Ma trận “món nhà làm” dành cho tết
Lạp xưởng tươi, mứt các loại, củ kiệu, dưa món… là những món ăn ngày tết phổ biến được rao bán trên mạng với tên gọi chung “món nhà làm”. Các món ăn này được nhiều người ưa chuộng nhờ đáp ứng nhu cầu tiện lợi và tiết kiệm thời gian nấu ăn ngày tết.
Không tin tưởng vào các thực phẩm sản xuất công nghiệp, nhiều bà nội trợ đã ưu ái những “món ngon nhà làm” mua qua mạng với hy vọng đó là những món ăn được làm thủ công, không hóa chất phụ gia như nấu tại nhà. Tuy nhiên, chất lượng của các món ăn này cũng khó có thể kiểm chứng trừ việc… mua ăn thử.
Các món tết “nhà làm” phổ biến
Các món ăn ngày tết được kinh doanh kiểu “thực phẩm nhà làm” thường là các món ăn nhanh và được ưa chuộng nhiều, hoặc các món ăn khó chế biến tại nhà.
Lạp xưởng tươi là món ăn không thể thiếu trong ngày tết ở nhiều gia đình. Năm nay thịt heo tăng giá, lạp xưởng lại là món ăn khiến không ít người lo lắng vì rủi ro người bán xay thịt ôi, thêm phẩm màu. Món lạp xưởng nhà làm hiện có nhiều phiên bản: lạp xưởng heo, bò, lạp xưởng trứng muối, lạp xưởng sả ớt… với giá dao động từ 190.000 đồng – 280.000 đồng/kg.
Lạp xưởng là món ăn Tết được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Hướng Nghiệp Á Âu.
Củ kiệu – dưa món cũng là món ăn kèm mang hương vị đặc trưng ngày tết. Nhưng việc tự tay làm thì sẽ mất khá nhiều thời gian và có thể không thành công vì món ăn này đòi hỏi những kĩ thuật sơ chế phức tạp. Với mức giá 120.000 – 150.000 đồng/hũ nửa ký, các gia đình có thể tìm mua qua mạng để dành cho ngày tết.
Nhiều người chọn mua kiệu ngâm chua nhà làm với hy vọng không có hóa chất tẩy trắng. Ảnh: CookyTV.
Chọn mua các loại chả, đồ nguội “nhà làm”, người tiêu dùng sẽ có tư tưởng giảm bớt nỗi lo về phụ gia hàn the được thêm vào tạo độ dai giòn. Chả hoa nhân trứng muối, giò thủ là sản phẩm nhiều người quan tâm vì có hương vị thơm ngon, lạ miệng, đẹp mắt cho mâm cơm ngày tết. Chả hoa “nhà làm” có giá tham khảo từ 140.000 – 180.000 đồng/ký, giò thủ từ 130.000 – 160.000 đồng (loại 500g). Nếu mua từ 1kg trở lên, giá giảm khoảng 5-10%.
Chả hoa ngũ sắc. Ảnh: Facebook Chả Hoa Nhà Làm.
Các món ăn chơi như mứt các loại, khô gà, khô bò cũng được các hộ kinh doanh thực phẩm nhà làm chú ý. Mứt dừa nhà làm thường ít ngọt hơn và giá thành rẻ hơn mứt dừa ở các chợ hoặc siêu thị – dao động từ 120.000 – 250.000 đồng/kg mứt dừa non. Năm nay còn có thêm mặt hàng mứt dừa viên. Khô gà, khô bò nhà làm lại có giá khá cao so với giá sản xuất hàng loạt, vì công đoạn phức tạp và phải có nguyên liệu ngon. Khô gà giá khoảng 220.000 đồng – 300.000 đồng/kg. Khô bò được bán gói khoảng 250gram giá 250.000 – 300.000 đồng.
Video đang HOT
Mứt dừa dạng viên nhà làm đang được chú ý trong dịp Tết 2020. Ảnh: daylambanh.edu.vn
Dễ dàng tìm mua qua mạng
Tết Nguyên đán đang cận kề, thị trường kinh doanh thực phẩm ngày tết đang trong thời gian nở rộ. Ngươi tiêu dùng có thể mua các món ăn nhà làm một cách dễ dàng qua mạng xã hội. Trên mạng xã hội, không khó để nhìn thấy những mẩu quảng cáo “Lạp xưởng nhà làm ăn Tết”, “Củ kiệu nhà làm sạch sẽ không ngâm hóa chất”, “Mứt dừa nhà làm”, “Giò thủ nhà làm”…với giá cả cạnh tranh. Đánh vào tâm lý lo sợ thực phẩm có hóa chất, các món nhà làm tạo niềm tin cho người tiêu dùng là đồ do gia đình chế biến và không cho thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác.
Một mẫu quảng cáo mứt dừa nhà làm trên mạng xã hôi.
Hình thức kinh doanh món ăn nhà làm thường xuất phát từ cộng đồng nhỏ như bạn bè, người thân. Sau đó, khi đã nhận được nhiều lời khen ngợi, người bán sẽ tiếp tục quảng cáo thêm và phát triển dịch vụ này. Nhiều người không ngại công khai cả những nguyên liệu làm món ăn hoặc quay video để tạo được niềm tin cho khách hàng.
Chị Nguyễn Hương Giang (ngụ tại quận 2) đã từng mua củ kiệu chua để ăn tết từ một người bạn vì chị lo lắng củ kiệu mua ở chợ có ngâm chất tẩy trắng. Chị cho biết: “Tôi có quen người bạn giỏi nấu nướng, tết năm rồi tôi thấy chị ấy đăng lên là có bán củ kiệu ngâm chua nhà làm nên đã mua thử. Vì tôi nghĩ bạn mình không kinh doanh lớn và cũng có tài nấu nướng nên tin tưởng về chất lượng”.
Với thao tác đơn giản là gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp, hàng hóa sẽ được giao tận nơi trong vòng từ 3 – 5 ngày. Vì sản phẩm được sản xuất thủ công, không có công nghệ hay máy móc, nên người bán còn có thể gia giảm theo khẩu vị của khách quen. Chị Hương Giang nói thêm: “Tôi thấy món kiệu làm cũng mất thời gian mà nhiều khi không thành công, nên chọn mua chỗ uy tín để yên tâm, giá lại rẻ hơn ở siêu thị dù hương vị có phần không bằng”. Nếu tìm được chỗ mua có uy tín (người quen), thì các món nhà làm này chính là giải pháp cho những người không có khả năng nấu nướng giỏi hoặc bận rộn.
Cẩn trọng tìm nguồn uy tín
Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng có thể sẽ mua phải những thực phẩm không chất lượng, chỉ được cộp mác “nhà làm” chứ không hề có hương vị thơm ngon như quảng cáo. Chị Vũ Thị Hồng Hạnh (ngụ tại Thủ Đức) từng mua thử “bánh chưng Bắc nhà làm” với giá rẻ chỉ 80.000 đồng/bánh 1kg từ một quen cũ và đã có trải nghiệm không tốt.
Bánh được gói ghém kỹ và hút chân không, được dự đoán có hạn sử dụng 7 ngày nhưng khi mở ra ăn thì nghe một mùi nước mắm “khăm khắm”. Chị kể lại: “Vì không được ăn thử, tôi chỉ mua vì tin tưởng người quen. Không ngờ khi về, phần nhân cứ nghe nặng mùi nước mắm, khăm khắm. Tôi tưởng bị hư nhưng đem đi chiên thì càng nặng mùi hơn, đành phải bỏ”. Chị Hạnh cho rằng có thể do không có chất bảo quản nên bánh ôi thiu bên trong mà không biết, hoặc họ đã cho nêm phụ gia không chất lượng.
Với các món ăn nhà làm tràn lan trên mạng, người tiêu dùng cần lưu ý xem kỹ các phần nhận xét của người đã mua hoặc mua thử số lượng ít để thử trước. Nếu cửa hàng quảng cáo là thực phẩm có nguồn gốc, người mua có thể yêu cầu được xem giấy tờ và lưu lại thông tin cửa hàng để phục vụ việc chứng minh chất lượng về sau. Tuy nhiên, các gia đình nên tìm đến các thương hiệu uy tín, lâu năm hoặc mua ở siêu thị với các cơ sở sản xuất đã được kiểm định và chuẩn hóa chất lượng.
Theo Yến Nhi/sgtiepthi.vn
Củ kiệu ngâm mắm chua ngọt
Củ kiệu ngâm mắm chua ngọt là món giải ngấy, ăn kèm các món ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho rất hợp.
Nguyên liệu:
- Củ kiệu: 1 kg
- Giấm
- Đường
- Mắm
- Muối
- Ớt sừng to
- Tỏi.
Cách làm:
- Củ kiệu chọn loại tươi còn lá. Nếu không có, dùng kiệu không có lá cũng được.
- Kiệu bỏ gốc, nhặt lá hỏng, rửa lại với nước cho sạch.
- Cho kiệu vào thau, cho nước vào ngập kiệu. Cho lượng muối mặn vào ngâm kiệu 5-7 tiếng, khi thấy kiệu hơi mềm là được.
- Nấu nước ngâm: 2 chén đường, 2 chén nước mắm, hơn 1 chén nước, 1/2 chén giấm. Khuấy đều và nấu sôi, khi nấu nêm có vị chua mặn ngọt vừa ăn là được. Để nguội.
- Ớt sừng to loại cay ít 2-3 trái băm hoặc xay nhuyễn. Tỏi 1-2 củ cắt lát mỏng. Cho vào mắm đường giấm đã nguội hẳn.
- Kiệu sau khi ngâm nước muối ta lấy ra rửa lại nhiều lần với nước, để ráo.
- Cuốn chặt kiệu, cho vào lọ đựng. Cho nước giấm đường mắm tỏi ớt vào ngâm.
- Đậy kín nắp. Để 2-3 ngày là dùng được, cho vào ngăn mát tủ lạnh để được lâu và giòn ngon.
Theo Ngôi sao
2 Cách làm kiệu chua ngọt trắng giòn không bị hăng và giữ được lâu Củ kiệu là củ của cây kiệu, cây kiệu là một loại cây thuộc họ hành, thân cây có màu trắng, củ hình trái xoan. Cây củ kiệu còn có tên gọi khác là cây tỏi nhỏ, giã toán, đại đầu thái tử... Cây này được trồng ở nhiều nơi, người ta hay dùng củ của cây kiệu để muối dưa hoặc dùng...