Mẫu điện thoại gaming đầu tiên của Nokia
Ra mắt vào năm 2003, Nokia N-Gage là mẫu điện thoại kết hợp máy chơi game di động. Nhiều lý do khác nhau khiến thiết bị không thành công như mong đợi.
Giới trẻ đầu những năm 2000 thường mang máy chơi game cầm tay để giải trí cùng điện thoại di động. Nhận thấy cơ hội gia nhập 2 thị trường cùng lúc, Nokia đã phát triển thiết bị có thể vừa gọi điện, vừa chơi các game có chất lượng ngang máy chuyên dụng.
Cuối năm 2003, Nokia ra mắt N-Gage, mẫu điện thoại kết hợp máy chơi game cầm tay. Thiết bị có kiểu dáng giống bánh taco với màn hình 2,1 inch ở giữa, dàn phím vật lý nằm 2 bên dùng để điều khiển và chơi game.
Ngay khi ra mắt, thiết kế của Nokia N-Gage không được đánh giá cao. Theo PhoneArena , cách sắp xếp phím bấm khiến máy khó sử dụng như điện thoại thông thường, cũng không phải bố cục lý tưởng để chơi game.
Tương tự các mẫu máy chơi game cầm tay của Nintendo, người dùng cần cắm thẻ game vào Nokia N-Gage để chơi. Tuy nhiên cách lắp, thay thẻ game trên N-Gage khá mất thời gian khi phải gỡ nắp lưng và tháo pin.
Loa thoại và micro của N-Gage được đặt ở cạnh trên. Do đó, người dùng cần áp cạnh trên của máy vào tai để nghe cuộc gọi, một tư thế khá kỳ quặc.
Nokia N-Gage sử dụng Symbian, hệ điều hành phổ biến trên các dòng điện thoại của hãng vào thập niên 2000. Ngoài những tính năng cơ bản, người dùng có thể cài thêm ứng dụng để nghe nhạc, radio hoặc viết ghi chú. Đây cũng là điểm nổi bật của Symbian so với những hệ điều hành di động khác cách đây gần 20 năm.
Là mẫu điện thoại tập trung vào game, nhiều trò chơi nổi tiếng được phát hành cho N-Gage với đồ họa 3D như Call of Duty , FIFA hay Tomb Raider , bên cạnh một số game 2D cơ bản.
Có khoảng 60 game được phát triển và ra mắt riêng cho N-Gage, bên cạnh hàng chục tựa bị hủy phát hành. Tuy không nhiều, việc xuất hiện những cái tên nổi tiếng như Tom Clancys , Spider-Man 2 hay MotoGP cũng đủ để các game thủ chú ý đến N-Gage.
Tuy nhiên, vấn đề khiến người dùng không thoải mái khi chơi game trên N-Gage là bố cục phím phức tạp, màn hình dọc cho trải nghiệm kém hơn so với hướng ngang trên hầu hết máy chơi game cùng thời điểm.
Video đang HOT
Bên cạnh phím bấm và màn hình, giá bán cũng là trở ngại của N-Gage. Vào năm 2003, đa số người dùng máy chơi game cầm tay là trẻ em. Do đó, mức giá 399 USD của N-Gage được xem là quá đắt. Trong khi đó, máy Nintendo Game Boy Advance (GBA) có giá chỉ 99 USD.
Trên thực tế, doanh số của Nokia N-Gage thấp hơn đáng kể so với GBA. Trong khi Nokia chỉ bán được 2 triệu chiếc N-Gage, doanh số của GBA là hơn 81 triệu.
Năm 2004, Nokia ra mắt N-Gage QD, phiên bản mỏng nhẹ hơn của N-Gage, chuyển khe cắm thẻ sang cạnh dưới với giá 179 USD. Tuy nhiên, đó cũng là lúc PlayStation Portable (PSP) ra đời, bên cạnh Game Boy Advance SP. N-Gage QD đã không thể cạnh tranh với PSP hay GBA, cả về trải nghiệm lẫn số lượng game phát hành
Những năm sau, nhiều smartphone chơi game ra đời như Sony Ericsson Xperia Play năm 2011, tuy nhiên người dùng vẫn ưa chuộng các mẫu máy chơi game chuyên dụng. Dù không thành công về mặt doanh số, N-Gage vẫn là một trong những thiết bị đáng nhớ, luôn được nhắc đến trong lịch sử hãng điện thoại Phần Lan.
"Ông lớn" di động hết thời: Người bám đuổi quá khứ, kẻ núp bóng thương hiệu
Câu chuyện về những tượng đài công nghệ bị sụp đổ sau khi đứng trên đỉnh thế giới giờ đây vẫn còn khiến nhiều người tiếc nuối.
Nokia, HTC, Motorola trước đây từng là những ông lớn vừa có tiếng lẫn "có miếng" trên thị trường di động thế giới. Thế nhưng những năm gần đây, với chiến lược kinh doanh khó hiểu, cũng như chưa có bứt phá đúng chỗ về công nghệ lẫn thiết kế đã làm cho 4 ông lớn này đi lùi dần, trở nên mất hút ở thị trường smartphone.
Tinh hoa của làng di động toàn cầu
Nokia là một cái tên vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Điện thoại Nokia từng thống trị thế giới trong những năm 2000 cho tới khi những kẻ tham vọng như Apple, Google hay Samsung trỗi dậy.
Những cái tên như Nokia 8800, Nokia N-Gage, Nokia 7610... với đại diện của nhiều kiểu thiết kế khác nhau, cho thấy một Nokia không hề nhàm chán, lười thay đổi, mà vô cùng phong phú, tinh tế để bắt kịp thời đại.
Ở thời kỳ hoàng kim của mình, Nokia từng chiếm tới hơn 50% thị trường. Cứ mỗi sản phẩm của hãng được ra đời, nó ngay lập tức đóng vai trò định hình nên phong cách, cá tính, xu hướng của giới trẻ thời bấy giờ.
Biểu tượng "Connecting People" (kết nối con người) quen thuộc trên mỗi chiếc điện thoại của Nokia.
Cạnh tranh với Nokia trong làng di động, có lẽ người ta chỉ dám nhắc tên tới Motorola, hãng phát minh ra điện thoại cầm tay đầu tiên trên thế giới.
Đó là khi bối cảnh thế giới đều quá quen thuộc với những chiếc điện thoại dạng thanh của Nokia, thì một bộ phận người tiêu dùng bắt đầu bị chinh phục bởi dòng điện thoại gập tinh tế, đáng yêu.
Đó là khi Motorola bắt đầu dẫn đầu xu hướng với những siêu phẩm như chiếc Razr vào năm 2004. Thiết bị này trên thực tế vẫn là một trong những điện thoại thành công nhất trong lịch sử, khi trở thành điện thoại bán chạy nhất thế giới trong gần 3 năm. Vào năm 2006, thị phần điện thoại di động của Motorola đạt khoảng 21%.
Mặc dù giá trị cốt lõi của một chiếc điện thoại di động chỉ là nghe gọi và nhắn tin. Tuy nhiên, người tiêu dùng không ngừng mong muốn những điều mới hơn, tốt hơn, đột phá hơn trên thiết bị của họ, và không nhiều nhà sản xuất làm được điều này.
Motorola RAZR V3i - dòng sản phẩm từng tạo nên thương hiệu cho nhà sản xuất tới từ Mỹ.
Một trong số ít những "người được chọn" phải kể tới HTC, một thương hiệu tới từ Đài Loan tượng trưng cho sự sáng tạo đã từng bước tạo ra nhiều dấu ấn mạnh mẽ qua những sản phẩm độc đáo của mình.
Có thể nói rằng năm 2010 đã mở ra giai đoạn hoàng kim của HTC. Trong bối cảnh Google đau đầu trước sự thống trị của Apple và Samsung thì HTC xuất hiện. Họ chế tạo cho Google một chiếc smartphone riêng có tên Nexus One. Chiếc điện thoại lúc bấy giờ được coi là một "kiệt tác", khi sở hữu thiết kế đột phá và nhiều tính năng lý thú đi kèm.
Tạp chí Business Week thậm chí xếp hạng HTC là công ty công nghệ tốt thứ 2 ở châu Á và thứ 3 trên thế giới. Tính theo thị phần, HTC cũng chỉ xếp sau Samsung và Apple. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc mà ngay cả những ông lớn như Nokia hay Motorola đều không thể làm được.
HTC Nexus One.
Bước ngoặt - hay ngã rẽ của định mệnh
Ngay cả khi bạn đã đứng trên đỉnh cao, không có nghĩa thành công sẽ luôn gõ cửa. Câu chuyện về Nokia - một tượng đài công nghệ bị sụp đổ khi thực sự đã "thống trị thế giới" giờ đây vẫn còn khiến nhiều người tiếc nuối.
Trước sự bùng nổ về một khái niệm mới: smartphone. Nokia không giống như cái cách mà người ta từng biết về hãng điện thoại Phần Lan, đó là sự sáng tạo, đổi mới và trẻ trung. Họ bỗng nhiên trở thành một ông già chậm thay đổi.
Thay vì bắt nhịp xu thế mới, Nokia chọn trung thành với điện thoại cổ điển, tầm trung và giá rẻ - một lựa chọn tưởng như an toàn, nhưng kỳ thực lại khiến họ trở nên xa vời thực tế.
Petri Rouvinen, một nhà phân tích của hãng ETLA, cho rằng, Nokia đã trở nên quá ngạo mạn và kết quả là họ đã chậm chạp trong việc phản ứng với những thay đổi trong thế giới xung quanh. Lựa chọn của Nokia đã khiến không biết bao nhiêu người phải thở dài.
Apple và Samsung lớn mạnh bao nhiêu thì hãng Phần Lan trượt sâu bấy nhiêu. Đến cuối năm 2013, thị phần của Nokia chỉ còn lại 15% nhờ vào dòng điện thoại giá rẻ.
Họ níu kéo hào quang cũ bằng việc từ bỏ nền tảng Symbian để chuyển sang Windows Phone. Sau 3 năm hợp tác, Nokia chính thức "bán mình" cho Microsoft - kết cục mà không ít nhà phân tích nhìn thấy từ lâu.
Hãng Phần Lan trượt sâu vì phản ứng chậm chạp với những thay đổi trong thế giới xung quanh.
Sự nổi lên của Apple và Samsung không chỉ khiến Nokia, mà còn nhiều hãng khác gặp khó khăn. Trong đó, không thể không kể tới Motorola.
"Ngủ quên trên chiến thắng", "chậm thay đổi", "kém đột phá"... là những gì người ta nói về Motorola. Quả thực với vị thế hàng đầu từ những ngày đầu tiên hình thành nên khái niệm "điện thoại cầm tay", cho tới những thành công ngoài mong đợi của dòng Razr, hãng điện thoại Mỹ đáng lẽ đã có thể làm tốt hơn.
Năm 2007, số phận đưa Motorola tới "ngã ba đường" khi một công ty Mỹ khác là Apple ra mắt iPhone. Thế rồi hãng nói không với những khái niệm tưởng chừng quá đỗi mông lung, và tiếp tục với di sản của mình.
Lựa chọn này đưa công ty tới khoản thua lỗ kỷ lục 4,3 tỷ USD vào năm 2009, dẫn tới sự kiện chia tách Motorola Mobility và Motorola Solutions vào năm 2011.
Năm 2012, tiếp tục tới Google mua lại Motorola Mobility với giá 12.5 tỷ USD, trước khi bán mảng kinh doanh bộ giải mã và modem cáp cho Arris cũng như bán lại toàn bộ công ty vào năm 2014 cho Lenovo với giá 2.91 tỷ USD.
Motorola liên tục "qua tay" Google rồi đến Lenovo.
So với hai ông lớn Nokia và Motorola, HTC lại cho thấy một bức tranh khác màu: Họ hụt hơi vì không đủ tiềm lực. Sự sáng tạo, mạo hiểm và dám đổi mới của công ty sau những thành công liên tiếp đã không còn. Liên tục đổ dốc và đánh mất thị phần là điều không thể tránh khỏi.
Nhìn vào HTC, người ta thấy hiện hữu bức tranh của Sony, và sai lầm đến từ quyết định thiếu đầu tư cho mảng marketing. Chính bởi điều này khiến cho những chiếc smartphone được đánh giá tốt của họ không thể nào hấp dẫn khách hàng so với những thương hiệu đã được khẳng định vị thế như Samsung hay Apple.
Trong quá khứ, đã từng có lúc cái tên HTC là niềm mơ ước của những tín đồ smartphone Android chứ không phải Samsung hay LG. Tuy nhiên giờ đây, khi nhắc tới thương hiệu này, người yêu công nghệ chỉ còn lại sự nuối tiếc về một tượng đài đứng trước nguy cơ biến mất khỏi bản đồ smartphone thế giới.
Di sản trong quá khứ và niềm tin bắt kịp thời đại
Những gì về HTC nghe thật mong manh khi họ giờ đây chỉ còn bám đuổi quá khứ của chính mình. Nhưng ít ra thì hãng sản xuất Đài Loan có thể tự hào rằng họ vẫn "là chính mình". Trong khi đó, Nokia và Motorola lại không có được may mắn như vậy.
Năm 2016, thương hiệu Motorola chính thức bị khai tử, trở thành Moto by Lenovo. Bằng cách này, cái tên Motorola không biến mất hoàn toàn, mà sẽ tiếp tục tồn tại với vai trò là một bộ phận của gã khổng lồ ngành điện tử tiêu dùng Trung Quốc.
Cũng trong năm 2016, Microsoft sau khi thừa nhận thất bại từ thương vụ trị giá 7 tỉ USD, đã chấp nhận bán mảng di động của Nokia với giá "bèo" cho HMD Global - một công ty có trụ sở tại Phần Lan.
Trái với những kỳ vọng sẽ đưa "sự thống trị" trở lại, những thương vụ này dường như chỉ hướng đến mục đích bảo vệ cho sự tồn tại và giá trị của những "thương hiệu" vang danh một thời.
Chiến lược mà các "ông lớn hết thời" đưa ra cũng vô cùng rõ ràng, đó là hồi sinh lại phong cách hoài cổ, đáp ứng cho nhu cầu của một vài nhóm người mong muốn có được thời gian nghỉ ngơi trong một thị trường đã quá bão hòa" với smartphone.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường vẫn diễn ra mạnh mẽ. Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất từ lâu đã rất khốc liệt, nếu muốn bứt phá, họ không chỉ cần giá trị thương hiệu, mà cả câu chuyện thị trường và năng lực R&D đều cần được cải thiện hơn rất nhiều.
Ngày nay, có thể thấy rằng thị trường smartphone được định sẵn là do xu hướng từ giới trẻ. Bởi vậy, mỗi bước tiến cần phải có quyết tâm và lòng dũng cảm, nhưng nếu muốn theo kịp thời đại, để một lần nữa chứng tỏ giá trị từng một thời vang danh, thì đây là điều mà các nhà sản xuất không thể chối bỏ
Chiếc điện thoại 'cục gạch' độc nhất vô nhị của Nokia Đây là chiếc điện thoại cơ bản duy nhất của Nokia sử dụng hệ điều hành Android. Tuy nhiên, máy đã không được hãng ra mắt. Nokia vốn được biết đến với dòng điện thoại "cục gạch" với độ bền rất tốt. Ít người biết rằng hãng đã suýt ra mắt một mẫu điện thoại cơ bản chạy hệ điều hành Android. Tháng...