Lời đe dọa có thể châm ngòi cho cuộc chiến của Mỹ ở Syria
Tuyên bố trừng phạt quân sự nếu Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học có thể là khởi đầu cho hành động can thiệp mạnh hơn của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Nhà Trắng hôm 26/6 cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng ông sẽ “trả giá đắt” nếu tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường. Các chuyên gia phân tích cho rằng lời đe dọa này của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Mỹ với Syria hoặc đồng minh Nga, Iran của họ, theo Time.
“Điều Mỹ muốn làm với tuyên bố này là nhắc nhở chính quyền Assad về động thái mới của họ dưới thời Tổng thống Trump”, Lina Khatib, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Viện Chatham ở London, nhận định. “Đó là sự thể hiện thái độ của Mỹ hơn là thay đổi trong chính sách với Syria”.
Bình luận viên Frida Ghitis của CNN thì cho rằng sau tuyên bố trên của Nhà Trắng, “có khả năng rất cao” Mỹ sẽ dính líu vào một cuộc chiến mới hoặc sẽ gia tăng đáng kể sự can thiệp của mình vào cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
Theo Ghitis, đây có thể là một cuộc chiến “không thể tránh khỏi” bởi chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện một cách rõ ràng rằng họ thích sử dụng vũ lực hơn là các biện pháp ngoại giao trong nhiều vấn đề quốc tế. Tờ Foreign Policy cho biết hai quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã tích cực cổ súy cho việc đối đầu trực tiếp hơn với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của quốc gia này trên chiến trường Syria.
Cây bút Ilan Goldenberg của Slate nhận xét rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh mới thể hiện rất rõ trên chiến trường đông Syria, nơi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang phải co cụm vào sào huyệt Raqqa chờ ngày bị tiêu diệt. Khi kẻ thù chung suy yếu, các thế lực bắt đầu nỗ lực tranh giành ảnh hưởng trên thực địa, với nguy cơ đụng độ ngày càng gia tăng cả trên không lẫn mặt đất giữa phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn và quân đội chính phủ Syria được hỗ trợ bởi Iran và Nga.
Video đang HOT
Quân đội Syria và các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn luôn muốn giành lại phần lãnh thổ đã bị mất từ khi cuộc nội chiến bắt đầu. Với Iran, lãnh thổ phía đông Syria rất quan trọng, bởi nó có thể giúp họ mở một hành lang trên bộ tới Địa Trung Hải qua ngả Iraq, Syria và Lebanon. Tham vọng này của Iran lại đối nghịch với lợi ích của Mỹ, bởi Washington muốn duy trì lực lượng nổi dậy và dân quân người Kurd kiểm soát miền đông Syria.
Trong khi đó, quân đội Mỹ hiện diện trên chiến trường Syria chưa có một chính sách cụ thể nào để đối phó với tình trạng đối đầu ngày càng căng thẳng với lính Syria và dân quân được Iran hậu thuẫn, ngoài chỉ đạo được phép khai hỏa vào những lực lượng áp sát để tự vệ.
Hậu quả là các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria vẫn không ngừng thử thách, thăm dò sức chịu đựng của Mỹ trên chiến trường và có thể đi quá xa vào một thời điểm nào đó, châm ngòi cho cuộc xung đột lớn hơn không ai mong muốn, Goldenberg nhận định.
Cuộc chiến dễ sa lầy
Tiêm kích trên tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Địa Trung Hải. Ảnh: US Navy.
Sau khi phóng tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Syria hôm 6/4, Mỹ đã 4 lần đụng độ với các lực lượng thân chính phủ Syria, trong đó lần nghiêm trọng nhất là vụ bắn rơi một cường kích Su-22. Hành động này của Mỹ đã khiến Nga nổi giận, tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận tránh đụng độ trên không và coi mọi máy bay hoạt động ở vùng trời phía tây Syria là mục tiêu.
Theo Charles Lister, lời đe dọa mới nhất của chính quyền Trump đối với Syria có thể gia tăng đáng kể căng thẳng hiện nay, dọn đường cho những cuộc không kích răn đe của Mỹ nhắm vào các lực lượng của ông Assad. “Những cuộc không kích trừng phạt hạn chế và những phát ngôn công khai mạnh mẽ là chưa đủ để răn đe chính quyền Syria hay cảnh báo Nga, Iran”, Lister viết.
Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Nga, thì mô tả tuyên bố của chính quyền Trump là “đáng sợ”. “Mỹ cũng có thể đang chuẩn bị cho đòn tấn công phủ đầu nhắm vào quân đội Syria”, TASS dẫn lời ông Kosachev.
Theo Business Insider, Mỹ đang duy trì lực lượng quân sự hùng hậu xung quanh Syria, gồm tàu sân bay USS George H.W. Bush cùng biên đội tàu chiến hộ tống trên Địa Trung Hải, các máy bay hiện đại tại căn cứ không quân ở Qatar, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất, giúp họ có nhiều lựa chọn nếu muốn phát động một cuộc tấn công vào Syria.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng dù chính quyền Trump có một số thành viên có nhiều kinh nghiệm và khả năng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Nhà Trắng vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để đối phó với các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Trong khi chính quyền Obama bị chỉ trích là quá thận trọng và dành quá nhiều thời gian để cân nhắc, phân tích tình hình, chính quyền Trump hiện nay lại gần như không có quan điểm mang tầm chiến lược nào với tình hình Trung Đông.
Ngay cả nhiều quan chức cấp cao trong các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia Mỹ cũng tỏ ra bất ngờ với lời đe dọa Syria của Nhà Trắng. Nhiều hãng tin lớn dẫn lời các quan chức quốc phòng và ngoại giao cho hay họ không hề biết rằng Nhà Trắng sẽ đưa ra tuyên bố như vậy và họ cũng không rõ các trợ lý của ông Trump đã lấy thông tin “Syria chuẩn bị tấn công hóa học” từ nguồn tin tình báo nào.
Những cuộc chiến do cựu tổng thống George W. Bush phát động ở Iraq và Afghanistan cho thấy thành công trong các chiến dịch can thiệp quân sự khó đạt được hơn dự tính của các tướng lĩnh rất nhiều, trong khi chúng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền tạo ra những hậu quả không mong muốn. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể dứt hoàn toàn ra khỏi cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan.
Ghitis cho rằng Mỹ rất dễ sa lầy vào một cuộc chiến tương tự ở Syria, khi chính sách đối ngoại của Washington hiện nay chứa đựng nhiều điều mâu thuẫn và chưa rõ ràng, có thể làm xói mòn niềm tin của các đồng minh và phát đi những tín hiệu nguy hiểm tới kẻ thù.
“Sự khó lường và mập mờ chỉ phát huy hiệu quả khi được kết hợp với chiến lược và chính sách đối ngoại. Nhưng những gì chính quyền Trump thể hiện chỉ là sự không nhất quán. Đây là công thức rất nguy hiểm”, Goldenberg nhận định. “Kết cục ở Syria có thể là sự suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ, tệ hơn nữa là Washington sẽ bị đẩy vào một cuộc xung đột hủy diệt”.
Trí Dũng
Theo VNE
Syria muốn mua tên lửa mới nhất của Nga để đối phó Mỹ
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết Damascus đang đàm phán với Moscow để đặt mua các hệ thống phòng không mới nhất.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad muốn mua tên lửa tối tân của Nga. Ảnh: AFP.
"Chúng tôi đang đàm phán với phía Nga để tăng cường sức mạnh cho các hệ thống phòng không, nhằm ứng phó mối đe dọa từ không quân Israel hay tên lửa Mỹ", AFP dẫn lời Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết ngày 27/4.
Tuyên bố trên được đưa ra cùng ngày Israel bị cáo buộc phóng tên lửa vào căn cứ quân sự gần sân bay quốc tế Damascus. Israel từng tiến hành nhiều cuộc không kích vào Syria, kể từ khi nội chiến nổ ra tại nước này vào năm 2011. Các cuộc tấn công chủ yếu nhằm vào nhà kho hoặc đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah. Hezbollah là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng bị Israel coi là "kẻ địch chính"
Ông Assad khẳng định việc Syria mua các hệ thống phòng không mới của Nga có thể thực hiện sau vụ Mỹ không kích nước này. Quân đội Mỹ hôm 7/4 phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay Al-Shayrat. Đây được cho là động thái nhằm đáp trả vụ tấn công nghi dùng vũ khí hóa học xảy ra tại tỉnh Idlib ngày 4/4 làm hàng chục người thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov xác nhận Nga sẽ áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ trong tương lai gần, bao gồm cả tăng cường hệ thống phòng không cho quân đội chính phủ Syria.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Kim Jong-un trực tiếp lên án Mỹ không kích căn cứ Syria Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thông điệp cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lên án Mỹ phóng tên lửa tấn công một căn cứ không quân nước này. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Breibart. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay gửi thông điệp chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 71 năm...