Môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở THCS do giáo viên nào dạy là phù hợp nhất?
Người viết cho rằng rất khó để tìm được giáo viên nào sau khi bồi dưỡng nắm được kiến thức chuyên sâu của cả 3 phân môn để giảng dạy cho học sinh.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học cơ sở.
Trong các môn học mới xuất hiện trong chương trình cấp trung học cơ sở có 2 môn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận đó là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý).
Ảnh minh họa:Vtv.vn
Đến năm thứ 2 vẫn “rối tung rối mù” với 2 môn tích hợp
Đến năm học 2022-2023 các trường trung học cơ sở vẫn vô cùng rối rắm khi thực hiện bố trí, phân công giáo viên dạy tích hợp.
Do nhiều địa phương chưa có giáo viên bồi dưỡng 2 môn tích hợp và các trường sư phạm cũng chưa có sinh viên các môn tích hợp ra trường, nên cũng giống như năm học 2021-2022 nhiều trường vẫn lúng túng trong phân công, sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy, việc phân công mỗi nơi mỗi kiểu.
Các trường có 3 cách phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên thì cách nào cũng rối rắm, bất cập. Cụ thể gồm:
Cách 1: Có nơi phân công 3 giáo viên dạy song song chia ra các môn Vật lý (1 tiết/tuần); Hóa học (1 tiết/tuần); Sinh học (2 tiết/tuần) nhưng rất khó phân công cho cả 2 lớp 6, 7 trong khi lớp 8, 9 vẫn tổ chức các môn riêng lẻ. Tuy nhiên, việc dạy song song sẽ không phải là tích hợp, không đảm bảo mạch kiến thức liên thông.
Cách 2: Có nơi phân công giáo viên dạy theo tuần tự, ví dụ chủ đề 1 của môn Sinh học thì giáo viên Sinh học dạy với 4 tiết/tuần, đến chủ đề 2 của bộ môn Vật lý, giáo viên Vật lý dạy 4 tiết/tuần,… nhưng khi sắp xếp như vậy thời khóa biểu phải đổi liên tục, nếu sắp cả 2 khối 6, 7 thì phó hiệu trưởng sẽ không thể sắp thời khóa biểu và sẽ có tình trạng giáo viên dạy 30 tiết/tuần, có giáo viên dạy chỉ 4-5 tiết/tuần, vẫn rất bất cập.
Cả 2 cách trên còn gặp khó khăn trong việc ra ma trận, đề kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, chấm bài, vào điểm, vào phần mềm, nhận xét từng học sinh,… rất phức tạp.
Cách thứ ba, phân công “liều” cho một giáo viên chưa được bồi dưỡng “ôm” cả 3 phân môn, cách này dễ cho nhà trường sắp xếp thời khóa biểu, dễ cho giáo viên chấm điểm, vô điểm,…nhưng lại khó khăn là giáo viên không đủ kiến thức để giảng dạy, một khi giáo viên thiếu kiến thức giảng dạy thì sẽ dạy qua loa, chiếu lệ, người học lãnh đủ.
Cả 3 cách đều rối rắm, bất cập nhưng hiện nay chưa có cách giải quyết, khiến giáo viên khổ sở, gây thiệt thòi cho học sinh.
Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chia thành 2, 3 phần tách biệt, tích hợp ở đâu?
Ở môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 chia ra 2 phần Lịch sử, Địa lý riêng biệt, phần I là Lịch sử, phần II là Địa lý, phần Lịch sử và Địa lý do 2 nhóm biên soạn khác nhau.
Ở môn Khoa học tự nhiên 6, nội dung chia thành các chủ đề các chủ đề thuộc các môn khác nhau đan xen nhau như chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Vật lý; chủ đề 3, 4, 5 thuộc phân môn Hóa học; chủ đề 6, 7, 8 thuộc môn Sinh học; chủ đề 9, 10, 11 thuộc phân môn Vật lý.
Ở môn Khoa học tự nhiên 7 đã phân rõ 3 phần thuộc 3 phân môn khác nhau, cũng giống như chia làm 2 phần đối với môn Lịch sử và Địa lý vì chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Hóa học (dự kiến dạy trong 30 tiết); chủ đề 3, 4, 5, 6 thuộc phân môn Vật lý (dự kiến 40 tiết); chủ đề 7, 8, 9, 10, 11 thuộc phân môn Sinh học (dự kiến 65 tiết), còn 5 tiết thuộc phần mở đầu.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên 7- Bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: Minh Khoa
Như vậy, đến lớp 7 môn Khoa học tự nhiên đã chia gần như thành 3 phần riêng biệt, và các chủ đề của các phân môn Hóa học, Vật lý, Sinh học gần như không có liên quan nhau trong mạch kiến thức.
Người viết khó tìm thấy phần tích hợp trong khi dạy các chủ đề của các phân môn khác nhau.
Ví dụ trong sách Khoa học tự nhiên 7- Bộ sách Chân trời sáng tạo, ở chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Hóa học là Nguyên tử, nguyên tố, phân tử đến chủ đề 3 Tốc độ thuộc phân môn Vật lý, trình bày về chuyển động cơ học, đứng yên của vật và cả chủ đề 4, 5, 6 của phân môn Vật lý là Âm thanh, Ánh sáng và Từ cũng không có liên quan, tích hợp gì với chủ đề của phân môn Hóa học.
Học sinh học xong chủ đề 6 Từ thuộc phân môn Vật lý thì chuyển sang chủ đề 7 Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật cũng khó tìm thấy phần liên quan, tích hợp với chủ đề Từ hay các của đề thuộc phân môn Vật lý, Hóa học.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đã chia thành các phần khác nhau, tách biệt, rất khó tìm thấy phần nội dung tích hợp.
Video đang HOT
Việc dạy những phân môn tách biệt trong 1 quyển sách, gọi là môn tích hợp, dự kiến giao cho 1 giáo viên giảng dạy rõ ràng là việc gây khó cho nhà trường và giáo viên, làm khổ học sinh.
Học sinh học xong các chủ đề hóa học ở đầu lớp 7 trong khoảng 5 – 6 tuần, sau đó bỏ hẳn không học gì về kiến thức hóa học đến năm lớp 8 thì liệu các em có còn nhớ gì về kiến thức của phân môn Hóa học đã học ở lớp 7, học sinh khi đó lại phải học lại từ đầu. Người viết cho rằng chưa ổn trong việc tiếp thu kiến thức liên tục của học sinh.
Giáo viên bồi dưỡng xong liệu đủ kiến thức dạy được 2, 3 phân môn trong môn tích hợp?
Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 21/7/2021 cho phép người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn tích hợp, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.
Hai quyết định trên đều quy định: ” Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên.”
Và trong các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình mới về môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều nêu ” Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học“.
Như vậy, không sớm thì muộn, 1 giáo viên sẽ đảm nhận cả 2 phân môn Lịch sử, Địa lý của môn Lịch sử và Địa lý; đảm nhận cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, người viết có nhiều băn khoăn sau khi bồi dưỡng, giáo viên liệu có đủ kiến thức để dạy môn tích hợp, nếu giáo viên sau bồi dưỡng không đạt kiến thức thì học sinh sẽ vô cùng thiệt thòi.
Trong bài viết “Dạy môn tích hợp: Giáo viên Vật lý, Sinh mất bao lâu để nhớ được bảng nguyên tố?” đã nêu giáo viên đang giảng dạy với rất nhiều công việc tại trường sau khi bồi dưỡng sẽ rất khó đủ kiến thức để giảng dạy được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Người viết cho rằng rất khó để tìm được giáo viên nào sau khi bồi dưỡng nắm được kiến thức chuyên sâu của cả 3 phân môn để giảng dạy cho học sinh theo kiểu biết 10 dạy 1.
Các tiết dạy minh họa đa số của phân môn nào do giáo viên đó dạy, người viết chưa tìm thấy các tiết minh họa cả 3 phân môn do 1 giáo viên dạy.
Chỉ riêng cách đọc tên Hóa học theo tiếng Anh đã làm khó không chỉ cho giáo viên Vật lý, Sinh học mà cả giáo viên Hóa học trước đây.
Người viết trao đổi với thầy H. hiện là tổ trưởng tổ Hóa – Sinh về cách đọc tên nguyên tố hóa học, hợp chất về tên gọi các nguyên tố hóa học thì bất ngờ thầy cho biết thầy cũng không biết đọc.
Thầy H. tâm sự, thầy đã dạy gần hơn 30 năm, đọc theo ký hiệu thông thường đã quen, với lại trước đây thầy học ngoại ngữ tiếng Pháp nên giờ thấy các nguyên tố hóa học đọc bằng tiếng Anh thầy cũng chưa biết cách đọc, và thầy cũng cho biết thầy còn 5 năm nữa về hưu thầy cũng sẽ khó tiếp thu và nhớ những ký hiệu, hợp chất theo tiếng Anh.
Tên gọi hóa chất đều được viết bằng tiếng Anh. (Ảnh: Bùi Điện Bàn)
Khi được hỏi về việc thầy có định học chứng chỉ tích hợp không, thầy cho biết, thầy đã lớn tuổi, chỉ mong nhà nước tạo điều kiện cho nghỉ hưu trước tuổi, thầy không thể học được nữa khi sức khỏe, trí nhớ giảm sút, nhiều bệnh tật.
Bản thân người viết có thâm niên 20 năm giảng dạy, chỉ chuyên môn Vật lý, kiến thức Hóa học, Sinh học không còn nhớ gì, giờ vừa công tác, vừa gia đình, vừa sức khỏe giảm sút nên cũng khó có thể thu xếp thời gian để bồi dưỡng và cho rằng với các Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT với vỏn vẹn 3 tháng học để nắm kiến thức dạy được tốt cả 3 phân môn, điều này khó khả thi.
Nghịch lý là một giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành chỉ 1 môn, thời gian học tập trung đã từ 4-5 năm, khi ra trường vừa dạy vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa cập nhật kiến thức mà vẫn còn sai sót, còn chưa hài lòng về bài dạy của mình.
Trong khi đó, Quyết định 2454 lại quy định giáo viên học thêm 2 phân môn khác, vừa học vừa làm chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi mà yêu cầu dạy cả 3 phân môn thì khó có thể có giáo viên nào đáp ứng.
Khi khó có giáo viên đáp ứng thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Do đó, người viết xin tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cẩn thận về các Quyết định 2454, 2455 về bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì hiệu quả của nó chưa được kiểm chứng nhưng lại tốn thời gian, kinh phí quá lớn (có thể từ ngân sách hoặc do người học tự đóng góp).
Một giáo viên đã học và có chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên cho biết sau khi học xong thì cũng như chưa học vì chương trình học dạy theo giáo trình chuyên sâu bậc đại học trong khi kiến thức phổ thông giáo viên đã quên gần hết, nên việc học như “cưỡi ngựa xem hoa”, học xong rất khó để vận dụng.
Người viết cho rằng, phương án tốt nhất là ở môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên lớp 8, 9 vẫn để 2, 3 phân môn trong 2, 3 quyển sách khác nhau, phần tích hợp thuộc nội dung nào thì do giáo viên đó dạy, cho điểm riêng và nhập điểm trên phần mềm theo tỷ lệ phần trăm bộ môn, phần mềm sẽ tổng hợp điểm của 3 môn và đánh giá năng lực tự nhiên, chuyên biệt.
Đối với lớp 6, 7 vẫn để như hiện hành nhưng ưu tiên những giáo viên đã bồi dưỡng và những giáo viên trẻ có khả năng tự bồi dưỡng, có kiến thức dạy cả 2, 3 phân môn, tiến tới vài năm sau có các em sinh viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở các trường đại học ra trường để giảng dạy mà không cần bồi dưỡng thêm cho giáo viên hiện tại vì có thể tốn kinh phí lớn, khó hiệu quả.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Có giáo viên Sinh dạy Lý, Hóa, học sinh giải bài cách khác là thầy cô bó tay
Đổi mới phải đi đôi với công tác đào tạo, dùng người cũ làm việc mới thì lấy đâu ra chất lượng? Cuối cùng, chỉ khổ cho học sinh, thầy dạy thế nào vẫn phải chịu.
Năm học 2021 - 2022, lớp 6 bậc trung học cơ sở đã chính thức triển khai 2 môn học mới được gọi là môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý) lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong ngành giáo dục ở nước ta.
Chương trình năm 2018 có thêm một số môn học mới (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Môn Khoa học tự nhiên, được thiết kế thành 3 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Hai môn học độc lập Lịch sử, Địa lý trước đây sẽ được gộp thành môn Lịch sử và Địa lý. Nội dung của mỗi mạch chủ đề, phân môn, vừa có tính độc lập vừa liên kết và hỗ trợ cho nhau.
Điều đáng lo lắng nhất hiện nay chính là đội ngũ giáo viên dạy tích hợp bậc trung học
Về điều này, cựu Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, tích hợp không chỉ phương pháp mà còn cần kiến thức. "Các thầy cô dạy các môn tích hợp phải được bồi dưỡng nhịp nhàng, không phải chỉ cơ học về mặt phương pháp. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết".
Đồng quan điểm với Bộ, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, muốn dạy học được tích hợp, không phải chỉ nói đến phương pháp mà chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chú trọng phần kiến thức của họ.
"Chúng ta dạy tích hợp nhưng đội ngũ giáo viên hiện có thì vốn được đào tạo theo từng môn. Do đó khi bồi dưỡng giáo viên, nếu chỉ đặt vấn đề về phương pháp là chưa chuẩn, bởi cái gốc của phương pháp vẫn là kiến thức.
Do đó, chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp cần chú trọng việc trang bị cho giáo viên một lượng kiến thức nhất định, khi giáo viên có những kiến thức cơ bản thì mới nhìn thấu được chương trình", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kiến nghị.
Tiếng nói từ thực tế
Hiện năm học mới đã gần kết thúc học kỳ 1, nhìn lại thời gian giảng dạy 2 môn tích hợp vừa qua ở bậc trung học cơ sở, người viết bài được khá nhiều đồng nghiệp của mình chia sẻ. Có giáo viên cười cho biết, nếu là trả lời phỏng vấn công khai danh tính và nơi công tác thì sẽ phải trả lời khác.
Sau khi đồng ý sẽ không nêu tên và trường học trong bài viết, chúng tôi mới được nghe những tiếng nói chân thật từ đáy lòng.
Thật buồn khi nghe một số đồng nghiệp khẳng định chắc chắn một điều, để dạy môn tích hợp được thì dễ nhưng dạy hiệu quả thì không nhiều giáo viên làm được điều này dù có được tập huấn nhiều lần.
Cũng cần nói thêm rằng, những giáo viên chúng tôi trò chuyện là giáo viên cốt cán của tỉnh, là tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý (của chương trình cũ, trước khi trở thành phân môn trong môn tích hợp mới).
Cô giáo H. nói rằng: "Tôi là giáo viên dạy Sinh gần 20 năm, giờ phải dạy Lý, Hoá sẽ vô cùng khó khăn". Nói rồi cô khẳng định như đinh đóng cột: "Có tập huấn bao nhiêu đi nữa cũng khó dạy tốt".
Thầy giáo M. dạy Địa nói nếu phải dạy Sử thì nhìn giáo án cũng dạy được. Nhưng dạy hay, dạy tốt đúng yêu cầu thì vô cùng khó".
Cô giáo L. dạy Lý nói tập huấn chỉ học thêm về phương pháp, nhưng để dạy Hóa, dạy Sinh giáo viên phải cần kiến thức. Nhưng học sư phạm thì học đơn môn, bao năm đi dạy cũng chỉ dạy đơn môn, nay bảo dạy thêm Hóa, Sinh làm sao có thể dạy được?
Nói rồi, cô dạy Lý kể rằng có một vài lần mình bận việc nên nhờ giáo viên dạy môn Sinh dạy hộ sau khi đã đưa giáo án có kèm những bài giải chi tiết một số bài tập trong sách giáo khoa. Vậy mà, cô dạy Lý liên tục nhận được điện thoại "giải cứu" của cô giáo dạy Sinh.
Hóa ra, học sinh lớp ấy không giải bài tập bằng cái cách mà cô dạy Lý ghi trong giáo án, em học sinh có cách giải hoàn toàn khác. Cô giáo dạy Sinh chẳng biết có đúng không nên gọi cô dạy Lý xác nhận trước khi công bố với học trò.
Cũng đã có giáo viên dạy Lý khi dạy giúp môn Hóa không đồng ý với cách giải khác của trò và tranh cãi lại nổ ra cho đến khi giáo viên dạy môn ấy "phân xử".
Cái khó nằm ở kiến thức
Cái mà những giáo viên này thiếu, là yếu về kiến thức chứ không phải yếu kĩ năng.
Trong giáo dục, giáo viên yếu kĩ năng sẽ được bù đắp bằng việc tập huấn, việc học hỏi đồng nghiệp, nhưng đã yếu về kiến thức "xem như bó tay".
Lứa thầy cô giáo trước đây, vào sư phạm có được mấy ai thật sự giỏi và đam mê nghề giáo? Nếu hầu hết đều là người giỏi và tâm huyết, có lẽ đã không có câu cửa miệng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".
Nhiều thầy cô vào trường sư phạm nhưng không được học môn sở trường, môn mình yêu thích mà bị nhà trường ép buộc vào khoa còn thiếu chỉ tiêu.
Đã có trường hợp trái khoáy, có cô thích học môn xã hội nhưng môn tự nhiên thiếu được chuyển qua học Sinh, Lý. Có thầy đang học Hóa bị chuyển qua học Địa, học Sử...
Thế là theo những giáo viên này, chủ yếu tập trung đầu tư cho mình môn học ấy và ra trường bao nhiêu năm cũng chỉ dạy một môn này.
Nhiều năm trở lại đây, học sinh thi 9 điểm đỗ vào cao đẳng, 13 điểm vào đại học.
Xin thưa, những học sinh thi 3 điểm một môn thế này ở trường phổ thông chỉ toàn là học sinh yếu kém, cùng lắm là trung bình.
Thế nên các em có học 3 năm cao đẳng, 4 năm đại học khi ra trường đi dạy cũng vô cùng vất vả.
Người viết đã gặp, cũng đã nghe một số đồng nghiệp dạy bậc trung học phổ thông kể rằng, có giáo viên (lớp học sinh trước đây được tỉnh cử tuyển đi học đại học sư phạm vì thời đó thiếu giáo viên trầm trọng) ra một đề kiểm tra Hóa không được.
Dạy toán thì chỉ biết một cách làm đã chuẩn bị, ngộ nhỡ có học sinh thông minh có cách làm khác thì thầy cô giáo này cũng không biết đúng hay sai.
Đã có những giáo viên dạy Lý rất tốt nhưng khi được đồng nghiệp nhờ dạy một tiết Hóa đã rất vất vả hướng dẫn học sinh cân bằng phản ứng. Có thầy cô dạy là thạc sĩ môn Sinh nhưng không thể giải được bài tập Lý của học sinh lớp 9.
Những giáo viên này, dạy tích hợp có nỗi không?
Muốn dạy tốt thì đương nhiên phải biết 10 dạy 1 nhưng biết ít hoặc biết vừa đủ thì chắc chắn những bài dạy cũng chỉ đạt mức trung bình. Như thế, sẽ rất khó cho việc dạy học phát huy năng lực cho học sinh đặc biệt là những học sinh giỏi.
Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên) tổ trưởng chuyên môn một trường trung học ở Bình Thuận cho biết: "Chỉ mới lớp 6 kiến thức cơ bản mà nhiều trường học đã rối tung lên khi xếp giáo viên dạy tích hợp. Không biết những năm học sau lớp 10,11,12 đòi hỏi kiến thức sâu hơn thì tích hợp sẽ dạy ra sao nữa?"
Thầy giáo H. giáo viên sinh có thâm niên nghề hơn 30 nói thẳng: "Học sư phạm thì chuyên sâu một môn, ra trường dạy hơn 30 cũng chỉ dạy một môn. Nay, yêu cầu dạy thêm môn Lý, Hóa thì dạy làm sao được? kiến thức lớp 6 còn nhẹ, học sinh cũng nhỏ nên dạy không vấn đề gì. Kiến thức lớp 8, lớp 9 chắc chắn không thể dạy nổi đâu. Kiểu này phải xin về hưu sớm".
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ phó vụ giáo dục trung học cho biết việc tập huấn trước mắt đối với các giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
"Việc tập huấn này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song song với đó, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm cũng sẽ được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để bắt đầu tuyển mới, đào tạo phần kiến thức của môn Khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức riêng của từng môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Dần dần chúng ta sẽ có lứa sinh viên mới ra trường thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Thế nhưng ngay trong mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học sư phạm vẫn chiêu sinh giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý.
Vì thế đến bao giờ, ngành giáo dục mới có sinh viên tích hợp ra trường? Với lớp 6, lớp 7 kiến thức còn nhẹ nên việc dạy tích hợp vẫn chưa áp lực nhiều. Tuy nhiên, lớp 8, lớp 9 kiến thức ngày mỗi khó nếu vẫn chưa có giáo viên tích hợp thì thật sự đáng lo ngại cho ngành giáo dục chúng ta.
Thiết nghĩ lộ trình đổi mới sách giáo khoa, thì phải đổi mới bồi dưỡng tích hợp cho giáo viên từ 5 năm trước để giờ không bị lúng túng về con người.
Đổi mới nó phải đi đôi với công tác đào tạo chứ dùng người cũ làm việc mới thì lấy đâu ra chất lượng? Cuối cùng, chỉ khổ cho học sinh, thầy dạy thế nào vẫn phải tiếp nhận. Với cách tuyển chọn sinh viên sư phạm và đào tạo giáo viên như trước đây mà đòi có giáo viên dạy tích hợp tốt thì thật khó lắm thay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/boi-duong-giao-vien-day-tich-hop-lien-mon-hien-dang-rat-mo-ho-post194825.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Những chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 9 Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài... là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2022. Từ ngày 10/9/2022, thực hiện Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT. Có hiệu lực từ ngày 10/9/2022, Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và...