Mỹ có thể phát triển vũ khí hạt nhân siêu nhỏ
Không quân Mỹ đang xem xét vũ khí hạt nhân có sức công phá dưới 20 kiloton nhằm đa dạng hóa lựa chọn trong tình huống khẩn cấp.
Một vụ thử bom hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Histoty.
Tướng Paul Selva, phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 3/8 tuyên bố khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ trong tương lai sẽ nằm ở những loại vũ khí hạt nhân nhỏ, có nhiều khả năng được sử dụng trong thực tế, theo Defence One.
Theo tướng Selva, quân đội Mỹ cần sở hữu khả năng phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào kẻ thù mà không bắt buộc phải gây ra con số thương vong quá lớn, thậm chí là hủy diệt thế giới. Những loại vũ khí hạt nhân nhỏ sẽ cho phép Tổng thống Mỹ có thêm lựa chọn quân sự trong tình huống khẩn cấp.
“Nếu chúng ta chỉ có vũ khí hạt nhân uy lực mạnh, có khả năng gây thương vong lớn mà Tổng thống không chấp nhận, chúng ta không thể đề xuất cho ông ấy phương án đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù”, ông Selva nhấn mạnh.
Tướng Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang thiết kế những vũ khí hạt nhân uy lực cao có thể chuyển đổi thành uy lực thấp trong những trường hợp cần thiết, đặc biệt đối với các mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tương lai. Tuy nhiên, ông nói rằng không quân Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Theo Giám đốc Kế hoạch Vũ khí hạt nhân thu nhỏ trực thuộc Liên hiệp hội các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen, hiện một số loại bom trong biên chế của quân đội Mỹ có thể chuyển đổi thành vũ khí hạt nhân uy lực thấp, có sức công phá ít hơn 20 kiloton.
Video đang HOT
Kristensen cho rằng một quả bom như vậy nếu rơi xuống Washington, D.C sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến những vùng lân cận như Georgetown hay Foggy Bottom, trong khi một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III với đầu đạn 300 kiloton có thể phá hủy Washington cùng Virginia và Maryland.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Kế hoạch hủy diệt nước Nhật bằng 14 quả bom hạt nhân của Mỹ
Sau khi ném hai quả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki, Mỹ định tiếp tục thả 12 quả nữa nếu Nhật không đầu hàng.
Thành phố Hiroshima hoang tàn sau vụ ném bom. Ảnh: AP.
Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6/8 và 9/8/1945 để buộc phát xít Nhật đầu hàng. Tài liệu lưu trữ mới được giải mật của quân đội Mỹ cho thấy Nhật Bản sẽ phải hứng chịu thêm 12 quả bom nguyên tử có sức công phá lớn gấp bội nếu Nhật Hoàng không tuyên bố đầu hàng, theo Daily Beast.
Ngay từ đầu năm 1945, Mỹ đã thành lập ủy ban đặc biệt để lựa chọn mục tiêu cho các cuộc ném bom hạt nhân khi Nhật Bản không thể hiện ý định đầu hàng. Các báo cáo bí mật nhận định quân đội Nhật sẽ chiến đấu tới chết, ngay cả khi hứng chịu hai vụ ném bom hạt nhân đầu tiên.
Thủ tướng Anh Winston Churchill khi thảo luận với Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và lãnh đạo Liên Xô Joshep Stalin ở Postdam tháng 7/1945 cũng đồng ý sử dụng vũ khí nguyên tử, sau khi Mỹ thử thành công thiết bị hạt nhân đầu tiên có tên mã "Trinity". "Chúng tôi có thỏa thuận rõ ràng, tự động và thống nhất về việc sử dụng bom nguyên tử. Không hề có ý kiến khác", ông Truman viết trong hồi ký.
Thành viên ủy ban mục tiêu tin rằng một quả bom nguyên tử có thể hủy diệt cơ sở hạ tầng Nhật Bản, khiến Mỹ và đồng minh không cần đưa lực lượng tấn công vào lãnh thổ nước này. Các thành phố như Kyoto, Hiroshima, Yokohama, Kokura, Niigata, thậm chí cả Tokyo cũng được xác định là các mục tiêu tiềm tàng. Đây đều là những đô thị lớn chưa bị oanh tạc bằng vũ khí thông thường.
Các mục tiêu được Mỹ lựa chọn để ném bom hạt nhân. Đồ họa: BBC.
Tokyo luôn được coi là mục tiêu tiềm năng, nhưng thành phố này có thể được bỏ qua, do từng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề sau chiến dịch ném bom cháy, thiêu đốt diện tích 41 km2 và làm hơn 100.000 người thiệt mạng. Ngoài ra, các quan chức Mỹ tin rằng Nhật hoàng Hirohito có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thương thuyết đầu hàng.
Các mục tiêu ở phía nam được nhắm tới, nhưng cố đô Kyoto được loại trừ. Bộ trưởng chiến tranh Mỹ Henry Stimson, người từng đi nghỉ tuần trăng mật tại đây, cho rằng không nên ném bom một trung tâm văn hóa quan trọng. Ủy ban mục tiêu quyết định chuyển hướng sang thành phố Hiroshima, nơi có căn cứ quân sự quan trọng và một cảng biển.
Ngày 6/8/1945, oanh tạc cơ B-29 mang biệt danh "Enola Gay" thả quả bom hạt nhân lõi uranium "Little Boy" có sức công phá 15 kiloton, tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT, xuống thành phố Hiroshima.
Chỉ ba ngày sau, một oanh tạc cơ B-29 khác lên đường tới thành phố Kokura, mang theo quả bom lõi plutonium "Fat Man", có sức công phá tới 21 kiloton. Thời tiết xấu buộc phi công Mỹ từ bỏ mục tiêu ban đầu, chuyển sang ném bom thành phố Nagasaki. Tầm nhìn kém đến mức phi hành đoàn B-29 cân nhắc kháng lệnh để thả bom bằng radar, trước khi thấy một khoảng mây trống để định vị mục tiêu và cắt bom.
Tài liệu lưu trữ của Mỹ cho thấy vụ tấn công Nagasaki khiến Tổng thống Truman bị sốc, do đây chỉ là mục tiêu thứ yếu so với thành phố Kokura. Cả hai vụ ném bom nguyên tử khiến hơn 200.000 người Nhật thiệt mạng.
Quả bom nguyên tử phát nổ trên thành phố Nagasaki. Ảnh: Wikipedia.
Quả bom nguyên tử thứ ba được lắp ráp ở đảo Tinian thuộc quần đảo Mariana, nơi hai chiếc B-29 cất cánh. Lõi plutonium được vận chuyển bằng đường biển từ Mỹ. Một số thành viên thủy thủ đoàn khẳng định đã thấy chữ "Tokyo Joe" trên thân quả bom, nhưng nhiều sử gia cho rằng nó mang tên mã "Fat Boy" và nhằm vào Kokura, mục tiêu ban đầu của Fat Man.
Một bản ghi âm cuộc gọi tối mật giữa hai quan chức quân đội Mỹ ngày 13/8/1945 cũng tiết lộ kế hoạch tấn công lần ba. Theo đó, quân đội Mỹ đã kích hoạt dây chuyền sản xuất quy mô lớn để chế tạo khoảng 12 quả bom nguyên tử để tiêu diệt các mục tiêu then chốt khác trên toàn lãnh thổ Nhật Bản.
Quả đầu tiên trong lô bom nguyên tử này dự kiến được thả vào ngày 19/8, số còn lại sẽ được dùng trong tháng 9 và tháng 10/1945. Tuy nhiên, vào ngày 15/8, ngay khi nguyên liệu plutonium chuẩn bị được đưa đến đảo Tinian, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, khiến kế hoạch ném thêm 12 quả bom hạt nhân xuống nước này bị hủy bỏ.
Duy Sơn
Theo VNE
Quá trình Mỹ chuẩn bị bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản Quân đội Mỹ mới đây giải mật những hình ảnh về quá trình chuẩn bị hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Vào ngày 6/8 và 9/8/1945, Mỹ lần lượt ném hai quả bom nguyên tử mang tên Little Boy và Fat Man xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Những hình ảnh mới được quân đội...