Một tuần con gái về với mẹ
Hơn 1 năm rồi, mãi cũng đến dịp trường con nghỉ học, để con gái được về với mẹ. Một tuần không nhiều, nhưng đủ để 2 mẹ con mình khoả lấp nỗi nhớ nhung, có thêm những ngày chộn rộn, ấm áp bên nhau.
Gia đình mình không hạnh phúc, nên ngày mẹ rời khỏi căn nhà quen thuộc của mấy mẹ con mình, chỉ dắt theo được cậu em bé bỏng của con. Xa con, mẹ biết nhiều đêm con vật lộn vì thiếu hơi mẹ mà khó ngủ, thiếu rất nhiều tình mẹ, nên bỗng nhiên con trở nên sống khép kín, thu mình lại. Không ít lần con gọi điện hờn trách mẹ, sao nỡ để con lại? sao không mang con theo?… Lòng mẹ nhói đau, xót xa với những lời trách móc của con.
Thời gian trôi, không khí như cũng loãng ra, con ríu rít khoe, bố đã đồng ý cho con về nhà mẹ rồi. Con ôm quần áo bỏ vội vào túi nilon chạy theo mẹ với nụ cười tươi rói.
Con càng lớn, mẹ càng già đi, nhưng tình mẫu tử thì muôn đời vẫn gắn bó(Ảnh minh hoạ)
Căn nhà của mẹ nhỏ bé xinh xinh, giờ có thêm con về mẹ bỗng bận rộn hơn với việc đi chợ, nấu những món ăn mà con thích. Bữa ăn mẹ nấu, con đều đánh sạch banh với sự sung sướng vô bờ: “Giá mà ngày nào con cũng được ăn cơm mẹ nấu nhỉ?” – con gái cười tủm tỉm, ăn như thể bù cho bao ngày không được ăn bữa cơm mẹ nấu vậy.
Cái giường mọi hôm chỉ có mẹ và em con, thì nay đón thêm con cũng chật chội hơn, nhưng ấm áp hơn. Ở nhà con, nhiều đêm con kêu than khó ngủ, vậy mà nằm bên mẹ một lúc con đã ngáy nhè nhẹ, chìm vào giấc ngủ êm đềm.
Mỗi sáng thức dậy, thêm một ngày bình yên quá đỗi khi nhìn các con ngủ ngon lành 2 bên mẹ. Hạnh phúc với mẹ có lẽ chẳng gì so sánh nổi những ngày như thế.
Video đang HOT
Con đã lớn, 13 tuổi, sắp thành thiếu nữ, mà cứ líu ríu sáng nào cũng chờ mẹ đưa em đi học xong, 2 mẹ con đi ăn sáng. Con cứ loanh quanh cố làm sao túm vào tay mẹ, ôm mẹ cho thoả lòng, con hít hà mùi mồ hôi quen thuộc của mẹ suốt ngày chẳng chán.
Những ngày bình yên của mẹ con mình cứ thế trôi qua, con bỗng như nhỏ bé hơn tuổi 13 của mình, thích nằm vào lòng mẹ để được mẹ ngoáy tai như hồi con còn bé. Rồi mẹ đưa con đi thăm ông bà ngoại, đi hiệu sách để con chọn thêm đồ dùng học tập, mua thêm những quyển sách hữu ích, truyện giải trí mà con thích.
Gần hết một tuần, sắp đến ngày về, giọng con trầm lại: “Con lại sắp phải về nhà rồi, nhưng con muốn ở lại với mẹ, bao giờ mới lại được ăn cơm mẹ nấu?…”.
Mẹ gõ nhẹ lên cái trán bướng bỉnh của con: “Hết kỳ nghỉ ở trường, con cũng phải về để đi học tiếp. Mẹ con mình tạm xa nhau trong giấc ngủ, nhưng mỗi ngày mẹ lại cố gắng tranh thủ ghé thăm con, để mẹ con luôn gần nhau, dẫu chỉ trong chốc lát. Vì cuộc sống muôn màu, cho dù mẹ con mình có ở bên nhau mỗi ngày hay không, nhưng chắc chắn một điều, tình mẹ con mỗi ngày một lớn lên, nhiều hơn như một lẽ tự nhiên ở đời này. Con càng lớn, mẹ càng già đi, nhưng tình mẫu tử thì muôn đời vẫn gắn bó và luôn cần có nhau trong đời vậy.
Bảo Vy (ghi)
Ghi theo lời kể của chị Huỳnh Thanh Thảo, tỉnh Hà Giang
Theo phunuvietnam.vn
Cha dượng
Tuổi thơ bị ám ảnh bởi những trận đòn roi mẹ phải chịu từ cha, ám ảnh bởi thái độ kỳ thị của cả nhà nội, như thể mẹ là người ở đợ còn nó là đứa cháu rơi vãi ở đâu nhặt về. Mỗi khi nhắc về tuổi thơ, nó buồn, buồn đến mức không muốn nhắc về sự tồn tại của nhà nội.
Thậm chí nó cũng không còn nhớ gương mặt cha nó như nào, bà nội nó ra sao. Hôm nọ nó về quê, mang đồ ra chợ cho mẹ, đi đường thấy có 2 người phụ nữ cứ nhìn nó chằm chằm. Tối đó cô Tư lên nhà nó kể rằng nay có 2 người cô bên nội ra gặp cô nói nhà đó muốn chia đất cho nó và muốn nó nhận lại máu mủ, vì cha nó đang bệnh nặng. Nó phán ngay "Con chỉ có duy nhất một người cha hiện tại đang sống cùng mẹ con con thôi".
Là cha Hậu của nó, người đã mang lại cho mẹ con nó cuộc sống đủ đầy êm ả như bây giờ, người yêu thương và cho nó tất cả như một đứa con ruột từ khi nó về đây.
Ngày mẹ mới cưới cha Hậu, mẹ không dám mang nó về sống cùng, nó phải sống với ông bà ngoại. Nhưng rồi chính cha Hậu đã xuống đón nó về ở cùng. Những ngày đầu tiên về sống cùng cha Hậu nó lầm lì ít nói, nhưng chính sự cởi mở quan tâm của cha đã giúp nó hòa đồng vui vẻ hơn. Ngày ấy, vợ cũ cũng mới bỏ cha đi, mang theo cả những đứa con.
Vậy là cha ở một mình, suốt ngày chỉ buồn bã, không buồn làm ăn gì cả, thậm chí đến bữa cơm cũng có người chị ruột của cha mang lên cho, nếu không cha cũng nhịn luôn. Cho đến khi có mẹ và nó về ở cùng, cha vui vẻ, cha bắt đầu tính chuyện làm ăn với mẹ. Hai người chăm chỉ làm ăn, rồi cũng cất được cái nhà, mua được thêm đất, nó cũng có thêm đứa em gái.
Dù có thêm em, nhưng tình thương của cha dành cho nó không hề giảm. Đi học nó không thua bạn bè bất cứ thứ gì, thậm chí còn được lo lắng đầy đủ hơn. Cha cũng chính là người luôn động viên nó phải học thật giỏi, ngày nó khăn gói lên thành phố học đại học, chính cha là người chuẩn bị cho nó từng bịch đồ ăn mang theo, cha cũng dúi cho nó thêm tiền ngoài khoản mẹ đưa.
Suốt những năm đi học, tuần nào cha cũng gọi điện hỏi thăm rồi hẹn nó cuối tuần về nhà cha nấu món này món kia cho ăn. Năm cuối đại học, cha cùng mẹ dành dụm mua chiếc xe máy đầu tiên trong gia đình dành tặng nó.
Người ta luôn bảo "Chim hồng, chim hộc bay đi/Cha dượng, con vợ làm gì thương nhau". Trường hợp của nó thì hoàn toàn ngược lại, nó thậm chí còn tâm sự với cha dượng nhiều hơn với mẹ và ngược lại, cha dượng hễ có chuyện lại gọi tâm sự với nó.
Từ ngày nó ra trường, cha và cả mẹ vẫn luôn mong muốn nó chuyển về làm việc gần nhà, cha nó còn nhờ người quen kiếm việc cho nó. Nhưng nó muốn tự lập và cũng không muốn anh em họ bên nhà cha nghĩ nó muốn về để được chia đất đai.
Cha giờ đã không còn đi làm nhiều được nữa vì tuổi cao sức yếu. Mỗi lần về nhà nó lại lén giấu mẹ cho cha ít tiền tiêu vặt. Nó phải giấu mẹ, vì nếu mẹ biết sẽ không cho cha cầm tiền, vì mỗi lần có tiền là cha lại mang đi mua chim với hoa, mà nhà nó thì đã có quá nhiều rồi.
Thi thoảng nó bảo "thấy thương cha quá, giờ bị mẹ quản lý tiền bạc chặt nên nhiều khi ông uống chút rưụ vào là gọi điện cho nó kể lể mẹ thế này thế kia, nó nghe vừa buồn cười vừa thương, cũng chỉ mong cha mẹ cứ vui vẻ như vậy mãi".
Nó luôn bảo nó và cả mẹ nó thật may mắn khi gặp được người chồng, người cha như cha Hậu. Thế nên nó không hề có ý định nhận lại cha ruột hay nguồn gốc xuất xứ của mình. Thậm chí người nhà dưới ấy vài lần nhờ mẹ nó thuyết phục, cùng mẹ nó về thăm cha ruột, dù gì cũng mang dòng máu nhà người ta. Nhưng nó nhất quyết không, vì ngày xưa nó cũng từng cùng mẹ quay về nhà đó một lần cùng mẹ để thắp nhang khi ông nội mất.
Nhưng chính những người trong gia đình ấy đã xua đuổi mẹ con nó, vì họ cho rằng nó về nhận tổ tông để được chia tài sản đất đai. Cái cảm giác ấy theo nó suốt đời, nó không thể quên và cũng không thể tha thứ. Nó được chọn lựa và nó chọn người cha duy nhất là người đã và đang sống cùng mẹ con nó bao nhiêu năm qua.
Thế mới biết, con người sống nhau chỉ cần đủ yêu thương tử tế với nhau thì dù là người dưng cũng sẽ trở thành người nhà. Máu mủ ruột già mà vô tình vô nghĩa thì thà không có còn hơn.
Theo kinhtedothi.vn
Con mới 6 tháng tuổi mà nhà chồng đã giục tôi sinh thêm Ông bà nội bé bận suốt, tháng gửi được dăm ba triệu để tôi mua bỉm sữa cho con, tất cả đều nhờ bên ngoại. Ảnh minh họa Tôi 27 tuổi, con gái vừa thôi nôi. 6 tháng qua tôi gửi con cho ông bà ngoại suốt vì bận đi làm, đến cuối tuần vợ chồng mới rước con về nhà chăm. Chồng...