Lớp luyện thi ĐH độc đáo của các thủ khoa TP.HCM
Ngoài lớp học có máy lạnh, học phí thấp, trung tâm luyện thi này còn khác biệt ở điểm các thầy giáo đều là sinh viên từng đỗ thủ khoa, đạt giải cao Olympic quốc tế…
Mô hình luyện thi với các thủ khoa đã phát triển ở Hà Nội từ mấy năm nay những riêng ở TP.HCM, chỉ từ mùa thi này nhiều phụ huynh có thể gửi con em mình tới “tầm sư học đạo” tại trung tâm luyện thi với các thủ khoa ở TP.HCM.
Trung tâm ra đời từ tháng 9/2012 do một nhóm sinh viên, gồm những bạn trẻ đỗ đầu vào cao nhất tại các trường đại học, đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế… tổ chức.
Thủ khoa thôi chưa đủ dạy học
Nhiều lần đi thi học sinh giỏi Toán quốc gia, được tuyển thẳng vào ĐH FPT nhưng thời gian đầu Mai Xuân Việt (sinh viên năm 4, ĐH FPT) thường phải đi dạy thêm với mức lương thấp, có lúc còn gặp phải trung tâm gia sư lừa đảo. Xuân Việt tự hỏi tại sao mình và nhiều sinh viên khác thực sự có năng lực ổn nhưng không tự lập trung tâm gia sư riêng mà phải qua môi giới, sau đó lại đến từng nhà để dạy học. Việt muốn các sinh viên có thu nhập ổn định và cao hơn từ việc làm gia sư.
Nghĩ và làm, sẵn có nhiều bạn cũng từng là học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa đại học, Việtc ùng 11 bạn khác lập nên CLB gia sư thủ khoa.
“Mình thấy ở Hà Nội đã có mô hình này từ mấy năm nay trong khi Sài Gòn vẫn chưa có, trong khi nhu cầu ôn luyện, học tập thì nơi nào cũng như nhau”, Việt cho biết.
Mai Xuân Việt (áo caro ngoài cùng bên phải ) – người sáng lập lớp luyện thi thủ khoa.
Với số tiền khoảng 12 triệu đồng ban đầu của các thành viên, Việt cùng các bạn khác thuê mướn địa điểm dạy học, lập website… Từ tháng 6-9/2012, trung tâmluyện thithủ khoa của Việt và các bạn đã có được 6 lớp học đầu tiên.
Thời gian đầu, Việt cùng các bạn vừa quản lý vừa dạy học. Công việc gặp nhiều khó khăn khi phụ huynh còn e ngại, sợ trung tâm luyện thi lừa đảo. Nhưng sau đó, trung tâm thu hút nhiều học viên hơn do các sĩ tử ôn luyện ở đây chia sẻ với những người khác về chất lượng đào tạo tốt.
Video đang HOT
Khi có nhiều người học, các “thầy giáo” bàn nhau tuyển thêm gia sư. Tiêu chí đầu tiên phải là điểm đầu vào đại học các khối A, B đạt 28 trở lên, các khối C, D cũng từ 23 điểm trở lên hoặc là học sinh giỏi cấp quốc gia, Olympic quốc tế. Sau khi có đủ giấy tờ chứng nhận các tiêu chí trên, các gia sư phải làm những bài kiểm tra năng lực kỹ lưỡng, nếu được chọn vào sẽ được đi học nghiệp vụ sư phạm một tháng trước khi bắt đầu việc giảng dạy.
Theo Xuân Việt: “Không phải thủ khoa nào cũng có thể là gia sư, vì có những trường thủ khoa chỉ đạt 15 điểm. Hơn nữa, còn phải kiểm tra kỹ kiến thức, nghiệp vụ, chúng mình mới dám nhận để đảm bảo uy tín cho trung tâm”.
Võ Văn Huy (thứ hai từ trái sang) từng là một gương mặt nổi trội của mùa thi năm 2012. Sinh ra trong gia đình khó khăn, Huy được tuyển thẳng vào ĐH Dược nhưng sau đó chàng trai này bỏ ngôi trường danh giá, thi lại và đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM
Người dạy là bạn
Một điểm khá thú vị của trung tâm luyện thi này là có hẳn phòng máy lạnh, mỗi lớp chỉ từ 25 đến 30 học viên. Học phí đóng theo từng môn với mức 1 triệu đồng/môn. Mỗi học sinh trước khi học với các thủ khoa sẽ được kiểm tra đầu vào để xét lớp. Trung tâm thường tổ chức thi để chuyển học viên lên lớp cao hơn và thường xuyên cho người học làm các đề thi thử đại học. Giáo trình được các bạn soạn cùng với thầy cô có kinh nghiệm, theo từng chuyên đề là một giáo trình riêng. Đến nay, trung tâm đã có hơn 300 học viên, hầu hết là học sinh lớp 12 theo học.
Bên trong lớp luyện thi.
Võ Văn Huy (20 tuổi, HCĐ Olympic Toán quốc tế, từng là thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết: “Lớp gia sư của chúng mình ai cũng tự nhận mình là người bạn của học sinh, giúp đỡ các em học tập tốt hơn. Chúng mình cũng chỉ hơn các em vài tuổi, cũng chỉ mới rời ghế nhà trường, từng thi đại học nên hiểu rất rõ những áp lực, lo lắng của các em trước kỳ thi. Thế nên, chúng mình dễ chia sẻ với các học sinh để tạo cho người học cảm giác như đang học với một người bạn”.
Theo Huy, nghiệp vụ sư phạm quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, điều cần thiết là thúc đẩy sự ham học của sĩ tử và truyền đạt phương pháp học tập dễ hiểu.
Huy kể lại: “Có lần mình dạy một học sinh gia đình khá giả nhưng học rất kém. Nhận thấy bạn ấy học kém là do lười chứ không phải do năng lực nên mình liền chia sẻ với bạn ấy về khó khăn của gia đình mình ở quê và sự cố gắng học tập của mình để không phụ lòng bố mẹ. Từ đó về sau, bạn ấy chăm chỉ và lực học tốt hẳn lên”.
Về phương pháp học tập, các cựu thủ khoa dùng chính kinh nghiệm ôn luyện thicủa mình để truyền lại. Bạn Lê Phúc Lữ (23 tuổi, từng thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM) giải thích: “Với các môn tính toán, trung tâm mình truyền cho học viên phương pháp giải các bài tập về tính toán hoàn toàn bằng máy tính mà không cần dùng giấy. Chúng mình có nhiều bạn từng thi máy tính bỏ túi nên đủ kinh nghiệm chỉ người học tận dụng hết chức năng của nó”.
Mục đích chính của các “thầy giáo thủ khoa” là giúp người học có định hướng học tập, mở thêm cánh cửa vào đại học.
Hầu hết các gia sư dạy học tại trung tâm đều đang là sinh viên nhưng đều cố gắng sắp xếp thời gian đứng lớp hợp lý với giờ học ở giảng đường. Với mức học phí 1 triệu/môn mỗi tháng, sau khi trừ hết các chi phí mỗi bạn nhận được từ 5-7 triệu thu nhập.
Mai Xuân Việt chia sẻ: “Chúng mình không đặt nặng chuyện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, cũng không có những khẩu hiểu như đảm bảo đậu. Mục đích chính là giúp người học có định hướng học tập, mở thêm cánh cửa vào đại học”.
NHƯ QUỲNH
Theo Infonet
Luyện thi ở... đình làng
Những ngày này, thay vì ùn ùn đến trung tâm luyện thi, nhiều học sinh lớp 9 và lớp 12 ở làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) ra đình làng để... luyện thi.
Lớp học miễn phí
Lớp luyện thi miễn phí ở đình làng Lại Đà gồm hơn 20 giáo viên, chủ yếu là sinh viên các Trường ĐH Bách khoa, ĐH Hà Nội. Đó là những người có tâm huyết, trình độ và phương pháp giảng dạy rất khoa học. Đội ngũ "giáo viên" được chia làm 2 phân ban: Ban Tự nhiên do chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Phương phụ trách; ban Xã hội do thầy Nguyễn Đình Phương (24 tuổi) - giáo viên Trường THCS Đông Hội đảm trách.
Lớp học bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Năm đầu do còn bỡ ngỡ và chưa nhận được sự tin tưởng của mọi người nên số lượng học sinh còn ít (lớp 9 là 28 em và lớp 12 là 18 em). Tới năm 2012, số lượng học sinh lớp 9 đã lên tới 40 em, lớp 12 là 30 em. Nguyễn Tiến Phương cho biết, năm 2013 này, tới đầu tháng 4 nhóm của anh mới mở lớp nhưng đã nhận được hàng trăm đơn xin học của con em trong xã và cả các xã bạn. Nhóm ưu tiên nhận các em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập.
"Đối với lớp 9, chúng tôi dạy 2 môn là toán và văn; còn lớp 12 thì luyện thi 5 môn là toán, lý, hóa, văn, Anh". Nguyễn Văn Chinh - cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân tham gia luyện thi cho biết: Lịch học được thông báo trên loa truyền thanh của xã, và địa điểm ở nhà văn hóa, đình làng. Nhờ vậy, phụ huynh cũng biết để đốc thúc con em đi học.
Nguyễn Tiến Phương chuẩn bị các bài giảng để mở lớp vào đầu tháng 4 này
Kết quả năm đầu tiên đạt được rất khá, số học sinh lớp 9 thi đỗ vào lớp 10 chiếm hơn 90%, các em lớp 12 đỗ vào ĐH-CĐ đạt hơn 50%. Năm thứ 2, số đỗ vào lớp 10 là 100%, đỗ vào ĐH-CĐ là hơn 70%.
Người đi mở đường
Nguyễn Tiến Phương vốn là con em làng Lại Đà, vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp. Phương cho biết: "Làng tôi nổi tiếng là làng hiếu học của huyện Đông Anh, nơi thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Thế nhưng, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ ngày càng giảm sút, tôi muốn vực dậy phong trào hiếu học nên đề nghị với lãnh đạo và đoàn thanh niên ở thôn, làng về việc mở lớp. May mắn là lãnh đạo thôn rất ủng hộ".
Những ngày đầu thực hiện ý tưởng, Phương gặp rất nhiều khó khăn. Anh tâm sự: Ai cũng bảo ý tưởng tốt nhưng không có thực tế, ai lại đi dạy miễn phí bao giờ. Phụ huynh thì cho rằng: Dạy mất tiền còn chẳng ăn ai nữa là dạy miễn phí. Ngoài ra, vấn đề rất khó khăn là cần phải có cơ sở vật chất và có giáo viên.
Để vượt qua khó khăn, Phương phải "năn nỉ" các cụ cho mượn đình làng và nhà văn hóa để làm nơi dạy học, rồi đi từng nhà vận động các phụ huynh có con em ở độ tuổi đang ôn thi vào cấp 3 và vào ĐH cho con em họ ra đình làng ôn thi. Không những thế, anh còn vận động các giáo viên trẻ, những sinh viên tốt nghiệp ĐH giúp đỡ con em trong thôn. Phạm Thị Cúc (25 tuổi, giáo viên dạy môn tiếng Anh) cho biết: "Thấy Phương làm việc chân thành, thiện chí nên tôi ủng hộ giảng dạy lớp luyện thi ĐH miễn phí này".
Phương bảo, chúng tôi thầm ước, nếu mô hình này được triển khai rộng rãi ở các làng quê thì những em học sinh nghèo có chỗ để "dùi mài kinh sử", không còn phải bon chen vào các lò luyện thi vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
Chúng tôi đã dạy các em theo cấu trúc đề thi, bám sát sách giáo khoa, phân vùng kiến thức... Mới vào lớp, chúng tôi đã cho làm bài kiểm tra chất lượng và đưa ra những ý kiến góp ý cho từng em là nên bổ trợ phần nào rồi giúp các em ôn luyện lại những kiến thức còn hổng...
Nguyễn Văn Kiên - sinh viên Trường Đại học Bách khoa, phụ trách môn hóa.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm của nhóm cháu Phương. Thôn cũng giúp những việc như cung cấp cơ sở vật chất gồm bàn ghế, đèn, quạt, bảng và phấn... Hội khuyến học 2 năm nay đã có thêm phần thưởng khuyến khích các thầy cô tại lớp học này.
Ông Nguyễn Phú Hoành - Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà
Theo Nguyễn Hải Tuấn (Dân Việt)
Trung tâm luyện thi tung nhiều "chiêu" hút sĩ tử Để đón lượng sĩ tử về thủ đô luyện thi đại học sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trung tâm luyện thi ĐH ở Hà Nội tung ra nhiều "chiêu" hấp dẫn như miễn phí nhà trọ, giảm học phí, tư vấn lựa chọn ngành thi, cách làm bài thi... Dạo qua các phố ở Hà Nội xưa nay...