Một kỳ thi công bằng, giảm áp lực
(Tấm Gương) – Đó là yêu cầu và mong muốn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với UBND TPHCM về các công việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015 ngày hôm qua.
Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với UBND TP, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TPHCM cùng đại diện 8 trường đại học chủ trì cụm thi tại TPHCM về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015.
Xã hội tin tưởng vào một kỳ thi công bằng, nhẹ nhàng, không áp lực, căng thẳng như trước đây (ảnh hai mẹ con vất vả ra bến xe để đi thi đại học năm 2014). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã hoàn tất.
Cụ thể, UBND TPHCM giao Sở GD&ĐT tổ chức thu nhận, chuyển giao hồ sơ, in giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh; Công an TPHCM phối hợp, hỗ trợ các cụm thi đảm bảo an toàn từ khâu in sao đề thi, bảo vệ các điểm thi, áp tải vận chuyển bàn giao đề thi; các Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát PCCC, Công ty Điện lực, Thành Đoàn và Hội Sinh viên TP, UBND các quận, huyện tham gia phối hợp tổ chức và tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ kỳ thi.
Năm nay, Cụm liên tỉnh do TPHCM chủ trì có 8 cụm thi gồm Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tại Cụm TPHCM là 157.600, trong đó thí sinh của TPHCM là 68.294 thí sinh, thí sinh các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu là 89.306. Tất cả 8 cụm thi được phân bố đồng đều ở các quận huyện để tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc đi lại.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, để chuẩn bị tốt cho thí sinh cũng như công tác tổ chức, sở đã tổ chức kỳ thi thử cho 143 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 45.500 thí sinh đăng ký tham gia.
Về phía các trường ĐH chủ trì các cụm thi, đại diện các trường này cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 do các trường đảm nhận giảm áp lực khá nhiều về số thí sinh đăng ký dự thi, cán bộ coi thi, giảm áp lực đi lại, tiết kiệm hơn nhiều.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các trường ĐH vẫn còn một số băn khoăn như phần mềm quản lý thi phải thông suốt và hạn chế bị lỗi, nên để các cụm thi linh hoạt trong việc sắp xếp bố trí thí sinh thi cho hợp lý theo từng môn thi. Ngoài ra, các trường này mong muốn Bộ GD&ĐT giải quyết sớm vấn đề định mức và kinh phí tổ chức cho kỳ thi để tránh các trường phải bù lỗ…
Theo Bộ GD&ĐT tới đây sẽ có công điện khẩn gửi các trường ĐH, các cụm thi gia hạn thời gian chỉnh sửa thông tin hồ sơ đăng ký dự thi, bổ sung môn thi từ nay đến hết ngày 27/5.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác chuẩn bị của TPHCM và nhấn mạnh kỳ thi THPT Quốc gia 2015 là bước đột phá trong đổi mới giáo dục nên trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ những khó khăn và để hoàn thiện cho tốt hơn.
“Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cũng như các trường ĐH phải phối hợp tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, đảm bảo mọi quyền lợi cho thí sinh từ khâu tổ chức đến đề thi, chấm thi. Kết quả của kỳ thi có ý nghĩa rất lớn, đó là đánh giá đúng năng lực học sinh, xã hội tin tưởng vào một kỳ thi công bằng, nhẹ nhàng, không áp lực, căng thẳng như trước đây”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phải trung thực, khách quan
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, không chỉ giảm bớt nhiêu khê, tiết kiệm cho xã hội, thuận tiện cho thí sinh, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay phải hết sức trung thực, khách quan. “Xã hội vẫn còn nghi ngại giữa cụm thi địa phương với nhau và với cụm thi do trường ĐH chủ trì có như nhau không. Cho nên yêu cầu trông thi, chấm thi, giám sát phải hết sức khách quan, trung thực trên phạm vi toàn quốc. Trông cho nghiêm, chấm cho nghiêm. Nghiêm ở đề thi, barem rõ ràng, chi tiết, để đánh giá đúng chất lượng học sinh. Và phải đúng pháp luật để nâng cao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cụm thi cần phải bảo đảm giao thông đến các điểm thi an toàn thuận tiện, có đủ chỗ lưu trú cho thí sinh, đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Đình Nam
Theo tamguong
Đoạn đường 500 m giá gần 1.000 tỷ đồng ở thủ đô
Thông xe kỹ thuật dịp cận Tết, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - một trong những đoạn đường có mức đầu tư kỷ lục - đã góp phần giảm áp lực giao thông cho đường Xuân Thủy, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được thông xe kỹ thuật vào dịp cận Tết Ất Mùi, có tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 680 tỷ đồng, xây lắp hơn 79 tỷ đồng. Chiều dài toàn tuyến là 565,97 m.
Điểm đầu tuyến là ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn. Điểm cuối tuyến giao với đường Cầu Giấy. Vỉa hè hai bên rộng 8 m đang được hoàn thiện.
Tuyến đường đang hoàn thiện các hạng mục như vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, hào kỹ thuật... Đèn chiếu sáng ở dải phân cách giữa được sơn màu bắt mắt.
Cây xanh và thảm cỏ sẽ được phủ lên dải phân cách giữa trong thời gian tới.
Hệ thống cống thoát nước đang được lắp đặt.
Quá trình chờ đường hoàn thiện, nhiều gia đình phải bắc thang vào nhà. Theo chủ đầu tư, những hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 4/2015. Dự án thu hồi 28.986 m2 đất của 231 hộ gia đình, 14 tổ chức và 179 ngôi mộ thuộc 2 phường Quan Hoa và Dịch Vọng. 194 căn hộ tái định cư được phê duyệt tại tòa nhà NO2 Tây Nam Đại học Thương Mại. Giá đền bù cao nhất ở dự án này là 75 triệu đồng/m2 với mặt đường Cầu Giấy, thấp nhất khoảng 20 triệu đồng/m2, có nhà được đền bù 20 tỷ đồng.
Sau khi bị thu hồi đất, nhà bà Nguyễn Thị Lan ở cạnh nhà văn hóa phường Quan Hoa, Cầu Giấy, còn vẻn vẹn 17 m2, không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Theo quy định, những ngôi nhà có diện tích nhỏ như thế này không được phép xây dựng.
Mặt đường sau khi thông xe thấp hơn tầng trệt các nhà bên đường khoảng một mét.
Khi giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án, nhiều gia đình được đền bù tới 20 tỷ đồng. Trao đổi với VnExpress, ông Trần Mạnh Hà, Phó chủ tịch quận Cầu Giấy, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông trong quận nói riêng và thành phố nói chung, góp phần giảm thiểu ùn tắc giờ cao điểm trên một số tuyến phố huyết mạch, giảm thời gian lưu thông, công sức của người và các phương tiện.
Ông Hà cho biết thêm, phần lớn trong 969 tỷ đồng đầu tư tuyến đường là kinh phí của quận, trong đó có hơn 200 tỷ quỹ dự phòng chưa sử dụng tới. "Tuy nhiên, đây chưa phải là con đường đắt nhất vì trên địa bàn có dự án vành đai 2 đang thi công, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng/m2 cũng tương tự, có đoạn lên tới 75 triệu đồng/m2", ông Hà nói và cho biết thêm đây là con số tạm tính do chưa có quyết toán.
Trước đó, tại thủ đô, một số tuyến đường đã hoàn thành với giá cao kỷ lục, thậm chí tới 1,3 tỷ đồng/1 m như đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng/545 m; Tuyến Trần Phú kéo dài 225 tỷ đồng/450 m, hay tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa 733 tỷ đồng/1.500 m.
Bá Đô
Theo VNE