Mua sắm thiết bị dạy học: Vì sao địa phương lúng túng?
“Những thiết bị bổ sung cho các lớp đang thực hiện theo Thông tư 15, Thông tư 19, Thông tư 01, chỉ nên mua sắm khi thấy thật sự cần thiết; không nên mua sắm mới toàn bộ”.
Các chuyên gia và lãnh đạo cục, vụ xem TBDH trưng bày tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư ban hành danh mục TBDH tối thiểu. Ảnh: TG
Đây là một trong những lưu ý nhằm tránh lãng phí trong mua sắm thiết bị dạy học (TBDH) được Cục Cơ sở Vật chất (CSVC), Bộ GD&ĐT, lưu ý các địa phương.
Bộ đã hướng dẫn đầy đủ
Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 nêu rõ: “Căn cứ vào Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư này, các sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, tự làm, sưu tầm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục tiểu học bắt đầu từ năm học 2020 – 2021″.
Trước đó, Công văn 2064/BGDĐT-CSVC, ngày 23/5/2018, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; Kiểm tra, giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học…
Ngày 28/9/2018, Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các sở GD&ĐT lập kế hoạch và tổ chức mua sắm TBDH theo hướng dẫn: Kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH hiện có để lập kế hoạch chi tiết sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những TBDH cần thiết và đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình hiện hành, đồng thời chuẩn bị cho đổi mới Chương trình GD phổ thông.
Trong quá trình thực hiện Bộ cũng lưu ý: Đối với TBDH tối thiểu có trong danh mục được Bộ GD&ĐT ban hành, cần kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH hiện có; căn cứ quy mô trường/lớp, số lượng học sinh để xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung TBDH bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
TBDH là thiết bị đặc thù, chuyên dùng, vì vậy, Bộ yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức rà soát, lập kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời phục vụ năm học. Việc đầu tư, mua sắm TBDH cần tổ chức một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chú trọng công tác kiểm định, nghiệm thu sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Thái Bình) chia sẻ: Văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về CSVC, TBDH rất đầy đủ và chủ động trong việc định hướng, hướng dẫn GD các địa phương theo sát các tiêu chuẩn trong xây dựng CSVC, cũng như chuẩn bị TBDH phục vụ đổi mới chương trình.
Video đang HOT
Đó là thuận lợi để GD địa phương bắt nhịp với chỉ đạo của Bộ. Ngành GD Thái Bình đã chủ động thực hiện theo đúng hướng dẫn và quy định. Tuy nhiên, những vấn đề cần triển khai vừa mang tính tổng thể, nhưng cũng rất chi tiết. Mỗi một hạng mục, công trình CSVC, mỗi loại thiết bị đều có quy chuẩn rõ ràng. Đẩy nhanh tiến độ mua sắm TBDH đối với lớp 1 là vấn đề ngành GD-ĐT Thái Bình đang hết sức quan tâm.
HS lớp 1 ở Nam Định. Ảnh: TG
Cái khó riêng
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: Bộ GD&ĐT ban hành danh mục TBDH tối thiểu phù hợp với các tỉnh nghèo, nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Ví dụ, nguồn tài chính dự phòng của Hà Tĩnh năm nay đã tiêu hết vì Covid-19, do đó 1 tỷ xin cấp cho GD còn khó. Rất mong Bộ quyết liệt yêu cầu các địa phương thực hiện theo danh mục TBDH tối thiểu. Yêu cầu hợp lý, ngành GD sẽ tham mưu được cho chính quyền địa phương.
Mặc dù đã bám sát chủ trương của Bộ, nhưng Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết vẫn gặp những khó khăn về TBDH cho lớp 1. “Thái Bình chưa tự cân đối được ngân sách, trong nhiều năm qua không được thụ hưởng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực GD, vì vậy khó khăn cho việc tăng cường CSVC, mua sắm TBDH”- ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình) nêu.
Trao đổi với đại diện các sở GD&ĐTvề chuẩn bị TBDH cho Chương trình GD phổ thông 2018, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục CSVC (Bộ GD&ĐT) nêu thực tế: “Thông tư 05 được ban hành chỉ thay thế phần thiết bị tiểu học lớp 1 trong Thông tư 15, còn thiết bị từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo chương trình cũ. Bài toán đặt ra, nếu mua sắm thiết bị theo chương trình cũ (Thông tư 15), nhà trường mua những gì để sau này danh mục mới của các lớp 2, 3, 4, 5 ban hành, thiết bị đã mua không bị bỏ đi. Đây là vấn đề các địa phương vẫn đang lúng túng”.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các sở GD&ĐT đang gặp khó khăn trong công tác nắm bắt, quản lý tình hình khai thác, sử dụng, cũng như nhu cầu về thiết bị của các nhà trường, để có kế hoạch tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh đầu tư hiệu quả.
Thời gian tới, Cục CNTT sẽ phối hợp với Cục CSVC thiết kế các biểu mẫu, liên quan tới CSVC và TBDH, cung cấp tới từng trường học để khai báo. Khi các trường học khai báo số liệu thực tế, nhu cầu, từ đó UBND quận/huyện,UBND tỉnh, cũng như Bộ sẽ nắm được tổng thể, nhằm tính toán xây dựng kế hoạch đầu tư chuẩn xác, hiệu quả, hợp lý.
Vượt khó để dạy học hiệu quả
Để phát triển năng lực học sinh, cùng với nội dung chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm đạt được mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 đề ra.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư - Ninh Bình) thực hành trong giờ Tiếng Việt 1. Ảnh: NTCC
Dẫu còn bất cập song các địa phương, nhà trường vẫn nỗ lực vượt khó để làm tốt công tác dạy - học.
Hỗ trợ quan trọng
Yêu cầu đổi mới CTGDPT, nội dung và phương pháp dạy học tất yếu kéo theo việc đổi mới về cơ sở vật chất nói chung và thiết bị dạy học nói riêng. Thiết bị dạy học là công cụ hỗ trợ đắc lực, được lồng ghép trong các môn học với những đặc thù riêng.
Theo đánh giá của các thầy cô giáo, sử dụng thiết bị dạy họchiệu quả không chỉ góp phần hình thành tư duy khoa học cho học sinh (HS) mà còn góp phần phát triển kỹ năng nghề nghiệp của chính GV.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên 2 bộ sách Tiếng Việt 1 mới là Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) bày tỏ: Không thể nói nếu thiếu thiết bị, GV không giảng dạy được. Tuy nhiên, thiết bị dạy học hỗ trợ thêm rất nhiều cho GV trong quá trình dạy học.
Thực tế cũng cho thấy, ở những địa phương, nhà trường được trang bị đầy đủ máy móc, máy chiếu, thiết bị dạy học hiện đại, GV sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian cho giảng dạy, hoạt động dạy - học nâng cao chất lượng hiệu quả. Mặt khác, nếu GV chỉ dùng SGK trong quá trình giảng dạy trên lớp, không có thiết bị dạy học... sẽ mất thời gian hơn để hỗ trợ HS tiếp cận bài học, phương pháp dạy học đơn điệu, thiếu sinh động, hấp dẫn. Việc học và tiếp thu bài trên lớp của HS giảm hiệu quả đáng kể.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng lấy ví dụ: 1 tiết học có 35 phút, nếu GV chỉ sử dụng SGK để dạy có thể "cháy" giáo án nhưng nếu tận dụng được máy tính, màn hình, máy chiếu... hoạt động dạy học không chỉ diễn ra suôn sẻ hơn mà còn hấp dẫn, cuốn hút HS học tập. Cụ thể, với môn Tiếng Việt 1, khi HS có đủ bảng cài, bảng chữ cái có thể thực hành, học tập hiệu quả ngay trên lớp.
Ông Phạm Văn Tỉnh - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cũng khẳng định: Thiết bị dạy học chắc chắn phải có trong quá trình triển khai CTGDPT mới. Nếu không có thiết bị, việc dạy - học khó hiệu quả. Đặc biệt với môn Tiếng Việt 1, ở những tuần đầu giảng dạy nếu dạy "chay" không có trang thiết bị hỗ trợ GV sẽ khó khăn khi dạy HS nắm bắt âm, vần, tiếng... Và khi HS học không tốt môn Tiếng Việt, không đọc thông, viết thạo... cũng khó khăn hơn trong việc học tốt các môn học khác.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh - Ninh Bình). Ảnh: NTCC
Linh hoạt thiết bị dạy học
Danh mục thiết bị dạy học được Bộ GD&ĐT ban hành, dựa theo yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình môn học và sử dụng thống nhất.
Mặt khác, yêu cầu của CTGDPT 2018 là nâng cao kỹ năng thực hành cho HS, do đó trang bị đủ thiết bị dạy học là yêu cầu tối thiểu. Ngoài ra nhà trường, GV có thể mua sắm, tự tạo thêm các thiết bị ngoài danh mục nhằm đổi mới phương pháp dạy học.
Để chuẩn bị thiết bị dạy học trong CTGDPT mới, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT và trường tiểu học rà soát thực trạng thiết bị dạy học và phân loại theo các nhóm (Còn sử dụng được; Hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; Hư hỏng hoàn toàn). Dựa trên kết quả rà soát xây dựng Kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung (có chọn lọc), ưu tiên thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1...
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) chia sẻ: Năm học này nhà trường chọn bộ SGK "Cánh diều" đưa vào dạy học cho HS lớp 1. Để hình thành kiến thức, chuyển từ âm vần sang kênh hình, khi dạy học đòi hỏi GV phải có các thiết bị dạy học hỗ trợ như ti vi, sách điện tử...
Hiện tại, trường có 9 điểm trường nhưng mới có 1 bộ thiết bị dạy học. Nhà trường đặt bộ thiết bị tại điểm trường chính, 8 điểm lẻ chưa có nên việc dạy học vất vả hơn. Tuy nhiên, với tinh thần khắc phục khó khăn, trường yêu cầu GV tận dụng những đồ dùng dạy học từ năm trước, kết hợp đồ dùng dạy học tự tạo. Như vậy, việc dạy học sẽ thêm hiệu quả, giúp HS nhanh chóng bắt nhịp với chương trình và kiến thức mới.
GS.TS Đỗ Tiến Đạt, Chủ biên môn Toán 1 bộ SGK "Cánh diều" cũng khẳng định: Môn Toán 1 trong CTGDPT 2018 vẫn tuân thủ tối thiểu các thiết bị dạy học theo thông tư 05/2019/TT-BGDĐT. Do đó trang thiết bị dạy học không có gì thay đổi lớn so với chương trình GDPT hiện hành. (Thêm 2 hình lập phương và chữ nhật, GV hoàn toàn có thể tự tạo để đưa vào dạy học).
Như vậy, các nhà trường có thể thu gom lại thiết bị dạy học từ năm trước bổ sung vào thiết bị còn thiếu của năm nay. Ngoài ra có thể yêu cầu GV tự tạo đồ dùng dạy học với các đồ dùng đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện để đưa vào giảng dạy.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên môn Tiếng Việt 1 bộ sách "Kết nối tri thức" và "Chân trời sáng tạo" cũng khẳng định: Thiết bị dạy học từ năm ngoái (đối với môn Tiếng Việt 1) gần như không có sự thay đổi nên các trường hoàn toàn có thể tận dụng lại. Mặt khác, quá trình giảng dạy đội ngũ GV cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng trang thiết bị dạy học cũ để đưa vào bài giảng trong chương trình SGK lớp 1 mới.
Sở GD&ĐT Ninh Bình quán triệt các nhà trường trong trường hợp thiết bị mới chưa đầy đủ sẽ tận dụng lại thiết bị năm trước. Thậm chí, GV có thể tham gia tự tạo đồ dùng học tập đơn giản để phục vụ tức thời cho dạy học thực tế và phù hợp với đối tượng HS trên lớp. Chính vì vậy, việc thiếu thiết bị dạy học tạm thời không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hiệu quả của dạy học thực tế, đặc biệt với HS lớp 1 thực hiện CT và SGK mới. - Ông Phạm Văn Tỉnh
Dự kiến ba tiêu chí lựa chọn đồ chơi, học liệu cho trẻ mầm non Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh minh họa Theo dự thảo, đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non phải nằm trong danh mục thiết...