Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc
Gần một tuần tìm hiểu các trung tâm luyện thi (TTLT) ĐH tại TP.HCM, nhóm PV Giáo dục Báo Thanh Niên phát hiện ra nhiều chiêu trò của các trung tâm.
Mạo danh trường ĐH
Trường THCS và THPT Nguyễn Tri Phương tại địa chỉ số 44 Hoàng Việt (Q.Tân Bình) treo băng rôn khổ lớn chiêu sinh luyện thi. Dưới tên trường này có hàng chữ Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Vì vậy, Trường Nguyễn Tri Phương quảng cáo luyện thi tất cả các khối, đặc biệt là khối A1 vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Đó là chưa kể dù là trường phổ thông nhưng trường này quảng cáo tuyển sinh chính quy các ngành dược, điều dưỡng, kế toán, tài chính – ngân hàng… bậc TCCN.
Theo tìm hiểu, đây là trụ sở của Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn. Giám đốc của Viện này cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Trường THCS – THPT Nguyễn Tri Phương. Vì vậy, nơi đây chỉ tiếp nhận thông tin còn đăng ký và học thì phải qua cơ sở chính của Trường Nguyễn Tri Phương ở 61A Bùi Quang Là (Q.Gò Vấp). Trong lúc đăng ký học, chúng tôi được tư vấn nếu tìm thêm được 5 người đến đăng ký thì mỗi người sẽ được giảm học phí 10% khóa đó!
Ông Bùi Mỹ Ngọc – Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Việc hợp tác giữa hai bên chỉ mới dừng lại ở việc Trường Nguyễn Tri Phương bày tỏ ý định này. Chưa hề có bất cứ một hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên”.
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường ĐH mở rộng TTLT. Vì vậy, những trường có nhiều TTLT trước đây như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM… đều không liên kết bên ngoài. Các trường này chỉ tổ chức luyện thi ngay tại cơ sở chính. Tuy vậy, nhiều đơn vị bên ngoài vẫn cố bám víu vào thương hiệu trường ĐH để lôi kéo học viên.
Chúng tôi tìm đến một TTLT tại số 73 Lê Trọng Tấn (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Nơi đây treo một băng rôn rất lớn chiếm cả một tòa lầu với nội dung là Trung tâm ngoại ngữ tin học của ĐH Ngoại ngữ – Tin học. Ngoài dạy Anh văn, tin học, nơi này còn quảng bá luyện thi ĐH. Tiếp chúng tôi, người phụ trách tại đây cho biết trung tâm chỉ nhận luyện thi theo kiểu dạy kèm (một thầy cô kèm 3-4 học viên). Học phí mỗi môn học là 1 triệu đồng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Lý, Phó ban Đảm bảo và thanh tra giáo dục ĐH Ngoại ngữ – Tin học, xác nhận đây là một trung tâm của trường. Tuy vậy, ông Lý khẳng định nơi này không được phép luyện thi ĐH và sẽ đề nghị tháo biển quảng cáo luyện thi ở đây.
Video đang HOT
Tuy được Sở GD-ĐT cấp phép với tên Nguồn sáng Việt nhưng trung tâm này vẫn cố tình giữ tên cũ là Alpha 1 trước đây khi còn trực thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Trên các băng rôn quảng cáo trước 2 cơ sở luyện thi và trên thẻ học viên đều ghi rõ: Trung tâm luyện thi ĐH Nguồn sáng Việt (Alpha 1 ĐHSP). Trong thời khóa biểu, logo của trung tâm này vẫn giữ nguyên tên Alpha 1. Trong khi đó, từ lâu trung tâm này đã không còn là cơ sở luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM.
Trường THCS – THPT Nguyễn Tri Phương quảng cáo là TTLT của ĐH Kinh tế TP.HCM – Ảnh: Đ.Nguyên
Hoạt động không phép
Theo quy định, các TTLT ĐH muốn hoạt động phải có giấy phép của Sở GD-ĐT. Hiện nay, Sở này đã cấp phép cho trên 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH. Nhưng các trung tâm ngoài danh sách vẫn chiêu sinh rầm rộ với nhiều lời chào mời hấp dẫn.
Trong vai phụ huynh, chúng tôi lần theo địa chỉ các tờ rơi quảng cáo chiêu sinh và tình cờ phát hiện ra hàng loạt trung tâm không phép. Rất khó khăn, chúng tôi mới lần qua các con hẻm tới TTLT ĐH Thầy Đồ (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp). Bảng quảng cáo trước cửa trung tâm ghi tên hàng loạt tên tuổi của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM… tham gia giảng dạy. Trong khi mức giá ôn tập tại các trung tâm khác khoảng 1-2 triệu/khóa cấp tốc thì ở Thầy Đồ lên đến 3,4 triệu đồng/người/tháng. Cũng tại Q.Gò Vấp, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Trường Đạt (đường Quang Trung, P.11) cũng không nằm trong danh sách cấp giấy phép của Sở. Giống như Thầy Đồ, Trường Đạt quảng cáo đội ngũ giáo viên luyện thi thuộc các trường danh tiếng như: ĐH Kinh tế, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM… Học phí và tiền nội trú trọn gói tại trung tâm này hơn 7,5 triệu đồng/tháng (3 môn học). Thế nhưng cơ sở giảng dạy chỉ là một phòng khách diện tích khoảng 18 m2 của một căn nhà.
Tại khu vực Q.6, Q.10, Q.Tân Phú… cũng có hàng loạt TTLT không phép như: Minh Trí, Mạc Đĩnh Chi, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và phát triển giáo dục Hồng Hà, chất lượng cao CFE…
Trao đổi thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Rất khó kiểm soát, xử phạt luyện thi chui, nhưng qua thông tin phản ánh, Sở sẽ tập trung lưu ý. Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt, yêu cầu họ đóng cửa ngay và trả lại học phí cho học viên. Đồng thời chúng tôi sẽ giới thiệu cho học viên qua những trung tâm có phép đang hoạt động”. Theo ông Đạt, thí sinh có thể liên lạc với Phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD-ĐT TP.HCM, số điện thoại (08)38221418 để biết được danh sách các TTLT được cấp phép hoạt động.
Theo TNO
9 tuổi đã vào "lò" luyện thi cấp 2
Con trai vừa mới kết thúc năm học lớp 3 (9 tuổi), chị Nguyễn Thị Thúy (tổ 58 Trần Bình, Mai Dịch, Hà Nội) đã đôn đáo chuẩn bị cho con đi luyện thi vào trường Am cấp 2 (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam).
Vì chị nghe nói thi Am là cả một cuộc chiến. Nếu con mình không qua các lò luyện để "nạp" kiến thức, làm quen với các dạng bài, rèn kỹ năng thật tốt ngay từ lớp 3 thì không hy vọng gì...
Lớp 5 đi luyện thi cấp 2 là... muộn
"Mình cũng muốn thời gian tiểu học thì cứ để cho con học những gì cô dạy ở trường, về nhà làm thêm bài tập ôn luyện là được. Đến năm cuối cấp, nếu thấy con có khả năng thì cho đi học ôn để luyện thi vào Am hoặc các trường chuẩn, lớp chọn là được. Thế nhưng, nghe nhiều người lại bảo mình suy nghĩ vậy là sai lầm. Để đến lớp 5 mới cho con đi luyện thi thì đã quá muộn. Thường thì phải đi luyện từ lớp 3, hoặc chậm nhất là đầu lớp 4 mới có cơ hội hy vọng bước chân vào trường Am. Ngay cả các bạn ở lớp con mình, hỏi ra cũng mới biết đã quá nửa lớp đi học luyện thi từ năm ngoái. Thấy vậy mình hoảng quá nên cũng phải tìm chỗ cho con đi học", chị Thúy chia sẻ.
Không riêng gì chị Nguyễn Thị Thúy, các bố, mẹ trên diễn đàn Làm cha mẹ cũng có nhiều topic chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, từ các địa chỉ lò luyện, thầy cô nổi tiếng, cho đến kinh nghiệm kèm cặp, đưa đón con. Thành viên Nancy cho biết, hè lớp 2 lên lớp 3 mới có các lớp luyện thi Am. Thành viên này cũng chia sẻ quan điểm cho rằng "đi luyện thi từ lớp 3 không phải là sớm nếu như xác định cho con chạy đua vào Am, thà rằng học túc tắc trong một thời gian dài còn hơn là cấp tốc trong một năm".
Theo thông tin được chia sẻ trên diễn đàn, chúng tôi tìm đến một trong những "điểm nóng" là trung tâm luyện thi ngay tại trường Am cũ. Đến 10/6 trung tâm mới bắt đầu khai giảng, nhưng số lượng người đến đăng ký cho con theo học các lớp ôn Văn, Toán đã đông nghịt. Chị Trần Minh Hà, một phụ huynh đến đăng ký học cho con chia sẻ: "Tôi cũng tìm nhiều lớp rồi nhưng ở đâu cũng đông lắm, lớp dạy cả năm sáu chục cháu, thầy cô cứ giảng ào ào, chả biết con có được cái gì vào đầu không".
Để vào trường điểm nhiều cháu đã phải dùi mài kinh sử từ rất sớm (ảnh có tính minh họa)
Bố mẹ bảo học thì phải đi
"So với các bạn ở lớp cháu học cũng được, nhưng bố mẹ cháu vẫn bắt đi học thêm, bảo là để còn thi lên cấp 2 trường Am hoặc trường chất lượng cao Cầu Giấy. Bố mẹ cháu bảo những trường đó thi rất khó, nếu không học từ bây giờ thì không đỗ được, nên cháu phải đi học thôi. Học Toán thì cháu không thích lắm, nhưng cháu thích học Văn ở đây vì cô dạy rất hay", bạn Trần Lan Anh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Định Công cho hay.
Một cô giáo dạy luyện thi tại trung tâm trường Am cũ bày tỏ quan điểm cho biết, việc phụ huynh đưa các con đến các lò luyện thi quá sớm là không thực sự cần thiết. Ở giai đoạn đầu và giữa cấp tiểu học, học sinh chỉ cần nắm thật chắc các kiến thức và làm tốt các dạng bài đã học ở trường. Cha mẹ có thể cho con đi học thêm ở chỗ này chỗ khác để củng cố thêm kiến thức, kỹ năng làm bài, nhưng không nên đặt áp lực, gánh nặng của việc thi cử lên đầu trẻ. Theo cô giáo này, có những học sinh thậm chí không đến một lò luyện tiếng tăm nào mà chỉ tự học, tự ôn luyện các dạng bài trong sách nâng cao vẫn có thể thi đỗ vào trường Am.
TS Nguyễn Thành Nam, Chương trình giáo dục hiện đại, Nhóm Cánh buồm cho rằng, việc đưa con đến các lò luyện thi, để học để ôn thi vào trường chuyên, lớp chọn, hay một trường nào đó có chất lượng giáo dục tốt hơn là một cách làm chắc chắn có hiệu quả khi muốn con thi được vào các trường ấy. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần nhìn lại xem liệu thực tế con mình có thích học ở đó, có phù hợp với môi trường đó. Đừng vì chạy theo cái tiếng thơm mỗi khi cha mẹ khoe mình có con học ở trường này trường nọ mà tạo áp lực buộc con phải chạy đua theo cuộc đua của chính mình.
"Hãy nhớ rằng, trẻ học bằng đam mê sẽ là những bài học hiệu quả nhất, giúp trẻ tự tin và mang lại thành quả tốt nhất cho trẻ, hoàn toàn khác với việc trẻ học để chạy theo một cuộc đua nào đó". - TS Nguyễn Thành Nam
Theo Khánh Lê
Bee.net.vn
"Biết thế này mình ôn ở quê cũng được..." "Thầy dạy cũng tạm, nhưng tiền phòng, tiền ôn đắt quá. Mình mà không đỗ chắc bố mẹ mắng chết. Biết thế này mình ôn ở quê..." - tâm sự của thí sinh quê Nghệ An, hiện ôn thi tại một trung tâm trên đường Võ Thị Sáu, TP Vinh. Điệp khúc ôn thi, thi, rồi lại ôn thi năm nào cũng đến...