Mát lành canh hến nấu bầu
Sáng nay, mẹ từ quê vô mang theo hai quả bầu cuống còn xanh ngắt, thân đầy lông tơ, mẹ bảo vừa cắt trên giàn để dành cho con nấu canh hến. Nắng nóng thế này mà ăn tô canh hến với bầu non thì mát lòng, mát dạ lắm.
Canh hến nấu bầu, món ăn mát lành cho ngày hè. Ảnh: Internet
Nghe mẹ nói, tôi lại nhớ về những ngày xưa, khi hè đến, lũ trẻ con dắt trâu ra đồng chăn thả ở những chân ruộng vừa gặt lúa để ăn “mót” những cây lúa non còn sót lại. Hết lúa non lại đến những bờ cỏ non mơn mởn chen giữa đường đi hai ruộng lúa. Lúc này lũ trẻ chăn trâu khá thảnh thơi nên ra bờ sông tắm lặn hến. Những con hến vàng ươm, to bằng ngón tay cái nằm ở mực nước cạn cỡ ngang lưng quần có thể vừa ngụp vừa bắt mà không cần phải lặn sâu nên cả những đứa trẻ không biết bơi cũng có thể bắt. Mỗi khi bắt đầy hai tay, bọn trẻ lại đem lên bờ dồn thành đống để mang về. Có đứa mang theo bao cát, vải loại vừa để bỏ, đứa quên thì cởi áo buộc lại một đầu, đầu kia đổ hến vào rồi cứ thế cưỡi lên lưng trâu mang về nhà. Vậy là cả nhà có bữa ăn ngon.
Ngày trước, chưa có máy cào hến nên những người dân quê tôi ai cũng có thể tự bắt hến cho bữa cơm gia đình, nếu dư mới đem ra chợ bán. Cũng có những gia đình bắt hến chuyên nghiệp như nhà o Nga, o Tuyết… thường huy động toàn bộ lực lượng từ người lớn đến trẻ em đi từ sáng sớm đến trưa, rồi từ trưa đến chiều. Có hôm nhiều nhà bắt được chừng hai rổ lớn, bán được vài chục ngàn đồng. Hồi đó, do hến nhiều và ai cũng có thể tự bắt nên giá khá rẻ, một lon chỉ 1-2 ngàn đồng, bây giờ người ta bán bằng ký và có đắt hơn chút nhưng cũng chỉ 3-5 ngàn đồng/lon. Chỉ cần có 10-15 ngàn đồng cũng đủ cho nồi canh cho gia đình 4-5 người ăn.
Video đang HOT
Loại hến ở vùng cát quê tôi con không to như con trìa nhưng thịt chắc, nước ngọt. Những con ở vùng cát vỏ màu vàng ươm nhìn bắt mắt hơn những con ở hói bùn màu đen và không ngon nên giá thành thường rẻ hơn. Song do ở nước cạn lại nhiều người bắt nên những người chuyên bắt để bán thường chọn những con hói sâu để bắt được nhiều hơn.
Hến có thể nấu được nhiều món ngon như xào với thơm cà, trộn với bún gạo, nấu canh rau muống, rau thập tàng, dưa chua, nấu xả… nhưng ngon nhất vẫn là nấu với bầu non. Hến sau khi bắt hoặc mua về ngâm nước khoảng vài tiếng đồng hồ để hến nhả sạch bùn, đất, sau đó rửa sạch, bỏ vào soong, cho ít nước vào luộc. Nếu muốn ăn nhiều nước thì khi luộc hến có thể cho nhiều nước vào. Khi nước sôi, hến nở bung ra thì tắt bếp, đổ ra rổ có hứng thau, chậu để lấy nước, đợi nguội rồi tách thịt hến ra, bỏ vỏ, rửa lại qua nước sạch để đảm bảo không còn bùn cát, để ráo, sau đó ướp gia vị vừa ăn. Hến càng ngon, thơm hơn khi ướp thêm với củ ném giã nhỏ. Bắc chảo dầu lên bếp phi thơm hành, củ ném giã nhỏ, cho hến đã ướp gia vị vào xào đến khi thịt hến săn chắc lại rồi tắt lửa múc ra tô. Nước hến đã chắt lọc bỏ cặn đun lại đến khi sôi đều, cho bầu và hến vào sôi lại là có thể tắt bếp, cho thêm hành ngò để gia tăng mùi vị.
Canh hến nấu bầu có thể ăn với cơm nóng hoặc nguội mà không có mùi tanh nhờ đã xử lý ở khâu um, xào với củ ném giã nhỏ. Thế nên, vào mùa hè món này thường được người dân quê tôi ưa chuộng và là món ăn chính của nhiều gia đình, khi nhà nào cũng có khoảnh đất trống để trồng giàn bầu, luống rau, hến luôn có sẵn nên muốn ăn lúc nào cũng có. Tôi có người bác họ đi làm ăn xa, mỗi lần về quê món đầu tiên bác muốn ăn là canh hến nấu bầu và lúc nào mẹ tôi cũng đáp ứng yêu cầu của bác bằng nồi canh hến nầu bầu non to đùng, mát, ngọt. Có hôm cả nhà ăn canh hến nấu bầu thay cơm mà không bị “xót bụng” giữa buổi.
Nghĩ đến đây, tôi lại ra chợ, tìm mua cho được loại hến vàng ngày xưa nhưng mãi không thấy nên đành mua trìa (cũng giống hến nhưng to hơn) để nấu với trái bầu non mẹ cho. Dù đã xử lý um, xào với củ ném giã nhỏ, song hương vị ngọt, thanh không bằng nhưng dù sao cũng “giải” được “cơn thèm” canh hến nấu bầu của mẹ.
Canh hến nấu bắp chuối sứ
Đi làm về, mẹ khoe: "Đi cả chợ mới mua được bắp chuối sứ", chiều nấu canh hến cho mà ăn, mát lắm!". Chữ "mát lắm" được mẹ nhấn mạnh làm tôi nhớ những mùa hè xa lắm, lúc cùng lũ bạn chăn trâu lặn hến mỗi ngày.
Canh hến nấu bắp chuối sứ - món hao cơm ngày hè
Ngày đó, ngày chỉ đến trường một buổi, buổi còn lại chị em tôi thay phiên nhau giữ trâu. Thích nhất là vào mùa hè, được nghỉ học cả ngày theo trâu ra đồng tắm sông Ô Lâu và bắt hến. Những con hến vàng ươm, to bằng đầu ngón chân cái, căng tròn óng ánh trong nước là thứ quà sông mà bao đời người dân vùng ven phá Tam Giang luôn nâng niu và cũng là sản vật chế biến được nhiều món ngon, ăn chơi và ăn no như cháo hến, canh hến nấu sả, bắp chuối, bầu hoặc măng chua, xào thơm...; trong đó, món canh hến nấu bắp chuối có thể nói là món ăn "huyền thoại" dành cho đấng mày râu sau chầu rượu ngất ngư đêm trước.
Vì dễ ăn, dễ chế biến được nhiều món ngon nên hến luôn là món ăn được người dân làng tôi ưu tiên số một trong những ngày hè. Ngoài lý do đó thì nó còn dễ lặn bắt, chỉ cần ra sông chừng một hai tiếng đồng hồ là cả nhà 5-6 người có bữa ăn ngon.
Từ nhà tôi, lũ trẻ lùa trâu theo hướng bến Dừa ra ruộng rồi cùng xuống sông lặn hến. Nói là sông nhưng bọn con nít chúng tôi vì đã quá quen sông nước nên chỉ chọn những bãi cát trằm, nông nước ngang ngực để ngụp lặn. Những đứa chưa biết bơi thì khéo léo lấy các ngón chân kẹp lại mỗi khi dẫm được hến rồi bỏ vào thau hoặc cái áo cột sẵn một đầu. Những đứa lặn giỏi mỗi buổi có cả bao hến nhỏ mang về, những đứa bé hơn cũng căng tròn cái áo đựng hến.
Người lớn cũng tranh thủ những ngày ruộng đã đầy nước, cỏ đã làm sạch ra sông lặn hến cùng bọn trẻ. Có nhà còn "chuyên nghiệp" hơn với đội quân 3-4 người thường bắt đầu sau buổi cơm trưa ra sông lặn bắt hến để bán vào buổi chợ sáng hôm sau. Hành trang của họ khá đơn giản là vài cái thau cùng đôi triêng gióng để gánh thành quả. Dù giá hến lúc đó khá rẻ, một ngàn đồng mua được khoảng 5-6 lon nhưng bằng cách này, một số gia đình vẫn có thêm thu nhập mùa nhàn rỗi.
Bây giờ hến không còn nhiều như trước, cuộc sống của người dân quê tôi cũng khá hơn nên không còn ai lặn hến mỗi trưa hè. Thay vào đó người ta cào hến bằng các phương tiện hiện đại hơn và giá bán cũng cao hơn. Giá mỗi kg hến tầm 20-25 ngàn đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có để mua. Loại hến này dân quê tôi gọi là hến cát, có màu vàng óng, con nào to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái, thịt dày, ngọt, luộc lên nước sánh màu như sữa, không như trìa phá Tam Giang bán ở chợ, con to hơn, màu đen hơn (vàng cũng có nhưng "óp"-thịt mỏng hơn).
Được người thân gửi từ quê lên vài kg hến cát, tôi dặn mẹ thể nào cũng phải mua được bắp chuối sứ để nấu canh. Món "giải rượu" của ba ngày xưa giờ là món "đặc sản" của gia đình tôi những ngày hè. Bây giờ rất nhiều quán nhậu, nhà hàng cũng đưa món này vào thực đơn. Khi thực khách đã ngà ngà chén rượu, làm một bát canh hến bắp chuối đảm bảo sẽ "tỉnh" ra liền.
Đang miên man chuyện ngày xưa, mẹ giục đi rửa hến đã ngâm nước từ hôm trước cho hến nhả sạch bùn cát. Sau khi chà sạch hến, đổ nước xâm xấp bắc lên bếp luộc với lửa vừa phải, đợi nước sôi hến bung hết và đổ ra rổ nhặt lấy thịt, sau đó rửa với nước để làm sạch lần cuối. Đợi hến khô, ướp chút gia vị rồi phi thơm củ ném giã dập với dầu cho hến vào xào đến khi dậy mùi thì tắt bếp. Nước hến sau khi đã lọc cặn tiếp dục đun sôi, cho bắp chuối sứ đã xắt mỏng ngâm nước lạnh để loại bỏ mủ, giữ lại màu trắng. Đợi nồi nước canh sôi lại cho hến đã xào vào vài phút rồi tắt bếp. Xắt thêm ít hành ngò cho thơm rồi múc ra tô.
Canh hến bắp chuối sứ có thể ăn nóng hoặc nguội mà không có mùi tanh và cũng có thể ăn kèm cơm hoặc ăn "không" (chỉ ăn canh hến-tôi thường ăn kiểu này) cũng ngon, nhất là trong những ngày hè oi ả như thế này!
8 món canh thanh mát, giải nhiệt ngày hè Mùa hè nóng nực khiến mọi người ăn không ngon miệng, những món canh thanh mát dưới đây sẽ giúp gia đình bạn giải nhiệt và ăn ngon miệng hơn. 1. Canh hến nấu bầu Theo Đông y, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Món...