Mỹ đưa hàng chục nghìn liều kháng nCoV đến vùng dịch
Trong tuần đầu tháng 5, chính phủ liên bang sẽ vận chuyển số lượng lớn thuốc remdesivir điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Tuyên bố được Daniel O’Day, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng dược Gilead Science đưa ra ngày 3/5.
Trước đó, Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng, cho thấy thuốc giúp rút ngắn thời gian điều trị cho các ca nhiễm nCoV nặng. Song số liệu chưa cho thấy tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân.
“Chúng tôi sẽ cho người bệnh sử dụng remdesivir vào đầu tuần tới, bắt đầu làm việc với chính phủ, xác định thành phố nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và những nơi có bệnh nhân cần đến loại thuốc này”, ông O’Day phát biểu.
Hôm 1/5, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng thuốc remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình huống khẩn cấp. Gilead trước đó cũng tuyên bố sẽ quyên tặng số thuốc hiện có.
Thuốc remdesivir được phát triển trong phòng thí nghiệm của Gilead ngày 11/3. Ảnh: Reuters
‘Chúng tôi sẽ đóng góp thuốc cho chính phủ Mỹ. Giới chức sẽ xác định những vùng dịch trong nước, dựa trên các tiêu chuẩn như số giường bệnh tại ICU (khu hồi sức tích cực). Họ bắt đầu phân phối hàng chục nghìn liều dùng vào đầu tuần này, điều chỉnh số lượng cho phù hợp với các khu vực khác nhau, tại các thành phố khác nhau ở Mỹ”, ông O’Day nói.
Công ty Gilead đã đóng góp 1,5 triệu lọ thuốc tiêm remdesivir, đủ dùng cho khoảng 100.000 đến 200.000 liệu trình điều trị, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
“Chúng tôi cung cấp thuốc cho cả bệnh nhân ở Mỹ và các nước trên thế giới, dựa trên quy định pháp lý tại những quốc gia đó”, công ty cho hay.
Khi được hỏi liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc công ty ưu tiên thị trường trong nước hay không, ông O’Day nhấn mạnh: “Với tư cách một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, chúng tôi đã thỏa thuận với chính phủ rằng sẽ phục vụ cả bệnh nhân ở Mỹ và các quốc gia trên toàn thế giới”.
Gilead cũng đang làm việc với các cơ quan quản lý toàn cầu và những chuyên gia về đạo đức công nghệ sinh học để hỗ trợ quá trình phân phối. Trong thông báo hôm 2/5, công ty cho biết mục tiêu của họ là cung ứng đủ remdesivir cho ít nhất 500.000 liệu trình điều trị vào tháng 10, hơn một triệu liệu trình vào tháng 12 năm nay.
Hiện Gilead chưa đề cập đến giá bán thuốc. Chi phí dự tính để sản xuất một liệu trình 10 ngày là khoảng 10 USD. Song con số có thể tăng lên mức 4.500 USD tùy theo diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân.
Tổng thống Trump tự tin có vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào Chủ nhật (3/5) rằng ông tự tin sẽ có một loại vaccine virus corona vào cuối năm nay.
"Chúng tôi tự tin sẽ có vaccine vào cuối năm nay. Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Các quan chức y tế công cộng Mỹ trước đó cho biết có thể mất một năm đến 18 tháng để phát triển một loại vaccine. Các loại vaccine thông thường thậm chí còn mất nhiều năm để phát triển và phân phối.
"Chúng tôi đang thúc đẩy dây chuyền cung cấp" ông Trump nói. Ông cho biết nhiều công ty đang rất gần đến mốc có được vaccine, như Johnson & Johnson.
Trong khi đó, Johnson & Johnson, công ty đã hợp tác với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ để sản xuất vaccine, cho biết hy vọng sẽ có một loại vaccine được chấp thuận vào đầu năm 2021.
Video: Tổng thống Mỹ thông báo cấp phép sử dụng khẩn cấp Remdesivir điều trị COVID-19
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford làm việc về phát triển vaccine đã nói rằng nếu loại vaccine họ đang phát triển chứng minh được hiệu quả, nó có thể được phân phối rộng rãi vào tháng 9.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện có hàng chục loại vaccine virus corona đang được phát triển.
Nhật Bản sớm cấp phép thuốc kháng nCoV Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy các thủ tục để sớm phê duyệt thuốc kháng virus remdesivir trong vòng một tuần, sau khi Mỹ phê duyệt. Thông tin được ông Katsunobu Kato, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản, đưa ra ngày 2/5 ngay sau khi Mỹ cấp phép sử dụng remdesivir trong trường hợp khẩn cấp để điều trị Covid-19. Remdesivir...