Các chủ lò luyện thi ‘chui’ bỏ trốn
Khi thanh tra ập đến thì chủ các lò luyện đã bỏ chạy, sĩ tử hoảng loạn. Trước đó, để tham gia luyện thi, có thí sinh đã đóng đến 5 triệu đồng.
Ngày 12/6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thành lập đoàn thanh tra và tiến hành thanh tra một số trung tâm luyện thi “chui” trên địa bàn thành phố và phát hiện nhiều sai phạm. Thậm chí, một số nơi chủ trung tâm luyện thi chui đã bỏ trốn khi hay tin đoàn thanh tra đến.
Tại Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi ĐH Trường Đạt (137/1A, Quang Trung, Gò Vấp), đoàn thanh tra đến làm việc và chủ cơ sở này không có mặt dù nhân viên đã gọi điện báo nhiều lần.
Vào thời điểm đoàn thanh tra đến, trong căn phòng chừng 20 m2 với chi chít bàn nghế, có khoảng 10 học viên đang ngồi chờ đến giờ học. Phía trên lầu là nơi luyện thi hai trong một: nơi học tập và nơi nội trú của 5 học viên.
Khi kiểm tra, đơn vị này không xuất trình được giấy phép hoạt động. Theo sổ sách ghi chép, đơn vị này đã thu tiền của 17 học viên với nhiều mức khác nhau: học một môn thu 1,7 triệu đồng ở nội trú 690.000 đồng tiền ăn: 1,8 triệu đồng/học viên. Có những học viên đã đóng tổng cộng hơn 5 triệu đồng gồm tiền học phí và nội trú…
Khi đoàn kiểm tra đến lò luyện thi Trường Đạt thì chủ nhân đã bỏ trốn, học viên lo sợ.
Theo đại diện UBND phường 11, điểm luyện thi này mới mọc lên được khoảng 10 ngày. Trong khi đó, Sở GD-ĐT TPHCM cũng xác nhận đơn vị này không có trong danh sách các cơ sở BDVH ngoài giờ được sở cấp phép.
Đặc biệt, tại Trung tâm luyện thi ĐH Thầy Đồ 2/17, tổ 59, Lê Văn Thọ, phường 9, quận Gò Vấp, khi đoàn thanh tra cùng với đại diện Phòng GD-ĐT quận, đại diện UBND phường 9 đến thì phát hiện căn nhà nơi trung tâm đặt làm trụ sở cửa đóng then cài.
Video đang HOT
Sau khi liên lạc với số máy của chủ cơ sở không được, đoàn thanh tra phải gọi điện nhờ công an phường đến can thiệp. Cuối cùng, sau hơn 1 tiếng đồng hồ chờ đợi bên ngoài, cũng có người ra mở cửa.
Khi đoàn vào làm việc, trong căn nhà chỉ còn lại vài học viên ở nội trú. Theo các học viên trình bày, hôm qua vẫn học bình thường nhưng tối qua được thầy Nguyễn Long Thành ( chủ cơ sở) thông báo tạm nghỉ học nhưng không nói rõ lý do.
Một số người dân sống xung quanh cho biết, thường ngày học sinh đến học rất đông, buổi tối thường tới 9h mới xong. Chúng tôi vào tham quan căn nhà thì đây là một căn nhà 3 tầng. Trong đó, có 2 phòng làm nơi nội trú cho học viên, 3 phòng làm phòng học. Đặc biệt, trên sân thượng của căn nhà này cũng được chủ cơ sở tận dụng che chắn để làm thành phòng học. Các phòng nội trú chật hẹp, tối om…
Khu nội trú của sĩ tử luyện thi ở lò Trường Đạt.
Tại Cơ sở anh ngữ Học Thuật số 250, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) khi đoàn thanh tra đến thì phát hiện hàng loạt sai phạm về tên cơ sở trên bảng hiệu, hoạt động dạy luyện thi không có phép. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Công Hùng, Giám đốc cơ sở này thừa nhận: “Hiện có khoảng 30 học viên đang luyện thi ĐH cấp tốc tại đây. Việc tuyển sinh luyện thi ĐH này là làm “chui”".
“Do tình hình tuyển sinh khó khăn quá, tiền thuê mặt bằng cao quá nên đành phải tuyển sinh luyện thi ĐH “chui” khi chưa có phép của Sở” – ông Hùng nói thêm.
Đối với các sai phạm tại các trung tâm luyện thi trên, đoàn tiến hành lập biên bản, yêu cầu đình chỉ các hoạt động, trả lại tiền cho học viên. Đoàn cũng giao cho UBND các phường, Phòng giáo dục quận Gò Vấp kiểm tra, giám sát việc chấn chỉnh các sai phạm tại các cơ sở trên.
Ngày mai, 13/6, đoàn thanh tra sẽ tiếp tục kiểm tra thêm nhiều trung tâm luyện thi không phép ở các quận như Tân Phú, quận 6.
NGỌC MAI
Theo Infonet
Cẩn trọng với luyện thi cấp tốc
Gần một tuần tìm hiểu các trung tâm luyện thi (TTLT) ĐH tại TP.HCM, nhóm PV Giáo dục Báo Thanh Niên phát hiện ra nhiều chiêu trò của các trung tâm.
Mạo danh trường ĐH
Trường THCS và THPT Nguyễn Tri Phương tại địa chỉ số 44 Hoàng Việt (Q.Tân Bình) treo băng rôn khổ lớn chiêu sinh luyện thi. Dưới tên trường này có hàng chữ Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Vì vậy, Trường Nguyễn Tri Phương quảng cáo luyện thi tất cả các khối, đặc biệt là khối A1 vào ĐH Kinh tế TP.HCM. Đó là chưa kể dù là trường phổ thông nhưng trường này quảng cáo tuyển sinh chính quy các ngành dược, điều dưỡng, kế toán, tài chính - ngân hàng... bậc TCCN.
Theo tìm hiểu, đây là trụ sở của Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn. Giám đốc của Viện này cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương. Vì vậy, nơi đây chỉ tiếp nhận thông tin còn đăng ký và học thì phải qua cơ sở chính của Trường Nguyễn Tri Phương ở 61A Bùi Quang Là (Q.Gò Vấp). Trong lúc đăng ký học, chúng tôi được tư vấn nếu tìm thêm được 5 người đến đăng ký thì mỗi người sẽ được giảm học phí 10% khóa đó!
Ông Bùi Mỹ Ngọc - Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ kinh tế thương mại ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: "Việc hợp tác giữa hai bên chỉ mới dừng lại ở việc Trường Nguyễn Tri Phương bày tỏ ý định này. Chưa hề có bất cứ một hợp đồng hay thỏa thuận bằng văn bản giữa hai bên".
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT cấm các trường ĐH mở rộng TTLT. Vì vậy, những trường có nhiều TTLT trước đây như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM... đều không liên kết bên ngoài. Các trường này chỉ tổ chức luyện thi ngay tại cơ sở chính. Tuy vậy, nhiều đơn vị bên ngoài vẫn cố bám víu vào thương hiệu trường ĐH để lôi kéo học viên.
Chúng tôi tìm đến một TTLT tại số 73 Lê Trọng Tấn (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Nơi đây treo một băng rôn rất lớn chiếm cả một tòa lầu với nội dung là Trung tâm ngoại ngữ tin học của ĐH Ngoại ngữ - Tin học. Ngoài dạy Anh văn, tin học, nơi này còn quảng bá luyện thi ĐH. Tiếp chúng tôi, người phụ trách tại đây cho biết trung tâm chỉ nhận luyện thi theo kiểu dạy kèm (một thầy cô kèm 3-4 học viên). Học phí mỗi môn học là 1 triệu đồng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Lý, Phó ban Đảm bảo và thanh tra giáo dục ĐH Ngoại ngữ - Tin học, xác nhận đây là một trung tâm của trường. Tuy vậy, ông Lý khẳng định nơi này không được phép luyện thi ĐH và sẽ đề nghị tháo biển quảng cáo luyện thi ở đây.
Tuy được Sở GD-ĐT cấp phép với tên Nguồn sáng Việt nhưng trung tâm này vẫn cố tình giữ tên cũ là Alpha 1 trước đây khi còn trực thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Trên các băng rôn quảng cáo trước 2 cơ sở luyện thi và trên thẻ học viên đều ghi rõ: Trung tâm luyện thi ĐH Nguồn sáng Việt (Alpha 1 ĐHSP). Trong thời khóa biểu, logo của trung tâm này vẫn giữ nguyên tên Alpha 1. Trong khi đó, từ lâu trung tâm này đã không còn là cơ sở luyện thi của ĐH Sư phạm TP.HCM.
Trường THCS - THPT Nguyễn Tri Phương quảng cáo là TTLT của ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Đ.Nguyên
Hoạt động không phép
Theo quy định, các TTLT ĐH muốn hoạt động phải có giấy phép của Sở GD-ĐT. Hiện nay, Sở này đã cấp phép cho trên 240 cơ sở bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH. Nhưng các trung tâm ngoài danh sách vẫn chiêu sinh rầm rộ với nhiều lời chào mời hấp dẫn.
Trong vai phụ huynh, chúng tôi lần theo địa chỉ các tờ rơi quảng cáo chiêu sinh và tình cờ phát hiện ra hàng loạt trung tâm không phép. Rất khó khăn, chúng tôi mới lần qua các con hẻm tới TTLT ĐH Thầy Đồ (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp). Bảng quảng cáo trước cửa trung tâm ghi tên hàng loạt tên tuổi của các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM... tham gia giảng dạy. Trong khi mức giá ôn tập tại các trung tâm khác khoảng 1-2 triệu/khóa cấp tốc thì ở Thầy Đồ lên đến 3,4 triệu đồng/người/tháng. Cũng tại Q.Gò Vấp, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Trường Đạt (đường Quang Trung, P.11) cũng không nằm trong danh sách cấp giấy phép của Sở. Giống như Thầy Đồ, Trường Đạt quảng cáo đội ngũ giáo viên luyện thi thuộc các trường danh tiếng như: ĐH Kinh tế, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM... Học phí và tiền nội trú trọn gói tại trung tâm này hơn 7,5 triệu đồng/tháng (3 môn học). Thế nhưng cơ sở giảng dạy chỉ là một phòng khách diện tích khoảng 18 m2 của một căn nhà.
Tại khu vực Q.6, Q.10, Q.Tân Phú... cũng có hàng loạt TTLT không phép như: Minh Trí, Mạc Đĩnh Chi, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và phát triển giáo dục Hồng Hà, chất lượng cao CFE...
Trao đổi thực trạng trên, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Rất khó kiểm soát, xử phạt luyện thi chui, nhưng qua thông tin phản ánh, Sở sẽ tập trung lưu ý. Nếu phát hiện trung tâm nào hoạt động không phép, chúng tôi sẽ xử phạt, yêu cầu họ đóng cửa ngay và trả lại học phí cho học viên. Đồng thời chúng tôi sẽ giới thiệu cho học viên qua những trung tâm có phép đang hoạt động". Theo ông Đạt, thí sinh có thể liên lạc với Phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD-ĐT TP.HCM, số điện thoại (08)38221418 để biết được danh sách các TTLT được cấp phép hoạt động.
Theo TNO
9 tuổi đã vào "lò" luyện thi cấp 2 Con trai vừa mới kết thúc năm học lớp 3 (9 tuổi), chị Nguyễn Thị Thúy (tổ 58 Trần Bình, Mai Dịch, Hà Nội) đã đôn đáo chuẩn bị cho con đi luyện thi vào trường Am cấp 2 (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam). Vì chị nghe nói thi Am là cả một cuộc chiến. Nếu con mình không qua các lò...