Món cá nướng bên ngoài đen sì, bên trong thơm nức nhất định phải nếm thử khi đến Hậu Giang
Cá lóc nướng trui là một trong những món ngon trứ danh ở các tỉnh miền Tây, đặc biệt là ở Hậu Giang. Món cá nướng này được xem là “quốc hồn quốc túy” của người dân miệt sông nước. Bởi để chế biến nên một món cá ngon đúng điệu, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như chọn cá, chọn rơm, cách nướng và các nguyên liệu ăn kèm.
Cá lóc nướng trui là món ngon trứ danh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ảnh: steve.ninh.nguyen
Loại cá lóc được chọn nướng trui là cá lóc đồng vì thịt ngọt, chắc và khi ăn không bị tanh. Để làm món nướng nổi tiếng này, cá được rửa sơ cho sạch, không cần phải đánh vảy hay cạo nhớt. Mục đích giữ lại lớp vảy là để giữ lớp thịt cá bên trong còn nguyên khi nướng chín. Cá trước khi nướng sẽ được xiên thẳng một que tre từ miệng cá xuống thẳng đuôi cá rồi cắm ngược xuống đất.
Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún và các loại rau sống. Ảnh: jenny_le_tml
Video đang HOT
Công đoạn nướng cá là quan trọng nhất vì nếu không khéo cá có thể bị cháy sém hoặc ngược lại, cá sẽ còn sống, mùi tanh, ăn không được. Những người nông dân chính hiệu chia sẻ rằng, rơm chọn nướng cá phải là loại rơm khô, vàng óng và sạch. Như vậy cá chín mới ngọt và có hương thơm hấp dẫn. Thông thường, người ta sẽ phủ đầy rơm khô lên những con cá lóc rồi đốt lửa nướng. Lượng rơm sẽ tùy thuộc vào số lượng cá mỗi lần nướng, không có quy định cụ thể.
Người miền Tây dùng rơm khô để nướng cá lóc. Ảnh: thanhnienmekong.com
Theo kinh nghiệm của người miền Tây, món nướng này muốn ngon chỉ cần nướng khoảng 10 – 15 phút, tùy vào độ lớn nhỏ của cá. Khi nghe mùi cá chín dậy lên, thơm nồng là lúc dừng đốt rơm để lấy cá ra. Cá lóc nướng trui thành phẩm thường có lớp vỏ ngoài đen do vảy cá cháy khét. Người ta sẽ dùng dao hoặc rơm khô cạo lớp vỏ này bỏ đi, sau đó rạch một đường ở giữa xương sống cá, để lộ ra những thớ thịt mềm, trắng và thơm phức.
Cá lóc nướng xong thường gói trong lá chuối hoặc lá sen. Ảnh: Flickr
Cá lóc nướng trui khi chín được phết thêm một lớp mỡ hành để tăng độ béo cho thịt cá. Món nướng này thường được ăn kèm với bún cuốn bánh tránh cùng các loại rau sống, dưa leo, xoài chua. Nước chấm ăn cùng món nướng này là mắm tỏi ớt hoặc mắm me. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận vị chắc ngọt của thịt, hòa quyện với vị thanh mát của các loại rau và sau cùng là vị mặn mặn, ngọt ngọt đến từ nước chấm.
Cá lóc nướng trui: món ngon dân dã miền Tây
Gạt tro còn nghi ngút khói, lấy cá ra, lột lớp đất sét khô cứng, vảy và da cá đi theo, bày ra lớp thịt trắng tươi. Đặt cá lên chiếc mâm toàn các nguyên liệu từ thiên nhiên là lá chuối, lá môn hoặc lá sen rồi bắt đầu 'nhập tiệc'...
Tháng 3, tháng 4 Âm lịch, ở miền Tây Nam bộ xưa, đồng khô cỏ cháy. Đây là mùa nắng nên cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ cứng như chông trên thửa đất nứt nẻ dọc ngang. Đìa, ao nào sâu, may ra còn chút lớp bùn non ẩn sau lớp váng khô là nơi lưu sinh của cá đồng, nhất là cá lóc. Cá lóc mùa này "ốm như sậy", thịt chát và xám xì. Muốn ăn cá lóc ngon, nhất là cá lóc nướng trui, phải đợi đến sau mùa nước nổi.
"Tháng bảy nước nhảy lên bờ", khi sông, rạch, ruộng đồng mênh mông những nước, sau bao ngày mưa giăng trắng ngọn làm tươi tốt rong rêu, cây cỏ, thức ăn ê hề, cá lóc bắt đầu hồi sinh. Nhưng phải đợi đến khi những cơn mưa dầm chỉ còn là những "cơn mưa tro" và những ngọn gió bấc lao rao về thì cá lóc mới bắt đầu mập mạp.
Năm bảy người trầm mình, dùng thùng thiếc "vét" đến "giọt nước cuối cùng" trong đìa rồi tranh nhau giành chụp từng con cá trơn nhớt. Bắt cá xong, lựa một mớ cá lóc cỡ cườm tay (để cá có thể chín đều, ăn mới ngon và ngọt thịt), đập đầu cá vô gốc cây rồi dùng đất sét bọc kín.
Chất đống rơm, rạ, cỏ và cành cây khô, nhét cá vô. Bật quẹt, châm lửa. Bỏ đó. Anh em nhảy xuống con rạch gần đó tắm táp qua loa. Tắm xong cũng là lúc lửa tàn. Gạt tro còn nghi ngút khói, lấy cá ra, lột lớp đất sét khô cứng, vảy và da cá đi theo, bày ra lớp thịt trắng tươi. Đặt cá lên cái mâm thiên nhiên là lá chuối, lá môn hoặc lá sen rồi bắt đầu "nhập tiệc".
Rau ghém đã sẵn sàng vì đã được hái trước đó trong vườn nhà với những đọt: chiết, chùm ruột, bằng lăng, lứt, nhào..., những lá: lốt, súng non, tra..., những rau: mò om, húng, quế, răm, diếp cá..., những trái: bần, chuối chát, dưa leo... "Thức chấm" cũng đã sẵn sàng, đơn giản chỉ là một ít muối hột đâm nhỏ với ớt hiểm hoặc ớt sừng trâu. Công phu hơn một chút thì pha nước mắm giấm đường, tỏi ớt, mất công hơn nữa là chén mắm nêm pha khế bằm, nước cốt chanh, đường và ớt.
Dùng tay gỡ một phần tư bánh tráng trải lên lòng bàn tay rồi sắp từng lớp rau, đọt, trái, sau cùng trải một vài đũa thịt cá lên, túm gọn hai đầu, cuộn lại cho khéo rồi chấm vào nước chấm và thưởng thức. Trời! Hương đồng cỏ nội như tan lừ trong miệng. Ực một ly rượu đế đưa cay, "khà" một tiếng, tưởng đời không còn gì sinh thú bằng. Nhưng, có. Đó là màn ca hát tài tử. Những điệu hò, điệu lý và những câu vọng cổ "mùi rệu" thi nhau cất lên trong cái khoáng đạt của đất trời.
Cái ngon vật chất hòa trong cái ngon tinh thần mang trong sắc màu sông nước êm trôi mà trĩu tình, trong cái không gian gây gây lạnh đã thấy "đã đời" rồi, huống gì cảnh trạng này diễn ra trong những ngày cận Tết trở đi với ngọn gió chướng lồng lộng, phóng khoáng tâm hồn người đồng bằng Nam bộ thì còn "đã đời" tới biết chừng nào!
Món ngon Long An - Đặc sản gây thương nhớ bậc nhất miền Tây Đến Long An - mảnh đất miền Tây trù phú, ngoài việc thưởng ngoạn các phong cảnh thiên nhiên bao la, khám phá các nét văn hóa độc đáo của người bản địa thì việc thưởng thức các món ăn ngon là việc không thể thiếu. Vậy đặc sản Long An có những gì, hãy cùng chúng tôi khám phá nhé! Cá lóc...