Liệu có quá muộn để Mỹ kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy?
Trong những năm gần đây, tranh luận về chính sách Trung Quốc ở Mỹ bắt đầu phản ánh thực tế hơn khi nhận ra tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế Mỹ trở thành siêu cường dẫn đầu toàn cầu.
“Liệu có quá muộn để Mỹ kiềm chế đối thủ địa chính trị?” – câu hỏi được chuyên gia Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi và Học viện Robert Bosch Berlin đặt ra trong bài bình luận trên tạp chí Project Syndicate.
Theo ông, một sự thay đổi chậm trễ trong chính sách Trung Quốc của Mỹ đang được thực hiện. Sau hàng thập niên “tham gia một cách xây dựng” – cách tiếp cận tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp vi phạm quy tắc và luật lệ quốc tế – Mỹ hiện tại đã tìm đến những cách tiếp cận đối phó tích cực và cụ thể hơn.
Hy vọng “ngây thơ”
Ông Chellaney cho biết, từ Richard Nixon đến Barack Obama, các tổng thống của Mỹ đều coi sự phát triển kinh tế Trung Quốc là một vấn đề quốc gia. Ông Jimmy Carter từng một lần đưa ra bản ghi nhớ tuyên bố như vậy. Và ngay cả khi Trung Quốc bất chấp các quy tắc thương mại thế giới, ép các công ty chia sẻ tài sản trí tuệ, tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ dường như vẫn hy vọng “ngây thơ” rằng khi trở nên ngày càng thịnh vượng, Trung Quốc tự nhiên sẽ theo đuổi tự do hóa kinh tế và thậm chí là chính trị, chuyên gia nhận định.
Cách tiếp cận của Mỹ từng tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)
“Ảo tưởng Trung Quốc” của Mỹ, như nhà báo James Mann từng nói, được minh họa bằng những tranh luận của cựu tổng thống Bill Clinton khi ủng hộ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Dẫn lời tầm nhìn của cựu tổng thống Woodrow Wilson về “thị trường tự do, bầu cử tự do, người dân tự do”, Clinton tuyên bố việc Trung Quốc tham gia WTO báo hiệu “một tương lai cởi mở hơn và tự do hơn cho người dân Trung Quốc.”
Dù vậy, đó không phải là những gì đã xảy ra, theo nhà nghiên cứu. Thay vào đó, Trung Quốc trở thành trung tâm của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khi vô số công ty chuyển dây chuyền sản xuất sang nước này – bao gồm cả Mỹ. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn giữ được thị trường, chính trị và người dân của mình trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt. còn Mỹ đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD trong thâm hụt thương mại song phương.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng ảo tưởng Trung Quốc khiến cựu tổng thống Obama không phản ứng đáng kể khi Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ở cao điểm xây dựng của chính phủ Trung Quốc với các đảo, ông Obama cho rằng “chúng ta có nhiều thứ để sợ hơn từ một Trung Quốc yếu ớt và bị đe dọa so với một Trung Quốc thành công và phát triển.” Kết quả, Trung Quốc thúc đẩy kiểm soát một hành lang chiến lược quan trọng trên biển, nơi chứng kiến một phần ba giao dịch hàng hải toàn cầu, mà không phải trả bất cứ chi phí quốc tế nào.
Kết thúc “ảo tưởng Trung Quốc”
Trong vài năm qua, cuộc tranh luận về chính sách Trung Quốc ở Mỹ đã trở nên thực tế hơn. Ngày càng nhiều người nhận ra tham vọng của Trung Quốc khi muốn thay thế Mỹ trở thành siêu cường thế giới, chuyên gia cho biết. Mỹ cuối cùng cũng gọi Trung Quốc là “thế lực cách mạng” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Tháng 10/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự cũng như tuyên truyền để tăng cường ảnh hưởng và hưởng lợi ở Mỹ.
Video đang HOT
Mỹ dường như đang hy vọng đòn bẩy kinh tế có thể khiến Trung Quốc suy yếu. (Ảnh: China Daily)
Sự thay đổi này cũng biến thành hành động. Chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump tràn lan khắp các mặt báo và tạo nên ảnh hưởng lớn, dù nhiều nhà quan sát dường như không nắm bắt được chiến lược cụ thể đằng sau những vòng thuế quan này.
Dù ông Trump sử dụng thuế quan chống lại các đồng minh như một đòn bẩy để nhận được sự nhượng bộ, hướng đến thỏa thuận thương mại mới, đòn thuế của Mỹ nhắm vào Trung Quốc – có thể kéo dài trong nhiều năm – có thể mang lại thay đổi nền tảng và sâu rộng hơn. Ngay cả những thỏa thuận sửa đổi được khôi phục lại giữa Mỹ với đồng minh cũng nhằm cô lập Trung Quốc, buộc Bắc Kinh từ bỏ các hoạt động thương mại vụ lợi như chuyển giao công nghệ cưỡng ép.
Những gì chính quyền tổng thống Donald Trump khởi xướng thậm chí đã vượt ra ngoài phạm vi thuế quan, dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc trong chính sách Trung Quốc của Mỹ, hứa hẹn định hình lại địa chính trị và thương mại toàn cầu. Sự thay đổi này hơn nữa cũng nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, mong muốn hành động quyết đoán hơn để kiềm chế Trung Quốc, nên có lẽ nó còn kéo dài đến sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ áp dụng chính sách đối đầu Trung Quốc một cách công khai, hay không hẳn là một cuộc chiến tranh lạnh mới đang diễn ra như nhiều người nhận định. Thay vào đó, Mỹ dường như đang hy vọng đòn bẩy kinh tế có thể khiến Trung Quốc suy yếu – một cách tổn thương theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
Nhờ có bước tiến lớn trong việc tăng cường sức mạnh công nghệ và địa chính trị, Trung Quốc đang ở vị thế mạnh để chịu đựng áp lực của Mỹ. Dù phải hy sinh phần nào sự phát triển kinh tế nhưng sự hy sinh này được cho là xứng đáng để bảo vệ giấc mơ Trung Quốc. Ngay cả khi áp lực leo thang, Trung Quốc vẫn có thể áp dụng chiến lược lùi một bước tiến hai bước để tiến tới mục tiêu tham vọng của mình.
Nhưng những nỗ lực của Mỹ không hẳn là vô ích, nhà nghiên cứu cho biết. Trái lại, nó tạo ra cơ hội cuối cùng để Mỹ ngăn cản Trung Quốc trước khi nước này có được công nghệ quan trọng để giành được lợi thế địa chính trị ở châu Á và xa hơn.
(Nguồn: Project Syndicate)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Mỹ rút khỏi hiệp ước vũ khí với Nga để nhắm vào Trung Quốc?
Quyết định rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga của Mỹ, nhìn bề ngoài có thể là đòn tấn công đối với đối thủ cũ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng các chuyên gia nhận định, mục tiêu lớn hơn ở đây có khả năng là Trung Quốc.
Fu Mengzi, phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho rằng kế hoạch từ bỏ Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) của ông Trump là dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu chiến lược với Bắc Kinh.
"Sau khi rời INF, Mỹ được dự đoán sẽ đẩy mạnh những chương trình phát triển và triển khai vũ khí chiến lược mới" - ông Fu nói.
Bên cạnh cuộc chiến thương mại đang leo thang, căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có những dấu hiệu đối đầu, đặc biệt ở Biển Đông, theo SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald trump. (Ảnh: Sky News)
Trả lời trong một cuộc họp báo, người phát ngôn bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói Mỹ đã quyết định sai khi đơn phương muốn rút khỏi một thỏa thuận nổi bật nhất từ thời Chiến tranh lạnh đã giúp loại bỏ các nguy cơ tên lửa từ châu Âu.
"Hiệp ước INF là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng do Mỹ và Liên Xô đạt được trong Chiến tranh lạnh. Hiệp ước này đóng một vai trò quan trọng trong ổn định hóa các mối quan hệ quốc tế, duy trì cân bằng chiến lược và ổn định toàn cầu. Đến hôm nay nó vẫn vô cùng quan trọng" - bà Hoa nói.
Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông dự định rời khỏi INF vì Nga không tôn trọng thỏa thuận. INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp định loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).
Trung Quốc không tham gia ký kết hiệp định nên đã có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Các tên lửa chuỗi DF và HN của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000 km, khiến cả nước mỹ có thể nằm trong tầm tiếp cận, theo SCMP.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng quyết định của ông Trump có thể trở thành chất xúc tác cho cả Nga và Trung Quốc tích lũy phát triển chương trình hạt nhân.
"Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản ứng khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận bằng cách lấy đó làm cái cớ để hợp thức hóa các chương trình thúc đẩy quân sự" - nhà nghiên cứu nói.
Theo SCMP, dù thông báo sẽ rút khỏi INF của ông Trump có phần bất ngờ, hiệp định này đã cho thấy dấu hiệu "mệt mỏi" trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Năm 2008, Mỹ chính thức buộc tội Nga khởi động lại thử nghiệm tên lửa hành trình. Năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một báo cáo thường niên về tình hình tuân thủ quốc tế với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, cho rằng Nga vi phạm INF khi sản xuất hoặc thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 km đến 5.500 km. Nga phủ nhận cáo buộc vi phạm thỏa thuận.
Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói bước đi của ông Trump sẽ cho quân đội Mỹ cơ hội tự do hơn để phát triển và triển khai cả vũ khí thường và hạt nhân. "Trong bối cảnh rộng hơn, điều đó gây nguy hiểm không chỉ với Nga hay Trung Quốc mà là cho cả thế giới" - ông nói.
Báo Mỹ New York Times ngày 20/10 nói nếu Mỹ rời hiệp định, nước này có khả năng sẽ triển khai một phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk đã được thiết kế lại để có thể phóng từ mặt đất. Các tàu chiến và tàu ngầm Mỹ đã có thể mang theo Tomahawk với đầu đạn thông thường và các chuyên gia cho biết đầu đạn hạt nhân cũng có thể được điều chỉnh để tương thích với các tên lửa này.
Beatrice Fihn, giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế về từ bỏ vũ khí hạt nhân - chương trình giành giải Nobel Hòa bình năm 2017, nói ông Trump đang đưa Mỹ trượt vào một con đường chạy đua vũ trang hạt nhân trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới với sự tham gia của các quốc gia khác ngoài Nga và Mỹ.
"Quyết định này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại, vốn đã tồn tại một cách èo uột ngay từ những ngày đầu", ông này cho hay.
Theo ông Zhao, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.
Bình luận về nguyên nhân khiến Mỹ đưa ra quyết định này, ông Zhao cho rằng Washington đang lo ngại về kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Bản thân Tổng thống Trump cũng nhắc tới Trung Quốc khi đề cập tới lý do ông rút khỏi INF trong cuộc phỏng vấn với báo giới hôm 21/10.
"Trừ khi Nga và Trung Quốc tới và nói hãy thông minh lên và không ai trong chúng ta phát triển loại vũ khí này. Nhưng giờ thì Nga đang làm điều đó, Trung Quốc cũng đang làm điều đó và chỉ có chúng ta tôn trọng hiệp ước, đó là điều không thể chấp nhận được", ông Trump nói.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tập trận chung trên Biển Đông vào tuần tới Theo Sputnik, Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có cuộc tập trận chung đầu tiên trên Biển Đông vào tuần tới. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu trên tờ Asia Times cho biết: "Như chúng ta đã nói, hải quân các nước ASEAN đang trên đường tới Trạm Giang,...