Năm điều giáo viên mong mỏi trong năm mới 2021
Tình trạng giáo viên thiếu, giáo viên phải dạy và hưởng chế độ hợp đồng chưa tương xứng với công việc của mình là một vấn đề trong giáo dục hiện nay.
Năm cũ 2020 qua đi với những điều chưa hề có trong lịch sử, thế nhưng cả dân tộc đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã làm nên kì tích, khiến cả thế giới khâm phục trên mặt trận kinh tế, y tế và giáo dục.
Thế nhưng vẫn còn đó những điều mà giáo dục chưa làm được, vẫn còn đó nhưng mong mỏi của giáo viên muốn trở thành hiện thực trong năm mới.
1. Bộ đã cởi trói hồ sơ, cơ sở sẽ thực hiện
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước phấn khởi, vì từ nay không còn cảnh in giáo án nộp cho các cơ sở giáo dục để … ký duyệt.
Thế nhưng, thực tế không như là mơ, trên cả nước các Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn sử dụng hồ sơ điện tử vẫn chưa như mong muốn của giáo viên.
Thực tế mới có Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Khánh Hòa … có văn bản cho phép, quy định giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử thay thế, có giá trị như hồ sơ giấy.
Vì vậy, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho phép, thế nhưng việc giáo viên được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế, có giá trị như hồ sơ giấy vẫn là mong ước của giáo viên trong năm học mới.
(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)
2. Lời hứa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ được thực hiện
Ngày 30/12/2020, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ hai; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Dự kiến các thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2021.
3. Có bộ sách giáo khoa lớp 6, lớp 2 không sạn
Vạn sự khởi đầu nan, với sạn trong tất cả các bộ sách lớp 1 đã và đang gây khó khăn cho giáo viên, học sinh, xã hội.
Video đang HOT
Hàng triệu bản sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 khó mà tái sử dụng cho năm học mới, một sự lãng phí đáng ra không xảy ra, thế nhưng vẫn chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt Tài liệu điều chỉnh sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế nhưng trong Tài liệu điều chỉnh thì kiến thức vướng sạn bị thay thế gần như nằm toàn bộ ở cuốn sách tiếng Việt lớp 1, chỉ có một bài duy nhất nằm ở sách học kỳ 2.
Sạn trong sách Tiếng Việt lớp 1 đã dạy gần hết, vậy mà tài liệu thay thế, bổ sung chỉ mới được duyệt, chuẩn bị phát hành, vì vậy việc phát hành Tài liệu điều chỉnh sách Tiếng Việt 1 trở nên vô tác dụng.
Vì vậy, giáo viên nói riêng, xã hội nói chung mong ước có bộ sách giáo khoa lớp 6, lớp 2 không sạn.
4. Giải quyết tình trạng thừa – thiếu giáo viên
Tình trạng giáo viên thiếu, giáo viên phải dạy và hưởng chế độ hợp đồng chưa tương xứng với công việc của mình cũng là một vấn đề trong giáo dục hiện nay.
Thừa giáo sinh, thiếu giáo viên là sự lãng phí nguồn lực của xã hội. Vì vậy, mong mỏi của giáo viên mong chấm dứt tình trạng này, đảm bảo giáo viên theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
5. Công nhận kết quả dạy trực tuyến và có chế độ cụ thể cho giáo viên
Năm 2020, vì đại dịch Covid-19 nhưng học trò chúng ta “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học” chính là nhờ giáo viên đã dạy trực tuyến. Thế nhưng vẫn còn đó những băn khoăn của giáo viên về chế độ cho hình thức giảng dạy mới này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có xây dựng dự thảo thông tư ban hành quản lý dạy trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.
Mong rằng thông tư ban hành quản lý dạy trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ đáp ứng được những nguyện vọng chính đáng của giáo viên.
Chúc toàn thể anh chị em công tác trong ngành Giáo dục có một năm mới thật hạnh phúc và thành công.
Duyệt giáo án trên internet, giáo viên đỡ bao nhiêu công sức lẫn tiền bạc
Nhà trường giao tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm, tự duyệt giáo án trực tuyến trên trang mạng thông qua phần mềm, email, Google Drive... sẽ thuận tiện vô cùng.
Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời đã có rất nhiều thay đổi so với Điều lệ trường trước đây.
Trong đó, tại Điều 21 quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường đã hướng dẫn: " dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử ".
Điều này đã mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà trường về việc quản lý hồ sơ sổ sách hàng năm tại đơn vị mình.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà trường vẫn đang quản lý hồ sơ sổ sách như trước đây nên đã dẫn đến lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên và nhà trường.
Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn.
Vì thế, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã và đang triển khai thí điểm việc quản lý và duyệt giáo án qua mạng internet ở một số trường của địa phương này được xem là bước đi tiên phong, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Duyệt giáo án qua mạng internet là bước đi cần thiết của các nhà trường
Câu chuyện soạn, in, duyệt giáo án của giáo viên hiện nay và nếu gọi theo chương trình giáo dục phổ thông mới là kế hoạch bài dạy đã là một đề tài được nói khá nhiều trên các diễn đàn báo chí trong thời gian qua.
Mỗi năm, giáo viên một số môn học nhiều tiết phải in tới 7-8 trăm trang giáo án nộp lên Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn để kiểm tra, ký duyệt khiến cho giáo viên mệt mỏi và người lật đọc từng trang giáo án cũng chẳng sung sướng gì.
Nhưng rồi, năm này qua năm khác thì chuyện tổ chuyên môn duyệt giáo án 2 lần/ tháng theo quy định và mỗi học kỳ Ban giám hiệu duyệt 1 lần cứ lặp đi, lặp lại.
Ngoài ra, mỗi khi kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ, thanh tra thì giáo viên còn được kiểm tra giáo án thêm một vài lần nữa. Giáo viên cứ ôm đi, ôm về và phải giữ gìn cẩn thận từng trang giáo án suốt cả năm học cũng khiến cho họ cảm thấy chán ngán.
Vì thế, trong thời gian qua thì trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết đề xuất các nhà trường nên đẩy mạnh công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ sổ sách, nhất là duyệt giáo án điện tử đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.
Đặc biệt, trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 vừa qua cũng đã gợi mở cho các ngành giáo dục địa phương và nhà trường có thể áp dụng nhiều cách quản lý hồ sơ số sách khác nhau.
Điều này được thể hiện rõ ở khoản 4, Điều 21 như sau:
" Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo ".
Điều đáng mừng là sau khi Bộ ban hành văn bản này thì hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã có văn bản số 2415/SGDĐT-GDTrH về việc triển khai Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã cho phép một số trường triển khai duyệt giáo án qua mạng internet như: Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu; Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám...
Ngoài ra, ông Lê Duy Định, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai còn cho biết thêm: " Sở đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo lựa chọn một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để thực hiện thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và phê duyệt giáo án.
Sau một thời gian thí điểm, nếu đánh giá thấy hiệu quả, Sở sẽ triển khai thực hiện đại trà trong toàn ngành ".
Đây rõ ràng là một bước đi phù hợp, cần thiết mà ngành giáo dục, các trường học cần nhanh chóng áp dụng để tiện cho cả giáo viên, tổ trưởng chuyên môn và ngay cả với Ban giám hiệu nhà trường.
Duyệt giáo án điện tử bây giờ giản đơn vô cùng
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã đồng ý cho Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Trường trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám thực hiện thí điểm mô hình duyệt giáo án qua mạng internet sẽ tạo ra những bước tiến trong ngành giáo dục.
Thực tế cho thấy, các trường giao quyền duyệt giáo án điện tử cho tổ trưởng chuyên môn là hoàn toàn phù hợp và sẽ phát huy được nhiều thế mạnh.
Bởi, tại khoản 2, điều 14, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ như sau: " Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ".
Một khi, Ban giám hiệu nhà trường giao cho tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm và tự duyệt giáo án trực tuyến trên trang mạng thông qua phần mềm, email, Google Drive...sẽ tiện lợi vô cùng.
Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng bộ môn, Phòng, Sở quản lý bằng cách kiểm tra trên website, dự giờ giáo viên trên lớp và kết quả đầu ra của học sinh, đánh giá giáo viên bằng hiệu quả công việc sẽ thiết thực hơn nhiều mớ hồ sơ sổ sách vô bổ hiện nay.
Hy vọng, từ việc gợi mở của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, từ những bước đi đầu tiên của ngành giáo dục Gia Lai thì các địa phương, các trường học trên cả nước cũng cần áp dụng việc quản lý hồ sơ sổ sách giáo viên qua mạng internet sẽ đem lại rất nhiều tiện lợi.
Thời đại 4.0 mà cán bộ quản lý nhà trường vẫn còn ngồi lật dở từng trang giáo án của giáo viên để kiểm tra e rằng đã không còn phù hợp nữa rồi!
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
https://www.baogialai.com.vn/channel/12379/202010/quan-ly-va-phe-duyet-giao-an-tren-mang-internet-hieu-qua-buoc-dau-5706080/index.htm
Từ chuyện miễn chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ cho thầy cô, bao giờ hết cảnh nhà nhà đi kiếm chứng chỉ? Sau 12 năm tồn tại, Bộ Nội vụ vừa thống nhất với đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hơn 1 triệu thầy cô sẽ được miễn chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ từ tháng 2/2021....