Mẹ sinh con ‘thuận tự nhiên’ chịu truyền máu cho mình, từ chối chích ngừa cho con
Sau nhiều lần được bác sĩ thuyết phục, người mẹ sinh con ‘thuận tự nhiên’ tại nhà ở TP.HCM đồng ý truyền máu cho mình nhưng lại từ chối chích ngừa và tiêm vitamin K1 cho con để đề phòng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh.
Ảnh minh họa
Thông tin trên vừa được bác sĩ Lê Ngọc Diệp – Trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ – cho biết ngày 13-2.
Việc từ chối chích ngừa và tiêm vitamin K1 cho em bé, theo bác sĩ Diệp, rất nguy hiểm, chính là nguyên nhân của các ca xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và các loại bệnh phát sinh khác.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online thông tin, vào lúc 14h45 ngày 10-2, bằng phương pháp sinh con “thuận tự nhiên”, chị H. (34 tuổi, ngụ Q.5) sinh một bé gái tại nhà. Theo sản phụ này, khi em bé lọt phần đầu ra ngoài, chị được một người quen qua giúp đỡ sinh tiếp phần thân của bé.
Sau khi sinh, em bé được đặt nằm cạnh mẹ cùng dây rốn chưa cắt. Đến tối cùng ngày (6 giờ sau khi sinh) người nhà gọi Trung tâm Cấp cứu 115 mong muốn được hỗ trợ cắt rốn cho bé. Ngay lúc này, sản phụ được truyền dịch và chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ bị thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết sau sinh và nhiễm trùng… Ban giám đốc, các nhân viên y tế phải rất vất vả thuyết phục sản phụ cùng gia đình thực hiện các can thiệp như may lại vết rách tầng sinh môn, truyền dịch và chích thuốc co hồi tử cung, chích ngừa và tiêm vitamin K1 cho em bé.
Video đang HOT
Tuy nhiên sản phụ này không đồng ý, đồng thời đề nghị xuất viện và sẵn sàng chấp nhận tất cả các hậu quả xảy ra.
Theo sản phụ H., cả hai lần sinh trước chị đều sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Tuy vậy, cho rằng rất nhiều bà mẹ đã “sinh thuận tự nhiên” thành công nên lần sinh thứ ba, chị muốn “trải nghiệm” điều này.
Để sinh con “thuận tự nhiên”, trước đó sản phụ này tìm hiểu trên mạng và tham gia khóa học về “sinh thuận tự nhiên”.
“Trào lưu này ở một bộ phận các bà mẹ có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé. Đặc biệt làm gia tăng nguy cơ các tai biến như băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật, uốn ván rốn”, bác sĩ Diệp phân tích.
Bà cũng khẳng định hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lợi ích của phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” đối với sức khỏe trẻ sơ sinh.
Theo tuoitre
Sản phụ sinh con 'thuận tự nhiên', không cho bác sĩ điều trị
Sản phụ sinh con lần thứ 3 theo phương pháp thuận tự nhiên tại nhà, kiên quyết từ chối can thiệp y tế cho cả mẹ và bé sơ sinh khi nhập viện.
Sáng 11/2, bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 34 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM, trong tình trạng sinh con theo phương pháp thuận tự nhiên tại nhà đã 6 giờ, bé sơ sinh chưa được cắt rốn, sản phụ thiếu máu nặng.
Bệnh nhân kể lại khoảng 14h ngày 10/2 đã sinh một bé gái. Khi em bé đã lọt phần đầu ra ngoài, sản phụ được người quen qua giúp đỡ sinh tiếp phần thân. Người này đỡ đẻ với hai tay được rửa bằng nước muối sinh lý và không có găng tay.
Bé sơ sinh được đặt nằm cạnh mẹ cùng với dây rốn chưa cắt. Sau khi được mẹ làm vệ sinh, sản phụ mới da kề da với bé. 5 tiếng sau sinh, người nhà gọi Trung tâm Cấp cứu 115 với mong muốn được hỗ trợ cắt rốn cho bé. Sản phụ được truyền dịch và chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ.
Tại đây, các nhân viên y tế đã rất vất vả để thuyết phục sản phụ và thân nhân thực hiện các can thiệp y tế cho mẹ và bé như may lại vết rách tầng sinh môn, truyền dịch và tiêm thuốc co hồi tử cung, tiêm vắc xin và vitamin K1 đề phòng xuất huyết não cho trẻ sơ sinh...
Sau khi được nhân viên y tế giải thích, sản phụ đã đồng ý cho bác sĩ can thiệp với yêu cầu "không được tiêm thuốc tê". Chỉ sau một mũi may đầu, thấy không thể chịu đau được, bệnh nhân đồng ý cho gây tê tại chỗ.
Sinh con theo phương pháp thuận tự nhiên tại nhà là phương pháp chưa được kiểm chứng độ an toàn và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Xét nghiệm cho thấy sản phụ bị thiếu máu nặng, nguy cơ băng huyết sau sinh, chậm lành vết khâu, dễ nhiễm trùng... Tuy nhiên, sản phụ vẫn ghi giấy cam kết không sử dụng kháng sinh, không truyền máu, không truyền thuốc đề phòng đờ tử cung và chấp nhận tất cả hậu quả.
Ban Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp thuyết phục gia đình. Chồng và mẹ sản phụ đã đồng ý cách xử lý của bệnh viện, tuy vậy sản phụ vẫn tiếp tục phản ứng vì cho rằng "bệnh viện đang dụ để lấy tiền".
Sản phụ này từng sinh con 2 lần tại Bệnh viện Từ Dũ. Tuy vậy, lần thứ 3, chị quyết định tự sinh tại nhà vì cho rằng rất nhiều người mẹ đã thực hiện sinh thuận tự nhiên thành công nên muốn trải nghiệm điều này.
Chị cho biết đã tìm hiểu về phương pháp này qua các trang mạng và tham gia "học về sinh thuận tự nhiên". Tại phòng theo dõi hậu sản, sản phụ tiếp tục không đồng ý cho bác sĩ thăm khám và yêu cầu cùng với con xuất viện.
Với trường hợp của bệnh nhân này, kíp trực cũng như Ban Giám đốc bệnh viện đã dành rất nhiều thời gian để tư vấn, thuyết phục gia đình về các can thiệp y khoa phù hợp cho tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Tuy vậy, nhân viên y tế lại không thể thăm khám hay điều trị.
Bản thân sản phụ và thân nhân cũng không thống nhất trong việc phối hợp với bệnh viện khiến công tác chuyên môn bị ảnh hưởng. Tới trưa 11/2, bệnh viện vẫn tiếp tục thuyết phục sản phụ đồng ý với các can thiệp y khoa cần thiết.
Bệnh viện Từ Dũ khuyến cáo sản phụ nên khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế được cấp phép để đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai và sinh đẻ.
Sản phụ sẽ được hỗ trợ sinh con tự nhiên nghĩa là sinh ngả âm đạo với việc giảm đau sản khoa (theo yêu cầu), bé được da kề da với mẹ theo đúng chuẩn, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm nếu chuyển dạ thuận lợi và sẽ được can thiệp bằng các phương pháp sinh giúp hoặc mổ lấy thai nếu có chỉ định.
Trào lưu sinh con thuận tự nhiên được khởi xướng và lan truyền trong một bộ phận các bà mẹ, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé và đe dọa đến các nỗ lực của ngành y tế trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé.
Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới cũng đưa ra khuyến cáo về mức độ an toàn chưa được kiểm chứng của thực hành liên sinh và cảnh báo những nguy cơ mẹ và bé phải đối mặt nếu áp dụng liên sinh - sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế và không cắt dây rốn. Bánh nhau chứa đầy máu, vì thế, nó rất dễ nhiễm trùng.
Thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân giải trong khoảng thời gian 3 đến 10 ngày, thậm chí 2 tuần, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé.
Theo Zing
Vượt cạn ngày tết nhiều nỗi lo Sự cố y khoa khiến thai nhi 40 tuần tử vong tại một bệnh viện lớn khiến dư luận, đặc biệt là người làm mẹ không khỏi xót xa: "mang nặng, chăm chút cho con bao nhiêu tuần trong bụng, gần đến ngày vui đón con chào đời lại như vậy thật đau xót"... "Mẹ tròn con vuông" là niềm vui của gia...