Lịch đi học lại sau Tết Nguyên đán của học sinh cả nước
Nhiều địa phương đang điều chỉnh kế hoạch đi học trực tiếp của học sinh sau Tết Nguyên đán căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể trên địa bàn.
Chỉ còn 3 ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Dần, học sinh tại hầu hết các địa phương đã được nghỉ Tết. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng đang tích cực xây dựng kế hoạch đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp tuỳ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương.
1. TP.HCM: Từ ngày 7/2, các trường sẽ chuẩn bị công tác đón trẻ mầm non và học sinh tiểu học, lớp 6 trở lại học trực tiếp.
Từ 14/2, các trường bắt đầu đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp phụ huynh chưa đồng thuận, học sinh tiếp tục học trên môi trường Internet, truyền hình, giao bài tự học.
2. Hà Nội: Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở khu vực được đánh giá dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 đến trường từ ngày 8/2. Học sinh từ lớp 6 trở xuống duy trì việc học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.
Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 tổ chức dạy học trực tuyến. Học sinh cư trú tại 2 khu vực này không đến trường học mà ở nhà học online. Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.
Lịch đi học lại của học sinh được điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh tại địa phương
3. Hải Phòng:Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh của từng địa phương, UBND các quận, huyện quyết định lịch đi học trực tiếp trước ngày 14/2/2022 đối với cấp học mầm non và tiểu học. Đối với cấp học phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên) sẽ triển khai học trực tiếp từ ngày 7/2/2022.
Video đang HOT
4. Đà Nẵng: Học sinh, học viên từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường, trung tâm đi học trực tiếp từ ngày 7/2. Với trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 6, căn cứ hướng dẫn của các cấp và tình hình thực tế, sở thông báo sau.
5. Đồng Nai: Từ 14/2 tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên các trường trở lại học trực tiếp.
6. Quảng Ngãi: Từ ngày 7/2, học sinh bậc THCS, THPT và GDTX ở vùng xanh, vùng vàng bắt đầu học trực tiếp, bậc mầm non và tiểu học đến trường học từ ngày 14/2.
7. Bình Phước: Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại cơ sở giáo dục thuộc địa phương cấp độ 1 và cấp độ 2 tiếp tục dạy và học trực tiếp. Học sinh lớp 9 và lớp 12 tại các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn cấp độ 3 học trực tuyến kết hợp trực tiếp từ ngày 14/2.
Trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tiếp tại cơ sở giáo dục thuộc địa phương cấp độ 1 từ ngày 14/2. Hình thức tổ chức dạy học đối với trẻ mầm non ở lứa tuổi còn lại sẽ được xem xét trước ngày 21/2.
8. Bình Thuận: Học sinh lớp 7-12 đi học tập trung từ ngày 7/2. Trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 chuyển sang học trực tiếp từ ngày 14/2.
9. Kiên Giang: Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2 đối với các vùng dịch cấp độ 1 và 2.
10. Vĩnh Long: Học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 7/2. Nhà trường tiếp tục dạy học bằng hình thức phù hợp đối với những khối còn lại.
Từ ngày 14/2, học sinh các khối lớp 5, 6, 10, 11 trở lại trường để học trực tiếp. Các khối lớp còn lại tiếp tục dạy học bằng các hình thức phù hợp. Từ ngày 21/2, các khối lớp 2, 7, 8 trở lại trường để học trực tiếp. Các khối lớp còn lại tiếp tục dạy học bằng các hình thức phù hợp.
Tính đến ngày 25/1, cả nước có 14 địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. 30 tỉnh, thành dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình. 19 địa phương dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, dự kiến đến ngày 7/2, hơn 17 triệu học sinh (chiếm 75,71% tổng số học sinh cả nước) sẽ trở lại trường.
Tổng hợp
Học sinh Hà Nội có thể đến trường sau kỳ nghỉ Tết?
Hà Nội dự kiến cho học sinh từ lớp 7 đến 12 đi học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều hiệu trưởng, việc học sinh trở lại trường còn phụ thuộc số ca nhiễm có tăng cao.
Nhất trí về quan điểm
Với sự thận trọng và luôn đặt yếu tố an toàn lên trên hết, điều kiện tiên quyết để Hà Nội cho học sinh trở lại trường là "dịch bệnh được kiểm soát và ổn định". Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 có thể đi học ngay sau kỳ nghỉ Tết, tức ngày 7-8/2 nếu dịch bệnh thuyên giảm. Thông tin được các nhà trường, giáo viên, học sinh trên toàn TP đón nhận trong niềm vui mừng, phấn khởi bởi ngày được đến trường của đông đảo học sinh đang đến rất gần.
Học sinh lớp 9 vùng an toàn thuộc ngoại thành Hà Nội được đến trường từ tháng 11/2021
"Mọi công tác liên quan đến việc đón học sinh trở lại được nhà trường nắm rất rõ và từng chuẩn bị nhiều lần trước đó. Trường đã thực hiện diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong đợt cho học sinh lớp 9 đi học vào đầu tháng 11/2021. Công tác phân công nhiệm vụ, phối hợp phụ huynh, truyền thông đến học sinh, cán bộ giáo viên được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng. Do vậy, tinh thần sẵn sàng đón học sinh trở lại sau Tết Nguyên đán sẽ luôn được kích hoạt ở mức cao nhất"- Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) Đặng Thúy Hà cho biết.
Theo chị Ngô Thị Mỹ Hạnh (quận Hai Bà Trưng) thì chị và nhiều phụ huynh có con học lớp 9 đồng tình với việc cho học sinh trở lại trường sau nghỉ Tết. Phụ huynh này đưa ra lý do bởi hình thức online kéo dài khiến vợ chồng chị lúc nào cũng cảm thấy thắc thỏm, không yên tâm về tình hình học tập của cậu con trai cuối cấp. Con mở mắt ra là xộc xệch bật máy tính; ôm máy suốt từ sáng đến chiều; tối ăn vội vàng bữa cơm rồi lại học đến đêm mà hiệu quả không thể như trực tiếp. Thêm vào đó, con cả ngày không nói câu gì, tâm lý bất ổn, hay lo lắng và hoài nghi chính bản thân. "Tôi và chồng thường xuyên đi tiếp khách do yêu cầu công việc. Mỗi dịp sinh nhật hay có giỗ chạp, đại gia đình vẫn tổ chức ngồi với nhau. Thậm chí, tôi còn chở con sang nhà bạn thân chơi và còn cho con đi mua sắm quần áo Tết. Chừng ấy hoạt động và tiếp xúc rồi lại để con học online do sợ dịch thì thấy rất vô lý. Mặt khác, con, bạn bè và thầy cô giáo đều đã tiêm 2 mũi vaccine. Đến thời điểm này, khi cái nhìn về dịch Covid đã đổi khác thì không có lý do gì để giữ các con ở nhà nữa"- Chị Mỹ Hạnh phân trần.
Là đối tượng sẽ trực tiếp thụ hưởng niềm vui đi học, Nguyễn Mai Anh, lớp 7 trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) rất hân hoan. Cô nữ sinh tâm sự, từ đầu năm học, em chưa được đến trường lần nào; với bạn bè, thầy cô cũng chỉ gặp mặt, tương tác qua màn hình máy tính, điện thoại. Học ở nhà quanh bốn bức tường, Mai Anh cảm thấy bí bách và gò bó; sinh hoạt có phần thiếu khoa học, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo vì thường ăn muộn, bỏ bữa. Chẳng những vậy, do ít vận động nên em uể oải, kém tập trung, mỏi mắt. Nhiều bạn của Mai Anh cũng suốt ngày hỏi nhau bao giờ được tới trường.
Thời điểm nào hợp lý?
Mong đợi là vậy nhưng nỗi băn khoăn về công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch luôn hiện hữu khi dịch bệnh Covid- 19 trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng lớn với nguy cơ về biến chủng Omicron. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền, đông đảo người dân trở về quê hương và sau kỳ nghỉ, mọi người quay lại Hà Nội để sinh sống, làm việc, học tập.
Các trường học luôn đề cao yếu tố an toàn khi học sinh đi học trở lại
"Yếu tố con người, cơ sở vật chất luôn sẵn sàng để đón học sinh đi học trực tiếp; tuy nhiên, việc có đi học được hay không lại phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu Hà Nội cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết, tức khoảng ngày 7-8/2 thì tôi thực sự thấy không ổn bởi trong ngày đầu tiên chưa thể đánh giá được về tình hình dịch ở các khu vực, địa bàn và dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên- kể cả tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine của đối tượng này đạt gần 100%"- hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn Nam Từ Liêm thẳng thắn nêu ý kiến.
Bày tỏ về thời điểm đến trường, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tây Đằng Đặng Thúy Hà cũng cho rằng, chưa thể nói cụ thể ngày học sinh trở lại trường vì phụ thuộc vào cập nhật tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn - như cách Hà Nội đã triển khai cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học thời gian qua. Việc theo dõi, báo cáo, phối hợp giữa nhà trường và Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương; giữa Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh phải chặt chẽ để thường xuyên thông tin về ca nhiễm, ca nghi nhiễm; từ đó có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời.
"Theo lịch, ngày 7/2 (mùng 7 Tết) là ngày mọi người đi làm trở lại. Nếu tình hình ổn định, học sinh được đến trường thì theo tôi nên cho các con đi sau đó 2 ngày, tức từ ngày 9/2 để các cơ quan chức năng có thời gian đánh giá mức độ dịch và thầy cô, nhà trường làm công tác tổng vệ sinh một lần nữa và chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón học sinh"- đây là ý kiến của Hiệu trưởng trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Anh. Còn thầy Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trường trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) kiến nghị, nếu được thì nên cho học sinh đi học sau nghỉ Tết một tuần để phụ huynh, học sinh và các nhà trường yên tâm bởi việc đánh giá mức độ dịch cũng cần có thời gian chứ không thể thực hiện ngay trong ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ được.
Trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đón học sinh từ lớp 7 đến 12 đi học trực tiếp nên thời gian này, các trường vừa triển khai dạy và học theo chương trình kỳ 2, vừa có kế hoạch vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị trang thiết bị đầy đủ và các phương án ứng phó linh hoạt trước khi nghỉ Tết. Tất cả cùng cầu mong một cái Tết bình an, dịch bệnh ổn định để học sinh được đến trường.
"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Bộ Y tế cũng đã nêu một số quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa học sinh nhanh chóng học trực tiếp trở lại trong thời gian tới. Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường... Không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng mở cửa trường học đón học sinh..."- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Mở cửa an toàn để học sinh được đến trường Giáo dục và Đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Việc kéo dài học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh. Giờ học trực tiếp của...