Năm 2014: Tiếp tục tăng quy mô đào tạo sau đại học
Sáng 27/12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 đối với các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT. Theo đó, năm 2014 sẽ tăng quy mô đào tạo sau đại học. Đối với chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy giữ ổn định để nâng cao chất lượng.
Năm 2013: Chỉ tiêu đào tạo liên thông, văn bằng 2 giảm mạnh
Báo cáo tình thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Vũ – Vụ trưởng Vụ kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: Năm 2013 thực hiện chủ trương từng bước ổn định quy mô đào tạo gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tăng cường giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo. Theo đó, các trường trực thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức đào tạo đạt được một số kết quả đáng mừng. Cụ thể, các trường trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc việc tự xác định chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở đội ngũ giảng viên, cơ sở vậy chất và đăng ký gửi về Bộ kịp thời, đúng thời gian quy định. Do vậy, năm 2013 tỷ lệ sinh viên/giảng viên giảm (bình quân khoảng 22 sinh viên/1 giảng viên quy đổi, năm 2012 là 23 sinh viên/giảng viên quy đổi) và diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp đào tạo của các trường trực thuộc Bộ tăng (Năm 2013 đạt bình quân là 5,04 m2/1 sinh viên, năm 2012 là 4,8m2/1 sinh viên).
Chỉ tiêu đào tạo hệ liên thông, văn bằng 2 năm 2013 giảm mạnh.
Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc bổ sung đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ tiến sỹ. Qua báo cáo của các trường cho thấy tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên là 21,21%, tăng 1,91% so với năm 2012, cao hơn mức bình quân của cả nước (16,6%).
Các trường đã chú trọng đến việc hạn chế tăng quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, năm 2013 là năm đầu tiên tất cả chỉ tiêu đào tạo các hệ đều giảm, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Cụ thể, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ giảm 7%, chỉ tiêu ĐH giảm 5,1%, chỉ tiêu CĐ giảm 6,5%. Đối với chỉ tiêu đào tạo liên thông, văn bằng 2 trình độ ĐH còn 28.200, giảm 11%. Đặc biệt, chỉ tiêu liên thông, văn bằng 2 trình độ CĐ giảm mạnh xuống còn 1.300, giảm 63%.
Đối với chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2013 là 5.950 chỉ tiêu, giảm 40% so với năm 2012. Chỉ tiêu này giảm là do các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đã thực hiện nghiêm túc việc giảm chỉ tiêu TCCN 20%/năm tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trong các trường ĐH vào năm 2017.
Chỉ tiêu dự bị ĐH tăng nhẹ khoảng 1 đến 3% phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các trường dự bị; chỉ tiêu cử tuyển giảm 18% so với năm 2012 và theo xu hướng giảm dần do nhu cầu tạo nguồn cán bộ vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đáp ứng.
“Việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ” – lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích về việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ.
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 còn có những hạn chế như nhiều trường trực thuộc Bộ vẫn còn quy mô đào tạo lớn, tỷ lệ sinh viên/giảng viên khá cao, nhất là đối với các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế; đội ngũ giảng viên tăng chậm, vẫn còn một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp hơn mức bình quân chung cả nước…; việc đào tạo cử tuyển, dự bị tập trung nhiều vào một số ngành như ngành Y, Dược và tập trung vào một số trường ở thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM…
Video đang HOT
Tăng quy mô đào tạo sau đại học, giảm chỉ tiêu ngành Kinh tế
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm 2014 tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo định hướng tăng khoảng 7% đối với đào tạo tiến sĩ và khoảng 5% đối với đào tạo thạc sĩ so với năm 2013.
Năm 2014 tiếp tục tăng quy mô đào tạo sau đại học.
Đối với chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy thì giữ ổn định quy mô đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo cân đối chỉ tiêu đào tạo với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy theo chuyên ngành. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế – tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.
Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định không vượt quá 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2013, khối ngành Kỹ thuật công nghệ chiếm gần 31%, nhóm ngành Kinh tế chiếm gần 25%, ngành Sư phạm chiếm 15,8% và Khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn chiếm tỷ lệ 10,43%. Tỷ trọng đào tạo khối ngành Y dược và Nghệ thuật chiếm tỷ trọng khá thấp lần lượt là 2,3% và 1,46%.
Do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.
Các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN theo lộ trình. Đối với hệ đào tạo dự bị ĐH, phổ thông dân tộc nội trú, năng khiếu giữ ổn định như năm 2013.
Riêng đối với nhóm ngành y dược, để đảm bảo chất lượng đào tạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo có đào tạo nhóm ngành Y dược xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Y dược chính quy năm 2014 trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.
Để khắc phục những hạn chế năm 2013, tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường trực thuộc cần có kế hoạch tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; Thực hiện nghiêm túc các Thông tư hướng dẫn xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN.
“Qua kết quả khảo sát thực tế, Bộ sẽ có công văn hướng dẫn về chỉ tiêu đối với các trường dự bị và địa phương về cử tuyển để phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận của các trường ĐH. Bộ sẽ tiếp tục công tác kiểm tra, thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu tuyển của các trường và có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường vi phạm trong công tác tuyển sinh theo quy định” – lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói.
Theo VNE
Không thể ngay lập tức "rã đám" thi "3 chung"
Hôm nay 28/12, những điểm mới trong tuyển sinh ĐH,CĐ 2014 đang bàn thảo sẽ chính thức được "chốt" lại tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8, khóa XI và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường đại học, cao đẳng.
Những ngày qua có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về phương án tuyển sinh đại học tự chủ 2014, đặc biệt là từ khi Bộ GD-ĐT cung cấp thông tin dự thảo phương án kết hợp thi chung với thi riêng. Bởi theo dự thảo, trong năm 2014, các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng cần xây dựng và trình dự án, nếu Bộ phê duyệt thì được tiến hành, còn nếu chưa được duyệt - hoặc chưa có phương án thi riêng - thì vẫn tuyển sinh theo phương thức thi "3 chung" như các năm trước. Bộ cũng cho biết dự kiến sẽ duy trì kỳ thi "3 chung" thêm 3 năm nữa đến 2017.
Lãnh đạo của nhiều trường đại học cho rằng, không thể ngay lập thức "rã đám" thi "3 chung", cần phải có lộ trình thực hiện.
Hôm nay "chốt" phương án tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.
Thi riêng phải có lộ trình
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhằm tránh sự chuyển hướng đột ngột từ một kỳ thi "ba chung" sang tổ chức thi riêng từng trường, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cần được thay đổi theo lộ trình.
Lộ trình này có thể đi theo hai cách. Thứ nhất, có thể chuyển từ "ba chung" sang "hai chung". Khi đó, Bộ vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi chung đề và chung đợt cho tất cả các trường trong toàn quốc. Riêng khâu xét tuyển đơn giản hơn Bộ có thể để các trường chủ động. Sau đó tiến tới "một chung" trước khi để các trường tổ chức thi riêng.
Thứ hai, có thể thay đổi theo hướng chuyển từ "ba chung" toàn quốc sang tổ chức thi riêng ở một số nhóm trường theo đặc thù địa lý hoặc ngành nghề. Khi đó, các trường này phải cùng đồng thuận với nhau về các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi từ ngày giờ tổ chức thi, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi, cách thức nhận hồ sơ, môn thi, khối thi, xét tuyển... Đặc biệt, việc cho nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ là phương án hay để giảm bớt sự tốn kém về tài chính, cũng như huy động nguồn lực chung các trường trong việc tổ chức ngân hàng đề thi. Ngay cả với thí sinh, khi nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ tạo ra sự liên thông trong xét tuyển các trường nên thí sinh có nhiều cơ hội hơn việc từng trường tổ chức thi riêng.
Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, dù theo cách nào thì kỳ thi "ba chung" cũng cần có bước chuyển mình, không thể ngay lập tức "rã đám" để từng trường tuyển sinh riêng. Vì như vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ khó tránh được việc quay lại thời kỳ thi riêng trước khi bắt đầu "ba chung" hiện nay.
GS.TS Lê Phước Minh - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, cơ chế tuyển sinh "3 chung" phù hợp với nhóm trường này nhưng lại không phù hợp với nhóm trường khác. Trong khi giai đoạn này đang là cơ hội vàng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới tuyển sinh.
Vấn đề không phải "3 chung" hay không, hoặc vì theo "3 chung" mà một số trường không tuyển sinh được. Thay đổi, cải tiến vì lý do này rốt cuộc cũng chỉ phục vụ cho mục đích ngắn hạn của một nhóm cục bộ, vì khó khăn trong tuyển sinh nên đề xuất thi riêng để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, rồi cứ luẩn quẩn mãi trong cái "vòng kim cô" đó. Một số bàn luận hiện nay rõ ràng không đi vào định hướng chung.
GS Minh cho rằng, tuyển sinh ĐH để đóng góp được trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới, định hướng mục tiêu giáo dục từ phổ thông đến đại học. Đem đến chất lượng giáo dục nói chung, chứ không phải để tuyển sinh đủ số lượng. Nếu chúng ta chưa tìm được một cơ chế tốt hơn, thì phải tiếp tục nghiên cứu. Bộ có thể cho phép các trường cải tiến tuyển sinh một chút, trong giai đoạn trước mắt. Còn khi bàn đến đổi mới tuyển sinh, cần đặt trên nền chất lượng chứ không chỉ nói về số lượng nữa.
Theo GS Minh, trong thực tế, để đưa ra một cách thức, mô hình tuyển sinh mới là công việc không hề dễ dàng, cần có sự nghiên cứu, bàn thảo thật kỹ lưỡng của chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế. Nếu không khéo, có khi ta thay đổi chỉ để đáp ứng những mục tiêu rất ngắn hạn".
Bộ cần quản lý chặt chỉ tiêu
Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng: "Dự thảo của Bộ yêu cầu các dự án thi riêng phải xây dựng theo mẫu gồm 11 phần - từ mục tiêu đến nguyên tắc, phương thức, lịch trình, lộ trình, tổ chức, chính sách, nguồn lực, giải pháp đảm bảo chất lượng, lịch sử quá khứ...- và thực thi theo phương án góp ý "3 vòng": vòng 1 xin ý kiến góp ý của sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường, vòng 2 xin ý kiến góp ý của Cục Khảo Thí và Kiểm định chất lượng, vòng 3 xin ý kiến góp ý của xã hội. Nếu được đồng thuận thì Bộ sẽ phê duyệt cho thực hiện. Dự thảo cũng nêu lên các nguyên tắc mà các trường khi tổ chức thi riêng phải tuân thủ, trong đó có việc đảm bảo "3 không": không luyện thi, không tiêu cực, và không chạy theo số lượng - tức không được tuyển theo cách lấy cho đủ chỉ tiêu mà phải có ngưỡng chất lượng được xác định trước.
Ngoài ra, còn 3 cái "không được": các trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi 3 chung, không được sử dụng kết quả thi riêng của trường khác, không được tự ấn định ngày thi. Lãnh đạo Bộ cũng nói rõ ích lợi của thi riêng: "Cách thi mới sẽ tập trung vào việc đánh giá năng lực học sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Sử dụng kết quả của một kỳ thi kiểm tra kiến thức chung để lựa chọn thí sinh cho tất cả các ngành nghề về lâu dài không còn phù hợp".
"Với quy định phải xây dựng dự án 11 phần, "góp ý 3 vòng", "3 không" và "3 không được" - dù vẫn biết rằng đều xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng - các trường nhìn mà thấy oải. Ngay cả yêu cầu "3 không" nếu áp dụng cho kỳ thi đại học "3 chung" đang tổ chức hàng năm thì Bộ chắc cũng bó tay thôi: cả nước vẫn luyện thi đại học, vẫn không tránh khỏi tiêu cực chỗ này chỗ khác, và điểm sàn vẫn xác định để có "dôi dư" về số lượng. Thôi thì thà chưa tự chủ, thà cứ thi chung - dù là "về lâu dài không còn phù hợp" - cho nó lành" - ông Tùng than thở.
Ông Tùng đưa ra phương án mà ông tâm đắc nhất là phương án "mở" không quy định điểm sàn. Mọi thí sinh tốt nghiệp phổ thông thì đều có quyền đăng ký học đại học. Chất lượng đầu vào sẽ được quyết định bởi chỉ tiêu và chính sách tuyển sinh của từng trường đại học. Bộ sẽ quản lý chặt chỉ tiêu các trường và quản lý chất lượng đầu vào chủ yếu thông qua chỉ tiêu chứ không phải thông qua kết quả thi cử của từng thí sinh.
Còn ông Hà Xuân Quang - Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Qua nội dung dự thảo, thấy rằng Bộ GD-ĐT dường như chưa muốn khuyến khích các trường tuyển sinh riêng? Các trường tuyển sinh riêng sẽ gặp rất nhiều rủi do. Yêu cầu dự thảo cần hướng dẫn cụ thể hơn hình thức tuyển sinh xét tuyển; về xây dựng đề án tuyển sinh riêng cho các trường và công bố các tiêu chí để đánh giá các đề án rõ ràng hơn.
"Nên để các trường tuyển sinh riêng vẫn sử dụng kết quả ba chung để xét tuyển. Như vậy sẽ tránh rủi do cho các trường, từ đó, các trường mạnh dạn hơn khi đăng ký tuyển sinh riêng" - ông Quang đề nghị.
Theo VNE
Liên thông đại học ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng Hiện nay, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng vẫn luôn mong muốn tiếp tục hoàn thiện học vấn đại học để sở hữu trong tay bằng cấp đại học danh giá, nhằm tìm kiếm cơ hội thăng tiến tốt nhất. Với chương trình đào tạo đa dạng, môi trường học tập hiện đại, chuyên nghiệp và thời gian linh hoạt, học...