Mỹ và đồng minh bất đồng về tiến độ chiến dịch chống IS ở Iraq, Syria
Trong khi Mỹ hối thúc đồng minh phải tăng tốc chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq thì các đồng minh cho rằng, Mỹ chưa làm được những gì họ cam kết.
Theo Reuters, phát biểu ngày 11/2 trong cuộc gặp tại Brussels với các Bộ trưởng Quốc phòng các nước, bao gồm cả đồng minh Saudi Arabia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter yêu cầu các đồng minh cần phải đóng góp nhiều hơn nữa vào cuộc chiến chống IS tại Syria và tốc độ của chiến dịch này cần phải đẩy nhanh hơn nữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hối thúc các nước cần đẩy nhanh cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria. Ảnh AP
Mỹ hối thúc quyết liệt
Lời kêu gọi của ông Carter được đưa ra chỉ một ngày sau khi Pháp yêu cầu chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần phải thể hiện rõ ràng về cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Ông Carter cho rằng, cần phải phân định rõ ràng giữa những nỗ lực về quân sự và ngoại giao: “Chúng ta cần chú tâm vào mục tiêu chống lại IS, và chiến dịch này sẽ vẫn tiếp diễn vì IS cần phải bị đánh bại dù cuộc nội chiến tại Syria có diễn ra như thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, nếu cuộc nội chiến tại Syria chấm dứt, việc đánh bại IS sẽ dễ dàng hơn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hy vọng, cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước đồng minh sẽ giúp Mỹ nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ cho việc Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm giành lại các thành trì của IS như Raqqa ở Syria và Mosul ở Iraq.
Ông Carter đã đưa ra một danh sách dài những yêu cầu cho các đồng minh về việc tăng cường năng lực quân sự cho quân đội Iraq, trong đó bao gồm việc huấn luyện binh sĩ và hỗ trợ thông tin tình báo và trinh sát cho quân đội nước này. Theo ông Carter, những nước không thể đóng góp về mặt quân sự có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác như phong tỏa nguồn tài chính của IS.
“Sau mỗi chiến thắng, chúng ta đều nhìn lại và nhớ rất rõ rằng ai đã cùng tham gia vào cuộc chiến”, ông Carter nói và khẳng định, cuộc chiến chống IS sẽ diễn ra nhanh hơn nếu “mọi quốc gia tham dự cuộc họp này có thể làm được nhiều hơn nữa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự đoán, liên quân sẽ giành được “những thắng lợi rõ ràng” trên mặt đất trong những tuần sắp tới, có thể là chiếm lại được những vùng lãnh thổ đang nằm trong tay IS, tiêu diệt thủ lĩnh hay phá hủy các công trình của chúng.
Người phát ngôn quân đội Saudi Arabia, Chuẩn tướng Ahmed Asseri, tuyên bố, Saudi Arabia sẵn sàng đưa quân sang Syria nếu liên quân chấp thuận. Ông Asseri nói: “Ngày hôm nay, chúng tôi đã trao đổi với nhau ở cấp độ chiến lược”.
Video đang HOT
Máy bay của liên quân cất cánh từ tàu sân bay tham gia không kích IS. Ảnh Reuters
Cũng trong cuộc gặp này, ông Carter và giới chức Mỹ cũng kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của giới chức quân đội các nước đồng minh dù họ chưa thể đưa ra những cam kết mạnh mẽ nếu không được quốc hội các nước nói trên thông qua. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham gia cuộc gặp vẫn chưa thống nhất được thời điểm đánh chiếm lại Raqqa và Mosul.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ thận trọng cho rằng, lực lượng Iraq khó có thể giành lại Mosul trong năm 2016, bất chấp những kỳ vọng từ phía Baghdad.
Trong khi đó, ông Carter cho rằng, việc đánh chiếm lại Raqqa và Mosul cần phải được tiến hành “càng sớm càng tốt”. Ngoài ra, ông Carter cũng nêu rõ việc cần thiết hiện nay là ngăn chặn sự lan rộng của IS ra khỏi lãnh thổ Syria và Iraq, đặc biệt là ở Libya.
Đồng minh hoài nghi
Ngay cả khi các bên đạt được đồng thuận về một kế hoạch quân sự nhằm vào IS, các nước đồng minh vẫn không hết ngoài nghi về chính sách của Mỹ tại Syria, nhất là khi Mỹ tìm cách giới hạn dần vai trò của mình trong cuộc nội chiến tại đây.
Một khu vực tại Syria bị trúng bom do liên quân thả xuống các mục tiêu IS. Ảnh Reuters
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lên tiếng hoài nghi về cam kết của Mỹ trong việc giải quyết cuộc nội chiến tại Syria, trong khi đó, phe đối lập ôn hòa tại đây khẳng định, Mỹ gây sức ép buộc họ phải tham gia đàm phán về hòa bình tại Syria trong khi sự hỗ trợ của Mỹ dành cho họ trên chiến trường ngày một ít dần.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì ủng hộ lực lượng PYD người Kurd tại Syria và cho rằng, việc Mỹ không hiểu được bản chất thực sự của lực lượng này đã biến toàn bộ khu vực trở thành “biển máu”.
Về phần mình, các nước đồng minh NATO tuyên bố, họ đang tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. NATO cho biết, họ sẽ tìm cách chặn dòng người tị nạn đến châu Âu qua Biển Aegean bằng cách cử các binh sĩ của mình tham gia tuần tra trên biển để ngăn chặn những kẻ tìm cách đưa người vượt biển trái phép./.
Trần Khánh
Theo_VOV
Su-34 xâm phạm không phận Ankara: Ẩn ý Mỹ, NATO, Thổ
Liên quan đến việc Su34 xâm phạm không phận Ankara, các chuyên gia cho rằng Mỹ, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt tay nhau để làm giảm nhiệt tại mặt trận Syria
Mỹ, NATO cảnh cáo Nga về Su-34 xâm phạm không phận Ankara
Ngày 31/1, cả Mỹ và NATO đều đồng loạt lên tiếng cảnh cáo Nga về cáo buộc Su-34 xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Mark Wright, phát ngôn viên Lầu Năm Góc trong một tuyên bố đã thẳng thắn lên án: "Chúng tôi đã nhận được các báo cáo và có thể khẳng định một chiến đấu cơ khác của Nga lại xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng là của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng tôi yêu cầu Nga tôn trọng không phận Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt các hành động có nguy cơ làm gia tăng bất ổn trong khu vực".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc đồng thời kêu gọi Moskva và Ankara thực hiện các biện pháp nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Mỹ, NATO cảnh cáo Nga về Su-34 xâm phạm không phận Ankara
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo, sự cố tháng 11/2015 đã cho thấy sự nguy hiểm trong hành vi của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và NATO nói chung.
Ông Stoltenberg hối thúc Nga "hành động có trách nhiệm và tôn trọng không phận của NATO".
Trong khi đó, chính quyền Erdogan tỏ ra hài lòng trước việc NATO ủng hộ Ankara trước cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận hôm 29/1.
Phát biểu trước báo giới ngày 31/1 khi ở thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói: "Điều quan trọng là NATO đã tiến ra mặt trận. Tổ chức đã ra một tuyên bố (gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ), khẳng định bất kì hành động vi phạm không phận nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vi phạm không phận của NATO và sẽ được xử lý tương ứng".
Ông Ahmet Davutoglu tự tin khẳng định: "Chúng tôi đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao yêu cầu phía Nga giải thích vụ vi phạm này tới Tổng thư ký NATO... Đây cũng chính là đánh giá mà Tổng thống đã đưa ra ngay trong đêm 29/1. Chúng tôi thỏa mãn trước quan điểm của NATO về vấn đề này".
Mỹ, NATO, Thổ Nhĩ Kỳ liên hiệp để ép Nga?
Trước những động thái gần đây của Mỹ, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ giới phân tích cho rằng các nước này đang tiến hành liên kết với nhau để làm Nga phân tâm, bị các nước nghi ngờ để cứu vãn danh dự ở Syria.
Thực tế từ khi chính quyền Tổng thống Putin tiến hành không kích tại Syria, vị trí của Mỹ và NATO đã trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
Từ thế của một kẻ đứng đầu, Washington đã bị Nga soán ngôi và trở nên yếu ớt trong mắt các nước đồng minh.
Còn nhớ thời điểm tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford trong chuyến thăm Bagdad đã đưa ra lời đề nghị chính phủ Iraq không tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga. Sau cuộc gặp, ông còn tuyên bố Mỹ chắc chắn rằng Iraq sẽ không cầu viện từ Moskva.
Giới phân tích cho rằng Mỹ, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt tay với nhau để giảm nhiệt trên chiến trường Syria.
Mặc dù trước đó, chính quyền Bagdad đã nhận hơn 20 tỉ USD trong chương trình huấn luyện từ Mỹ kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ hồi năm 2003, nhưng chừng ấy là chưa đủ để lấy lại niềm tin ở Iraq. Bỏ ngoài tai những lời dụ dỗ trên, từ quốc hội đến Thủ tướng Iraq Al-Abadi đều hối thúc Nga đưa quân đến quốc gia này hỗ trợ tiêu diệt IS.
Chưa dừng lại ở đó, khi các nước đồng minh như Anh, Pháp, Đức nhảy vào cùng Nga tham chiến tại Syria thì Lầu năm góc tiếp tục thay đổi chiến lược. Thay vì tiến hành không kích IS, Nhà Trắng tiến hành đưa quân đặc nhiệm đến khu vực này nhằm hỗ trợ phe, đào tạo quân đội cho lực lượng phe đối lập. Tuy nhiên động thái này của chính quyền Tổng thống Obama bị giới chuyên gia quân sự cho rằng cố tình đẩy chảo lửa Syria vào tay các nước đồng minh, để đứng ngoài tìm đường thoát và hưởng trái ngọt.
Ngoài ra, không ít lần Washington bị Nga và các nước đưa ra cáo buộc đánh hờ hững cho có tại mặt trận Syria và chuyển giao, hỗ trợ vũ khí cho IS.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở nên bi đát sau sự việc đơn phương bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11.
Từ vị trí một đối tác chiến lược, một nước láng giềng tin cậy, Ankara trở thành kẻ thù và hứng chịu cơ thịnh nộ của Moskva. Hàng loạt các biện pháp cấm vận, trừng phạt về kinh tế cũng như trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, du lịch.
Dù đã nhiều lần xuống nước, yêu cầu điện Kremlin "thông cảm" tuy nhiên, một lệnh cấm vận bổ sung vẫn được Thủ tướng Medvedev đưa ra hôm 30/12 khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên điêu đứng.
Theo_Báo Đất Việt
Báo Mỹ: Washington "nhầm to" khi cho rằng Nga sẽ bị sa lầy ở Syria Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria (30-9-2015), theo lời đề nghị của chính quyền tổng thống Syria Bashar Assad, tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Nga sẽ bị sa lầy. Rất nhiều chuyên gia và truyền thông phương Tây cũng nhận định như vậy. Nhưng họ đã "nhầm to". Thực tế, quân đội Nga đã giúp...