Lào Cai bảo đảm dạy và học hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19
Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Lào Cai là một trong những tỉnh thuộc vùng xanh, tận dụng cơ hội vàng này, các thầy, cô giáo và hơn 228 nghìn học sinh các cấp nỗ lực dạy và học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.
Học sinh lớp 7A, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phìn Ngan (Bát Xát – Lào Cai) trong giờ học môn Toán.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 228.000 học sinh ở các cấp học, với 612 trường học, 8.242 lớp, tăng 64 lớp và 6.022 học sinh so với năm học 2020-2021.
Ngay từ khi khai giảng năm học, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các trường, lớp học tập trung thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như khử khuẩn môi trường, vệ sinh trường lớp, thực hiện 5K và tiêm vaccine phòng dịch.
Nhờ vậy, Lào Cai duy trì và bảo vệ được “vùng xanh”, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, bảo đảm cho toàn bộ học sinh được học trực tiếp tại lớp học.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép người lao động từ các tỉnh được trở về quê theo nguyện vọng.
Từ ngày 5/10 đến nay, đã có hàng trăm người lao động đi xe máy vượt hàng nghìn cây số từ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trở về quê ở các huyện vùng cao như Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sa Pa (Lào Cai), trong ngày 9/10, qua xét nghiệm PCR đã phát hiện 3 ca dương tính, đưa đi cách ly tại các cơ sở tập trung của tỉnh.
Video đang HOT
Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai, hiện có hơn 500 lao động quê Lào Cai đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, số lao động trên đang trở về địa phương trong những ngày tới. Vì vậy, việc bảo đảm dạy và học thuận lợi, hiệu quả và an toàn được đặt lên hàng đầu hiện nay.
Chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phìn Ngan, thuộc huyện biên giới Bát Xát. Cô giáo hiệu trưởng Bùi Thị Hồng Mơ cho biết, nhà trường có 197 học sinh dân tộc Dao và Phù Lá, trong đó có 154 học sinh bán trú (ăn ở và học tập tại trường 5 ngày/tuần, chỉ về nhà vào thứ bảy và chủ nhật), hiện tại đang học trực tiếp trên lớp, duy trì 2 buổi/ngày (sáng và chiều), tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 98% trở lên. Vào lớp 7A, có 24 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Dao, do thầy Trần Nho Việt làm chủ nhiệm, các em đều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm giãn cách, đang chăm chú học môn Toán.
Theo cô giáo Hiệu trưởng Bùi Thị Hồng Mơ, trong thời gian bán trú tại trường, 154 em học sinh học tập theo thời khóa biểu và sinh hoạt theo nền nếp quy định, có giáo viên phụ trách nên bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Lo ngại nhất là những ngày cuối tuần, các em học sinh trở về nhà sau đó quay lại trường vào sáng thứ hai, nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm từ bên ngoài là rất cao.
Học sinh Trường tiểu học Quang Kim (Bát Xát – Lào Cai) kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 trước khi vào lớp học.
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhà trường lập “Tổ an toàn Covid” để phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương và Tổ phòng, chống dịch cộng đồng ở thôn bản và cha mẹ học sinh ở đó, nhằm kiểm soát, phát hiện và thông báo kịp thời nguy cơ lây nhiễm để chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Bát Xát Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện Bát Xát đều có “Tổ an toàn Covid-19″, do Hiệu trưởng, Công Đoàn, Giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Ban đại diện cha mẹ học sinh và Trưởng thôn bản có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.
Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của thành viên Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn bản trong tuyên truyền phòng, chống Covid-19 ở cơ sở, tập trung vào những phụ huynh tích cực, coi đó như “cánh tay nối dài” để quản lý, kiểm soát các học sinh khi về gia đình dịp nghỉ cuối tuần. Nhờ vậy, mọi biến động về dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ, lây nhiễm ra cộng đồng.
Bên cạnh việc bảo đảm an toàn dịch, giữ vững vùng xanh trong nhà trường, để bảo đảm khối lượng nội dung kiến thức, Phòng chỉ đạo các nhà trường cần tranh thủ tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp. Đối với cấp tiểu học, thực hiện nghiêm túc việc dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên các trường điều chỉnh nội dung dạy học, cô đọng nội dung bài giảng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung kiến thức mới và các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Việc dạy học trực tuyến cần sắp xếp các nội dung cho phù hợp, đồng thời hướng dẫn học sinh tự học ở nhà dưới sự hỗ trợ của phụ huynh.
Ngoài ra, các nhà trường bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm và không gây áp lực đối với học sinh; cuối năm học, các em đạt được yêu cầu theo quy định của chương trình. Riêng đối với khối học sinh lớp 9, để bảo đảm cho thi vào lớp 10 THPT, các trường ưu tiên đẩy lên dạy trước, bảo đảm chất lượng và hiệu quả học tập của học sinh.
Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, ngoài thực hiện 5K, sát khuẩn theo quy định của Bộ Y tế, Sở chỉ đạo các trường học thực hiện giãn cách tối đa vị trí ngồi của học sinh/lớp; hạn chế tối đa việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người ngoài lớp học. Phân chia khung thời gian tới trường, tan trường khác nhau giữa các khối lớp để giảm tập trung đông người khu vực cổng trường, sân trường.
Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả dạy và học, các trường học xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19, phương án tổ chức các hoạt động giáo dục theo từng cấp độ phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng chuyển trạng thái tổ chức các hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.
Các trường tiến hành rà soát, phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp phụ đạo, bồi dưỡng; đẩy nhanh tiến độ chương trình, tùy vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để bố trí dạy tăng buổi từ 1 đến 2 buổi, có thể dạy vào thứ bảy, một ngày không quá 7 tiết; khi xếp thời khóa biểu phải bảo đảm vừa sức, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Lào Cai dồn lực cho giáo dục vùng cao
Tại các huyện vùng cao Lào Cai, thời điểm này, bên cạnh hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai bão lũ, dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh còn ban hành một số chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục cùng chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vận động các gia đình đưa học sinh đến trường đảm bảo tỷ lệ chuyên cần trong năm học mới.
Giảm nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng
Các lớp học tại trường tiểu học thị trấn Sa Pa được trang bị đèn sưởi để giữ ấm cho học sinh. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tại quyết định này, Lào Cai có 64 xã thuộc khu vực I đã hoàn thành nông thôn mới và ước tính sẽ có hàng trăm ngàn trẻ em và học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, giảm học phí. Điều này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học mới 2021-2022. Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai Nhâm Tiến Đức cho biết, triển khai Quyết định số 861, toàn bộ học sinh của 4 xã (Cán Cấu, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế) và thị trấn Si Ma Cai không còn chế độ hỗ trợ, đồng nghĩa với việc ngành Giáo dục địa phương mất đi hơn 12 tỷ đồng/năm chăm lo việc học của các em. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 861, học sinh bán trú ở những địa bàn trên không còn được hỗ trợ 569.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng (theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Đồng thời, nhiều học sinh không còn trong diện được hỗ trợ học phẩm theo Nghị quyết số 29 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025. Các học sinh mầm non sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, ngoài việc không còn được hỗ trợ gạo, sách giáo khoa, điều lo lắng nhất là năm học tới, học sinh Trung học Cơ sở không thuộc hộ nghèo tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này sẽ không được miễn, giảm 70% học phí như trước. Thay vào đó, mức học phí phải đóng được nâng từ 10.000 đồng lên 60.000 đồng/học sinh/tháng. "Đối với những gia đình có 4-5 con đi học thì đây thực sự là khoản đóng góp không nhỏ", ông Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của đội ngũ giáo viên vùng cao, có thể nói, trong số các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai trên địa bàn Lào Cai thời gian qua, chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/N-CP của Chính phủ mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nhờ có chính sách hỗ trợ này, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở Lào Cai đã yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường. Do đó, không khó hiểu khi có nhiều người lo ngại nếu không có nguồn lực giải quyết khó khăn, nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng có thể xảy ra.
Dồn lực "gỡ khó"
Giữa lúc khó khăn bủa vây đến từ nhiều phía, tin vui đã đến với các trường học vùng cao Lào Cai khi mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ra Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh, trẻ mầm non tại các xã khu vực II và III dù đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn Lào Cai vẫn được hưởng các chính sách đặc thù như: hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 160.000 đồng/trẻ em/tháng cho trẻ nhà trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập...
Việc ban hành nghị quyết trên được coi là cơ sở để các xã duy trì và nâng cao tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới bởi trên thực tế, mặc dù đã đạt nông thôn mới song các tiêu chí đạt chuẩn chỉ ở mức thấp, đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ. Mặc dù thời gian hưởng hỗ trợ quy định trong nghị quyết này không quá 9 tháng trong một năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022 nhưng theo đánh giá của những người làm giáo dục vùng cao Lào Cai, điều này đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ của tỉnh trước những khó khăn của người dân trong vấn đề giáo dục, đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp cụ thể, ngành Giáo dục và các địa phương đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học 2021 - 2022. Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết, nghị quyết mới được thông qua đã "gỡ khó" một phần cho giáo dục vùng cao trong vấn đề hỗ trợ kinh phí ăn bán trú. Các vấn đề liên quan đến gạo, học phí... vẫn là một trở ngại đối với nhiều gia đình có con em đi học ở địa phương. Giải pháp bước đầu, trong năm học mới, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã bị ảnh hưởng có thể quay trở lại mô hình trường học bán trú dân nuôi (phụ huynh đóng góp gạo, thực phẩm) để duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Về vấn đề sách giáo khoa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các trường khẩn trương rà soát, liên hệ với phụ huynh đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa cho con, đặc biệt với lớp 2 và lớp 6, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa trong đầu năm học mới.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết, Mường Khương sẽ làm việc với 6 xã, thị trấn để bàn giải pháp an sinh xã hội, trong đó có công tác giáo dục. Với tác động của Quyết định 861, việc sẽ có một số học sinh thôi học là điều có thể lường trước. Do đó, ngành Giáo dục địa phương và chính quyền các cấp huyện Mường Khương đang nỗ lực vận động tuyên truyền người dân khắc phục khó khăn cho con em đến trường, không bỏ dở việc học. "Mục tiêu của chúng tôi đặt ra là cố gắng không để em nào bị thất học hoặc không có sách giáo khoa và thiếu đồ dùng học tập khi đến trường", ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Chủ động sách giáo khoa cho học sinh vùng khó Trước thềm năm học mới, việc chuẩn bị SGK đã được các địa phương, ngành GD, nhà trường nỗ lực để HS không phải học "chay"; điều này đặc biệt ý nghĩa trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.. Đảm bảo SGK cho HS vùng khó trước thềm năm học mới. Ảnh: Đức Trí Ban ngành, cá nhân cùng vào cuộc...