Lớp học “dã chiến” của thầy trò vùng lũ
Nếu trời nắng ráo liên tục khoảng 2 ngày, HS bậc THCS của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka ( xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) sẽ di chuyển về học tại điểm trường THCS.
HS khối lớp 7 của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka học tạm tại hội trường của UBND xã.
Trời mưa, khối lớp 7 phải sang học nhờ ở hội trường của UBND xã. Các khối lớp còn lại chuyển sang học ở điểm trường của bậc tiểu học.
Vừa dạy – học vừa trông thời tiết
Sau những đợt mưa bão liên tục, ngọn đồi phía sau của điểm trường THCS thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka sạt lở đã vùi lấp một phòng học tạm, kho gạo và thư viện. Trong khi chưa khắc phục được, nhà trường đã tính đến phương án học… “dã chiến”.
Thầy Phạm Duy Biên – Hiệu trưởng nhà trường nói vui: May là thời tiết tuần này nắng ráo nên HS nhà trường không phải vừa học vừa sơ tán. An toàn thì cũng chưa hẳn nhưng nếu nắng ráo liên tục sẽ không có nhiều nguy cơ sạt lở. Hơn nữa, HS đã nghỉ học 3 tuần rồi, nếu không tổ chức dạy học, dạy bù sẽ không kịp tiến độ chương trình.
Những ngày mưa lớn, để bảo đảm an toàn cho HS, khối lớp 7 phải học nhờ ở hội trường UBND xã, các khối lớp còn lại mượn phòng học của điểm trường tiểu học. Ngọn đồi đã sạt lở trước đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu mưa lớn hoặc mưa dài ngày. Do vậy, hôm nào HS lớp 7 về bên trường để học môn Tin học ở phòng máy sẽ có lớp khác sang học ở hội trường UBND xã nếu trời mưa.
Video đang HOT
Gọi là phương án học “dã chiến” vì hội trường của UBND xã được ngăn đôi bằng tấm bạt thành 2 phòng học cho HS khối lớp 7. “Nói không ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học thì không đúng. Tấm bạt làm vách ngăn chia không gian lớp học thôi chứ giáo viên lớp này giảng bài, HS lớp bên kia nghe được hết. Rồi UBND xã vừa là trụ sở làm việc, cũng là nơi tập trung để các tổ chức, đoàn từ thiện trao quà cứu trợ cho bà con nên rất ồn. Thế nên, chúng tôi chỉ mong thời tiết cứ nắng ráo kéo dài như thế này để chuyển HS về học tại điểm trường THCS. Phòng ốc bảo đảm, bàn ghế phù hợp với HS” – thầy Biên chia sẻ.
Quả đồi phía sau dãy nhà bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka có nguy cơ sạt lở nên HS phải sang ở nhờ tại nhà bán trú của điểm trường tiểu học.
HS bán trú ở nhờ nhà văn hóa xã
Hơn nửa tháng nay, HS bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) phải ở tạm tại nhà văn hóa xã Long Môn. Nhà trường có 144 HS ở lại buổi trưa và gần 40 HS ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Các em ăn ở, sinh hoạt tại nhà văn hóa xã cách trường học khoảng 1km. Nguyên nhân sau cơn bão số 9, khu nhà bán trú của nhà trường bị tốc mái hoàn toàn, hệ thống điện, nước hư hỏng, gần như không thể tận dụng được gì.
Thầy Trương Quốc Đạt – quyền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Long Môn cho biết: Kinh phí dự trù để sửa chữa dãy nhà bán trú của HS đến cả trăm triệu đồng, nằm ngoài khả năng của nhà trường. Để HS ở, sinh hoạt và học tập tại nhà văn hóa của xã rất bất tiện cho các em. Nhà trường phải tăng cường GV quản lý HS bán trú để phụ huynh yên tâm.
Số HS THCS bán trú của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cũng phải sang ở nhờ khu bán trú của điểm trường tiểu học. “Sạt lở đã vùi lấp giếng khoan của trường cũng như hệ thống nước tự chảy. Nước sinh hoạt không có. Hơn nữa, chúng tôi không dám để HS ở lại điểm trường này vì đêm hôm sạt lở rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, số HS này được chuyển về ở tại nhà ăn của HS tiểu học. Khu vực ăn của HS hiện phải bố trí tại hành lang khu nội trú” – thầy Biên thông tin đồng thời cho hay: Những HS nào phụ huynh có thể đưa đón hằng ngày, nhà trường vận động để HS không ở lại bán trú trong thời gian này. Một số phụ huynh, dù nhà trường không vận động, nhưng nhận thấy điều kiện ăn ở sinh hoạt của con không bảo đảm, đã cam kết với nhà trường đưa đón con khi khu bán trú chưa khắc phục xong.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Với điểm trường THCS của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka, ngành GD và chính quyền địa phương đã đưa vào kế hoạch di dời. UBND xã đang tìm địa điểm, kinh phí xây dựng do sở GD&ĐT hỗ trợ. Điểm trường THCS nằm trong vùng sạt lở nhưng những năm trước đây do chưa tìm được mặt bằng và kinh phí xây dựng nên vẫn cố gắng duy trì.
Theo ông Tùng, 2 phương án được đề xuất đối với điểm trường THCS của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka: Có thể sẽ chuyển hết HS về điểm trường tiểu học rồi xây thêm phòng học vì hiện tại đã có sẵn khu nội trú HS. Hoặc có thể sẽ xây mới điểm trường THCS tại địa điểm của trường mẫu giáo bây giờ và di chuyển trường mẫu giáo sang một vị trí mới. Lúc đó, điểm trường THCS hiện tại sẽ sử dụng để tổ chức các hoạt động ngoại khóa hoặc giải phóng mặt bằng để làm khu thể dục thể thao.
Chuyển sang ở tại nhà văn hóa của xã, em và các bạn gặp nhiều bất tiện trong học tập và sinh hoạt. Không gian tự học gần như không có. Khu nhà vệ sinh không thể như ở khu bán trú của trường. Những ngày trời mưa, sau giờ học, HS phải đi bộ từ trường về chỗ ở cách đó 1km rất vất vả. Chúng em mong được các cấp hỗ trợ kinh phí để sớm sửa chữa lại khu nhà bán trú. – Em Đinh Văn Hồng, HS lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Long Môn
Nghĩa tình gửi đến Trà Leng
Sau một thời gian ngắn phát động, ngày 25/11, đã có hơn 200 bức thư, hơn 3.000 tập vở của 371 em học sinh và 24 cán bộ giáo viên trường THCS Phù Cừ, huyện Phù cừ, tỉnh Hưng Yên được gửi đến thầy và trò trườngTHCS bán trú Trà Leng.
Học sinh Trường THCS Phù Cừ trong lễ phát động ủng hộ Trường THCS bán trú Trà Leng.
Cơn lũ lịch sử đi qua, Trà Leng còn đó với những hoang tàn, đau thương mất mát. Những gì mà người dân Trà Leng phải oằn mình gánh chịu suốt thời gian qua thật không thể nào nói hết!
Xúc động trước những mất mát đau thương của người dân Trà Leng nói chung, thầy và trò Trường Phổ thông bán trú THCS Trà Leng nói riêng, Ban Giám hiệu trường THCS Phù Cừ (Phù Cừ, Hưng Yên) đã phát động phong trào: "Đến với Trà Leng" để sẻ chia, giúp thầy và trò nhà trường sớm ổn định mọi hoạt động dạy và học.
Với quan điểm kịp thời chia sẻ với thầy và trò THCS bán trú Trà Leng những đồ dùng thiết thực nhất phục vụ việc giảng dạy và học tập, trước đó, ngay trong ngày phát động đầu tiên, số vở được được các em học sinh gửi về nhà trường đã lên tới hàng ngàn cuốn.
Em Doãn Thị Huế, học sinh lớp 9B cho biết: "Em nghĩ các bạn THCS bán trú Trà Leng đang rất thiếu sách vở. Nhìn cảnh nhiều trường học, sách vở của các bạn bị ướt nhèm, mủn nát, em lại nghĩ đến các bạn ở Trà Leng. Vì thế, món quà đầu tiên chúng em gửi tới các bạn sẽ là vở".
Thầy Bùi Đăng Thương Hiệu trưởng Trường THCS Phù Cừ cho biết, mục đích của nhà trường trong cuộc phát động là để các em học sinh chung tay ủng hộ, giúp đỡ các bạn vùng lũ; vừa để các em biết sẻ chia, yêu thương trong cuộc sống; biết cho đi, sống đẹp.
Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Trà Leng phát biểu tại buổi lễ.
Nhận được những tập vở từ thầy trò Trường THCS Phù Cừ, thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Trà Leng xúc động: "Món quà đến với chúng tôi thật đúng lúc, là niềm động viên và khích lệ rất lớn với thầy trò Trà Leng.
Mỗi dòng thư của các em học sinh THCS Phù Cừ với sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm đã giúp các em học sinh Trà Leng có thêm động lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để vượt qua tất cả... Năm học này dẫu có bị gián đoạn, nhưng với các em học sinh THCS bán trú Trà Leng của chúng tôi sẽ là một năm học thật ấm áp".
Phòng học đặc biệt của thầy trò vùng tâm bão Ngọn núi đổ sập xuống, vùi lấp nhiều phòng học. Trước nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa tính mạng hàng trăm học sinh lẫn giáo viên, nhà trường phải mượn tạm hội trường xã để dạy học. Trường bị sạt lở, học sinh phải học tạm trong hội trường UBND xã Trà Ka - ẢNH: MẠNH CƯỜNG Sau bão số 9,...