Mỹ hợp tác Ấn Độ để ngăn chặn Trung Quốc trên biển
Sau khi tham gia tập trận quân sự chung với nhiều quốc gia ở khu vực Biển Đông, Mỹ đang hy vọng mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Biển Đông có vị trí quan trọng đối với Washington nên việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến Mỹ nổi giận và tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.
Lầu Năm Góc cũng có thể sớm hợp tác với Ấn Độ để ngăn chặn tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sang Ấn Độ Dương.
Một quan chức giấu tên của quân đội Mỹ tiết lộ nước này và Ấn Độ đang đàm phán hợp tác chống tàu ngầm tại Ấn Độ Dương nhằm phát hiện và theo dõi tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tại vùng biển này.
Video đang HOT
“Những cam kết như thế này sẽ là nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài giữa lực lượng hải quân của hai quốc gia. Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ thành lập một đơn vị chống tàu ngầm chung”, quan chức quân sự Mỹ cho biết.
Ấn Độ từng phải miễn cưỡng trở thành đối tác quân sự với Washington trong quá khứ, nhưng chính phủ New Delhi tháng trước đã đồng ý cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại Ấn Độ. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Ấn Độ công nghệ vũ khí để cạnh tranh với Trung Quốc.
Mỹ và Ấn Độ gần đây cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự chung và cuộc tập trung tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, với mục tiêu chính là rèn luyện kỹ năng chống tàu ngầm. Ban đầu, hai nước sẽ hợp tác trong các hoạt động do thám, trước khi chia sẻ việc tuần tra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương.
Ngày 1.5 vừa qua, tàu ngầm Kalvari của Ấn Độ đã vượt qua cuộc thử nghiệm đầu tiên. Theo phát ngôn viên của Hải quân Ấn độ, tàu ngầm này sẽ sớm được đưa vào hoạt động và có thể tham gia các cuộc diễn tập phát hiện tàu ngầm.
Theo Danviet
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi Nga là mối đe dọa lớn
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gọi Nga là một "mối đe dọa rất, rất lớn", cùng quan điểm với bình luận của một số quan chức quân sự Mỹ cấp cao khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: AP.
Nga là một mối đe dọa hiện hữu với Mỹ, "đơn giản là vì quy mô kho vũ khí hạt nhân nước này sở hữu", The Hill dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong buổi họp báo hôm qua tại Lầu Năm Góc.
"Điều đó không còn mới", ông nói. "Cái mới là trong khoảng một phần tư thế kỷ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta đã không coi Nga là địch thủ. Cách cư xử của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong nhiều khía cạnh, giống như một địch thủ. Chúng ta cần điều chỉnh và đối phó".
Nhiều quan chức quân sự Mỹ cấp cao mới đây cũng cho rằng Nga là mối đe dọa hàng đầu đến an ninh quốc gia Mỹ khi so sánh với phiên quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bộ trưởng Carter còn nêu ra chiến lược của Lầu Năm Góc để đối phó Nga, cách tiếp cận ông gọi là "mạnh mẽ và cân bằng".
Washington đang điều chỉnh các khả năng quân sự và hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo những cách mới để tăng khả năng răn đe tại biên giới phía đông của liên minh. Tuy nhiên, ông Carter cho biết Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Nga trong nhiều lĩnh vực hai nước cùng có lợi như vấn đề Triều Tiên, Iran.
Phương Tây bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Moscow từ năm ngoái với lý do Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cho rằng việc sáp nhập Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế, bác bỏ cáo buộc hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine và có biện pháp trừng phạt đáp trả sau đó.
Như Tâm
Theo VNE