Lớp học tình thương của những cô giáo về hưu
Không đành lòng nhìn những em khuyết tật không thể đến trường, cô Phạm Thị Kim Tuyến (ở xã Tịnh Giang, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cùng 5 đồng nghiệp đã về hưu mở lớp dạy học.
Các cô luôn ân cần dạy học – THANH QUÂN
“Mai mốt em đi làm lo cho ba mẹ”
Lớp học được mở từ năm 2018, có 15 học sinh và luôn duy trì ở sĩ số này từ đó đến nay. Lớp chỉ dạy vào các buổi sáng thứ hai, tư và sáu hằng tuần. Khác với các lớp học bình thường, lớp của cô Tuyến và các đồng nghiệp tập hợp những em học sinh bị dị tật bẩm sinh. Có em bị thiểu năng, có em chân tay dị tật, có em không thể nghe nói được…
Để học sinh tập làm quen với cây bút, quyển vở, các cô giáo phải đến từng bàn để cầm tay các em. Những ngày đầu tuy rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần có nhiều em đã tự cầm bút và có thể làm toán. Hiện tại đã có 6 em biết đọc và hầu hết cũng đã biết tất cả các chữ cái.
Trong lớp, học sinh nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 30 tuổi. Lúc đầu nhập học, các em đều chưa biết gì nhưng sau thời gian dài học tập, mỗi em đều có kỹ năng sống nhất định. Các em không còn một mình đi lang thang và ăn thức ăn bẩn khi gặp trên đường. Một số phụ huynh chia sẻ các em rất ham học, cứ đòi bố mẹ đưa đến lớp để gặp cô giáo và đồng thời cũng rất lễ phép thưa chào người lớn mỗi khi ra khỏi nhà.
Những ngày mới đến học, nhiều em còn nhút nhát, nhưng nay đã dạn dĩ hơn và không còn sợ sệt nữa. “Bây giờ các em luôn vui vẻ mỗi khi tới lớp và rất thích chơi đùa với bạn bè”, cô Nguyễn Thị Kim Hương cho biết. Em Phạm Nhất Duy, học sinh nhỏ nhất trong lớp, gặp chúng tôi cứ líu lo: “Em đi học sớm nhất, cô cho em điểm cao nhất. Mai mốt em làm công nhân, lo cho ba mẹ”.
Nhắc đến cái duyên mở lớp học đặc biệt, cô Tuyến kể: “Khi đi thăm lớp học dành cho trẻ em khuyết tật ở một số địa phương khác, tôi nghĩ tại sao không xây dựng lớp học dành cho các em khuyết tật ở xã Tịnh Giang. Thế là tôi về kêu gọi các chị em trong ngành đã về hưu cùng nhau mở lớp học”.
“Luôn mong các em giỏi hơn”
Video đang HOT
Khi mới mở lớp, kinh phí để duy trì lớp học do các cô tự bỏ tiền túi. Khi cần mua nhu yếu phẩm hay vật dụng trong lớp, các cô gom góp với nhau. Về sau có một số nhà hảo tâm đến thăm, chia sẻ với những khó khăn của lớp học đặc biệt này nên đã đầu tư bằng một số hiện vật và tiền mặt.
Gắn bó với những học trò đã lâu, các cô giáo luôn mong muốn học trò của mình tiến bộ từng ngày. “Lúc nào cũng muốn các em khỏe mạnh và giỏi hơn một ít là chúng tôi vui lắm rồi, vì như vậy nghĩa là chúng tôi vẫn còn cống hiến được cho xã hội, cống hiến được cho nghề dù đã về hưu”, cô Tuyến bộc bạch.
Cũng giống cô Tuyến, điều các cô giáo mong muốn nhất hiện tại là có thể đào tạo được cho các em một nghề cho tương lai của chính các em. Cô Tuyến bày tỏ: “Bây giờ chúng tôi chỉ mong được có nhà hảo tâm đầu tư trang thiết bị để có thể dạy cho các em nghề nghiệp, sau này có thể tự nuôi sống bản thân. Như thế là hạnh phúc lắm!”.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, cho biết ban đầu địa phương đã tạo điều kiện cho các cô mở lớp ở Nhà văn hóa thôn An Kim. Về sau, thấy lớp học đạt nhiều hiệu quả cho các em khuyết tật, địa phương đã sắp xếp đưa lớp học tình thương về Trung tâm hoạt động cộng đồng của nhà văn hóa xã. “Chính quyền xã ghi nhận rất cao về việc mở lớp tình thương của các cô giáo về hưu. Chúng tôi cũng mong muốn lớp học tiếp tục nhận được thêm nhiều tình cảm của các nhà hảo tâm để việc dạy và học được thuận lợi hơn”, ông Tâm nói.
Lớp dạy trẻ khuyết tật của những cô giáo về hưu
Trăn trở khi thấy các em câm, tự kỷ, bại não... không thể đến trường, cô Phạm Thị Kim Tuyến tập họp 6 đồng nghiệp về hưu mở lớp học.
Sáng đầu tuần, Trung tâm hoạt động cộng đồng xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh mở cửa sớm để đón 15 em khuyết tật theo học lớp miễn phí do Hội cựu giáo chức xã Tịnh Giang tổ chức. Lớp học diễn ra vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần, và duy trì hai năm qua.
Cô Tuyến kèm cho học sinh khuyết tật trong lớp học ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang. Ảnh: Trọng Quốc.
Khác với lớp dành cho học sinh bình thường, mỗi em ở đây đều mang một khiếm khuyết riêng: có em tay cong queo, không thể cầm bút vững; có em bị câm, không nói được từ nào ngoài "cô"; có em không viết được chỉ biết tô màu; có em chỉ viết được một số chữ cái chứ không thể làm toán...
Để dạy được những học trò đặc biệt, các cô giáo đứng lớp phải đến từng bàn cúi xuống cầm tay từng em.
Em Phạm Nhất Duy, 8 tuổi, học sinh nhỏ tuổi nhất bị mắc bệnh bại não, tay chân không cầm được mọi thứ. Mỗi ngày đến trường Duy được mẹ chở trên chiếc ghế được đặt làm riêng, gắn sau yên xe. Nhưng sau hai năm, Duy đã viết được dần các chữ cái, tự cầm được hộp sữa, bát cơm... và nói chuyện với mọi người.
"Con tên là Duy, ước mơ làm chú công nhân. Cha con đi núi, mẹ con ở nhà nấu cơm. Ông nội thì ở nhà cắt cỏ cho bò...", Duy tự giới thiệu. Khi được hỏi có thương cô giáo không?, Duy trả lời không suy nghĩ: con thương cô Tuyến.
Là Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Tịnh Giang, hai năm trước, khi đã về hưu, cô Tuyến (61 tuổi) đã đi thăm nhiều gia đình có con bị khuyết tật, hoặc bị ảnh hưởng chất độc da cam. Sự thiệt thòi của các em đã thôi thúc cô Tuyến mở lớp học tình thương.
Cô "nhắm" được đồng sự cho mình, đó là những cô giáo cùng hội, "tiếng là về hưu nhưng vẫn còn cống hiến được". Họ tập họp được một nhóm có sáu thành viên chính. Quyết định mở lớp được tất cả cô đồng lòng.
Lớp học tình thương được trang bị đầy đủ thư viện, máy lạnh và bàn ghế mới. Ảnh: Trọng Quốc.
Lãnh đạo xã Tịnh Giang khi nghe cô Tuyến nói về dự định đã hỗ trợ phòng ốc, bàn ghế, rèm cửa để lớp học hoạt động. Tháng 9/2018, khi các trường nô nức khai giảng thì lớp học của nhóm giáo viên về hưu cũng khai giảng khóa đầu tiên.
Hai năm qua, sĩ số của lớp luôn dao động quanh con số 15. "Lúc đầu có 15 em, sau đó có một em bị mất vì bệnh down, gần đây có một em ở xã lân cận được gửi sang nên sĩ số lại là 15", cô Tuyến nói.
Em nhỏ nhất 8 tuổi, em lớn nhất đã 28 tuổi. Thuộc lòng hoàn cảnh của từng em, nên thành tích mà các cô giáo mong đợi không phải là bao nhiêu học sinh khá, giỏi, mà nhiều khi chỉ là một sự thay đổi nhỏ: Ban đầu chưa biết chào hỏi là gì, giờ thì về chào hỏi cha mẹ, thầy cô; lúc trước thấy đồ rơi dưới đất là lấy lên ăn, hộp sữa còn chút xíu bốc lên hút, bây giờ biết phân biệt cái nào vệ sinh.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương, 64 tuổi, một giáo viên về hưu từ 2013, khi đi dạy ở trường từng chứng kiến các em khuyết tật không hòa đồng được với các bạn bình thường. "Vì ảnh hưởng các bạn khác mà nhà trường phải cho nghỉ. Khi về nhà, các em đau ốm liên tục, gia đình bận việc. Khi có lớp học này, các em có nơi để sinh hoạt, ít đau ốm", cô Hương kể.
Cô Hương nhớ lại, lúc mới mở lớp các phụ huynh dẫn con đến gửi gắm. Nhiều em nhút nhát không dám vô, thấy ai cũng khóc, thậm chí thấy các cô, chú lên phát quà cũng khóc, nhưng giờ các em không còn sợ sệt nữa.
Các cô đều dạy không lương, nhưng lớp học vẫn cần kinh phí duy trì để mua sắm sách vở, trang thiết bị dạy học, hoặc tổ chức liên hoan, mua quà tặng cho các em vào các dịp lễ, Tết.
Để lớp được duy trì, một số mạnh thường quân như: trường Trung cấp Đông Á, một số doanh nghiệp, Việt kiều, người Quảng Ngãi xa quê... và các cơ quan như hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương... đã hỗ trợ bằng hiện vật và tiền mặt.
Cứ mỗi lần phát sinh nhu cầu cần thiết, cô Tuyến lại gọi điện thoại "nhờ vả". Gần đây, thời tiết nắng nóng khiến các em không thể tập trung học, các cô giáo đã xin máy lạnh về lắp đặt.
Gắn bó với những học trò khuyết tật, các cô không chỉ giúp các em bằng tình yêu nghề mà còn là lòng trắc ẩn. "Lớp học toàn các em khiếm khuyết nhưng lại thích văn nghệ. Khi em câm này chỉ cho các em kia làm động tác, tôi thấy hình ảnh vừa vui vừa rất đáng thương", cô Tuyến tâm sự.
Em Phạm Nhất Duy, thành viên nhỏ tuổi nhất tiến bộ khi đến lớp khiến mẹ (phải) và cô giáo vui. Ảnh: Trọng Quốc.
Còn cô Hương thì quan sát mỗi chút tiến bộ của các em làm niềm vui cho mình. Như Nguyễn Hoài Linh, 17 tuổi, tay bị cong queo, khi mới đến lớp cầm hộp sữa bị lắc qua lắc lại, nhưng gương mặt lúc nào cũng cười tươi và đầu óc minh mẫn, nói năng rất khéo. Được cô giáo tập viết, Linh rất ham học và dần viết được một số chữ cái.
Hay như Duy, cậu bé nhỏ nhất lớp, không những viết được chữ mà còn ít ốm đau hơn so với lúc chưa đến trường.
Cô Phạm Thị Kim Tuyến trải lòng, chừng nào các em không đến lớp nữa thì các cô mới ngừng dạy. "Chúng tôi mong muốn các em tiến bộ hơn, có thể chuyển lên những lớp cao hơn, hòa nhập với cuộc sống, bớt đi phần nào mặc cảm và hòa nhập với cuộc sống", cô Tuyến nói.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, nói địa phương đã tạo điều kiện cho cô mở lớp từ những ngày đầu, ở nhà văn hóa thôn An Kim. Thấy lớp học hiệu quả cho các em khuyết tật, sau khi nhà văn hóa thôn sửa lại để về chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, địa phương đã sắp xếp đưa lớp học tình thương về Trung tâm hoạt động cộng đồng, nhà văn hóa xã, gần phòng truyền thống.
Vừa rồi cô Tuyến đề nghị sửa lại phòng, cửa để bớt nắng, sau đó nhờ đơn vị hảo tâm lắp điều hòa. "Hàng năm lớp học nhận được tình cảm của các nhà hảo tâm ở các nơi", ông Tâm nói.
Cảm phục lão nông bán đất lấy tiền mở lớp học tình thương dạy trẻ em nghèo Thương những đứa trẻ nghèo không được đến trường, ông Đoàn Minh Hùng từng phải bán mảnh đất hương hỏa của gia đình để mở lớp học tình thương. Đều đặn 17h30 mỗi ngày, lớp học tình thương của lão nông Đoàn Minh Hùng (TP.HCM) lại tíu tít tiếng trẻ em nói cười. Ông Hùng và vợ ở đó từ hai tiếng trước...