Muốn khuyến khích khối tư thục mở trường chuyên, cần làm gì
Để tạo điều kiện cho trường chuyên tư thục phát triển phải ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục trước, sau đó mới tuyển sinh vào trường công lập.
Ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020″.
Theo đó, về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị:
“Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh.”
Một trong những thông tin rất đáng chú ý là Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh.
Điều này cũng được hiểu là mô hình trường chuyên với sự tham gia thành lập và điều hành của khối tư nhân.
Phát biểu của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được sự quan tâm của cộng đồng giáo viên, doanh nghiệp tư nhân cả nước, có thể nói hành lang pháp lý đã có từ lâu nhưng việc cụ thể hóa bằng hành động thì vẫn còn chờ cơ chế, chỉ đạo.
Mở rộng trường chuyên tư thục giảm ngân sách “khủng” cho trường chuyên công lập. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Hạn chế trường chuyên công lập, mở rộng trường chuyên tư thục để giảm áp lực ngân sách chi cho trường chuyên
Hiện nay, các địa phương gần như đều có trường chuyên công lập được hình thành với nguồn kinh phí xây dựng và hoạt động vô cùng lớn.
Trong đó, nổi bật là trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam với kinh phí 469 tỷ đồng năm 2005; trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh – “trường học kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế” với kinh phí 600 tỷ đồng năm 2016, có phòng tập thể hình, bể bơi, sân bóng rổ…; trường trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc đang được xây dựng với tổng mức đầu tư lên tới 473 tỷ đồng,…[*]
Video đang HOT
Bên cạnh đó về nguồn ngân sách chi cho trường chuyên về cơ sở vật chất, các phong trào, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi,… hàng năm cũng là con số rất lớn.
Các chính sách về ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và học sinh cũng là con số không nhỏ.
Các mức ưu đãi, khen thưởng giáo viên và học sinh trong các phong trào hội thi dành cho trường chuyên cũng nhiều hơn so với các trường phổ thông khác.
Gần đây, nhiều địa phương sẵn sàng dùng ngân sách tiền tỷ để trải thảm đỏ mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi vì tiền tỷ đó thực chất là ngân sách của nhà nước, không phải tiền tư nhân.
Hiệu quả chưa biết đến đâu nhưng lại mất rất nhiều tiền trong khi ngân sách đang eo hẹp, khó khăn, đây là vấn đề đáng bàn trong giai đoạn hiện nay.
Mở rộng trường chuyên tư thục lợi đôi đường
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị mở rộng trường chuyên tư thục là đề nghị hết sức đúng đắn giai đoạn hiện nay, thúc đẩy, mở rộng mô hình trường tư thục, dân lập, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào giáo dục và quan trọng là giảm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm chi cho các trường chuyên công lập mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc này cũng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tinh giản được biên chế, tạo điều kiện doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Thời gian qua, việc tuyển sinh một số trường dân lập, tư thục có nơi bị cản trở ở khâu tuyển sinh do cơ chế, nhiều trường công lập sau khi tuyển hết chỉ tiêu còn lại những học sinh yếu mới dành cho khối tư thục.
Việc này khiến các trường tư thục hết sức khó khăn, mất đi khả năng cạnh tranh lành mạnh, phát triển.
Trường tư thục, dân lập không dùng ngân sách, tự đầu tư,… nên cần được ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên cho xây dựng và phát triển để không chỉ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp sự tiến bộ của thế giới mà còn giảm ngân sách chi cho các trường công, giảm biên chế trường công, giảm chi đầu tư xây dựng trường công,… là việc nên được khuyến khích.
Nhiều ngôi trường tư thục, dân lập được tư nhân bỏ tiền túi ra đầu tư, xây dựng bài bản, khoa học nhưng có thể “phá sản” vì những cơ chế, vướng mắc trong tuyển dụng học sinh, sinh viên và có cả bị “ép” trong quá trình hình thành và phát triển.
Do đó, theo quan điểm người viết cần có thêm cơ chế khuyến khích, mở rộng và trao ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục, hạn chế trường chuyên công lập.
Để tạo điều kiện cho trường chuyên tư thục phát triển phải ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục trước, sau đó mới tuyển sinh vào trường công lập là việc hợp lý.
Các em học sinh giỏi, gia đình có điều kiện thì mạnh dạn đăng ký và tuyển sinh vào các trường tư thục chuyên để phát triển nhân tài, các em cũng được thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế như các em ở trường công lập.
Rất mong trong thời gian tới, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường mở rộng trường tư thục nhất là khối trường chuyên để giảm ngân sách chi cho các trường chuyên, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào giáo dục, phát triển nhân tài và đa dạng hình thức đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho sự phát triển.
Bộ đề nghị có trường chuyên tư thục, các hiệu trưởng nói gì?
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục.
Đó là một trong những đề nghị của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương tại hội nghị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020".
Cụ thể, để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số đề nghị đối với Chính phủ và các địa phương.
Một trong những đề nghị rất đáng chú ý là Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Điều này cũng được hiểu là mô hình trường chuyên với sự tham gia thành lập và điều hành của khối tư nhân.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Nói về điều này, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi bàn đến chuyện công lập hay tư thục thì cần phải làm rõ khái niệm "trường chuyên".
Ông Lê Xuân Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên thuộc ĐH Vinh chia sẻ khá băn khoăn khi trường chuyên do khối tư nhân nắm giữ thì chất lượng học thuật sẽ khó được cam kết và tính chịu trách nhiệm đầu ra sẽ ít hơn.
"Trường chuyên công lập thì đi kèm trách nhiệm, mục tiêu đào tạo nhân tài, lợi ích lâu dài cho quốc gia. Tức nhà nước đầu tư thật sự để sau này có nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Còn với khối tư nhân thì cái cam kết này có thể sẽ ít đi. Nếu trường tư thục có tâm huyết và triết lý bền vững, tầm nhìn dài hạn thì còn được; còn nếu họ "thả nổi" thì cũng khó kiểm soát.
Về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể làm được, song niềm tin cho trường chuyên tư thục sẽ khó hơn rất nhiều và cũng khó khả thi", ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo ông Sơn, học chuyên như hiện nay thì nguồn kinh phí khá lớn và hiện đang được hỗ trợ nhiều từ ngân sách nhà nước. Do đó, ông Sơn lo ngại với mô hình trường chuyên tư thục thì sẽ nhiều học sinh không có đủ điều kiện tài chính để theo học.
"Đã thiên về chuyên thì phải có ngân sách nhà nước hỗ trợ mới có thể làm tốt được. Bởi để đào tạo chuyên sâu một môn học nào đó thì ngoài phải đầu tư đội ngũ giáo viên giỏi thì còn cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Các cơ sở giáo dục tư thục thì vẫn trên nền tảng kinh doanh, phải thu tiền từ học sinh và phụ huynh để trả lương cho giáo viên", ông Sơn nói và cho rằng tư thục thì rất khó để học sinh hội tụ đủ 2 yếu tố là học xuất sắc một môn nào đó (gọi là môn chuyên) và gia đình phải đủ điều kiện kinh tế để có kinh phí đầu tư cho con theo học.
Theo ông Sơn, những địa phương hội tủ đủ những yếu tố sau thì mới có thể triển khai mô hình trường chuyên tư thục: dân số đủ đông bởi đó là nguồn để có làm cơ sở để đủ học sinh giỏi, xuất sắc; người dân có mức thu nhập, tài chính tốt để có thể theo học.
Ông Sơn cũng cho hay, khó có thể nói đồng tình hay không theo cảm tính, mà trước hết cần phân biệt rõ trường chuyên và trường chất lượng cao.
"Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... có số dân đủ đông, có tiềm lực kinh tế tốt thì có thể triển khai được hướng đi này. Còn những địa phương khó khăn, thì sẽ rất khó có người học. Thay vào đó, có thể phát triển và định hướng mô hình trường tư thục chất lượng cao, chứ không nhất thiết phải là trường chuyên tư thục", ông Sơn nói.
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam việc xây dựng các trường chuyên tư thục sẽ khả thi hơn khi định hướng về trường chuyên trong tương lai có những thay đổi, tức sẽ không chú trọng quá sâu vào việc "luyện gà nòi để đi thi một kỳ thi duy nhất" mà có kỹ năng để tham gia nhiều sân chơi khác nhau.
"Nếu xây dựng và phát triển được các trường chuyên tư thục cũng là điều rất tốt bởi cũng rất nhiều phụ huynh mong muốn con mình được học ở những nơi có điều kiện tốt. Tuy nhiên, để trường chuyên tư thục mở ra thì cũng có khó khăn nhất định và vấn đề là sẽ đi đến đâu, làm sao để cạnh tranh với trường chuyên công lập", bà Dương nói.
"Việc cạnh tranh này sẽ khá vất vả, bởi suy cho cùng người ta cũng phải đặt ra câu hỏi hướng đi của trường là gì, chất lượng khác biệt ra sao? Không quá khó khăn để mở trường nhưng cần nghiên cứu về nhận thức của phụ huynh, bởi phần đa vẫn muốn vào hệ chuyên công lập. Chưa kể với thu nhập trung bình của người Việt Nam hiện nay, không phải ai cũng sẵn sàng chi một lượng kinh phí lớn để đầu tư cho con".
Theo bà Dương, gọi là trường chuyên tư thực thì "trường chuyên" cũng chỉ là cái tên, còn để cái tên này đúng nghĩa, các trường còn phải thể hiện nhiều năm trên các sân chơi, cuộc thi, hoạt động khác nhau,...
"Làm được thì rất lý tưởng nhưng vô vàn các bài toán, đặc biệt bài toàn tài chính sẽ luôn luôn gây đau đầu đối với người quản lý. Bởi như hệ chuyên công lập, các học sinh được hỗ trợ nhiều từ ngân sách nhà nước".
Bà Dương cũng cho rằng, điều này có lẽ cũng chỉ khả thi với một số tỉnh, thành phố lớn, nơi mà người dân có mức thu nhập cao.
Trường mầm non tìm cách hút giáo viên trở lại làm việc Hà Nội vừa có thông báo về việc đón học sinh mầm non trở lại từ ngày 13/4. Bên cạnh những khâu chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo phòng dịch, việc tìm giáo viên trở lại làm việc là khâu nan giải của không ít trường, đặc biệt khối dân lập, tư thục. Đỏ mắt tìm giáo viên Theo thống kê...