Loại nhãn lạ có cùi cuộn như bắp cải, giá cao gấp 5 lần nhãn thường vẫn được săn lùng
Mặc dù có giá cao gấp 5-10 lần nhãn thường bán ngoài chợ nhưng loại nhãn này vẫn được nhiều người lùng mua, thậm chí muốn mua cũng không có.
Thời điểm này tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang vào mùa thu hoạch nhãn, trái ngược với các loại nhãn khác bị rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nhãn xuồng bắp cải vẫn được thương lái lùng mua với giá cao gấp 5 lần.
Chị Đỗ Mỹ Dung, trú tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, năm nay nhãn bị mất mùa, thời gian thu hoạch bị kéo dài do nhãn chín lác đác, giá lại rẻ hơn mọi năm. Tuy nhiên, giống nhãn xuồng bắp cải vẫn neo ở mức khá cao.
Những quả nhãn xuồng bắp cải với lớp cùi dày và hương vị đặc trưng được bán với giá cao gấp nhiều lần nhãn thường.
Cụ thể, giá nhãn xuồng hiện khoảng 30.000 đồng/kg, các loại nhãn khác như Indo, thanh nhãn ở mức 15-20.000 đồng/kg thì nhãn xuồng bắp cải vẫn được bán với giá 80-140.000 đồng/kg. Thậm chí trên chợ mạng, loại nhãn này còn được rao bán ở mức 177.000 đồng/kg.
“Vườn nhà tôi trồng nhiều loại nhãn, có trồng mấy cây nhãn xuồng bắp cải nhưng loại này rất khó chăm sóc bởi phụ thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng nhiều. Có năm cho trái xum xuê, to, tròn; có năm lại chỉ có lá và lác đác quả, cùi bị sượng và không ngon. Chính vì thế dù giá thành cao nhưng các nhà vườn không dám mạo hiểm trồng nhiều”, chị Dung phân tích.
Dù có giá cao nhưng là loại cây khó tính, năng suất thấp nên rất ít người trồng loại nhãn này.
Theo chị Dung, vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu là đất cát, giàu lượng kali, tạo điều kiện cho trái nhãn to và ngọt tự nhiên. Khi chín, quả nhãn chuyển sang màu nâu sậm, phần cuống lõm xuống như chiếc thuyền. Sau lớp vỏ mỏng là phần cùi màu vàng nhạt, cuộn tròn tạo thành hình như bắp cải với tép múi rõ ràng, dày dặn và thơm lừng.
Chị Lê Viết, chủ cửa hàng trái cây tại TP Hồ Chí Minh cho biết, để có nhãn xuồng bắp cải bán, chị phải đặt mua cả vườn nhãn thuần chủng, chưa qua lai tạo, cắt ghép với những quả nhãn có màu vàng mơ, thơm đặc trưng cùng với lớp thịt giòn, ngọt tự nhiên rất khác với các giống nhãn thông thường để bán với giá từ 140-175.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Sau lớp vỏ mỏng là phần cùi màu vàng nhạt, cuộn tròn tạo thành hình như bắp cải với tép múi rõ ràng, dày dặn.
“Loại nhãn này hơi khó tính vì không phải đất nào cũng phù hợp để trồng, sản lượng cũng không cao nên không dễ dàng để tìm mua bởi vì đa phần chúng được trồng rải rác với số lượng không nhiều”, chị Viết thông tin.
Để có nhãn bán hàng năm, chị Viết phải kí hợp đồng cam kết với chủ vườn từ trước, khi nhãn chín sẽ trực tiếp về hái rồi vận chuyển lên bán, mỗi ngày chỉ có khoảng 50kg. Nhờ hương vị độc đáo nên khi vào mùa nhiều người tìm mua bằng được dù giá cao gấp 10 lần nhãn khác.
Khi chín, quả nhãn chuyển sang màu nâu sậm, phần cuống lõm xuống như chiếc thuyền rất đặc biệt
Nhiều nơi rao bán loại nhãn này với giá 250.000 đồng/kg nhưng luôn trong tình trạng hết hàng.
Lùng mua nhãn xuồng bắp cải tại Hà Nội suốt nhiều ngày nhưng không được, chị Bùi Thị Huyền (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) phải nhờ người chuyển từ Vũng Tàu ra. Sau khi tính phí vận chuyển, mỗi kg nhãn chị Huyền phải mất 210.000 đồng/kg.
“Năm trước tôi được một người bạn đi công tác xách về cho ăn thử nên thích quá, năm nay đến mùa tôi tìm mua khắp các cửa hàng trái cây nhưng không nơi nào bán loại nhãn đặc biệt này. Thậm chí, có những cửa hàng đăng bán trên mạng với giá 250.000 đồng/kg nhưng khi tôi gọi điện hỏi thì luôn báo hết hàng nên tôi phải tìm mua tận trong đó gửi ra, vừa để ăn vừa biếu họ hàng mỗi người một ít”, chị Huyền chia sẻ.
An Giang: Sầu riêng Núi Cấm ngon cỡ nào mà được "mặc áo giáp sắt" để bảo vệ
Khác với sầu riêng ở miệt đồng bằng, những trái sầu riêng trồng ở Núi Cấm (An Giang) được trùm trong lồng sắt trông khá lạ mắt.
Đặc biệt, dù có giá 100.000 đồng/kg, nhưng nhiều khách hàng muốn mua được phải đặt trước cả tháng bởi sầu riêng nơi đây ngon khó có nơi nào sánh bằng.
Với độ cao trên 700m, Thiên Cấm Sơn (hay núi Cấm) là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn (tỉnh An Giang). Cúng chính vì nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, nên cây trái ở đây phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh. Trong đó, sầu riêng núi Cấm thì khó nơi nào có thể sánh bằng.
Hằng năm, khi mùa mưa đến cũng là thời điểm núi Cấm vào mùa trái cây. Các loại trái cây ở đây từ lâu nổi tiếng có vị ngon, ngọt tự nhiên, mang hương vị đặc trưng so với những nơi khác.
Khác với sầu riêng ở miệt đồng bằng, những trái sầu riêng trồng ở Núi Cấm (An Giang) được trùm trong lồng sắt trông khá lạ mắt. Điểm đặc biệt này khiến nhiều du khách sẽ tỏ ra thích thú và bất ngờ khi có dịp ghé thăm.
Với giá trị kinh tế cao, sầu riêng trên đỉnh Thiên Sơn Cấm được nông dân bao lại bằng lưới sắt để tránh sóc ăn.
Ông Trần Hoàng Anh (ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cho biết: "Khoảng năm 2000, tôi trồng rất nhiều loại cây. Trong đó có quýt, nhưng loại cây này thường thu hoạch vài năm cây lại hư, nên tôi mới có ý tưởng trồng xen một vài gốc sầu riêng như dưới đồng bằng xem sao. Sau khi trồng, tôi thấy cây cũng đạt, nhưng một số trái bị sóc ăn nhiều. Từ đó, tôi mới nghĩ ra cách làm cái để bao trái".
Chủ nhân của vườn sầu riêng có trái được bao bằng lồng sắt cho biết, với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, hầu như các giống sầu riêng ở đây, từ sầu riêng núi (hay sầu riêng rừng), cho đến sầu riêng Monthong, Ri6,....tất cả điều sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quá trình trồng, bà con không cần phải tốn nhiều công chăm sóc hay chi phí sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Trần Hoàng Anh tiến hành bao trái sầu riêng bằng lưới sắt.
Thay vào đó, trái cây thường xuyên lại bị sóc, nhen phá hoại,... khiến giá bán khá rẻ, nhiều hộ phải chặt bỏ. Tận dụng phần tôn cũ, cùng miếng lưới sắt có sẵn tại nhà, chủ vườn này đã sáng tạo ra những chiếc lồng hữu ích.
Được trồng tại các sườn núi xen lẫn đất đá, nên sầu riêng ở đây thường mất từ 5-10 năm cây mới cho trái. Cây bắt đầu ra hoa từ tháng 11 (âm lịch) và kéo dài đến tháng 4 năm sau mới bắt đầu thu hoạch. Với kinh nghiệm của mình, hễ quan sát thấy sầu riêng vừa già, nhà vườn sẽ dùng lồng sắt bao xung quanh để bảo vệ trái cho đến khi chín. Kích thước của mỗi lồng tương ứng với số trái, có thể 60cmx60cm, thậm chí là lớn hơn để bao trùm 3-4 trái.
Năng suất và chất lượng trái sầu riêng trên đỉnh Thiên Sơn Cấm khó nơi nào sánh bằng.
Trái sầu riêng trên đỉnh Thiên Sơn Cấm nặng trung bình từ 5-6kg, trái 2kg chiếm khoảng 30%. Đặc biệt có khoảng 10% trái từ 10kg trở lên.
Nếu như ở đồng bằng, khi sầu riêng vừa già nhà vườn có thể thu hoạch để bán, nhưng ở đây để thưởng thức được trái sầu riêng, phải chờ cho đến khi trái chín rụng. Lúc này, chiếc lồng sắt cũng là dụng cụ hữu hiệu nâng đỡ giúp trái không bị rơi xuống vách núi.
"Đặc điểm nổi bật của sầu riêng vùng này là thổ nhưỡng ở đây phù hợp, mùi vị ăn ngon hơn cả dưới đồng bằng. Thứ 2 là sầu để già rồi rụng tự nhiên chứ không bẻ như những nơi khác. Mỗi ngày rụng vài trái rồi đem đi bán chứ nó không rụng đồng loạt. Bên cạnh đó, cây có tỉ lệ đậu trái cao, lại to. Trái sầu riêng trung bình từ 5-6kg chiếm 60%, trái 2kg chiếm khoảng 30%. Đặc biệt có khoảng 10% trái từ 10kg trở lên", ông Anh chia sẻ.
Một trái sầu riêng rụng vào lồng sắt được ông Hoàng Anh đưa xuống đất.
Dù giá bán khá cao và luôn giữ ổn định ở mức khoảng 100.000đồng/kg nhưng số lượng sầu riêng trên Thiên Sơn Cấm không đủ để bán, nhiều khách hàng muốn mua được trái tại gốc phải đặt trước có khi cả tháng.
Sầu riêng ở núi cầm bình quân mỗi cây cho từ vài chục đến cả 100 trái, với trọng lượng từ 4-5 kg/trái. Sở hữu 30 gốc sầu riêng trồng trong diện tích 20 công đất vườn, sau khi trừ chi phí ông Anh bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cùng với vị ngon, ngọt tự nhiên, mang hương vị đặc trưng so với những nơi khác, tất cả đã làm nên thương hiệu sầu riêng núi Cấm khó nơi nào sánh bằng. Dù giá bán khá cao, và luôn giữ ổn định ở mức khoảng 100.000đồng/kg nhưng số lượng không đủ để bán, nhiều khách hàng muốn mua được trái tại gốc phải đặt trước có khi cả tháng.
Bánh mì khoai lang tím "siêu thực" sốt trên chợ mạng, ngày làm 500 chiếc cũng không đủ bán Những chiếc bánh mì giống hệt củ khoai lang với lớp vỏ màu tím bắt mắt có giá từ 12-20.000 đồng/ chiếc đang tạo ra cơn sốt mới khiến chị em ra sức săn lùng tìm mua bằng được. Nhiều người làm loại bánh mì này nhưng không đủ bán bởi lượng đặt hàng quá nhiều. Vừa nhanh tay xếp từng chiếc bánh...