Một tháng giao tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962
Trung Quốc từng phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 và giành được quyền kiểm soát vùng Aksai Chin.
Lính Ấn Độ trong một buổi huấn luyện cho chiến tranh biên giới năm 1962. Ảnh: Time
Ấn Độ và Trung Quốc vừa trải qua thời gian căng thẳng tại cao nguyên Doklam khi lực lượng quân sự hai bên được triển khai để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực tranh chấp. Dù tình hình đã hạ nhiệt, biến cố này vẫn cho thấy những mâu thuẫn trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh, vốn từng bùng nổ thành một cuộc chiến lớn cách đây hơn 50 năm khiến Ấn Độ chịu tổn thất nặng nề.
Cuộc chiến Trung – Ấn năm 1962 là một loạt xung đột liên quan đến tranh chấp biên giới, có liên quan đến việc biên giới giữa Ấn Độ thuộc Anh và vùng Tây Tạng không được phân định rõ ràng. Tại hội nghị Simla năm 1913-1914, thống đốc Anh Henry McMahon ấn định ranh giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng theo “đường McMahon” nhằm nới rộng vùng kiểm soát của Anh và tạo ra một số vùng đệm. Các đại diện Anh và Tây Tạng tại hội nghị thông qua đường ranh giới này nhưng Trung Quốc chối từ ký hiệp định vì khẳng định Tây Tạng thuộc chủ quyền của mình và đường McMahon vô giá trị.
Theo đường McMahon, Arunachal Pradesh thuộc Ấn Độ nhưng Trung Quốc coi đường này là vô giá trị. Trong chiến tranh, Trung Quốc đã chiếm đóng Arunachal Pradesh nhưng sau khi chiến thắng thì lui về sau đường McMahon. Arunachal Pradesh hiện thuộc sự kiểm soát của Ấn Độ. Đồ họa: quoracdn
Sau khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947 và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập vào ngày 1/10/1949, vấn đề biên giới vẫn không được giải quyết. Ấn Độ tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình theo “đường McMahon”.
Ấn Độ và Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong những năm 1950. Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thúc đẩy khẩu hiệu “Ấn Độ và Trung Quốc là anh em” nhưng cũng đồng thời áp dụng chính sách “tiến tới” khi bố trí các tiền đồn quân sự ở khu vực biên giới ngay sau khi Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950. Ở phía đông, quân đội Ấn Độ thiết lập các tiền đồn không chỉ đến đường McMahon mà còn vượt xa hơn nó vài km, bất chấp cảnh báo lặp đi lặp lại từ Trung Quốc. Hai bên duy trì lực lượng trong khu vực tranh chấp. Một vài cuộc ẩu đả nhỏ diễn ra trong thời gian này.
Trong khi lợi ích của hai bên trong các vùng tranh chấp được thúc đẩy bởi quan điểm dân tộc, người Trung Quốc cũng có mục đích thực dụng khi bảo vệ các khu vực hoang vu và không có cư dân này. Họ muốn bảo vệ đường cao tốc Tứ Xuyên – Tây Tạng, chạy gần biên giới và là tuyến đường chính để Trung Quốc chuyển hàng tiếp viện cho quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Tây Tạng trước khi mở đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng năm 2006.
Trung Quốc và Ấn Độ còn có tranh chấp ở Aksai Chin – vùng đất hoang vu và khô cằn rộng 38.000 km2, rất ít dân cư nhưng nằm ở vị trí chiến lược giữa ba nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng một con đường quân sự xuyên qua đây vào những năm 1950 để nối kết Tây Tạng với Tân Cương. Ấn Độ phản đối con đường này.
Trung Quốc cũng đòi lại một khu vực rộng khoảng 82.000 km2 ở đông bắc Ấn Độ hiện là tiểu bang Arunachal Pradesh nhưng Trung Quốc thường gọi là Nam Tây Tạng.
Video đang HOT
Trước chiến tranh Aksai Chin thuộc kiểm soát của Ấn Độ, sau chiến tranh, Trung Quốc đã kiểm soát khu vực này. Đồ họa: outlookindia
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới quyết định của Trung Quốc trong cuộc chiến với Ấn Độ là để ngăn chặn một sự bao vây của Liên Xô – Mỹ – Ấn nhằm cô lập Trung Quốc. Quan hệ của Ấn Độ với Liên Xô và Mỹ đã được cải thiện mạnh mẽ vào thời gian này, Trung Quốc đã tính toán thời điểm Liên Xô bị sa vào cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba sẽ không thể can thiệp vào chiến tranh Trung – Ấn. Thực tế cho thấy Trung Quốc đã tính toán chính xác.
Theo phía Trung Quốc, nguyên nhân bùng nổ chiến tranh là quân Ấn Độ xâm nhập vào phía bắc của đường McMahon (phía bên Trung Quốc). Còn Ấn Độ cho rằng quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ ở vùng biên giới đông bắc, do Trung Quốc muốn trả đũa việc Ấn Độ cấp quy chế tị nạn chính trị cho Dalai Lama.
Các cuộc giao tranh nhỏ giữa hai bên diễn ra vào tháng 9 và đầu tháng 10/1962 trước khi bùng nổ thành chiến tranh.
Ngày 20/10/1962, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phát động hai cuộc tấn công tại hai địa điểm cách nhau 1000 km. Ở phía đông, PLA tìm cách chiếm hai bờ sông Chu Namka, đồng thời tìm cách đẩy lực lượng Ấn Độ ra khỏi thung lũng Chip Chap tại Aksai Chin ở phía tây.
Một số xung đột cũng diễn ra tại đèo Nathula thuộc bang Sikkim (vùng thuộc sự bảo hộ của Ấn Độ vào thời điểm đó). Pháo binh Trung Quốc nã đạn và cắt đường dây điện thoại của Ấn Độ, ngăn lực lượng phòng thủ liên hệ với sở chỉ huy của họ.
Sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, ba trung đoàn của quân đội Trung Quốc đã thành công đáng kể trong việc chiếm một phần lãnh thổ tranh chấp. Vì chủ quan rằng chiến tranh sẽ không xảy ra, Ấn Độ bố trí rất ít quân trong khu vực và gặp thiếu thốn về hậu cần, khiến họ chịu tổn thất nặng nề.
Thực tế, không bên nào tuyên bố chiến tranh, sử dụng không quân hay cắt quan hệ ngoại giao, nhưng cuộc xung đột này vẫn thường được gọi là chiến tranh.
Xung đột tiếp diễn vào giữa tháng 11, khi PLA ở khu vực phía đông nhanh chóng đánh bại sư đoàn 4 của Ấn Độ và thâm nhập vào thị trấn Tezpur, Assam cách biên giới đông bắc 50 km. Đến ngày 20/11, quân đội Ấn Độ không còn sức kháng cự trong vùng tranh chấp.
Do các vấn đề về hậu cần hoặc lý do chính trị, PLA không tiến xa hơn và vào ngày 21/11, họ tuyên bố một lệnh ngưng bắn đơn phương. Trung Quốc thông báo Aksai Chin đã thuộc quản lý của mình. Ở phía đông bắc, Trung Quốc trong chiến tranh chiếm đóng hầu hết khu vực Arunachal Pradesh, tuy nhiên, sau khi tuyên bố thắng lợi, họ đã tự lui về sau đường McMahon và trao trả tù binh Ấn Độ vào năm 1963.
Quyết định tuyên bố ngừng bắn của Trung Quốc còn có thể vì họ muốn tránh sự can thiệp của Mỹ. Ngày 19/11, Ấn Độ yêu cầu Mỹ hỗ trợ bằng không quân, các tàu sân bay Mỹ cũng đã được lệnh áp sát bờ biển Ấn Độ. Sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn, các tàu sân bay Mỹ mới rời đi.
Trong các cuộc giao tranh, Trung Quốc đã huy động lực lượng 80.000 quân trong khi Ấn Độ có 10.000-12.000 quân. Ấn Độ chịu tổn thất nặng nề, với 3.128 lính thiệt mạng, hơn 3.100 người bị bắt, 1.400-1.600 người bị thương. Trung Quốc có 1.460 lính chết và 569 người bị thương.
Sau khi chiến tranh kết thúc, bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã từ chức, Thủ tướng Ấn Độ Nehru chịu chỉ trích và áp lực nặng nề. Ấn Độ sau đó đã cải tổ quân đội để chuẩn bị cho các xung đột tương tự.
Phương Vũ
Theo VNE
Hậu quả nếu chiến tranh biên giới Trung-Ấn nổ ra
Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể gây thiệt hại nặng nề cho hai nước và ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu.
Tờ Global Times của Trung Quốc mới đây cảnh báo sẽ nổ ra "đối đầu tổng lực" nếu Ấn Độ không rút quân khỏi cao nguyên Doklam, khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan. Giới quan sát cho rằng một cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước giống như năm 1962 sẽ khó lặp lại, bởi hậu quả mà nó gây ra sẽ vô cùng thảm khốc, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, trong trường hợp một sự cố phát sinh ở vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước không được kiểm soát tốt làm bùng lên xung đột, quân đội hai quốc gia sẽ chỉ giới hạn giao tranh bằng các loại vũ khí thông thường, không chủ trương tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân bởi đó sẽ là kịch bản hủy diệt cho cả hai bên.
Giống các cuộc chiến hiện đại, cuộc chiến Trung - Ấn sẽ diễn ra cả trên bộ, trên biển và trên không. Biên giới trên bộ với địa hình rừng núi hiểm trở sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng các loại khí tài bộ binh, trong khi cuộc chiến trên không sẽ gây thiệt hại lớn nhất. Át chủ bài duy nhất giúp Ấn Độ chiếm lợi thế là hải chiến, vì điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Khi xung đột nổ ra, hai nước sẽ huy động lực lượng không quân rất lớn, khiến tính chất cuộc chiến khác xa với biến cố năm 1962. Cả New Delhi và Bắc Kinh đều sở hữu lực lượng máy bay chiến thuật lớn, đủ sức thực hiện nhiều nhiệm vụ trên chiến trường. Các đơn vị không quân Trung Quốc thuộc chiến lược khu Lan Châu sẽ tập kích bang Punjab, Himchal Pradesh và Uttarakhand, trong khi chiến đấu cơ từ chiến lược khu Thành Đô sẽ tấn công bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Chiến lược khu Lan Châu sở hữu lượng lớn tiêm kích J-11 và J-11B, cùng hai trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6 và nhiều tiêm kích đánh chặn J-7, J-8. Việc không có căn cứ tiền phương ở Tân Cương khiến chiến lược khu Lan Châu chỉ đủ sức tiến hành chiến dịch tập kích đường không hạn chế nhằm vào miền bắc Ấn Độ. Trong khi đó, chiến lược khu Thành Đô sở hữu tiêm kích J-11A và J-10 tối tân, nhưng lại có ít sân bay quân sự ở khu vực Tây Tạng sát biên giới Ấn Độ.
Trung Quốc cũng có thể triển khai lực lượng tên lửa chiến lược với 2.000 tên lửa đạn đạo DF-11, DF-15 và DF-21 tới sát biên giới với Ấn Độ. Việc điều động các đơn vị tên lửa này tới biên giới phía tây giúp Trung Quốc đe dọa hàng loạt mục tiêu chiến lược của đối phương, nhưng sẽ để hở toàn bộ sườn phía đông giáp biển.
Trung Quốc có thể dựa phần lớn vào lực lượng tên lửa chiến lược. Ảnh: Arms Control Wonk.
Trong khi đó, không quân Ấn Độ có khả năng chiếm ưu thế và kiểm soát không phận tốt hơn đối thủ. Phi đội 230 tiêm kích đa năng Su-30MKI, 69 tiêm kích MiG-29 và hàng loạt chiến đấu cơ Mirage 2000 tỏ ra vượt trội so với máy bay Trung Quốc, ít nhất cho đến khi tiêm kích tàng hình J-20 đạt khả năng vận hành thực tế.
Ấn Độ có đủ chiến đấu cơ để tham chiến trên hai mặt trận, trong trường hợp không quân Pakistan nhảy vào tham chiến hỗ trợ Trung Quốc. New Delhi cũng bố trí nhiều hệ thống phòng không tầm trung Akash để bảo vệ các căn cứ không quân và mục tiêu giá trị cao.
Trong ngắn hạn, Ấn Độ có thể tự tin đối phó với không quân Trung Quốc, nhưng họ không có cách nào chặn đứng được cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của nước này. Một nửa miền bắc Ấn Độ nằm trong tầm bắn của các đơn vị tên lửa Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng. New Delhi chưa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả, cũng không có khả năng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của đối phương.
Bộ binh sẽ không có vai trò lớn trong cuộc chiến này. Biên giới hai nước là những dãy núi, cao nguyên gồ ghề, không có cơ sở hạ tầng vận tải, khiến bộ binh cơ giới rất khó triển khai. Các đợt tấn công bộ binh quy mô lớn dễ dàng bị pháo binh chặn đứng. Hai bên sẽ tìm cách cầm chân nhau trên bộ và giành giật từng khu vực nhỏ.
Xung đột Ấn Độ - Trung Quốc nhiều khả năng được giải quyết ở trên biển. Việc kiểm soát Ấn Độ Dương giúp Ấn Độ nắm giữ yết hầu của Trung Quốc. Lực lượng tàu ngầm và chiến hạm mặt nước của Ấn Độ có thể dễ dàng cắt đứt tuyến hàng hải thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu một tuần để bố trí đủ lực lượng phá thế phong tỏa này. Việc này cũng rất khó khăn khi chiến hạm Trung Quốc phải hoạt động trên khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, xa các căn cứ hậu cần ở đất liền.
Hoạt động phong tỏa trên biển của Ấn Độ sẽ buộc tàu hàng Trung Quốc phải chuyển hướng sang Tây Thái Bình Dương, nơi họ dễ bị hải quân Australia, Nhật Bản và Mỹ cản trở.
Trung Quốc phải nhập khẩu 87% lượng nhu cầu dầu mỏ, chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi. Dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này chỉ đủ cung cấp trong khoảng 77 ngày, buộc Bắc Kinh phải tìm cách chấm dứt chiến tranh nhanh chóng.
Hải quân Ấn Độ có thể cắt đứt nguồn cung dầu trên biển của Trung Quốc. Ảnh: Jagruk Bharat.
Cuộc chiến Trung - Ấn sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế toàn cầu. "Đây có thể là yếu tố thúc đẩy hai nước tìm giải pháp đối thoại để giải quyết khủng hoảng để tránh chiến tranh nổ ra", Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Ấn Độ xây dựng 73 tuyến đường giáp biên giới Trung Quốc Ấn Độ đang đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường chiến lược gần biên giới với Trung Quốc. Một tuyến đường Ấn Độ xây dựng gần biên giới Trung Quốc. Ảnh: PTI. "Chính phủ đã xây dựng 73 tuyến đường chiến lược dọc biên giới với Trung Quốc, trong đó 46 tuyến được xây dựng bởi Bộ Quốc phòng, 27 tuyến còn...