Lan tỏa yêu thương, tiếp sức trẻ em nghèo đến trường
Với tình thương yêu, đùm bọc của những người lính mang quân hàm xanh, cuộc sống của rất nhiều đứa trẻ được nhận nuôi tại các đồn Biên phòng đã bước sang một trang mới.
Các em được học hành, được ăn no, mặc ấm và đón nhận những tình cảm ấm áp, thân thương của những người lính hết lòng vì dân.
Thiếu úy Sinl luôn dành tình cảm và sự chăm sóc ân cần đối với em Nguyễn Văn Huy Chương. Ảnh: Hồ Phúc
Đổi thay phận đời
Sau hơn một năm đến sống cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lộc Thiện, BĐBP Bình Phước, em Đặng Phi Long, học sinh lớp 2A3, Trường Tiểu học Lộc Thiện, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã thay đổi từ ngoại hình đến cách nói chuyện. Cậu bé gầy gò đen nhẻm ngày nào giờ vóc dáng đã đầy đặn và không còn vẻ e ngại như những ngày đầu.
Long là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cha mất sớm, không lâu sau đó, mẹ em đi lấy chồng. Từ nhỏ, em và bà ngoại sống tại ấp 11B, xã Lộc Thiện. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên khi đang học lớp 1, Long phải nghỉ học giữa chừng. Vì thế, khi triển khai mô hình “ Con nuôi đồn Biên phòng”, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lộc Thiện đã quyết định nhận nuôi Long cho đến khi học hết lớp 9.
Video đang HOT
Tại ngôi nhà mới, hằng ngày, việc học hành, ăn, ngủ, nghỉ của Long do Thiếu tá Trần Đức Minh, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lộc Thiện phụ trách. Từ ngày có Long, căn nhà của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Lộc Thiện lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Mặc dù điều kiện ăn ở còn khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn dành cho Long những điều kiện tốt nhất để em sống và học tập. Hiện tại, Long đã quen thuộc với nếp sống như một chiến sĩ thực thụ. Mỗi sáng, 5 giờ 15 phút, đơn vị báo thức, em dậy cùng các cán bộ, chiến sĩ tập thể dục, sau đó ăn sáng và đi học.
Nhắc đến tình cảm mà bản thân và đồng đội dành cho con nuôi của đơn vị, Thiếu tá Trần Đức Minh vui vẻ nói: “Hằng ngày, tuy có bận rộn hơn so với trước kia, nhưng tôi cảm thấy rất vui. Tôi luôn tận dụng thời gian trước và sau giờ làm việc để đưa đón cũng như giúp cháu Long tắm giặt, ăn uống. Tôi cũng như anh em khác trong đơn vị luôn yêu quý và coi cháu như con ruột của mình”.
Ấm áp, thân thương
Trong thời tiết se lạnh của buổi chiều Chủ nhật, tôi cùng Thiếu úy Chau Kum Sinl, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang đến thăm bà Trần Thị Nhứt, trú tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bà Nhứt là bà ngoại của em Nguyễn Văn Huy Chương, con nuôi của Đồn Biên phòng Lạc Quới.
Trong câu chuyện với bà ngoại Chương, tôi cảm nhận được sự biết ơn của bà đối với những người lính Biên phòng, bởi thời gian qua, bà luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây. Đặc biệt, tháng 8-2020, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lạc Quới đã vận động các tổ chức có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho bà.
Theo tìm hiểu của tôi, tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, không ai là không xót thương cho hoàn cảnh của hai bà cháu Chương. Mồ côi cha mẹ từ khi chưa tròn 1 tuổi, cũng từ đó, Chương sống cùng bà ngoại đã gần 80 tuổi trong căn chòi chật hẹp. Khi về sống tại Đồn Biên phòng Lạc Quới, em được cán bộ, chiến sĩ chăm lo từ việc được học hành đến cái ăn, cái mặc.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, bà Nhứt vui vẻ cho biết: “Từ ngày về sống tại đồn Biên phòng, cháu ngoan lắm. Nhà cách đồn Biên phòng chừng 3 cây số nên cứ cuối tuần là cháu Chương lại được chú Sinl đưa về thăm tôi, chiều Chủ nhật, chú Sinl lại đến đón về đơn vị. Tôi luôn tin rằng, được các chú Biên phòng chăm sóc, tương lai của cháu sẽ tươi sáng hơn. Cảm ơn các chú nhiều lắm!”.
Thiếu úy Sinl, người phụ trách chăm sóc Chương cho biết: “Ngày trước mới về, Chương chỉ được 17 ký, đến nay, cháu đã tăng gần 8 ký rồi, ngoan và lễ phép lắm. Trong lớp 2A, Trường Tiểu học Lạc Quới, thành tích học tập của Chương được xếp vào tốp khá giỏi của lớp”. Chia sẻ với chúng tôi, Chương thích thú khoe: “Năm học vừa rồi, con được Giấy khen của trường nên các ba thưởng cho con nhiều đồ chơi và dụng cụ học tập. Các ba cũng hứa, Tết Nguyên đán năm nay con sẽ được nhận nhiều lì xì và quần áo mới. Con luôn cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng của các ba Biên phòng”.
Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cũng như đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lạc Quới đã lập cho con nuôi của đơn vị một cuốn sổ tiết kiệm. Đến nay, số tiền tiết kiệm đã được hơn 12 triệu đồng. Đơn vị dự định khi cháu Nguyễn Văn Huy Chương đủ 18 tuổi sẽ trao lại cho em để em có kinh phí học đại học.
Nghị lực viết chữ bằng chân
Đó là trường hợp đặc biệt của em Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).
Trung bị liệt tứ chi khi mới sinh ra. Tám năm cắp sách đến trường cũng là thời gian em rèn luyện viết chữ trên đôi chân của mình. Nghị lực vượt khó đầy quyết tâm của Trung càng làm cho bà con lối xóm, thầy cô, bạn bè quý mến.
Nguyễn Minh Trung viết chữ bằng đôi chân trong tám năm học qua.
Khi Trung lên 2 tuổi, cha mẹ chia tay, em được ông bà ngoại cưu mang. Thương cháu, ông bà tìm mọi cách chạy chữa để Trung đi được bằng hai chân, nhưng đôi tay của em vẫn bị khuyết tật. Từ bé, Trung đã phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật chỉnh hình đầy đau đớn để có thể đi đứng được như ngày hôm nay. Tám năm cắp sách đến trường là quãng thời gian đầy thử thách đối với cậu học trò nhỏ này.
Trung chia sẻ: "Lúc đầu, em chưa quen nên khi kẹp viết vào ngón chân khá đau và viết không được thẳng nét. Sau 2 năm rèn luyện, đôi chân em đã viết được chữ. Hiện nay, em đã dùng chân tự soạn tập vở, đút ăn, uống... mà không cần sự hỗ trợ từ ông bà ngoại".
Hiện tại, đôi chân của Trung không chỉ viết chữ mà còn sử dụng được tất cả các dụng cụ học tập khiến cho thầy cô thương mến, còn bạn bè ngưỡng mộ. Em Nguyễn Thanh Thịnh, Trường THCS Trung Thạnh, nói: "Em khâm phục nhất ở bạn Trung là dù bị khuyết tật nhưng bạn vẫn kiên trì rèn luyện để sử dụng đôi chân của mình viết chữ. Dù sinh hoạt khó khăn nhưng bạn vẫn đến lớp đều đặn và chăm chỉ học tập. Bạn Trung còn là người rất hòa đồng, thân thiện với bạn bè".
Gia đình ông bà ngoại Trung ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ ỏ, thuộc diện hoàn cảnh khó khăn. Không có ruộng đất sản xuất nên ông ngoại của Trung chạy xe ôm, kiếm sống qua ngày. Ông Trần Công Quyến, ông ngoại Trung, kể: "Ngoài lo cho Trung ăn học, gia đình tôi còn chăm sóc 1 người con bị khuyết tật không có khả năng lao động nên kinh tế rất khó khăn. Tôi đã 59 tuổi, công việc thường ngày là chạy xe ôm. Tuy nhiên, thu nhập không ổn định".
Thầy Nguyễn Bá Tâm, giáo viên chủ nhiệm của Trung, cho biết: "Do Trung viết chữ bằng chân nên nhà trường đã bố trí ở dãy đầu với cái bàn rộng để em ngồi thoải mái khi viết bài và dễ dàng tiếp thu bài vở thầy cô giảng dạy. Trong lớp, Trung là một học sinh ngoan và ý thức học tập cao nên được thầy cô và bạn bè quan tâm, hỗ trợ.
Những năm qua, nhà trường luôn quan tâm, xét miễn giảm học phí cho em; các ngày lễ, Tết em cũng nhận quà từ trường và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngoài ra, nhà trường cũng tạo điều kiện cho Trung được nhận học bổng nhằm tiếp thêm sức mạnh, động lực để em phấn đấu học tập".
Câu chuyện vượt khó của Trung thật sự truyền cảm hứng cho những người thiếu may mắn, đồng thời, có sức lan tỏa khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hy vọng với đôi chân "đặc biệt", Trung sẽ tiếp tục học tập tốt và thi đậu đại học như em từng mơ ước.
Tình thương vô bờ nơi vùng biên Hà Tĩnh Xuất phát từ tình thương vô bờ bến, thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn Biên phòng" do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh đã tiết kiệm tiền lương để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em học sinh nghèo ở các địa bàn biên phòng có điều kiện được tới trường....