Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, phải có ưu tiên
Giáo viên mầm non có nhiều đặc thù so với các bậc học khác: thời gian làm việc gần như là 10 giờ/ 1 ngày, không được phụ cấp, lương thấp, áp lực lớn…
Chính phủ vừa có Dự thảo: Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang trong thời gian lấy ý kiến đóng góp (dự kiến có hiệu lực thi hành trong năm 2020).
Dự thảo được thực hiện trong hai giai đoạn (từ năm 2020-2030). Đối tượng giáo viên thực hiện nâng chuẩn trình độ bao gồm:
Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.
Về thời gian đào tạo: Từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.
Dẫu biết dự thảo có nhiều ưu điểm nhằm từng bước nâng cao chất lượng của giáo viên. Bên cạnh đó việc thực hiện đào tạo cũng hoàn toàn miễn phí.
Sau khi nâng chuẩn trình độ, lương khởi điểm của giáo viên mầm non cũng sẽ nâng lên tương ứng với chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm.
Tuy nhiên trước thông tin này nhiều giáo viên mầm non không khỏi cảm thấy hoang mang, áp lực. Lý do là bởi ngành mầm non là một ngành đặc thù so với các cấp bậc khác như Tiểu học, Trung học cơ sở…
Nghề giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là dạy trẻ kiến thức mà còn là người giữ trẻ, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của học sinh. Bên cạnh đó thời gian làm việc của một giáo viên mầm non cũng dao động từ 6-10 tiếng/ ngày.
Công việc này chịu nhiều áp lực từ học sinh, phụ huynh, nhà trường. Ngoài ra mức lương hiện tại của giáo viên mầm non khá thấp dẫn đến hiện tượng nhiều thầy cô bỏ nghề.
Vì thế nếu không có những cơ chế ưu tiên, cơ chế đặc thù mà áp dụng nâng chuẩn như những cấp bậc khác sẽ dẫn đến hiện tượng giáo viên bỏ nghề.
Trước những thông tin này, phóng viên đã có cuộc khảo sát với nhiều giáo viên mầm non để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.
Nên coi nghề giáo viên mầm non là nghành đặc thù so với các cấp bậc khác vì tính chất công việc (Ảnh:V.N)
Cô giáo Vũ Hồng Mến, giáo viên mầm non thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tâm tư:
“Nếu thực hiện nâng chuẩn thì tôi cũng là một trong những đối tượng giáo viên phải nâng chuẩn.
Điều chúng tôi cảm thấy lo lắng nhất là với thời gian khoảng 2 năm để hoàn thành chương trình học sẽ khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng lên đáng kể.
Khác với giáo viên Tiểu học, Trung học…Một ngày, một tuần họ còn có tiết nghỉ, ngày nghỉ.
Nhưng đối với giáo viên mầm non chúng tôi ngày nào cũng phải làm việc khoảng 10 tiếng đồng hồ. Cho nên chắc chắn khi học nâng chuẩn giáo viên sẽ chịu nhiều áp lực”.
Cũng theo cô Hồng Mến: Giáo viên mầm non cũng rất băn khoăn nếu thực hiện nâng chuẩn thì lương của họ có được tăng lên không?
Cô Mến nói: “Tôi cũng mong rằng khi nâng chuẩn trình độ của giáo viên thì lương giáo viên mầm non cũng tăng theo. Thực tế hiện nay lương giáo viên mầm non thấp nhất trong các cấp bậc.
Chúng tôi cũng không có phụ cấp gì thêm, không có thu nhập từ bên ngoài. Vì mỗi ngày làm 10 tiếng, về đến nhà còn gia đình, con cái”.
Đồng nghiệp của cô Mến – cô Nguyễn Thị Thủy nói đùa: “Nếu yêu cầu bằng cấp cao thì tôi đã không chọn ngành mầm non”.
Cần có các chính sách ưu tiên cho giáo viên mầm non đặc biệt là tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa (Ảnh:V.N)
Cô Thủy giãi bày: “Thực tế lương giáo viên mầm non khá thấp. Lợi thế của giáo viên mầm non là đang thiếu biên chế và yêu cầu bằng cấp không cao. Tôi sợ rằng nếu phải nâng chuẩn lên Cao đẳng mà lương không tăng nhiều người sẽ bỏ nghề”.
Video đang HOT
Những trăn trở của cô Mến, cô Thủy không phải là không có lý do. Như đã phân tích ở trên, ngành mầm non là một ngành đặc thù.
Những người trong ngành hiểu rằng: Bên cạnh yếu tố bằng cấp, chuyên môn thì người giáo viên mầm non cần nhiều hơn thế.
Người giáo viên mầm non phải làm rất nhiều công việc không tên và phải có nhiều phẩm chất như tình yêu nghề, yêu con trẻ, tính kiên nhẫn…
Khác với giáo viên Tiểu học hoặc các cấp bậc khác. Người giáo viên có thể hết tiết là về dành thời gian cho cô giáo khác, môn học khác.
Người giáo viên mầm non gắn bó với trẻ cả ngày làm những công việc chuyên môn và những việc không tên.
Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay:
“Việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên điều mà tôi trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp hay bằng cao đẳng.
Tôi được biết mỗi một lần tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, địa phương phải bố trí lớp học, mời giảng viên trường đại học về giảng dạy.
Vấn đề là có những giáo viên đã biên chế bao năm vẫn phải đi học và việc học cũng chỉ “qua loa” để lấy cái bằng.
Có lẽ chúng ta nên nhìn rộng hơn là giáo viên ở trình độ trung cấp, tất nhiên đầu vào “rất thấp” vậy, sau khi nâng chuẩn thì trình độ thì cũng không hơn được là bao.
Vậy tôi đề xuất trước tiên hãy xóa sổ việc đào tạo trung cấp, nâng cao hơn nữa đầu vào sư phạm với các trường trọng điểm. Chỉ có như thế trình độ của các thầy cô mới nâng cao được”.
Bên cạnh chuyên môn điều cần nhất đối với giáo viên mầm non là tình yêu nghề, yêu con trẻ (Ảnh:V.N)
Yêu cầu có những chính sách ưu tiên và cơ chế nâng chuẩn đặc thù dành riêng cho ngành mầm non đã được nhiều chuyên gia và các đại biểu Quốc hội chỉ ra.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) băn khoăn: Theo định mức quy định số giáo viên mầm non còn thiếu tính đến cuối năm 2018 là trên 43.000 người, chiếm đến gần 60% trong số giáo viên cả nước còn thiếu sau khi đã được giao biên chế để tuyển dụng.
Nếu quy định không cho phép tuyển mới giáo viên mầm non ở trình độ trung cấp sư phạm sẽ gây khó khăn cho các địa phương còn đang thiếu giáo viên một cách cục bộ.
Theo thống kê cả nước hiện nay đang thiếu khoảng 43.000 giáo viên mầm non. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý vấn đề này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục…Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về vào lúc chiều muộn, đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động do đó để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.
Nên có các chính sách ưu tiên dành cho giáo viên mầm non để thầy cô yên tâm công tác (Ảnh:V.N)
Việc các địa phương đang đau đầu tìm cách giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non.
Trong khi đó việc nâng chuẩn trình độ giáo viên không có những ưu tiên và không công nhận ngành mầm non là một ngành đặc thù xem ra có vẻ là một nghịch lý.
Cô giáo Vũ Hồng Mến đề xuất: “Cần có những ưu tiên cho giáo viên mầm non. Chẳng hạn như rút ngắn thời gian đào tạo, giảm tải áp lực cho giáo viên tại trường học. Bên cạnh đó Bộ có thể giao cho các địa phương tuyển dụng đủ giáo viên mầm non.
Sau đó tùy từng điều kiện thực tế địa phương sẽ quyết định có nâng chuẩn cho giáo viên hay không. Việc nâng chuẩn nên thực hiện tại địa phương tránh làm mất thời gian và công sức của giáo viên.
Và quan trọng phải có những chế độ đãi ngộ tương xứng dành cho giáo viên mầm non”.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Giáo viên mầm non nhiều ưu tiên nhưng vì sao vẫn thiếu?
Hiện cả nước vẫn còn thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non. Trong khi đó nếu thực hiện nâng chuẩn, tăng tuổi hưu liệu giáo viên mầm non có còn mặn mà với nghề?
Giáo viên mầm non - nhiều ưu tiên nhưng vì sao vẫn thiếu?
Ngày 31/23/2019, tại "Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục chương trình làm việc", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đã phối hợp Bộ Nội vụ rà soát đề xuất và Chính phủ đã phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm: Hiện nay trên cả nước thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non, đề nghị lãnh đạo các địa phương tuyển dụng đủ số giáo viên này theo lộ trình, đặc biệt là trong số biên chế giáo viên giao cho các địa phương.
Con số 43.700 giáo viên mầm non đang thiếu giảm khoảng 5.300 giáo viên so với Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019 (báo cáo nêu cả nước thiếu khoảng 49.000 giáo viên mầm non).
Như vậy trong năm học này mới chỉ giải quyết được 5.300 chỉ tiêu giáo viên mầm non.
Trên cả nước vẫn còn thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non.
Mặc dù giáo viên mầm non được hưởng rất nhiều ưu tiên về tuyển dụng nhưng vì sao nhiều người vẫn không mặn mà với công việc này?
Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), trong khi giáo viên hợp đồng khối Tiểu học, Trung học cơ sở mòn mỏi chờ đợi xét đặc cách thì từ năm 2012, hầu hết giáo viên mầm non trong huyện đã được xét đặc cách, vào biên chế.
Cô N.T.H, giáo viên mầm non huyện Đông Anh cho biết: "So với khối Tiểu học và Trung học cơ sở thì giáo viên mầm non được hưởng nhiều ưu tiên tuyển dụng hơn.
Chẳng hạn từ năm 2012, chúng tôi đã được xét đặc cách vào biên chế. Năm đó cũng là năm đầu tiên xét đặc cách và cũng chỉ có khối mầm non được xét đặc cách.
Tuy vậy nhiều anh chị em vẫn không mặn mà theo đuổi nghề giáo viên mầm non".
Nhiều nơi đang thiếu giáo viên mầm non (Ảnh:V.N)
Không chỉ huyện Đông Anh, hầu hết các Quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, giáo viên mầm non cũng được ưu tiên cơ chế tuyển dụng hơn so với các khối khác.
Cô giáo N.T.T, giáo viên thị xã Sơn Tây nói: "Khối mầm non đã được xét đặc cách hoặc ưu tiên tuyển dụng. Trong khi đó khối Tiểu học và Trung học cơ sở thì lại không được hưởng điều này. Tuy nhiên dù đặc cách nhiều nhưng chỉ tiêu giáo viên mầm non vẫn thiếu".
Không chỉ riêng tại thành phố Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng có những cơ chế ưu tiên tuyển dụng cho giáo viên mầm non.
Theo đó hai Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ xem xét và bổ sung 26.726 giáo viên mầm non cho 17 địa phương và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đứng dưới góc độ của người trong cuộc, nhiều giáo viên lý giải vì sao khối mầm non lại không mặn mà đối với người học.
Trong đó các lý do được đưa ra như sau: Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường dài, áp lực công việc lớn cho nên một số địa phương có tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc.
Áp lực cao, thu nhập thấp, nhiều giáo viên mầm non đã chọn cách bỏ nghề (Ảnh:V.N)
Cô Nguyễn Thị Minh Thoa, hiệu trưởng Trường mầm non Tả Ngài Chồ chia sẻ:
"Tại các trường mầm non và đặc biệt là trường mầm non vùng cao chúng tôi đối diện với việc thiếu giáo viên. Cho nên công tác luân chuyển giáo viên được thực hiện thường xuyên.
Việc thiếu giáo viên mầm non xuất phát từ điều kiện và các chính sách đãi ngộ còn thấp. Địa bàn trường học xa xôi các cô đi dạy rất vất vả. Nếu không có tình yêu con trẻ thì rất khó để giáo viên mầm non bám trụ với nghề".
Nâng chuẩn trình độ trong khi đang thiếu giáo viên có hợp lý? (Ảnh:V.N)
Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường tiểu học Tả Ngài Chồ tâm sự:
"Nghề giáo viên mầm non thật sự rất áp lực. Mỗi khối sẽ có một đặc thù riêng tuy nhiên giáo viên mầm non chả khác nào thay cha, thay mẹ của các em tại trường.
Từ việc học sinh ăn uống, vệ sinh, học tập...cũng một tay các cô làm. Cho nên áp lực vô cùng lớn.
Thế nhưng đãi ngộ dành cho giáo viên mầm non lại không cao. Ngoài đồng lương chúng tôi không có bất cứ khoản thu nhập nào thêm.
Ví dụ như giáo viên Tiểu học hay cấp 2 còn có thể dạy thêm. Nhưng ở đây phải đến nhà mời các em đi học các em còn không đi".
Nhiều giáo viên mầm non cũng từng lên tiếng cho rằng công việc của họ là một công việc áp lực, thu nhập thấp và không có vị thế như các cấp học khác.
Thậm chí có người còn cảm thán: Nghề giáo viên mầm non là một nghề nguy hiểm.
Nâng chuẩn giáo viên mầm non còn mặn mà?
Trong khi cả nước đang thiếu khoảng 43.700 giáo viên mầm non thì lộ trình nâng chuẩn trình độ của giáo viên đã được công bố.
Cụ thể Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo: Nghị định Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo Dự thảo, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp.
Đối với khối mầm non, giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.
Về độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, tính từ ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, phải còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.
Dự thảo cho biết tổng số giáo viên phải thực hiện nâng chuẩn trên cả nước là 257.506 trong đó có 89.607 giáo viên mầm non (công lập: 40.158 người, ngoài công lập: 49.449 người).
Với lộ trình nâng chuẩn giáo viên như vậy. Nhiều giáo viên mầm non lại chồng chất thêm nỗi lo cho công việc vốn dĩ nhiều áp lực này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình nâng chuẩn phù hợp và đảm bảo không thiếu giáo viên (Ảnh:V.N)
Cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên mầm non bày tỏ: "Nếu phải thực hiện nâng chuẩn thì công việc của chúng tôi sẽ áp lực hơn. Nhiều giáo viên do điều kiện không có nên chỉ có bằng trung cấp.
Chúng tôi vẫn bảo nhau nếu yêu cầu bằng Cao đẳng hay Đại học thì chúng tôi có khi không vào ngành mầm non.
Cho nên việc nâng chuẩn ảnh hưởng đến mọi người rất nhiều. Trong khi đó việc tăng tuổi hưu cũng là một lý do nhiều người muốn bỏ nghề".
Không để tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa (Ảnh:V.N)
Cô Dương Thị Hồng - hiệu trường mầm non Hoa Lan (Đắk Nông) cho hay: "Đầu năm trường có 4 giáo viên nhưng không chịu nổi áp lực công việc một cô đã nghỉ. Năm học này tăng thêm 3 lớp lại thiếu 1 giáo viên cho nên nhà trường chỉ phổ cập cho học sinh 5 tuổi để các em vào lớp 1".
Cũng giống như cô Hồng, nhiều hiệu trưởng bày tỏ lo ngại: Trong khi cả nước đang thiếu giáo viên mầm non nếu thực hiện nâng chuẩn trình độ không phù hợp có thể khiến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn.
Còn theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là một bước tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên điều đầu tiên cần đảm bảo trước khi nâng chuẩn là cải thiện đời sống giáo viên và khiến học sống được bằng nghề của mình.
Với những băn khoăn của giáo viên, hiệu trưởng các trường mầm non hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tính toán hợp lý đảm bảo vừa nâng chuẩn trình độ giáo viên mà vẫn không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Người thầy với sáng tạo 'bảng đa năng' Hiện nay, một số trường học ở huyện Nhơn Trạch đã đưa vào sử dụng thiết bị bảng đa năng trong việc dạy học và được các giáo viên đánh giá cao. Tuy nhiên, ít ai biết được, người sáng tạo ra bảng đa năng này lại là một giáo viên của một trường tiểu học trong vùng. Phó chủ tịch UBND tỉnh...