Mùa lũ đi ăn điên điển tép rong
Khi dân du lịch nô nức kéo nhau đi du hí mùa nước nổi chúng tôi lại kéo nhau về nhà dì tư chỉ để ăn cho được món điên điển tép rong. Cái món gì đâu chỉ có rau là rau mà năm nào không được ăn lại thấy mình như bị trời bạc đãi.
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nước lũ về bạn lại rủ về quê ngoại ở Sa Đéc (Đồng Tháp) chơi. Bà con giờ chẳng còn ai, chỉ còn những người hàng xóm ngày xưa nhưng tình như ruột thịt. Tiếng là về chơi nhưng cả đám chẳng đi đâu mà suốt ngày quanh quẩn nơi xó bếp với người dì, nấu ăn ngon “đệ nhất thiên hạ”.
Qua bàn tay chế biến của dì tư, món nào cũng ngon đệ nhất thiên hạ
Video đang HOT
Chiều, lúc chạy dọc bờ sông nước dâng trắng xóa, thấy bông súng trắng nhấp nhô, thấy điên điển vàng lé đé, tụi tôi đã nuốt nước miếng ừng ực nên vừa xông vào nhà, bạn tôi đã níu áo dì tư, thật thà: “Dì tư ơi, tiếng là con về thăm dì nhưng chủ yếu chỉ để ăn món điên điển trộn tép rong của dì thôi”. Dì tư cười ha hả: “Tổ cha mày, mai tao đi chợ quơ hết về cho mà ăn”.
Sớm mai thức dậy, xuống nhà bếp đã thấy rổ điên điển vàng ươm và rổ tép rong tươi tanh tách để dựa gốc dừa; dì tư thì ngồi ở sàn nước, lia tay tước bông súng. “Tao đi chợ thấy bông súng trắng ngon quá, tiện tay mua một mớ về bóp gỏi cuốn chung, bông súng mùa này mềm, ngọt lắm”. Rồi dì phân công luôn, đứa lặt rau sống; đứa đâm tỏi ớt, bằm thơm; đứa ra vườn hái chanh…
Tôi vốn là đệ tử ruột của món mắm nêm nên giành phần pha nước chấm. Sau khi bằm nhỏ một mớ tỏi ớt, tôi để dành dì tư một nửa để trộn gỏi, phần còn lại trộn vào thơm, bằm lại một lần nữa cho thật nhừ. Thơm làm gỏi cuốn phải chọn loại chín hườm hườm để còn chút vị chua. Mắm nêm loại đã pha sẵn đóng chai vẫn còn rất mặn nên phải pha thêm nước chút nước sôi, đường và một chút bột ngọt dằn lại. Đang hái chanh ngoài vườn, thằng bạn nói vói vào: “Bà nhớ lấy rây lọc xác mắm nêm, bằm thơm cho nhuyễn để tui vừa chấm vừa húp nghen”. Vừa đảo nhanh tay chảo tép rong trên bếp sao cho con nào con nấy đỏ au nhưng vẫn còn căng mọng, dì tư rầy: “Đem chanh vô lẹ lên để dì còn bóp gỏi”.
Bữa trưa mát rượi trên bộ ván sau hè
Nước trộn gỏi phải đích thân dì tư làm, ngoài những gia vị cơ bản như đường, nước mắm, tỏi, ớt, chanh, dì còn gia thêm một chút hành phi dầu ăn giòn tan cho thơm. Tép được chia làm 2 phần, một trộn với điên điển, 1 trộn với bông súng.
Trong khi dì tư ngồi đảo liên tục 2 thau gỏi cho thấm thì chúng tôi sắp xếp rau, bánh tráng, bún, chén đũa lên bộ ván dựa hiên nhà. Khi thấy những cọng bông súng giòn tan đã dịu lại, những bông điên điển vàng ươm đã ngả màu vàng đậm, dì cho ra dĩa lớn, rắc lên chút rau răm và tuyên bố nhập tiệc.
Lót một ít rau lên bánh tráng, gắp một đũa gỏi trải đều, điểm thêm ít bún và cọng hẹ gấp đôi, những đôi tay háu ăn của chúng tôi cứ thoăn thoắt cuốn, chấm, cắn rào rạo. Vị chua của gỏi, vị ngọt béo rất nhẹ của tép rong, một chút thanh tao của bún làm cái mặn đậm đà của mắm nêm bỗng dịu lại trên đầu lưỡi.
Gỏi cuốn là cái món “tay làm hàm nhai” nên ăn hoài không thấy ngán. Chỉ đến khi tô mắm nêm vơi dần thì cả bọn mới nhận ra bụng đã lặc lè.
Trưa nắng trong veo, gió miền Tây mát rượi làm mi mắt đứa nào cũng nặng trịch. “Tụi bây lo đi ngủ đi để chiều chạy xe ngủ gục. Còn mớ điên điển với tép, để tao bắc nồi cơm, nấu nồi canh chua, xào mặn mớ tép để xế xế ngủ dậy ăn xong rồi hãy về” – dì tư mở lời và lập tức được những cái miệng háo ăn dạ ran đáp lại.
Theo Thiên Kim (Người lao động)