Làm thư viện để ‘tiêu tiền’
Mong muốn trẻ em ở quê có điều kiện tiếp cận tri thức, anh Nguyễn Văn Pháp, 40 tuổi, làm thư viện miễn phí với 14.000 đầu sách.
Thư viện Xóm Đảo ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, của anh Nguyễn Văn Pháp trở thành địa chỉ thân thuộc của những em nhỏ trong xóm và làng bên suốt 4 năm qua. Nằm trong khu vườn xanh mát rợp chuối và cau, thư viện là không gian lý tưởng để những bạn trẻ “phiêu” trong thế giới sách.
Anh quan niệm, dự án này cũng như một mô hình kinh doanh. Nhưng ở những dự án khác anh làm để kiếm tiền thì dự án này anh làm để “tiêu tiền”. Lợi nhuận mang lại, nếu có, chính là sự trưởng thành của các em, các cháu.
Anh Nguyễn Văn Pháp trong Thư viện xóm Đảo do anh bỏ tiền túi đầu tư. Ảnh: Phạm Linh.
Từ hai phòng đọc dành cho trẻ em và người lớn, hồi đầu năm, anh Pháp đầu tư thêm căn nhà hai tầng khang trang bên cạnh để nâng cấp thư viện. Hiện, thư viện có một phòng sách lớn cho lứa tuổi học sinh; phòng khác cho lứa tuổi lớn hơn; phòng đa chức năng có thiết bị nghe nhìn, máy tính và không gian sinh hoạt chung. “Đây là tâm huyết và tài sản lớn nhất mà tôi tiết kiệm được”, anh Pháp chia sẻ.
Lớn lên ở làng quê, anh mê học hỏi, tìm tòi nhưng ít có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách. Đến khi vào đại học Sư phạm, nam sinh mới dành nhiều thời gian để đọc sách phục vụ học tập và công việc. Dần dần, sách trở thành người bạn thân thiết của anh.
Anh Pháp cũng học thêm ngành Kinh tế, rồi du học Thạc sĩ Kinh kế trường Kinh doanh Solvay (Solvay Business School – SBS), thuộc Đại học Tự do Brussel, Vương quốc Bỉ. Về nước, anh làm giáo viên tại TP HCM trước khi chuyển sang làm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và marketing.
“Đi và sống nhiều nơi, mỗi khi về tôi lại thấy thương quê mình khi chỉ còn người già và trẻ em. Cái nghèo, thiếu thốn đã khiến nhiều người ly hương. Tôi mong muốn làm được điều gì đó cho quê mình nên vào làm thư viện cho bọn trẻ đọc sách”, anh Pháp nói.
Năm 2017, Pháp chuyển công việc từ Đà Lạt về Đà Nẵng (cách Quảng Ngãi 130 km). Anh gom hết hành trang của mình – những cuốn sách đã theo anh nhiều năm qua, vào một căn phòng trong nhà cũ ở xóm Đảo. Tên thư viện được đặt theo tên xóm. “Mỗi mùa lụt đến là xóm biến thành một ốc đảo vây quanh bởi mênh mông nước”, anh Pháp lý giải.
Video đang HOT
Ở quê, các em phần lớn chỉ đọc và học trong sách giáo khoa, nên Pháp phải giúp bọn trẻ hình thành thói quen đọc dần dần. Ban đầu, anh mở cửa thư viện tự do, không quản lý, ghi tên người mượn sách… dù biết sẽ có hao hụt.
Các em sinh đọc sách trong thư viện của anh Pháp. Ảnh: Phạm Linh.
Phan Thị Bích Châu và Võ Ngọc Quyên là hai “fan cứng” của thư viện khi đến đây ít nhất hai lần một tuần. “Ở quê mà có thư viện như thế này rất đặc biệt. Thư viện khác không cho mượn miễn phí và thoải mái, nên em rất trân trọng việc làm của chú Pháp”, Châu nói và cho biết rất mê sách khoa học viễn tưởng vì nó giúp em khám phá những điều bí ẩn.
Còn Quyên bày tỏ cảm kích: “Chú Pháp là người truyền động lực để chúng em đọc sách, giống như một món quà để em thay đổi bản thân”.
Các đầu sách ở thư viện ngày càng phong phú về thể loại: sách tham khảo, truyện tranh, giải trí, văn hóa, xã hội, lịch sử, triết học, ngoại ngữ… chia làm hai không gian phục vụ cho thiếu nhi và người dân. Nhiều cuốn có giá trị lớn được trưng bày riêng một góc. Tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, khoa học.
Để có lượng sách “khủng” trên, anh Pháp dành nhiều thời gian để tìm mua. Không tiết lộ kinh phí đầu tư, anh Pháp cho biết phần lớn tiền mua sách là do anh tiết kiệm, gom góp khi đi làm, cùng một số sách do những người bạn thân ủng hộ.
“Quan sát sự tiến bộ trong cách cư xử, kết quả học tập của các em và sự phản hồi của bà con, phụ huynh, trường học là những trải nghiệm cực kỳ thú vị”, anh Pháp chia sẻ.
Chủ thư viện luôn tìm cách “kích cầu” để các em nhỏ luôn có hứng thú đến đây. Những ngày lễ, Tết Thiếu nhi, Trung thu… thư viện thường tổ chức chương trình giúp các bạn nhỏ vui chơi. Anh Pháp cũng tổ chức những buổi dã ngoại, du lịch để các em có được trải nghiệm ngoài trang sách.
Mỗi tuần, anh Pháp thường về quê, tổ chức các buổi nói chuyện, khóa học ngắn về các chủ đề: nhiếp ảnh, ứng xử, ứng dụng thông minh trên mạng xã hội, kỹ năng sống… Qua những tương tác với các em, Pháp trở thành một người thầy, người anh gần gũi.
Ngôi nhà cấp 4 và thư viện hai tầng của anh Pháp giữa vườn cau xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: Nguyễn Pháp.
Gần đây, khi thư viện chuyển sang cơ ngơi mới, anh thay đổi phương thức quản lý, chọn 5 bạn trẻ thay phiên trực, sắp xếp và bảo quản sách trong thư viện. Các em mượn sách sẽ tự ghi tên vào sổ, khi đến trả sách tự làm thủ tục. Về lâu dài, những việc này sẽ được thực hiện qua máy tính, phần mềm và tự động đến mức tối đa.
“Tôi hy vọng rằng những cuốn sách sẽ giúp ích các em trong học tập, lớn lên thành người có kiến thức phong phú, khỏe mạnh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nhất là cơ hội trong việc tiếp cận tri thức”, anh Pháp nói.
Hồi tháng 4, anh Nguyễn Văn Pháp đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi thư biểu dương và ghi nhận việc làm ý nghĩa này.
Xây 'Thư viện xóm đảo' cho học sinh vùng nông thôn
Xuất phát từ thực tế trẻ em vùng nông thôn thường khó tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích, anh Nguyễn Văn Pháp, thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tự bỏ tiền ra xây dựng "Thư viện xóm đảo" với hàng ngàn đầu sách để giúp học sinh quê mình làm quen với văn hóa đọc, góp phần mở mang tri thức.
Các em học sinh thường lui tới thư viện để chọn đọc những cuốn sách mình thích.
Thư viện này được thành lập cách đây 3 năm. Anh Pháp dành khá nhiều thời gian cho việc sưu tầm những cuốn sách hay, giá trị, làm phong phú thêm "kho tàng" kiến thức. Đến nay, đã có hơn 14.000 đầu sách với đa lĩnh vực được anh Pháp bỏ tiền ra mua về. Các bạn trẻ khi đến với thư viện này sẽ được đọc sách miễn phí.
Em Phan Thị Bích Châu chia sẻ: Ở quê em hiếm có thư viện nào đồ sộ như thế. Nhờ anh Pháp xây dựng thư viện, các em có thêm địa chỉ quen thuộc để tới thường xuyên. Ở đây có rất nhiều cuốn sách hay gợi mở sự liên tưởng, tăng thêm sự hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan và cách ứng xử.
Anh Nguyễn Văn Pháp với thư viện sách do mình sáng lập.
Ngoài việc đầu tư sách, anh Pháp còn đầu tư thêm một dàn máy tính hiện đại, hướng dẫn các em tiếp cận với công nghệ thông tin, tìm kiếm thêm nhiều điều bổ ích trên mạng để phục vụ việc học tập. Ngoài ra, khi rảnh rỗi, anh thường tổ chức các buổi học với nhiều chủ đề khác nhau, các buổi vui chơi, dã ngoại..., qua đó, giúp các em thư giãn và lĩnh hội kiến thức nhanh hơn.
Em Võ Ngọc Quyên bộc bạch: Đến đây, em có cảm giác mọi người như thành viên trong một gia đình, có sự đồng cảm, sẻ chia, trao đổi để cùng nhau tiến bộ. Anh Pháp thật sự đem lại năng lượng sống tích cực, "chắp cánh" cho chúng em bay xa trên con đường học vấn.
Thư viện còn có cả hệ thống máy tính để các em học sinh làm quen với công nghệ.
Anh Nguyễn Văn Pháp bày tỏ, anh sinh ra và lớn lên ở làng quê này. Chính nỗi cơ cực, vất vả của người dân nông thôn cộng với sự nhọc nhằn, thiếu thốn của các thế hệ học sinh đã thôi thúc anh làm một việc gì đó thật ý nghĩa cho quê hương mình.
Theo đó, việc mở thư viện sách là điều đầu tiên anh nghĩ đến, bởi sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Anh hi vọng thư viện sẽ giúp rút ngắn dần khoảng cách về mặt bằng kiến thức chung giữa học sinh nông thôn với thành thị, khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Do thường xuyên công tác xa nhà nên anh Pháp đã giao lại việc quản lý thư viện cho các bạn trẻ trong thôn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về việc gìn giữ, bảo vệ tài sản chung. Dần dà, "Thư viện xóm đảo" được biết đến nhiều hơn, số lượng người đến với nó cũng ngày một đông hơn trước, tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Hành trình tới trường gian nan của giáo viên dân tộc thiểu số Chặng đường đến với sự nghiệp trồng người của các thầy cô dân tộc thiểu số dài hơn rất nhiều số năm công tác. Cô Đinh Thị Kem bên học trò. Đó là hành trình đến với những cậu bé, cô bé đồng bào dân tộc hàng ngày theo cha mẹ lên nương rẫy; là khoảng thời gian gắn với những cậu bé,...