Năm học mới và yêu cầu chấn chỉnh đạo đức
Chưa bao giờ đạo đức học đường lại trở nên nóng như bây giờ.
(Ảnh minh họa)
Gõ từ khóa “đạo đức học đường” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ 0,35 giây chúng ta có tới 89.900 kết quả với nhiều vụ việc bức xúc liên quan đến cả người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên lẫn học sinh.
Vấn đề đặt ra, được dư luận chờ đợi, là ngành giáo dục sẽ có biện pháp gì để đẩy lùi tình trạng này, trấn an dư luận khi năm học 2019 – 2020 sắp bắt đầu?
Mới đây nhất cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố thêm một vụ án xâm hại học sinh trong trường học đối với hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Trước đó là những vụ bạo hành học đường, chạy điểm thi… làm chúng ta thêm lo lắng về sự xuống cấp đạo đức.
Dư luận đòi hỏi, câu thúc, nhưng bởi những quy định chưa rõ ràng, cả việc xử lý thiếu kiên quyết ở một số cơ sở giáo dục, khiến nhiều học sinh vi phạm kỷ luật trường học ở mức độ nghiêm trọng vẫn đến trường, giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn đứng trên bục giảng.
Video đang HOT
Mới đây Phó Thủ tường Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo, các ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuống cấp đạo đức và sa sút văn hóa trong trường học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng ký ban hành Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 – 2020, trong đó đề cập khá nhiều tới vấn đề đạo đức.
Theo đó yêu cầu các cơ sở giáo dục phải nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quy định về nhà giáo. Kiên quyết xử lý nghiêm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường…
Đây không phải lần đầu vấn đề này được chỉ ra, có điều khác các lần trước là nó được yêu cầu gắt gao hơn, cũng được dư luận chờ đợi nhiều hơn.
Ban hành chỉ thị là việc làm không thể thiếu đối với cơ quan quản lý, nhưng hiệu quả đến đâu lại phụ thuộc vào nhận thức, tính tự giác trong thực hiện từ đối tượng áp dụng. Chỉ khi nào cơ quan quản lý sâu sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh mới hy vọng có thể hạn chế.
Thế nhưng là một ngành có phạm vi rộng, đối tượng áp dụng đông đảo, vi phạm về đạo đức và nhiều vấn đề khác trong trường học không phải lúc nào cơ quan quản lý cũng quán xuyến hết được.
Ngành giáo dục và mỗi cán bộ quản lý trường học phải nhận thức đầy đủ việc xuống cấp đạo đức học đường không chỉ là mối nguy trước mắt, mà còn lâu dài cho xã hội, để từ đó có biện pháp tăng cường, điều chỉnh ngay trong năm học này.
Lam Vũ
Theo baothanhhoa
Bạn đọc viết: Khi môn học Giáo dục công dân bị "lép vế"
Dõi theo hai bài viết về "Giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay" và "Giáo dục đạo đức cho HS-SV: Khoảng trống trong sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình" trên báo Dân trí, hẳn là lòng người sẽ cùng chung niềm trăn trở khi đạo đức, nhân cách của một bộ phận người trẻ đang có dấu hiệu tiêu cực.
Ảnh minh họa
Cụ thể, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá trong một hội thảo diễn ra tại tỉnh này: " Đạo đức của một bộ phận HS-SV đang xuống cấp đến mức báo động; vẫn còn có hành vi vi phạm pháp luật, sa sút nhân cách... là một trong những thách thức lớn đối với ngành giáo dục và cả xã hội".
Bàn về nguyên nhân, hội thảo đã chỉ ra nhiều khía cạnh nguồn cơn khác nhau dẫn đến thực trạng sa sút đạo đức. Riêng cá nhân tôi nghĩ, một trong những lý do căn cơ dẫn đến việc người trẻ dần xa rời những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đánh mất phương hướng, lý tưởng sống đó là việc dạy người đang bị buông lỏng trong nhiều trường học.
Thẳng thắn nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta có thể thấy vai trò môn giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường vẫn đang bị "lép vế". Và trong khi các kiến thức toán, văn, lý, sử,... vẫn đang được chăm chút bồi dưỡng mỗi ngày để phục vụ cho thi cử, kiểm tra thì GDCD đang bị nhiều người ngoành mặt làm ngơ. Từ giáo viên cho đến học sinh vẫn mặc định đây là môn phụ, học đối phó là chính. Đến bao giờ GDCD mới trở thành môn học chính và được nhìn nhận ở một vị thế quan trọng hơn?
Không phải đến tận bây giờ, trong thời điểm xã hội ta đau đáu nỗi trăn trở về căn bệnh vô cảm thì chúng ta mới kêu gọi nâng cao vai trò và vị thế của môn GDCD. Đạo đức vẫn luôn là cái gốc của mọi sự phát triển bền vững. GDCD luôn luôn cần thiết cho sự trưởng thành của mỗi con người khỏe về thể chất, mạnh về tâm hồn.
Tôi nhớ cách đây một vài năm xung quanh môn GDCD cũng đã xì xèo nhiều ý kiến về môn chính - môn phụ, môn quan trọng và quan trọng đến mức độ nào. Sau nhiều lời ca thán của dư luận, ngành giáo dục đã có một vài chuyển động tích cực nhằm lấy lại vị thế của môn học gắn chặt với việc "rèn người" này.
Đơn cử như phong trào đổi mới phương pháp dạy học GDCD hoặc là chủ trương đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh phải có ý kiến thống nhất của giáo viên dạy môn GDCD. Ngay trong học bạ của học sinh cũng có sự đổi mới rõ rệt, môn GDCD có đến 3-4 dòng kẻ để giáo viên có thể ghi ý kiến đánh giá.
Chỉ tiếc là sau tất cả, bây giờ GDCD vẫn rớt xuống vị trí môn phụ. Cách xếp loại hạnh kiểm có ý kiến của giáo viên GDCD hoàn toàn biến mất. Học bạ học sinh vẫn chỉ gọn lỏn 3 con điểm tương ứng kết quả kỳ 1, kỳ 2, cuối năm cùng chữ ký của giáo viên.
"Bao giờ GDCD trở thành môn học chính?" là câu hỏi rõ rành rành một đáp án: Hành trình đi đến đích ấy sẽ rất khó thành hiện thực! Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta tiếp tục buông tay cho con thuyền đạo đức, nhân cách cứ mãi trôi theo dòng chảy của cuộc sống hiện thực.
Đã đến lúc GDCD cần được neo đậu vai trò, vị trí xứng đáng trong nhận thức của mỗi người để mỗi gia đình xem trọng hơn việc uốn nắn, rèn giũa đạo đức cho con. Và mỗi nhà trường sẽ dần chuyển dịch cân đối giữa nhiệm vụ dạy chữ - dạy người, bồi dưỡng tri thức và rèn giũa tâm hồn để xây dựng một thế hệ trẻ văn minh tử tế, vừa hồng vừa chuyên.
Thùy Mai
Theo Dân trí
Soi lại khẩu hiệu ngành giáo dục Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi "soi" vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu "tất cả vì học sinh thân yêu", nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi "đội nắng" trong ngày khai giảng? Học sinh THCS trong giờ làm bài thi....