Mang con chữ ra đảo xa
Gần 10 năm qua, cùng với những tiếng ê a tập đánh vần của đám con trẻ trên đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), là hình ảnh cặm cụi bên giáo án của người thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục. Hình ảnh ấy được người dân ở đây ví von như “ ngọn hải đăng” giữa biển khơi, ngày ngày tỏa sáng dẫn lối tri thức, ươm mầm xanh giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc mến yêu!
Hai từ “thầy giáo” thật lớn lao
“Tôi không hiểu vì sao nữa, chỉ biết rằng khi ra đây tôi thấy quý nơi này, quý đám trẻ ở đây vô cùng. Khi nhìn vào mắt bọn trẻ tôi thấy sự bình yên đến lạ. Vì thế, tôi muốn mang đến cho lũ trẻ những gì mà tôi có. Đó là nhiệt huyết, là ý trí, tri thức và nghị lực để bọn trẻ vươn lên trong cuộc sống. Tôi chỉ cố gắng làm hết những gì mình có thể, để bù đắp một phần những thiếu thốn cho bọn trẻ trên đảo…”, Đại úy Trần Bình Phục – người thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối tâm sự về cái duyên đến với nghề dạy học của mình.
Nằm nép mình dưới những gốc cây xoài cổ thụ xum xuê, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối giờ không còn cảnh mái lá, vách đất đơn sơ, cùng những buổi học giật mình thon thót của đám trẻ trước mỗi mùa gió chướng. Thay vào đó, lớp học đặc biệt và duy nhất trên đảo giờ đã khang trang hơn. Mái tranh vách đất ngày nào, được thay thế bằng mái tôn, tường xây kiên cố… Luôn nở cụ cười hạnh phúc trên môi khi nhắc đến lớp học và những học sinh non nớt, ngây ngô của mình, về việc bà còn ở đảo yêu thương nên gọi anh bằng “thầy”. Anh bảo, tôi không nghĩ mình trở thành một người thầy giáo, bởi với tôi hai từ đó thật sự rất lớn lao.
Đại úy Trần Bình Phục miệt mài bên lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân ra đảo, cùng những ngày “chập chững” đứng trên bục giảng, thầy giáo mang quân hàm xanh kể, những buổi ban đầu đứng lớp thật sự không đơn giản. Cả trường khi đó chỉ có 4 – 5 em học sinh, còn lại đa số đám trẻ chỉ mải mê phụ gia đình kiếm tiền. Vì thế, việc thuyết phục cha mẹ các em cho con đi học đã khó, nhưng để bọn trẻ tự nguyện đến lớp còn khó khăn gấp bội. Trong khi đó, việc đứng lớp để dạy cho các em lớp 1, lớp 2, vừa học viết, học đọc… rồi tiếp tục quay ra dạy các em lớp lớn học làm toán, học lịch sử…đòi hỏi người dạy phải có kiến thức rộng, kỹ năng tốt. Tuy nhiên, nhiều môn học, bài toán khó không giải được, để giúp các em hiểu bài thầy Phục phải gọi điện vào đất liền cầu cứu các thầy, các cô.
“Những ngày đầu tôi chỉ dạy các em lớp 5, về sau các em lớn lên nhưng lại chưa sẵn sàng, chưa có điều kiện vào đất liền học tập, rồi trường lại tiếp tục mở thêm lớp 6, lớp 7. Trong khi đó, các em nhỏ hơn bắt đầu đam mê đến trường. Thế là tôi lại dạy luôn cả các em lớp 1, lớp 2… Một mình dạy đủ các lớp với bao nhiêu môn học, nếu không chuẩn bị trước, đôi khi sẽ rất rối loạn, tuy nhiên trong cái khó nó ló cái khôn, thế rồi thầy trò cùng nhau vượt qua. Ấy thế, cũng không ít lần tôi phải gọi điện thoại nhờ đất liền, nhờ các anh chị giáo viên cứu giúp đối với các bài toán khó” – thầy Phục say xưa kể.
Chia sẻ về niềm vui được đến trường, bé Hồng Mỹ Em(SN 2005) cho biết, ở đây cuộc sống của chúng em còn khó khăn, nhưng được đến lớp học của thầy Phục em rất vui. Đến đây em được học chữ, học kiến thức và được gặp gỡ các bạn. Ước mơ của em sau này là trở thành cô giáo và tiếp tục trở về đảo để tiếp bước thầy Phục dạy học cho các em nhỏ.
Từ lớp học này nhiều em nhỏ đã trưởng thành và vươn lên trong cuộc sống.
Nhờ tình cảm đặc biệt mà thầy Trần Bình Phục đã dành cho các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối, không chỉ có bé Mỹ Em, mà rất nhiều em nhỏ khác như em Khôi, em Hào… đều hào hứng đến với lớp học. Ở đó, các em không chỉ được gặp người thầy mang quân hàm xanh đáng kính Trần Bình Phục, mà còn được sống trong những ký ức đẹp của tuổi học trò. Từ những điều bình dị ấy, các em đã ý thức hơn về cuộc đời của mình, yêu thương, gắn bó với nhau như những người thân, ruột thịt trong gia đình. Để từ đó các em cùng nhau cố gằng, cùng thể hiện ý chí, quyết tâm “vượt sóng, vượt gió” để làm chủ cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình.
Video đang HOT
“Ngọn hải đăng” mang tên Trần Bình Phục
Trên đảo nhỏ, một mình thầy Phục xoay sở với 23 em học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 7. Cứ học sinh lớn đến đâu, anh lại mở lớp dạy đến đó. Để rồi nhiều em nhỏ gia đình có điều kiện, hoặc lớn hơn đã chuyển vào đất liền học tập. Nhiều em có ý trí cũng đã thi đậu vào các trường Đại học và hiện đã có việc làm ổn định, đó là niềm vui không chỉ của các em, của gia đình, mà còn là niềm vui vô bờ bến của người thầy giáo mang quân hàm xanh khi những “đứa con” của mình đã lớn lên, đã trưởng thành và có ích cho xã hội.
“Cái khổ ghê gớm nhất của con người không phải là chuyện đói ăn, đói mặc mà chính là đói tri thức. Vì thế, muốn đẩy lùi cái khó khăn đó không có con đường nào khác ngoài việc phải đến trường, phải có tri thức. Mà ở đây, tôi không chỉ dạy các con kiến thức, mà còn dạy các con làm người. Để từ đó, biến những hoài bão, những ước mơ của các con trở thành hiện thực”, Đại úy Phục bộc bạch.
Câu chuyện đưa cái chữ ra đảo nhỏ của những người lính biên phòng Trần Bình Phục thực sự là câu chuyện dài, thấm đẫm sự hi sinh và tình thương vô bờ bến với lũ trẻ trên đảo Hòn Chuối. Ấy thế, câu chuyện về cái duyên đưa người thầy giáo đến với hòn đảo nhỏ này còn ly kỳ và hấp dẫn hơn rất nhiều. Tâm sự về những kỷ niệm ấy, Đại úy Trần Bình Phục nhớ lại, năm 1997, sau cơn bão Linda, anh được điều ra công tác ở đồn biên phòng đảo Hòn Chuối. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ thứ, khiến nơi này chỉ có vài chục nóc nhà nheo nhóc, cơm không đủ bữa, chạy lần quanh năm. Chính những hình ảnh đó đã ám ảnh và thôi thúc Đại úy Trần Bình Phục quyết tâm xin ra đảo.
5 lần viết đơn tình nguyện xin ra đảo công tác, là 5 lần Đại úy Trần Bình Phục bị cấp trên từ chối, trong đó có cả lần anh bị Thủ trưởng đơn vị xé đơn trước mắt; không những vậy, gia đình, bạn bè khi biết tin anh viết đơn tình nguyện ra đảo ai nấy đều bất ngờ và ngăn cản, lý do cũng là bởi anh đang mang trong người căn bênh ung thư. Vì thế, nhiều người còn gay gắt mắng anh “khùng”. Không nản chí, vượt qua áp lực gia đình, anh tiếp tục viết lá đơn thứ 6, và rồi mong ước của anh cuối cùng cũng thành hiện thực. “Khi đó cảm xúc tôi vui lắm, không thể diễn tả nổi”, Đại úy Phục nhớ lại.
Giờ đây, lớp học nhỏ của thầy Phục đã đông hơn, dần đi vào ổn định, mỗi sớm, lũ trẻ đều bắt đầu ngày mới bằng việc đến lớp. Song, tâm nguyện sâu xa của người thầy giáo ấy vẫn là việc, đến một ngày nào đó sẽ có các thầy cô giáo thực thụ ra với các em. “Dù gì tôi cũng chỉ là một người lính, về mặt chuyên môn sư phạm cũng có phần hạn chế, không giống như các thầy cô giáo thực thụ. Các em được truyền thụ kiến thức bởi các thầy cô đó, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa đảo và đất liền. Khi đó, các em cũng đỡ bỡ ngỡ hơn”, thầy Trần Bình Phục bày tỏ.
Khi được hỏi về sức khỏe của anh, người thầy giáo mang quân hàm xanh khẽ cười rồi bảo, hàng ngày tôi vẫn lên lớp cùng các em, được lên lớp nó như sức mạnh vô hình giúp tôi đứng vững, chiến đấu tốt hơn và giúp cho học trò tốt hơn. Anh khẳng định: Tôi vẫn ổn! Mỗi năm các anh chị đến đây vẫn thấy tôi còn cầm phấn dạy các con nghĩa là tôi vẫn ổn. Đó chính là điều tuyệt vời nhất!
Chia tay người thầy giáo mang quân hàm xanh cùng lũ trẻ trên đảo Hòn Chuối, đâu đó trong tiếng sóng, tiếng gió biển tiếng đánh vần ê a của đám học trò, cùng lời giảng bài người thầy giáo tận tụy vẫn văng vẳng bên tai, như thể những âm thanh ấy đang hòa vào tiếng sóng xô theo đoàn công tác. Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa chúng tôi mới có dịp gặp lại Đại úy Trần Bình Phục, thế nhưng tấm gương của anh, sự hi sinh của anh, sẽ còn sáng mãi như những ngọn hải đăng giữa biển trời tổ quốc.
Đỗ Đạt
Theo laodongthudo
"Ngọn hải đăng" ở đảo Hòn Chuối dẫn lối tri thức mang tên Trần Bình Phục
Gần 10 năm cặm cụi, miệt mài gieo con chữ cho những đứa trẻ ngây thơ, gần như hoàn toàn xa lánh, tách biệt với cuộc sống bên ngoài..., thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục như một "ngọn hải đăng" dẫn lỗi tri thức cho đám trẻ ấy, nhờ cái tâm sáng của mình.
Lớp học 4 hướng "không giống ai" trên đảo Hòn Chuối
Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Hòn Chuối, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào những ngày đầu năm 2019, cũng là thời điểm mà lớp học tình thương duy nhất ở nơi đây đã khang trang hơn. Không còn vách đất, không còn mái lá, không còn những đám bụi bay mù mịt... lớp học đặc biệt của thầy giáo - Đại úy Trần Bình Phục đã có mái tôn, bàn ghế, thư viện và cả dàn máy vi tính như bất cứ một lớp học nào trong đất liền. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phục nói chưa bao giờ dám nhận mình là thầy giáo. Chỉ là do bà con, các em học sinh ở Hòn Chuối yêu quý nên mới trao cho anh hai chữ thiêng liêng đó.
Đại úy biên phòng Trần Bình Phục miệt mài gieo chữ trên đảo
6 lần viết đơn xin ra đảo
Tròn 10 năm trước (2009), khi đang ở độ sung sức nhất, anh Trần Bình Phục nghe hung tin mình mắc bệnh ung thư máu do nhiễm phóng xạ. Với tư chất của một người lính, mạnh mẽ trên giường bệnh, kiên nhẫn tuân thủ phác đồ điều trị, các tế bào ung thư trong người anh đã được ngăn chặn sau 1 năm. Anh được xuất viện, nhưng cảm thấy mình cần tìm đến một nơi bình yên trong tâm hồn, hơn là những bon chen xô bồ nơi thành thị.
"Tôi cũng không hiểu nữa, chỉ biết rằng khi ra đây, ánh mắt của những đứa trẻ ở đây mang đến cho tôi sự bình yên. Tôi không nghĩ mình là thầy giáo. Từ đó thật quá lớn lao với tôi. Tôi chỉ là người giúp bọn trẻ biết đến con chữ, biết học để làm người thôi".
Đại úy Trần Bình Phục
Từng đặt chân đến Hòn Chuối, từng tiếp xúc với người dân và đám trẻ con ở đây, nên anh Phục quyết định xin chuyển công tác, về Đồn biên phòng Hòn Chuối. Thế nhưng, không chỉ có gia đình, mà đơn vị cũng ngăn cản anh, bởi "người ta tìm về thành phố không được, đồng chí lại xin ra đảo".
Lá đơn xin chuyển công tác của anh Phục bị từ chối 5 lần, trong đó có cả lần thủ trưởng xé đơn ngay trước mặt vì muốn giữ anh lại. Nhưng không nản chí, Trần Bình Phục viết đến lá đơn thứ sáu, và rồi anh cũng được cấp trên chấp thuận.
"Ánh mắt của lũ trẻ mang cho tôi sự bình yên"
Khi chúng tôi tò mò hỏi về lý do anh nhất quyết muốn ra đảo, bất chấp điều kiện ở đây còn muôn vàn khó khăn, thiếu điện, thiếu nước... Đại úy Trần Bình Phục chỉ cười và nói: "Tôi cũng không hiểu nữa, chỉ biết rằng khi ra đây, ánh mắt của những đứa trẻ ở đây mang đến cho tôi sự bình yên". Ngày mới ra đảo, năm 2010, anh Phục và các đồng đội cảm nhận rõ sự thiếu thốn về vật chất và tri thức của những đứa trẻ trên đảo.
Cuộc sống mưu sinh, trôi nổi và bấp bênh của cha mẹ chúng khiến cho những đứa trẻ này không có điều kiện để học chữ, và gần như tách biệt với thế giới văn minh bên ngoài. Anh Phục xin cấp trên cho phép mở một lớp học tình thương dạy chữ miễn phí cho đám trẻ. Ban đầu, mong muốn của anh vấp phải sự ngăn cản của chính những phụ huynh của những đứa trẻ ấy, bởi họ cho rằng sinh ra ở biển thì phải bám biển, không cần học hành làm gì.
Nhưng rồi anh vẫn kiên nhẫn thuyết phục. Dần dà, người dân hiểu được chỉ có tri thức mới giúp con em họ thay đổi cuộc sống, nên đã đồng ý. Nhưng chưa hết, anh Phục vẫn phải vượt qua một "cửa ải" khác còn khó khăn hơn, chính là các em. Bởi với chúng, học hành là cái gì đó quá xa lạ. Những đứa trẻ ngày ngày chỉ biết biển trời cá chim, nay phải ngồi một chỗ để tiếp xúc với những điều chúng chưa từng được biết, đôi khi chẳng khác nào cực hình.
Lớp học tình thương nằm dưới tán cây xanh mát trên đảo Hòn Chuối
Và rồi, với tình yêu thương của mình, anh Phục đã khiến đám trẻ thay đổi. Chúng bảo nhau và cùng tìm thấy nhiều niềm vui trên lớp. Và cứ thế, gần 10 năm nay, mỗi sáng, thầy giáo Phục lại đi bộ 303 bậc đá từ Đồn biên phòng Hòn Chuối (trên đỉnh núi) xuống bãi Chướng để đón bọn trẻ, rồi lại leo ngược trở lại lên lớp. Việc leo hết 303 bậc ấy, trong đó có nhiều đoạn trơn trượt là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng Đại úy Trần Bình Phục thậm chí còn cõng những em quá bé để đến lớp.
Đến nay, lớp học đã có 22 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 7. Một mình thầy Phục quán xuyến toàn bộ giáo án học tập của 7 lớp đó. Lớp học của thầy có 4 tấm bảng treo ở 4 mặt tường, để dạy cho 4 tốp học sinh khác nhau. Trong một buổi sáng, thầy Phục phải đi vài vòng quanh lớp để phủ đủ kiến thức cho bọn trẻ. "Tôi không nghĩ mình là thầy giáo. Từ đó thật quá lớn lao với tôi. Tôi chỉ là người giúp bọn trẻ biết đến con chữ, biết học để làm người thôi", thầy Phục chia sẻ.
Những đứa trẻ ngây ngô và đáng yêu trên đảo
Cũng theo Đại úy Trần Bình Phục, nhiều học sinh của anh có thành tích học tập tốt đã được chuyển vào đất liền. Một số em còn được nhận danh hiệu học sinh Giỏi. Mỗi dịp nghỉ hè, chúng đều mang thành quả trở lại Hòn Chuối để khoe với thầy. "Đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất. Nó cho thấy sự nỗ lực của các em dù hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn", người thầy mang quân hàm xanh chia sẻ.
Xin được gọi Đại úy Trần Bình Phục là "ngọn hải đăng" tri thức cho đám trẻ ở Hòn Chuối, bởi tâm sáng của anh, bởi những việc anh đang làm giữa trùng trùng sóng biếc thực sự đang soi sáng cho đám trẻ thơ ngây trên hòn đảo xa xôi này.
Theo anninhthudo
Thầy giáo mầm non trên rẻo cao Huyện Sa Pa có 6 thầy giáo dạy học mầm non, chủ yếu tại những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất. Câu chuyện đến với nghề của những người thầy ấy tuy khác nhau, nhưng họ giống nhau ở tình yêu trẻ, yêu nghề, nhiệt huyết say mê của tuổi trẻ, tinh thần vượt khó để khai mở những nét chữ đầu...