏi trắc nghiệm...
Còn theo em Lê Đắc Hiếu, lớp 10A1, HS Ban khoa học tự nhiên Trường THPT Đại Từ: Chương trình mới đề cao sự chủ động của HS. Những bạn nhận điểm thấp qua kiểm tra, đánh giá có thể là do chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp. Nhiều bạn đã quen với cách học, làm bài của chương trình cũ là thụ động, giáo viên truyền tải gì thì ghi chép lại và làm bài thi theo cách được hướng dẫn. Còn chương trình mới đòi hỏi chúng em phải mở rộng tìm hiểu và áp dụng nhiều kiến thức thực tế vào bài làm.
Theo các giáo viên giảng dạy khối lớp 10 năm học này, trong chương trình mới có nhiều ưu điểm. Ngoài mục tiêu về kiến thức đã có sự chú trọng hơn đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Cô giáo Lê Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Đại Từ, nhận định: Đối với môn Ngữ văn, HS phát huy được 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cách thức kiểm tra, đánh giá cũng có điểm mới đó là tác phẩm ngoài sách giáo khoa (mở rộng). Vì thế nếu em nào chủ động khai thác các nguồn học liệu tốt thì bài kiểm tra sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, cái khó là trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu của HS không đồng đều, nên điểm số có sự chênh lệch rõ rệt.
Còn cô giáo Bùi Thị Minh Hảo, Tổ Ngữ văn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho rằng: Với chương trình mới, ngoài lượng kiến thức dài thì giáo viên tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm tài liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết. Qua đó nhằm đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Điều này gây ra khó khăn đối với các em HS lớp 10, do đã quá quen thuộc với cách học cũ trong suốt hai cấp học trước.
Đối với các bộ môn khoa học tự nhiên, thầy giáo Bùi Tiến Tùng, dạy môn Hóa học tại Trường THPT Đại Từ cho hay: Mỗi môn học sẽ phát huy từng năng lực, phẩm chất của từng HS. Môn Hóa học phát triển năng lực tư duy, thực hành, tính toán. Ưu điểm nữa là giáo viên có thể tham khảo được học liệu dạy học rộng hơn. Người dạy phải có sự đầu tư, thay đổi về phương pháp, còn người học chuyển từ trạng thái thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động. Một trong những điểm mới đáng chú ý ở môn Hóa học theo chương trình mới là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất... được đọc bằng tiếng Anh thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây. Điều này cũng khiến HS gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu tiếp cận chương trình học.
Đồng quan điểm với thầy Tùng, thầy giáo Phạm Văn Sơn, dạy môn Vật lý, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, chia sẻ: Đối với khối khoa học tự nhiên, mặt bằng chung về điểm số so với năm trước có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, các em ban khoa học xã hội điểm số thấp là do tư duy về môn khoa học tự nhiên chưa nhanh, chưa kể một số em cũng chưa thực sự chú trọng đến môn học này. Do HS chưa quen với cách thức học mới và cách kiểm tra đánh giá 70% trắc nghiệm, 30% về tư duy, cách trình bày, các thầy cô trong tổ chuyên môn thống nhất giảm tốc độ dạy, dành nhiều thời gian ôn tập cho các em.
Theo nhận định của nhiều giáo viên, nếu trước đây, các bài kiểm tra thiên về đánh giá kiến thức, thì trong chương trình mới sẽ linh hoạt hơn về hình thức và tiêu chí đánh giá học sinh. Bước vào chương trình mới, khó khăn, bỡ ngỡ là khó tránh khỏi, nhưng theo đánh giá của đa số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, chỉ sau học kỳ I của năm học này, HS sẽ thích ứng với cách học, kiểm tra đánh giá mới.
TP.HCM: Không có Tài liệu GD địa phương lớp 10, chưa dạy, kiểm tra kỳ 1 kiểu gì? Sắp hết học kỳ 1 vẫn nhưng chưa có bộ tài liệu Giáo dục địa phương. Đến nay, Trường THPT Nguyễn Du chưa thể tổ chức dạy nội dung này đối với lớp 10. Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai với lớp 10. Thầy và trò các trường trung học phổ thông đang...