Loạn cẩm nang tuyển sinh
Trên thị trường đâng xuất hiện rất nhiều “cẩm nang tuyển sinh 2011″ – không phải của Bộ GD-ĐT, với những thông tin khác nhau khiến học sinh hoang mang.
Thừa vẫn thừa…
Nhiều thí sinh hoang mang khi có quá nhiều “cẩm nang” tuyển sinh được bày bán. Ảnh minh họa, chụp tại một hiệu sách cũ trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội.
Tại các hiệu sách trên địa bàn TP. Hà Nội xuất hiện nhiều cuốn cẩm nang dưới hình thức giới thiệu thông tin các trường ĐH, CĐ, TCCN, về các ngành đào tạo, khối thi, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ chọi… Được giới thiệu là “tài liệu phục vụ kỳ thi tuyển sinh năm 2011″, nhưng số liệu tham khảo trong các “cẩm nang” thậm chí có từ năm 2002, và số liệu mới nhất là năm 2010.
Hai cuốn sách tìm hiểu về các trường ĐH, CĐ qua những số liệu tuyển sinh (các trường khu vực phía bắc) của một nhóm tác giả, do Nhà xuất bản Thống kê phát hành là một trong những cuốn cẩm nang xuất hiện sớm nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, theo chị Loan – nhân viên bán hàng tại Nhà sách Sư phạm (Cầu Giấy, Hà Nội): “Học sinh đến xem mấy cuốn cẩm nang tương tự rồi thắc mắc là sao số liệu cũ thế, không có số liệu chỉ tiêu năm nay à?… rồi hỏi mua cuốn “Những điều cần biết…” của Bộ GDĐT. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cuốn này”.
Chủ cửa hiệu sách Minh Tuấn (Số 24 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) thì cho biết: “Mặc dù tin tưởng nhiều vào cuốn “Những điều cần biết…” của Bộ GDĐT, nhưng nhiều em vẫn chọn mua vài cuốn “cẩm nang” khác về “nghiên cứu” theo kiểu… thừa còn hơn thiếu”.
Video đang HOT
Ngoài những đơn vị giáo dục, nhiều đơn vị không chuyên vào mùa tuyển sinh cũng rậm rịch phát hành cẩm nang tuyển sinh, cẩm nang chọn nghề, cẩm nang mềm dưới dạng CD… Thậm chí, một số đơn vị còn phát không, nhưng “kèm” điều kiện thí sinh cắt phiếu ưu tiên tại báo và đến tham dự buổi tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT do cơ quan này tổ chức.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác ôn luyện thi ĐH, những cẩm nang như vậy chỉ đọc để tham khảo, học sinh không thể lấy đó là căn cứ chính xác để làm hồ sơ. Thầy Nguyễn Văn Cường – giảng viên Trường Sư phạm Thái Bình chia sẻ: “Cẩm nang nhiều như vậy nhưng đối với học sinh ở vùng nông thôn, để có được những cuốn sách dạng này cũng chẳng dễ dàng gì”.
Thiếu vẫn thiếu…
Sở GDĐT Hà Nội vừa yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện thông báo hướng dẫn học sinh mua hồ sơ đăng ký dự thi, tài liệu tuyển sinh tại trường, không mua ở ngoài đề phòng hồ sơ giả.
“Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” đó là nghịch lý có thật về thông tin tuyển sinh cho học sinh nông thôn. Thầy Nguyễn Văn Hồi – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hoá (Thanh Hoá) bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến gần thời điểm thí sinh làm hồ sơ tuyển sinh là có nhiều đơn vị, trường gọi điện ngỏ ý liên hệ để phát hành tài liệu trực tiếp xuống trường.
Tài liệu này cũng được chúng tôi in sao và dán vào bảng tin trường cho các em có nhu cầu tìm hiểu. Tuy nhiên, số lượng trường nhiều quá và không có tính cô đọng, khúc triết nên trường khó truyền tải đến học sinh”. Cũng theo thầy Hồi: “Trường đã đăng ký với Sở mua mấy cuốn “Những điều cần biết…” để các em học sinh trong trường tham khảo, nhưng số lượng ít không thể bao quát hết được. Vì vậy, các em phải tự tìm hiểu thông tin là chính”.
Còn theo thầy Trần Văn Thìn – Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn, Bắc Giang: “Đây là thời điểm rất nhạy cảm, thí sinh đang tập trung vào ôn thi, việc các đơn vị thi nhau đưa các tài liệu cẩm nang với nhiều nội dung sẽ làm cho thí sinh hoang mang trong việc lựa chọn. Ngay cả cuốn chính thống của Bộ GDĐT được tập hợp nguồn từ các trường ĐH, CĐ nhiều năm còn bị sai sót, huống gì những tài liệu được ghi là tham khảo từ các báo, đài, phát thanh – truyền hình và internet… Vì vậy thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc để lựa chọn tài liệu hợp lý nhất”.
Theo Dân Việt
Trước kỳ tuyển sinh đại học 2011: Cân nhắc kỹ nhu cầu ngành nghề tương lai
Bộ GD-ĐT đã công bố quy mô đào tạo hiện tại của bậc ĐH, CĐ và TCCN. Kết hợp với thông tin xu hướng việc làm của Bộ LĐ-TB&XH, thí sinh sẽ có cái nhìn tương đối toàn diện về nhu cầu nghề nghiệp tương lai để cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn sẽ theo đuổi ngành nghề gì trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011.
Ngành kỹ thuật công nghệ có quy mô đào tạo lớn nhất
Theo thông tin mới nhất của Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ trên cả nước đang nghiêng về nhóm ngành kỹ thuật công nghệ với tỷ lệ 32,78% trên tổng số 8 nhóm ngành của bậc học này. Nhóm ngành kinh tế hiện tại có hơn 140.000 sinh viên theo học, chiếm tỷ lệ 27,72%. Tiếp theo sau 2 nhóm ngành này là sư phạm với hơn 90.000 sinh viên, chiếm tỷ lệ 17,68%. Nông-Lâm-Ngư đang đào tạo 44.500 sinh viên, chiếm tỷ lệ 8,67%.
Nhóm ngành xã hội nhân văn chiếm 7,15% với gần 36.700 sinh viên. Nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn 2,72% với gần 14.000 sinh viên. Thấp hơn, nhóm ngành y chỉ chiếm 2,02% với hơn 10.000 sinh viên và cuối cùng là nhóm nghệ thuật, thể dục thể thao chiếm 1,26% với hơn 6.000 sinh viên.
Nhu cầu nhân lực ngành Y dược lớn nhưng quy mô đào tạo chưa đáp ứng được
Có thể thấy, hiện tại các trường ĐH, CĐ cũng như TCCN đều đang cố gắng điều chỉnh các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, trong đó nhu cầu theo học của thí sinh có tính định hướng quan trọng trong việc mở ngành đào tạo cũng như xác định quy mô, chỉ tiêu đào tạo của từng khối ngành trong các trường hiện nay. Tuy nhiên, cũng chính vì tính chất phụ thuộc vào lựa chọn của thí sinh trong các trường nên việc thí sinh sau khi được đào tạo có tìm được công việc theo đúng sở thích cũng như ngành nghề mình được đào tạo hay không lại không thể hiện qua những con số nói trên.
Do vậy, ngoài việc lựa chọn ngành đào tạo, cơ sở đào tạo phụ hợp với sở thích, khả năng, điều kiện của mỗi thí sinh thì việc thu thập thông tin liên quan đến thị trường lao động tương lai là việc các bậc phụ huynh và thí sinh cần tìm hiểu trước khi chính thức bước vào kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 để sau khi tốt nghiệp vào năm 2015 có thể có những cơ hội việc làm tốt nhất.
Nhiều ngành "nóng" sẽ dần giảm nhiệt
Theo thông tin về xu hướng việc làm Việt Nam của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường Lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 23 triệu lao động trong năm 2008. Tuy nhiên, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020.
Cũng theo báo cáo, nhiều ngành hiện có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015 gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015.
Bên cạnh đó, đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác.
Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Tuy nhiên, những ngành này lại giảm mạnh, khoảng 50% việc làm vào năm 2020. Trong năm này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%.
Có thể thấy đây là những con số thống kê dự báo của thị trường lao động nói chung trên cả nước. Tuy nhiên, với từng địa phương và vị trí công việc cụ thể thì xu hướng này có thể không thể hiện rõ. Nhưng với những thông tin này, thí sinh cũng có thể hình dung phần nào về nhu cầu việc làm của thị trường trong những năm sau tốt nghiệp ĐH, CĐ của mình để có thể lựa chọn tốt hơn trong kỳ tuyển sinh sắp tới.
Theo An Ninh Thủ Đô
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: "Nín thở" chờ thông tin Chỉ còn hơn 1 tháng nữa các thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH - CĐ năm 2011, nhưng thí sinh vẫn đang dài cổ đợi... những điều cần biết. Thí sinh tự do thi ở đâu? Một trong những điểm được coi là mới nhất trong dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh mà Bộ...