Nắng nóng miền Bắc: Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ
Bệnh nhân cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều thanh niên.
Đợt nắng nóng đầu tiên những ngày qua tại miền Bắc, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị sốc nhiệt, trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 20%.
Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do nắng nóng. (Ảnh minh hoạ)
Bệnh nhân cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều thanh niên. Đáng chú ý là do nắng nóng, 1 bác sĩ trẻ ở Hà Nội bị đột quỵ và nhanh chóng rơi vào hôn mê khi đang đá bóng. Bệnh nhân được kết luận là phình, vỡ mạch não.
Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân nhập viện cấp cứu đang tăng. Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, di chuyển một quãng đường dài khi trời nắng nóng thì cố gắng tránh thời điểm từ 12 giờ trưa đến 16 giờ, uống đủ nước và phải che chắn khi ra ngoài nắng…”
Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ này chỉ chiếm gần 10%. Bác sĩ Đào Việt Phương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2″.
Bác sĩ Đào Việt Phương nói: “Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch. Nếu dự phòng các yếu tố vừa nêu để hạn đột quỵ thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc đều đặn. Nhiều người bỏ thuốc đã bị đột quỵ lần 2, với mức độ nặng tăng lên”.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu giữ dội. Tiếp đó cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống viên an cung nhằm tránh nghẹt đường thở./.
Video đang HOT
Theo VOV
Những bệnh trẻ rất dễ mắc phải khi trời nắng nóng
Mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trẻ em dễ bị mắc các bệnh về hô hấp bởi sốt cao co giật và tiêu chảy cấp do sức đề kháng còn yếu và chưa có ý thức bảo vệ bản thân.
Bệnh về đường hô hấp
Khi trời nắng nóng trẻ thường bị sốt viêm họng, viêm phế quản, viêm đường hô hấp nhiều hơn sốt virus. Nguyên nhân là thói quen dùng điều hòa của bố mẹ. Khi nắng nóng, mọi người thường có thói quen bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp. Lúc đó nhiệt độ ở trong phòng lạnh nhưng bên ngoài lại quá nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong phòng và ngoài trời sẽ làm cơ thể không thích ứng kịp khi từ trong phòng ra ngoài hoặc ngược lại.
Tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp
Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh khi mùa nắng nóng.
Ngộ độc thức ăn
Thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo qui trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.
Nhiễm siêu vi
Trẻ bị bệnh vào mùa nóng đa số là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Đó là những loại virus gây bệnh như siêu vi hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, tiêu chảy hoặc ói cấp tính. Ngoài ra có nhiều loại siêu vi gây bệnh thành dịch như cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ.
Người mắc bệnh có thể lây lan do tiếp xúc với dịch tiết, dịch bắn ra từ hắt hơi, ho sổ mũi, nhanh chóng lan truyền nếu ở chỗ đông người như ở chợ, trường học.
Nhiều loại siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể biến chứng sinh một số bệnh khác nhau (viêm hầu, họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa...).
Viêm não nhật bản B, viêm màng não ở trẻ em: Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em mùa nắng nóng thường tăng cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao. Bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường.
Bệnh nguy hiểm thật sự nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ...Nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Sốt xuất huyết
Thường kéo dài từ mùa mưa sang mùa nắng nóng. Sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm để tránh biến chứng.
Bảo Ly
Theo baonhandao
Nắng nóng trên cả nước, hàng chục bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - cho biết thời tiết nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ. Những ngày qua, nắng nóng xuất hiện ở hầu hết vùng trên cả nước. Trong đó, nhiều nơi nắng nóng rất gay gắt, nhiệt độ cao nhất lên đến...