Muốn ăn chả rươi, phải đợi ngày
Gọi Chả rươi là món ăn của người Hà Nội cũng không sai đâu. Mặc dù ở những vùng cửa sông nước lợ cũng có rươi, ví như ở Hải Phòng, người ta chỉ quen có món rươi kho, ở Thanh Hóa thì tuy cũng có rươi nhưng hiện giờ cũng không thấy mấy người ăn, vào đến Sài Gòn thì món rươi chỉ xuất hiện nhờ được chuyên chở từ ngoài Bắc vào thôi. Một số vùng khác như Thái Bình, Trà Vinh… món ăn được làm từ rươi được ưa chuộng nhất lại là món mắm rươi. Hay cũng có một số nơi ăn rươi đúc với trứng nhưng cầu kỳ về gia vị. Còn món chả rươi thì chỉ người dân Hà Thành mới có công thức “chuẩn không cần chỉnh” thôi.
Nhớ ngày xưa, để dỗ dành tụi mình ăn thử chả rươi, mẹ thường bảo nhắm mắt vào để ăn và khi đã bén mùi rươi rồi thì lại ăn mãi chẳng chịu thôi. Cứ một lần “vượt qua” cái ác cảm về hình thù của con rươi để thưởng thức món ăn này thì chắc chắn rằng các bạn sẽ “nghiện” mãi. Bảo sao ai ai cũng phải ngồi “chờ” đến tận mùa thu mới có chả rươi ăn? Mà không phải là cả mùa thu đâu nhé, một năm, người ta chỉ có hai ngày duy nhất được thưởng thức món chả rươi tươi ngon thôi đấy. Còn những ngày khác, nếu có được ăn thì cũng chỉ là loại rươi “đông lạnh” thui. Chẳng hiểu các bạn đã từng nghe câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” chưa? Chứ cứ hỏi mami ở nhà mà xem, đảm bảo ai cũng biết đấy! Những nhà “săn bắt rươi” – cái tên được dân gian gọi vui cho những người chuyên bắt rươi đem bán thường phải đón chừng mưa nắng trong hai ngày này.
Khi trời đang nắng bỗng thấy những đám mây kéo đến rồi từng đợt mưa lác đác đây đó là họ phải nhanh chóng, vội vã cho thuyền ra tiếp cận với những mảng tía rươi đang bồng bềnh trên mặt sông ở ngay phía dưới những đám mây rồi dùng vợt vớt lên cho vào những thúng đặt trên thuyền. Vậy là chúng mình sẽ có rươi tươi roi rói để thưởng thức rồi!!! Thế nhưng các bạn chú ý nhé! Tuy là có hai ngày nhưng rươi vào ngày mùng 5 tháng 10 âm là rươi gốc rạ (rươi đã bắt đầu có trứng non) ăn tanh hơn mà còn không mềm. Thế nên, với nhiều người khó tính thì chỉ ăn rươi vào ngày 20 tháng 9 âm thôi.
Ngày trước, người đi bán rươi cũng có nét đặc trưng riêng đấy. Thường sẽ là một cô gái khỏe mạnh quẩy gánh rươi đi trước, đi sau sẽ là một bà đứng tuổi một tay cầm chiếc bát để đong rươi (hồi xưa bán rươi theo đơn vị bát các bạn ạ), một tay khoác chiếc bị cói đựng tiền, vừa đi vừa rao có âm điệu, nghe rất vui tai.
Cơ mà, để làm mấy món rươi này, cần phải cẩn thận và cầu kì lắm í. Bởi chân rươi rất độc, nếu làm không kĩ là “có chuyện” đấy. Nhưng giờ thì các bạn cứ yên tâm, rươi được bán ở ngoài chợ đã được người bán hàng làm rất sạch rùi. Các bạn chỉ việc mua về, xay nhỏ. Sau đó, trộn rươi với vỏ quít, cái thứ quít ta vỏ mỏng vàng thơm mà không hề đắng, hắc cùng một ít thìa là lăn tăn rồi thêm chút hạt tiêu là được. Chả rươi rán xong… mùi thơm cứ phải bay khắp phố mới chịu thôi, làm bao người phải thèm thuồng.
Bên cạnh chả rươi thì mắm rươi cũng là món ăn nổi tiếng và phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước. Nguyên liệu để làm mắm rươi thì đơn giản vô cùng, chỉ cần có rươi và muối là đủ. Người ta băm nhỏ rươi rồi để ủ với muối sau đó quấy đều tay rồi đậy nắp lại. Chỉ cần để tầm ba tháng là mắm rươi có thể dùng được rùi, ăn sống hay trưng lên đều ngon. Món này mà kết hợp với thịt ba chỉ luộc thì tuyệt cú mèo luôn!
Mà cũng sắp đến “ngày của rươi” rồi, mùa rươi năm nay các ấy hãy thử xắn tay vào bếp để làm món ăn được mệnh danh là “một trong những món ăn đặc biệt ngon của ẩm thực Việt Nam” xem sao? Đừng bỏ lỡ cơ hội kẻo lại tiếc hùi hụi nha!