Lần đầu có bằng chứng khẩu trang thực sự giảm nguy cơ nhiễm virus
Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Hong Kong lần đầu tiên cho thấy bằng chứng việc sử dụng khẩu trang giúp giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Theo AFP, nghiên cứu mới được công bố hôm 17/5 của các nhà khoa học từ Đại học Hong Kong cho thấy việc sử dụng khẩu trang giúp giảm đáng kể sự lây truyền của virus corona.
Các nhà khoa học đặt những con chuột hamster đã bị nhiễm bệnh nhân tạo trong một lồng riêng, cạnh một lồng khác nhốt những con vật khỏe mạnh. Khẩu trang phẫu thuật được đặt giữa hai chiếc lồng, không khí được điều hướng thổi từ lồng chưa chuột nhiễm bệnh về phía lồng chứa chuột khỏe mạnh.
Nghiên cứu của Đại học Hong Kong chỉ ra đeo khẩu trang giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm virus corona. Ảnh: AP.
Kết quả thí nghiệm cho thấy khả năng lây truyền virus không qua tiếp xúc giảm mạnh khi khẩu trang được đặt giữa hai lồng. Cụ thể, tới hơn 65% chuột khỏe mạnh sẽ bị nhiễm bệnh nếu không có khẩu trang đặt giữa hai lồng.
Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ là 15% nếu đặt khẩu trang quanh lồng của chuột nhiễm bệnh, và 35% nếu khẩu trang đặt bao quanh lồng của chuột khỏe mạnh. Những con chuột nhiễm bệnh cũng có mật độ virus trong cơ thể thấp hơn so với khi không sử dụng khẩu trang.
“Điều này rõ ràng cho thấy tác dụng của việc đeo khẩu trang cho người nhiễm bệnh, đặc biệt khi họ có hoặc không có triệu chứng, quan trọng hơn bất cứ điều gì khác”, giáo sư Yuen Kwok Yung, chuyên gia dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong, cho biết.
Nghiên cứu của Đại học Hong Kong là lần đầu tiên một nghiên cứu khoa học được tiến hành chứng minh đeo khẩu trang có thể ngăn người nhiễm bệnh lây lan virus cho người xung quanh.
Trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quan chức y tế nhiều nước từng tuyên bố chỉ người nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang.
Mặc dù vậy, đeo khẩu trang là biện pháp được khuyến cáo rộng rãi tại các quốc gia châu Á khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại phương Tây, chính phủ các nước đã bắt đầu yêu cầu người dân đeo khẩu trang hoặc che mặt khi ra đường sau khi dịch bệnh lan rộng.
Thực khách sững sờ vì nguy cơ nhiễm nCoV trong nhà hàng
Video của đài truyền hình Nhật cho thấy virus như nCoV lây lan rộng thế nào trong nhà hàng khi có một thực khách bị nhiễm.
Đài truyền hình NHK của Nhật kết hợp với các chuyên gia y tế thực hiện một thử nghiệm mô phỏng tốc độ lây của vi khuẩn hoặc virus như nCoV trong phạm vi một nhà hàng tự chọn hoặc trên một tàu du lịch hôm 8/5.
Trong thử nghiệm, 10 người bước vào nhà hàng dùng bữa, trong đó một người được gọi là "người nhiễm" bôi vào lòng bàn tay một dung dịch đặc biệt có khả năng phát sáng trong bóng tối. Những người tham gia tự chọn món ăn như bình thường, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Tới cuối video, đèn tắt, dung dịch hiển thị vùng lây lan của virus sáng lên ở khắp nơi, từ đồ ăn tới dao dĩa, thậm chí là trên mặt của một số người tham gia. Các thực khách tham gia sững sờ khi nhận ra mình có nguy cơ tiếp xúc với virus cao đến mức nào.
Thí nghiệm sự lây lan của virus và vi khuẩn trong nhà hàng. Video: NHK.
John Nicholls, giáo sư lâm sàng về bệnh lý ở Đại học Hong Kong, cho biết dù thí nghiệm không mới, nó chứng minh virus có thể lây lan nhanh như thế nào, đặc biệt khi người ta không rửa tay thường xuyên.
"Video chứng minh virus có thể lan sang các bề mặt và sang người rất nhanh", Nicholls nói. "Tôi nghĩ rằng nó đã cho thấy sự cần thiết của việc giữ tay thật sạch để ngăn ngừa dịch bệnh phát tán".
Tuy nhiên, Nicholls cho rằng video chưa phản ánh đầy đủ nguy cơ từ virus, bởi nó chỉ nhấn mạnh vào những vật đã bị chạm vào. Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở đại học Kobe, đồng ý với Nicholls.
"Thí nghiệm chỉ mô tả khả năng lây lan qua tiếp xúc mà không phải bằng chứng về chuyện đã xảy ra. Cần làm rõ sự khác nhau giữa chuyện gì có thể xảy ra và chuyện gì đã xảy ra", Iwata nói.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều đồng ý thí nghiệm này là cách hay để minh chứng tầm quan trọng của biện pháp rửa tay. Nicholl cho rằng nếu thí nghiệm tiếp tục thực hiện sau khi "người nhiễm" rửa tay sau 5 giây và 10 giây, nó sẽ còn hiệu quả hơn.
"Nếu vậy, người dân sẽ hiểu được rửa tay có thể làm giảm sự lây nhiễm qua tiếp xúc với các vật thể như thế nào", Nicholls nói.
Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm và hơn 690 người chết do nCoV. Covid-19 đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,4 triệu người nhiễm, hơn 297.000 người tử vong.
Khẩu trang có làm chúng ta 'xa mặt cách lòng'? Một số nghiên cứu cho thấy con người thường có cảm xúc vui mừng khi nhìn vào nửa dưới của khuôn mặt, và thường có cảm xúc tiêu cực từ nửa trên. Teele Rebane than phiền đã nhiều ngày cô không thấy được khuôn mặt người, nhưng một số chuyên gia cho rằng khẩu trang là biểu hiện của sự đoàn kết trong...