Mùa mận chín nơi “cổng trời” xứ Nghệ
Được mệnh danh là “Sa Pa xứ Nghệ”, những ngày này nơi cổng trời Mường Lống, huyện Kỳ Sơn ( Nghệ An) nhiều vườn mận với quả chín mọng, thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao, người dân nô nức thu hoạch.
Những ngày hè tháng 5, vượt quãng đường hơn 200km từ TP.Vinh, chúng tôi tìm về Mường Lống, một xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Nằm gọn trong thung lũng, lại trên một đỉnh núi cao 1485m so với mực nước biển, từ lâu, Mường Lống được mệnh danh là “cổng trời”, là “Sa Pa xứ Nghệ” bởi khí hậu mát mẻ, hiền hòa.
Những vườn mận ở Mường Lống vào mùa thu hoạch sai trĩu quả. Ảnh: A.Đ
Nhờ thiên nhiên ban tặng, Mường Lống trở thành thiên đường của hoa và các loại cây ăn quả như mận, đào. Trong tiết trời tháng năm, nếu như ở những địa phương khác của xứ Nghệ còn chịu cái nóng nực, gay gắt của gió phơn Tây Nam từ nước bạn Lào thổi đến, thì riêng Mường Lống, tiết trời vẫn mát mẻ, dễ chịu.
Người dân xã Mường Lống thu hoạch mận. Ảnh: A.Đ
Tới Mường Lống những ngày này, chúng ta sẽ được đắm mình trong những vườn mận chín mọng, sai quả. Đặc biệt, các loại đào, mận ở Mường Lống được trồng trên đồi núi, hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, nên luôn đảm bảo sạch, được tiểu thương và người dân tin tưởng tuyệt đối nên rất đắt hàng.
Hiện tại, mận bán tại gốc giá từ 18 – 20 ngàn đồng/kg, bà con phấn khởi vì được mùa.
Ông Vừ A Chữ ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống cho biết: “Gia đình ông hiện có hơn 150 gốc đào và hơn 1.000 cây mận tam hoa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Hàng năm, từ các giống cây ăn quả này mang lại thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng, giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác trong bản thoát khỏi cảnh khó khăn”.
Video đang HOT
Mận sau khi thu hoạch được đóng thùng để thương lái thu mua đưa về xuôi tiêu thụ. Ảnh: A.Đ
Theo anh Hồ Văn Ngợi, một lái buôn ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thường xuyên thu mua các loại cây ăn quả trên địa bàn xã Mường Lống, giá mận nhập năm nay cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng đủ số lượng hàng mà anh và các đối tác cần thu mua.
Ông Và Chá Xá – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống – cho biết hiện nay, toàn xã Mường Lống có hơn 25 ha mận các loại, chủ yếu là cây mận tam hoa.
“Mận Mường Lống bao giờ cũng được giá hơn, đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Năm nay mận Mường Lống được mùa, quả to, sai quả, mỗi cây ước được khoảng 4 – 4,5 tạ quả”, ông Xá thông tin thêm.
Theo lao động
Lên đỉnh đèo Ngang khám phá 'cổng trời' bị lãng quên
Từ "cổng trời" Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang, phóng tầm mắt là cả một vùng đất Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rộng lớn nhưng đáng tiếc, đường lên di tích này dường như bị lãng quên với những dấu tích hoang phế.
Di tích Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh đèo Ngang - Ảnh: NAM TRẦN
Di tích Hoành Sơn Quan hay còn thường được gọi "cổng trời", xây dựng dưới thời Minh Mạng vào năm 1833, nằm trên đỉnh đèo Ngang (ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), cao hơn 4m với hai bên là cả ngàn bậc thang được đào vào núi.
Vượt ngàn bậc đá uốn lượn, du khách bước đến "cổng trời" phóng tầm mắt về phía trước là cả một vùng đất Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rộng lớn.
Hoành Sơn Quan là di tích cổ, khi xưa vốn để kiểm soát việc qua lại đèo và mang trong mình vẻ trầm mặc, cổ kính, rêu phong theo thời gian.
Nhưng dường như đã bị lãng quên với nhiều người bởi giờ đã lựa chọn qua hầm đèo Ngang thay vì vượt đèo để rút ngắn lộ trình.
Có chăng chỉ thi thoảng mới thấy từng nhóm bạn trẻ "phượt" bằng xe máy dừng chân đứng lại bên khu di tích này.
Quê ở Quảng Bình, Nguyễn Thị Kim Oanh (22 tuổi, Trường ĐH Y dược Đà Nẵng) cùng bạn đến khu di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang thăm thú, chụp hình lưu lại những khoảnh khắc bên nhau trước khi dời giảng đường đại học.
Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh đèo Ngang được cả tỉnh Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa thuộc tỉnh mình. Cả hai tỉnh cũng đều lập hồ sơ trình công nhận là di tích quốc gia nhưng đều không được chấp nhận.
Việc tranh chấp dai dẳng làm cho cả khu vực đèo Ngang được đánh giá có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử nhưng vẫn bị lãng quên và hiện nay "cổng trời" Hoành Sơn Quan đang bị xuống cấp cùng sự xâm hại đáng tiếc.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Hoành Sơn có độ dài 81 dặm, đông tây cách nhau 57 dặm, tây đến địa giới Hương Khê 40 dặm, nam đến Quan ải Quảng Bình 49 dặm, bắc đến Cẩm Xuyên 32 dặm - Ảnh: NAM TRẦN
Tấm biển Hoành Sơn Quan bằng chữ Hán trên cổng vòm đá hướng ra phía bắc nay vẫn còn nhưng cũng đã bị vỡ - Ảnh: NAM TRẦN
Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang được Hà Tĩnh và Quảng Bình xếp hạng di tích lịch sử văn hoá thuộc tỉnh năm 2005 và từng lập hồ sơ xin di tích quốc gia nhưng chưa được công nhận - Ảnh: NAM TRẦN
Theo một vài sách cổ có ghi rằng ở đỉnh Đèo Ngang, hai phía đều có đắp các cấp đá, qua một quãng đường dốc ngắn khoảng 50m, trước cổng phía bắc Hoành Sơn Quan đã thấy gần 100 bậc đá, mỗi bậc dài khoảng 6m, rộng 0,4m - Ảnh: NAM TRẦN
Một nhóm bạn trẻ đi xe máy qua Đèo Ngang và ghé thăm Hoành Sơn Quan - Ảnh: NAM TRẦN
Theo thời gian, Hoành Sơn Quan bị lãng quên, phủ trên mình sự cổ kính, rêu phong và... sự cả xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Cùng với những mảng bong tróc, những dòng chữ của du khách thiếu ý thức đã viết, vẽ bậy trên di tích cũng khiến nơi này càng lúc bị xuống cấp - Ảnh: NAM TRẦN
Hoành Sơn Quan nhìn từ phía sau, nhiều mảng tường đã bị bong tróc, rong rêu thậm chí cây cối còn mọc cả trên nóc - Ảnh: NAM TRẦN
Từ trên Hoành Sơn Quan phóng tầm mắt phía trước là cả một vùng đất Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - Ảnh: NAM TRẦN
Do lối lên di tích này nhỏ và cũ, nhiều người qua đây ít ai nhận biết được di tích nên tỉnh Hà Tĩnh đã đặt một tấm biển lớn bên đường Đèo Ngang để có thể dễ dàng thấy - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Tuổi trẻ
Về xứ Nghệ thưởng thức xáo lòng Ngoài cháo lươn, bánh mướt, xáo lòng là một trong những đặc sản nức tiếng của Nghệ An. Buổi sáng, nếm một miếng lòng giòn mà dai, húp chút nước xáo vừa ngọt vừa the the vị hạt tiêu nơi đầu lưỡi mới hiểu vì sao ai đi xa xứ Nghệ cũng chỉ nhớ về bát xáo lòng. Nhớ buổi nghèo khó Người...