Mang hơi ấm Tết cho gần 600 giáo viên và học sinh vùng cao khó khăn
Để động viên các giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sở GD&ĐT Nghệ An đã đi thăm và trao quà Tết sớm.
Mang hơi ấm Tết cho gần 600 giáo viên và học sinh vùng cao khó khăn
Ngày 15/1, lãnh đạo sở GD&ĐT Nghệ An đã đi thăm và trao quà tết cho gần 600 giáo viên và học sinh ở các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An. Tổng giá trị các suất quà là 430.000.000 đồng. Đây là số tiền ngành giáo dục huy động từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp nhằm hưởng ứng Tết “Vì người nghèo” do tỉnh Nghệ An phát động.
Dịp này, sở GD&ĐT Nghệ An đến thăm và tặng quà tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở các xã Chi Khê (huyện Con Cuông), Tam Quang ( huyện Tương Dương), Nậm Càn ( huyện Kỳ Sơn), Giai Xuân (huyện Tân Kỳ), Tri Lễ ( huyện Quế Phong) Châu Hội (huyện Quỳ Châu), Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp).
Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà cho các em học sinh Con Cuông.
Tại các điểm trường, ông Thái Văn Thành – Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ sự biết ơn tri ân đối với các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại những trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh.Sự nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học và từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa vùng miền núi và miền xuôi.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian tới, ngành giáo dục đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục phát huy tình yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực trau dồi chuyên môn và không ngừng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và từng bước đưa giáo dục miền núi của Nghệ An ngày càng phát triển”, ông Thành nói.
Vui tết sớm với các trường vùng cao, giám đốc sở GD&ĐT cũng mong muốn các phụ huynh quyết tâm chịu khó, chịu khổ để cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, nuôi dạy các cháu trưởng thành để có trí tuệ, vươn lên thoát nghèo.
Mặc dù còn khó khăn nhưng nhiều em vẫn nghị lực học tập tốt.
Vui mừng khi nhận được phần quà, em Hồ Vi Quỳnh Như, lớp 1A, trường tiểu học Bồng Khê, huyện Con Cuông cho biết: “Em sẽ cố gắng học tập, nghe lời thầy cô và bố mẹ để trở thành con ngoan, trò giỏi”.
Được biết, đây là hoạt động thường niên đã được sở GD&ĐT tạo duy trì nhiều năm nay trong dịp chuẩn bị chào đón năm mới. Đây cũng là dịp để ngành tri ân tới những giáo viên đang miệt mài cắm bản và những học sinh là người dân tộc thiểu số ở những vùng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Những món quà Tết sớm cho các học sinh vùng cao.
Sáng 16/1, bà Ngô Thị Minh – Thứ trưởng bộ GD&ĐT cùng đoàn công tác đã tới thăm và trao quà Điều ước cho em tại Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An.
Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An là ngôi trường đặc thù, “hội tụ” học sinh ở nhiều thành phần dân tộc nhất trong tỉnh: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Nùng, Thổ, Kinh, Đan Lai. Trong đó tộc người Ơ Đu và Đan Lai là 2 dân tộc rất ít người chỉ phân bố ở Nghệ An.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao học bổng “Điều ước cho em” tới học sinh 2 trường THPT DTNT Nghệ An.
Năm học 2020 – 2021 nhà trường có 18 lớp, gần 600 học sinh. Là môi trường nội trú nên mọi sinh hoạt, học tập của các em đều ở trong trường. Các em được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhưng nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc mồ côi bố, mẹ. Có em mắc bệnh hiểm nghèo phải thường xuyên đến bệnh viện điều trị định kỳ.
Giáo viên cắm bản: Lựa chọn không nuối tiếc
Dành cả thanh xuân tươi đẹp của mình cho giáo dục vùng khó, nhưng cô Hoàng Thị Thanh Bình - giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình.
Cô Bình và học trò của mình. Ảnh: NVCC
Ngày ngày cô vẫn miệt mài bên trang giáo án để thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao.
Thanh xuân là những ngày "cắm bản"
Chiều cuối năm, sương mù giăng mắc khắp nơi, cao nguyên đá Đồng Văn chìm trong cái lạnh tê buốt. Cô Bình tất tả che chắn lớp học, chống gió lùa; thu gom củi khô để đốt lửa cho cô - trò đều ấm. Nhìn học trò run rẩy trong giá rét, cô không cầm lòng được và muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ thiệt thòi. Bởi cô hiểu hạnh phúc giản dị của HS vùng dân tộc thiểu số là "cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm" và ngày ngày vui bước đến trường học tập.
Cô Bình tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được làm GV nên thường hay chơi trò cô giáo. Cũng bảng, phấn, cũng sách, thước... học trò là mấy em nhỏ trong xóm và tôi được bầu làm cô giáo. Cứ như thế, lớp học "trò chơi" của con trẻ đã được thành lập, rộn vang tiếng cười và chiều nào cũng ê, a những chữ "i tờ". Ấy vậy mà mấy em nhỏ trong xóm đều được cô Bình "dạy vỡ lòng" từ những "lớp học đồ hàng" như thế.
"Đứa nào, đứa nấy đều nghe răm rắp, có đứa gọi cô giáo Bình, có đứa chị giáo... Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi qua - ngọt ngào và ấm áp" - cô Bình mỉm cười, phóng tầm mắt xa xăm, rồi thủ thỉ tâm sự: Mới đó mà đã gần 30 năm đứng trên bục giảng, làm bạn với "phấn trắng, bảng đen", núi rừng mờ sương và trùng điệp. 30 năm - cũng là chừng ấy thời gian cô gắn bó, miệt mài "gieo chữ" nơi rẻo cao Đồng Văn.
Cô kể: Năm 1991, tỉnh Hà Giang thiếu GV "cắm bản". Vừa học xong THPT, từ một cô gái sống ở thị trấn (thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), cô viết thư tình nguyện lên cao nguyên đá Đồng Văn dạy học; vừa thực hiện ước làm cô giáo, nhưng đồng thời cũng muốn cống hiến sức trẻ của mình cho vùng đất khó. "Ngày ấy, chẳng nghĩ gì đến khó khăn, gian khổ; cứ thế xách ba lô lên đường nhận nhiệm vụ. Đúng là tuổi xuân phơi phới, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", cô Bình tự hào nói.
Cung đường đến trường của cô Bình. Ảnh: NVCC
Mong các con hiểu
Theo cô Bình, từ thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đến huyện Đồng Văn hơn 160 km đường đèo. Nơi cô Bình đến dạy học là một trong những bản nghèo nhất của huyện, cách trung tâm huyện Đồng Văn gần 20 km. Thời điểm đó, nơi đây đúng là "3 không": Không đường, không điện, không nước sinh hoạt. Gọi là lớp học nhưng thực chất là phòng học tạm nên mùa đông thì lạnh "thấu xương". Khó khăn nhất là bà con dân bản chưa nhận thức được sự học nên việc vận động học sinh đến trường là câu chuyện dài và lắm gian nan.
"Bà con quan niệm, đi học hay không như nhau, đều ăn mèn mén (món bột ngô của đồng bào Mông). Do đó, chúng tôi phải đến "từng ngõ, gõ từng nhà" để làm công tác tư tưởng với phụ huynh. Thậm chí, tình nguyện đưa, đón con em họ đến trường. Có HS đến lớp rồi, nhưng khi đứng trên bục giảng mới thấy bi hài và thất vọng. Các em sử dụng tiếng Mông nên cô - trò bất đồng ngôn ngữ.
Cô vừa giảng bài, vừa phải ký hiệu: Từ khẩu hình cho đến động tác hình thể. Ấy vậy mà HS chỉ biết cười sảng khoái vì chúng nhìn cô như một chú hề đang biểu diễn trong lớp, nhưng kiến thức bài học thì vẫn bằng không. Còn khi HS nói, cô chỉ biết căng tai, nheo mắt nhưng vẫn không hiểu các em nói gì và muốn gì", cô Bình nhớ lại.
Kiên trì, bền bỉ và không chùn bước hay coi đó là thử thách, đòi hỏi mình phải vượt qua; cuối cùng cô Bình đã vượt lên tất cả mọi khó khăn và trở thành GV "cứng" của Trường Tiểu học Phố Cáo. Mới đây, cô là GV của tỉnh Hà Giang được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Quyết định là GV "cắm bản" đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt thòi, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục vùng khó. Khi lập gia đình riêng, cô cũng chấp nhận xa tổ ấm nhỏ của mình, xa con thơ khi vẫn còn khát dòng sữa mẹ.
Năm 1996, cô Bình sinh con gái đầu lòng. Bé được 9 tháng, cô gửi ông, bà để tiếp tục hành trình "cõng chữ" lên non của mình. Đến cháu thứ 2, cô Bình quyết định đón con lên ở cùng để mẹ - con có nhau. Nhưng vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cũng vì nhiều lý do khách quan, nên cô phải gửi về cho ông bà nuôi khi cháu được 4 tuổi. Để rồi mỗi tháng cô mong chờ cuộc sum họp gia đình ngắn ngủi, mẹ con âu yếm, hít hà lẫn nhau, rồi lại phải dứt lòng chia xa.
"Tôi thường đem theo chiếc khăn mặt, chiếc áo của con lên trường để vơi đi nỗi nhớ. Tôi không hối hận khi mình là cô giáo "cắm bản". Điều tôi trăn trở là, các con phải xa mẹ khi còn quá nhỏ nên thiếu sự ôm ấp, vuốt ve và những lời ru ngủ. Tôi mong các con hiểu cho công việc "gieo chữ" của một cô giáo "cắm bản". Đã nguyện là GV "cắm bản" thì phải tạm quên mình đi, bởi nơi vùng cao vẫn còn nhiều HS chờ cô giáo đến lớp dạy chữ" - cô Bình nói khi nước mắt lưng tròng.
Khi cô - trò hiểu nhau, bà con dân bản đã ủng hộ và hỗ trợ cô Hoàng Thị Thanh Bình rất nhiều từ những sinh hoạt thường nhật như: Mắm, muối, dầu thắp sáng... cho đến tự giác đưa con đến trường. Ngay trong những ngày lạnh giá, nhưng HS của cô Bình vẫn đến lớp đầy đủ, chăm ngoan học bài. Với cô, đó là thành công, bởi có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua khó khăn.
Phong Thổ, Lai Châu: Mỗi cây, mỗi hoa... cả trường đồng cảnh ngộ Thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất, sau những giờ chăm sóc các bé trên lớp, các cô tại điểm trường Mầm non Sin Suối Hồ lại "hòa mình vào côi cút" để tương lai của đám trò nghèo ngày mai tươi sáng hơn Cô Thảo cùng học sinh hòa mình trong trang phục dân tộc. Lớp học kiêm phòng trọ!...