Liên bang Nga đối mặt nguy cơ mất căn cứ quân sự tại Syria
Các căn cứ quân sự chiến lược của Liên bang Nga tại Syria, bao gồm Tartus và Hmeimim, đang đứng trước nguy cơ bị tấn công nghiêm trọng sau những bước tiến nhanh chóng của phe nổi dậy.
Ngoại trưởng Liên bang Nga Sergey Lavrov tại New York, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong khi đó, Moskva phải chia sẻ nguồn lực quân sự để đối phó với xung đột ở Ukraine, đặt ra những thách thức lớn về chiến lược và tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Cuộc tấn công bất ngờ của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – nhánh của Jabhat al-Nusra, cùng các đồng minh – đã khiến quân đội Syria chịu tổn thất nặng nề. Nhóm này đã nhanh chóng chiếm giữ các khu vực chiến lược, đẩy quân đội chính phủ khỏi Aleppo, Hama và Homs trước khi tiến sát ngoại ô Damascus. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, các lực lượng thánh chiến tiếp cận gần thủ đô, gây áp lực lớn lên chính quyền và cuối cùng buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời bỏ thủ đô Damascus.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov bác bỏ tin đồn về việc rút tàu chiến khỏi căn cứ Tartus. Ông khẳng định, các hoạt động quân sự của Liên bang Nga tại Địa Trung Hải vẫn đang diễn ra bình thường, đồng thời cho rằng những hình ảnh từ vệ tinh là nguyên nhân gây hiểu nhầm là các cuộc tập trận. Tuy nhiên, các cảnh báo từ những blogger chiến tranh nổi tiếng của Liên bang Nga, nhiều người có mối quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Theo đó, các cơ sở quân sự của Liên bang Nga tại Tartus và Hmeimim đang đối mặt với nguy cơ bị đánh chiếm hoặc phong tỏa, đe dọa khả năng duy trì hiện diện của Moskva tại Trung Đông.
Căn cứ Tartus – cảng biển chiến lược của Liên bang Nga ở Địa Trung Hải không chỉ đóng vai trò là trung tâm tiếp tế, mà còn là bàn đạp cho các hoạt động của Moskva tại châu Phi. Nếu căn cứ này rơi vào tay phiến quân, Moskva sẽ mất đi một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận hành quân sự toàn cầu. Tương tự, căn cứ Hmeimim – nơi hỗ trợ các cuộc không kích của Liên bang Nga, là trọng tâm cho chiến lược kiểm soát không phận Syria. Theo một blogger có ảnh hưởng, việc mất Hmeimim đồng nghĩa với việc Liên bang Nga sẽ không thể thực hiện 75% các chiến dịch không kích tại đây và đẩy quân đội Syria vào thế bất lợi nghiêm trọng.
Video đang HOT
Sự hạn chế về nguồn lực là một trong những nguyên nhân khiến Liên bang Nga gặp khó khăn trong việc hỗ trợ Syria. Hiện tại, phần lớn lực lượng và khí tài quân sự của Liên bang Nga đang tập trung cho chiến trường Ukraine, nơi Moskva đang nỗ lực kiểm soát tình hình trước khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump triển khai các chính sách. Điều này khiến sự hỗ trợ của Liên bang Nga đối với chính quyền al-Assad bị giảm sút đáng kể, hoàn toàn khác biệt so với thời điểm năm 2015 khi Moskva can thiệp quyết liệt vào cuộc xung đột tại Syria.
Ngoài áp lực từ chiến trường, thách thức về chính trị cũng đang bủa vây Moskva. Sự can thiệp vào Syria từng được Tổng thống Vladimir Putin coi là biểu tượng của sức mạnh địa chính trị và năng lực quân sự của Liên bang Nga. Tuy nhiên, thất bại trong việc bảo vệ các căn cứ quan trọng sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông. Một blogger chiến tranh nhận định rằng, nếu quân đội Liên bang Nga không thể giữ được các tỉnh Latakia và Tartus, mọi nỗ lực trong gần một thập kỷ qua – từ sinh mạng binh sĩ đến các chi phí khổng lồ về khí tài quân sự – sẽ trở thành “một khoản lỗ không thể bù đắp”.
Đối mặt với câu hỏi về tương lai của các căn cứ tại Syria, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Liên bang Nga sẽ làm tất cả để ngăn chặn “những kẻ khủng bố” giành chiến thắng. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ dựa vào quân đội Syria sẽ không đủ để bảo vệ các cơ sở quân sự trước sự tấn công dồn dập của các lực lượng thánh chiến.
Diễn biến tại Syria không chỉ đặt Liên bang Nga vào tình thế khó khăn mà còn làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Các bước tiến của phiến quân được cho là có sự hỗ trợ từ tình báo Ukraine, mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Với Trung Đông là một khu vực quan trọng trong chiến lược của nhiều cường quốc, sự suy yếu của Liên bang Nga tại đây có thể tạo điều kiện cho các lực lượng khác gia tăng ảnh hưởng.
Nga hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi các cuộc tiến công của phiến quân
Ngày 1/12, Nga thông báo nước này đang hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi lực lượng phiến quân ở ba tỉnh phía Bắc, khi Moskva tìm cách hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cửa sổ của một tòa nhà ở thành phố Aleppo, Syria bị hư hại sau cuộc tấn công của phiến quân, ngày 29/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố của quân đội Nga cho biết quân đội Syria với sự yểm trợ của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang đẩy lùi hoạt động tiến công của phiến quân ở các tỉnh Idlib, Hama và Aleppo.
Cùng ngày, Điều phối viên thường trú và Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria Adam Abdelmoula đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở thành phố Aleppo, Tây Bắc Syria, đồng thời hối thúc các bên liên quan tiến hành đối thoại.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Abdelmoula nhấn mạnh tình trạng bạo lực tại Aleppo, bắt đầu từ ngày 27/11, đã gây nhiều thương vong cho dân thường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng dân sự và làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.
Ông cũng kêu gọi tất cả các bên xung đột chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, ưu tiên bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ. Quan chức LHQ này khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc cung cấp hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trước diễn biến tại Syria, trong một tuyên bố chung, Mỹ cùng các đồng minh là Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi giảm căng thẳng tại Syria, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quốc gia Trung Đông này.
Tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ căng thẳng leo thang hiện tại nhấn mạnh đến vấn đề cấp bách cần có một giải pháp chính trị tại Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hòa bình tại nước này.
Cũng trong ngày 1/12, trong nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn căng thẳng leo thang tại Syria, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Abu Dhabi. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các chiến lược nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tiếp theo ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Syria.
Hãng thông tấn WAM của UAE đưa tin, trong cuộc hội đàm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước Arab nhằm đối phó với những thách thức phức tạp mà khu vực đang phải đối diện. Căng thẳng ở Syria đang gia tăng khi các nhóm phiến quân tiến vào các khu vực do chính phủ kiểm soát và tuyên bố chiếm các thành phố ở hai tỉnh Aleppo và Idlib.
Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự cần thiết phải có những nỗ lực chung để duy trì ổn định và ngăn chặn khu vực rơi vào các cuộc khủng hoảng mới có thể đe dọa đến an ninh toàn khu vực.
Ngoại trưởng UAE, Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, cũng đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Iraq, Jordan và Ai Cập để trao đổi quan điểm về tác động của các diễn biến khu vực đối với an ninh và ổn định, đặc biệt là tình hình ở Syria. Ông tái khẳng định sự ủng hộ của UAE đối với Syria trong việc giải quyết chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đồng thời bày tỏ mong muốn duy trì an ninh và thịnh vượng lâu dài ở Iraq.
Trong bối cảnh lực lượng phiến quân chiếm giữ các vùng lãnh thổ quan trọng ở các tỉnh Aleppo và Idlib, quân đội Syria đã thực hiện các chiến dịch phản công để giành lại các khu vực này.
Lời kể nạn nhân trong vụ động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chúng tôi chỉ biết nằm yên và đợi cho hết rung chuyển Lực lượng cứu hộ đang chạy đua để tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, khi số người chết đã vượt quá 500 người. Khoảng 4h (giờ địa phương) rạng sáng 6/2, một vụ động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển cả một vùng đất ở...