Linh hoạt dạy Thể dục, Âm nhạc… online
Môn học Thể dục, Âm nhạc được thầy cô đưa vào giảng dạy trực tuyến một cách sinh động.
Sau những tuần học đầu tiên, học sinh tại nhiều địa phương đã dần quen với hình thức học trực tuyến dù đôi khi còn gặp trục trặc về kết nối hay thiếu trang thiết bị. Bên cạnh những môn học quen thuộc như Toán, Văn, tiếng Anh…, thì Âm nhạc, Thể dục cũng được tổ chức dạy trực tuyến một cách linh hoạt.
Thầy Văn Đình Tiến – Giáo viên dạy Thể dục tại Trường Thực hành Sư phạm (ĐH Vinh, Nghệ An) cho biết năm nay được phân công dạy chương trình Thể dục mới cho khối 6. Để hỗ trợ học sinh tập luyện đúng phương pháp, thầy Tiến cũng như một số giáo viên khác đã quay lại video hướng dẫn các em.
“Lần đầu tự quay video tôi phải làm đi làm lại, loay hoay tìm chỗ đặt máy để quay. Các bài tập được xây dựng theo chương trình sách mới, kết hợp nhiều động tác như vận động nhảy dây, gập bụng,… Một số môn cần nhiều không gian vận động sẽ được dạy bù khi các em trở lại trường”, thầy Tiến nói.
Mỗi tiết học Thể dục kéo dài khoảng 45 phút, giáo viên sẽ điểm danh, giúp học sinh điều chỉnh camera quay được toàn cảnh. Sau đó đưa ra nhiệm vụ cho các em thực hiện, kết thúc tiết học giáo viên gửi lại video hướng dẫn và bài tập về nhà.
“Đối với môn m nhạc, học sinh được dạy về lịch sử Âm nhạc, tìm hiểu tác giả, tác phẩm chia mấy đoạn, có nhịp gì, nốt gì rồi mới tập hát. Để hiệu quả hơn tôi chia các em thực hành theo nhóm 2-4 em. Toàn bộ bài hát cũng được cô quay lại gửi cho các em tự luyện thêm”, cô Lưu Thị Thắm, giáo viên âm nhạc tại Hà Nội kể.
Anh Hoàng Đình Thạch – phụ huynh có con học lớp 3 ở Nghệ An bất ngờ: “Tôi chưa từng nghĩ trường sẽ dạy môn Thể dục online cho các cháu học tiểu học. Nhưng thấy con vui vẻ, hào hứng tập theo hướng dẫn của thầy tôi thấy khá hiệu quả. Việc sắp xếp xen kẽ tiết thể dục giữa các môn khác giúp con có thời gian vận động, nghỉ ngơi thay vì nhìn quá nhiều vào màn hình”.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện không ít tình huống bi hài xảy ra khi học trực tuyến với môn Thể dục và Âm nhạc. Nhiều phụ huynh cho hay, do ở nhà chung cư nên khi con thực hiện các hoạt động mạnh như chạy, nhảy dây,… tạo ra tiếng động ảnh hưởng tới tầng dưới.
Có con học lớp 6, chị Nguyễn Thuỳ Trang (sống tại chung cư Trung Đô, Nghệ An) cho biết: “Vừa về đến nhà tôi đã nhận thông báo của ban quản lý về việc hàng xóm phản ánh gia đình mình gây tiếng ồn, mất trật tự. Hỏi ra mới biết con tập thể dục để quay video thực hành gửi cho thầy. Tôi chỉ biết khuyên con tập nhẹ nhàng hơn và phản hồi lại với giáo viên để đổi động tác khác”.
Chị Trang còn kiến nghị giáo viên điều chỉnh cường độ vận động cho các con cho phù hợp. Hôm đầu, con chị Trang đã thực hiện chống đẩy liên tục hơn 30 cái nên than vãn đau mỏi.
Cô Phan Hồng Nhung, một giáo viên dạy Âm nhạc ở Nghệ An thì cho hay, tình trạng mất kết nối đôi khi vẫn xảy ra khiến cô và trò “tụt hứng”.
“Bộ môn Âm nhạc lớp 6, các em được học hát kết hợp phối khí của bài hát. Giáo viên đã trình chiếu bài giảng có kèm âm thanh để các em bắt nhịp hát theo. Nhưng lúc kết nối mạng không ổn định, tiếng nhạc chạy trước lời khiến các em không hát kịp. Học sinh thưa cô nháo nhào, khiến cho buổi học trở nên lộn xộn hơn”, cô Nhung kể.
Cô Nhung cũng chia sẻ thêm, một số học sinh rụt rè không thực hiện quay lại bài hát nên nhiều lần phải phiền tới nhiều phụ huynh thuyết phục con. Chính vì vậy, để tạo không khí sôi động cho học sinh cô Nhung dự kiến sẽ chọn giai điệu gần gũi, vui tươi hơn.
Để không là môn phụ
Xưa nay, nhiều phụ huynh quan niệm đối với lớp 1 chỉ cần đảm bảo yêu cầu đọc thông, viết thạo là được. Ít ai để ý đến các môn như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật mặc dù đây là các môn học bắt buộc trong chương trình.
Ảnh minh họa
Thậm chí, so với tiếng Anh là môn học tự chọn của khối lớp 1,2 nhưng nhiều gia đình quan tâm đầu tư cho con đi học thêm, kiểm tra bài tập, ôn luyện cùng con ở nhà hằng ngày... kỹ càng hơn gấp nhiều lần so với các môn vừa kể trên. Âu cũng là xu thế chung khi ai cũng lo lắng mà mong muốn nâng tầm khả năng ngoại ngữ của con cái so với các thế hệ trước...
Không ngạc nhiên khi đến lịch kiểm tra giữa kỳ môn tiếng Anh theo chương trình liên kết ở trường, lịch kiểm tra tiếng Anh ở trung tâm con theo học các ông bố bà mẹ cũng nắm kỹ. Nhưng bao giờ kiểm tra môn âm nhạc, kiểm tra theo hình thức gì... thì không phải ai cũng nắm được, dẫn đến hầu như không ôn luyện, chuẩn bị gì.
Thực tế, không phải phụ huynh nào cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc học các môn học này nên không đốc thúc con học ở nhà. Một số khác thì cho rằng đây là môn năng khiếu, con giỏi thì tốt còn nếu không, ở mức đạt là được. Chính cá nhân người viết bài này cũng từng suy nghĩ rằng con không có giọng hát tốt, vẽ không sáng tạo lắm nên cố gắng ở mức đạt là được rồi, còn thời gian ở nhà để dành ôn luyện toán, tiếng Việt cho thật tốt...
Nhưng chị dâu tôi, là cô giáo dạy cấp 2 khi biết chuyện đã phân tích khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Thứ nhất, nếu tổng kết của con là vượt trội ở một số môn, khi con thi/xét tuyển vào trường trọng điểm của huyện ở cấp 2 sẽ bị thiệt thòi so với những bạn đạt xuất sắc toàn diện. Nói cách khác, con đang thua ngay từ vòng sơ loại thì khó có cơ hội vào vòng sau.
Thứ hai, học để có tố chất chứ không phải có tố chất mới học. Con hát chưa hay nên càng cần học để cải thiện giọng hát, để sau này con tự tin vào bản thân mình khi được yêu cầu hát, biểu diễn trước đám đông. Chất giọng của con hay thì quá tốt rồi, nhưng nếu chưa hay thì ít nhất cũng cần đúng nhịp, có những hiểu biết cơ bản về nhạc lý...
Chắc chắn đây không phải là những môn phụ, không phải vì quy định của Bộ GDĐT mà mỗi người cần có hiểu biết về nghệ thuật, về các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội,... sẽ giúp tâm hồn phong phú hơn, cuộc sống thăng hoa hơn.
Về phía giáo viên cũng cần đánh giá thực chất năng lực của học sinh và có biện pháp giúp các em tiến bộ hơn. Không nên khống chế quy định mỗi lớp có bao nhiêu % học sinh đạt hoàn thành, bao nhiêu học sinh đạt tốt mà cần dựa trên năng lực thực sự của các em để ghi nhận.
Một câu chuyện nhỏ của lớp cháu gái tôi, con xin nghỉ ốm đúng vào ngày cả lớp kiểm tra môn âm nhạc. Cuối tuần đó, cô gửi đánh giá cho phụ huynh, có luôn cả đánh giá của con dù con chưa hề tham gia kiểm tra. Điều quan trọng là, suốt học kỳ vừa rồi, chị dâu tôi đã dành thời gian để cùng học với con môn âm nhạc, cùng con tập hát, học nhạc lý, thậm chí học vỗ tay, đánh phách với hi vọng cải thiện sự nhút nhát, thiếu tự tin của con trong môn học này.
Nhưng con chưa có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình đã được cô đánh giá ở mức hoàn thành nên chính con cũng rất thắc mắc, buồn... Rất may, sau đó, cô giáo thông báo sẽ kiểm tra lại cả lớp một lần nữa để đánh giá chính xác hơn.
Không phải đánh giá cho xong, cũng không phải làm quá chặt hay quá lỏng mà đánh giá học sinh cần dựa vào quá trình học tập của các em, không chỉ qua một bài thi đã nói lên tất cả. Có như vậy, mới dần thay đổi quan niệm của số đông về môn chính, môn phụ...
Sinh hoạt tổ chuyên môn - chìa khóa tạo nên chất lượng tiết học trực tuyến Khi ngành GD&ĐT chuyển trang thái, xác định học trực tuyến là giải pháp ổn đinh, lâu dài trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay thì chất lượng dạy - học online rất được coi trọng. Để tạo nên điều này, vai trò sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của các thầy cô...