Làm sao để hết đau vai gáy?
Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay.
Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng… Đây là một triệu chứng thường gặp, xảy ra mọi lứa tuổi, mọi giới… Bệnh tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây đau vai gáy
Nguyên nhân cua cac bênh đau cô, đau vai gáy thường gặp nhất là gối đầu cao khi ngủ hoặc kê đầu trên vật cứng một thời gian dài vài tiếng như: khi đi xe đò ngủ đầu tựa trên ghế dựa, nằm xem tivi… bệnh rất dễ xảy ra đối với người bắt đầu đến tuổi trung niên, với hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.
Ngoài ra nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau cổ vai còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau…, hoặc do công việc hàng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần như lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính.
Bệnh hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản, soạn giáo án (các thầy cô giáo) trong một thời gian dài trong một buổi hoặc trong một ngày và có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng… Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay cho nên khi làm các động tác dùng một hoặc hai tay nâng đỡ hoặc khi lái xe ( xe máy, xe ô tô) phải làm động tác đổi tay cầm lái vì tay kia bị mỏi, nặng rất khó chịu.
Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau trong chứng bệnh này. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu – cổ. Cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên.
Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau – đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt (uống nước sặc, nghẹn), đồng thời có thể xảy ra rối loạn chức năng, liệt các dây thần kinh VIII, X, XI…
Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi.
Video đang HOT
Đau vai gáy là một triệu chứng thường gặp, xảy ra mọi lứa tuổi, mọi giới…
Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp Xquang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.
Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém… ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.
Điều trị và dự phòng như thế nào
Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu.
Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Tùy theo từng nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau. Nếu đã loại trừ được những nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường, có thể bằng đường uống, bằng cao dán. Người bệnh cũng có thể dùng vitamin E 400mg, ngày uống 1 viên. Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải nhớ rằng, không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống…
Nên phòng đau cổ, vai, gáy từ khi chưa có biểu hiện thương tổn bằng cách khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy, phần trên của vai phải đặt ở trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bắp bị kéo giãn. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ. Nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp vào vai, nếu có chỗ gác tay sẽ giảm bớt độ căng các cơ ở cổ và bả vai… Những người lao động hay phải cúi (như diễn viên xiếc, đánh máy, phi công, tài xế…) nên có những bài tập riêng hàng ngày để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh vai, gáy.
Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như calci, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.
Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống… thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Khi đau cổ, vai, gáy không xoay, vặn mạnh vì dễ gây tổn thương nặng các dây thần kinh. Không uống thuốc tùy tiện mà phải đi khám để được bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng.
Khi triệu chứng thuyên giảm việc luyện tập dưỡng sinh sẽ giúp chúng ta vận động khớp cổ một cách nhẹ nhàng để giảm đau và nhanh chóng phục hồi. Nhằm phòng ngừa chứng đau cổ vai, chúng ta có thể tập hai động tác dưỡng sinh: ưỡn cổ, vặn cột sống cổ ngược chiều.
Điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu
Các phương pháp nhiệt có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ giãn mạch tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như: hồng ngoại, chườm ngải cứu, đắp Paraphin, tắm ngâm suối bùn nóng.
Các phương pháp điện trị liệu như: Sóng ngắn có tác dụng tạo nhiệt nóng ở trong sâu, tăng cường chuyển hóa, chống phù nề, chống viêm giảm đau. Dòng xung điện có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa. Dòng Gavanic và Faradic làm tăng cường quá trình khử cực và dẫn truyền thần kinh đưa thuốc giảm đau vào vùng tổn thương.
Laser làm mềm, giảm đau, chống viêm, tái tạo tổ chức.
Siêu âm làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, chống viêm, giảm đau, tăng cường chuyển hóa, tăng tải tạo tổ chức.
Kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số: Đây là phương pháp điều trị bệnh sinh thoát vị đĩa đệm/thoái hóa đĩa đệm/thoái hóa cột sống căn bản nhất vì mục đích của phương pháp là tạo ra áp lực âm ngay trong lòng đĩa đệm nhằm giải nén, tạo điều kiện cho nhân nhầy đĩa đệm chuyển dịch hướng tâm trở về vị trí ban đầu, tăng cường các chất chuyển hóa và dinh dưỡng vào trong đĩa đệm để tái tạo tổ chức.
Đa số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ điều trị bảo tồn bằng phương pháp vật lý trị liệu sẽ phục sau 4 – 6 tuần trị liệu.
Theo ThS. Nguyễn Vân Anh
Theo Eva
Dân văn phòng chớ chủ quan khi đau vai gáy
Cách vài tháng lại bị đau vai gáy, chị Thanh thường không đi chữa, để tự khỏi dần. Tuần trước, lại đau cứng vùng cổ, vai và cả hai cánh tay, chị Thanh đi khám và hốt hoảng khi biết mình bị dính khớp ổ bả vai.
Chị Thanh, kế toán trưởng một công ty tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị bị cơn đau vai gáy cấp lần đầu 2 năm trước. Khi đó chị đau mỏi hết vùng vai gáy, cổ cứng đơ, không thể quay đi quay lại bình thường. Chị Thanh phải nghỉ làm vài ngày và đến một cơ sở khám chữa bệnh gần nhà trị liệu bằng cách dùng dụng cụ kéo giãn vùng cơ cổ. Từ đó đến nay, triệu chứng này tái phát vài lần nữa, nhưng chị Thanh phần bị bận việc, phần vì thấy bệnh dần tự thuyên giảm, nên không đi khám chữa gì.
Gần đây, chị Thanh lại bị đau vai gáy. Công việc cuối năm bận rộn, chị Thanh tặc lưỡi vẫn đi làm bình thường. Nhưng sáng đầu tuần ngủ dậy, chị thấy cổ cứng đơ, vai đau nhức, hai cánh tay cũng bị ảnh hưởng, không thể giơ lên cao hay ngoặt ra sau. "Mình như người máy, cứ đơ đơ, thậm chí không thể tự mặc đồ hay đưa tay ra sau lưng cài nút chiếc áo nhỏ", chị Thanh kể lại. Đi khám, bác sĩ cho biết, chứng đau vai gáy không chữa triệt để, dẫn đến biến chứng khiến chị bị dính khớp ổ bả vai, phải điều trị lâu dài mới hiệu quả.
Bệnh nhân đau vai gáy được xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở của lương y Phó Hữu Đức. Ảnh:MT.
Cũng như chị Thanh, anh Dũng, nhân viên kỹ thuật máy tính một công ty dịch vụ trực tuyến ở Cầu Giấy (Hà Nội) phải nghỉ làm mấy ngày nay vì chứng đau vai gáy. Mấy hôm trước, buổi sáng ngủ dậy anh thấy vùng gáy đau mỏi, tới trưa thì cổ đau, cứng đơ khiến anh không thể quay đầu sang bên nữa.
Theo lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy (Hà Nội), thời gian gần đây, ông tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị đau cổ, vai gáy, trong đó không ít người vì chủ quan, không chữa dẫn tới bệnh diễn biến nặng, thậm chí dính khớp. Phần lớn bệnh nhân là người thuộc giới văn phòng và thường làm các công việc phải ngồi lâu.
Theo ông Đức, bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy, có thể là ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, nhất là làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem TV...
Bệnh cũng có thể do nhiễm lạnh đột ngột, làm khí huyết bị ứ trệ, giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau. "Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh như gần đây khiến người mắc bệnh này nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả vào mùa hè cũng có nhiều người nhiễm lạnh, do thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra, vào phòng có điều hòa", lương y Phó Hữu Đức cho biết.
Theo ông, những người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có trường hợp chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt. Nhưng đa số bệnh nhân là những người ít vận động, các cơ không được dẻo dai, dễ bị co cứng.
Các biểu hiện của bệnh đau vai gáy thường là đau mỏi vùng cổ gáy khi ngủ dậy, khó quay cổ. Khi bị đau quá mức, các động tác đi lại nhẹ nhàng cũng ảnh hưởng và cũng gây đau. Thông thường thì bệnh tự khỏi, tuy nhiên nếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần bạn không nên chủ quan vì có thể bị viêm khớp ổ bả vai, dính khớp. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn, gây đau và mất nhiều thời gian hơn.
Lương y Phó Hữu Đức cho biết, với bệnh đau vai gáy, phương pháp châm cứu, bấm huyệt rất hữu hiệu. Tùy mức độ đau của bệnh nhân, thầy thuốc có thể chỉ cần áp dụng cách xoa bóp hay bấm huyệt, châm cứu, cho dùng thuốc hoặc kết hợp các cách này, đồng thời hướng dẫn bài tập để về nhà người bệnh tự tập.
Để tránh mắc bệnh, lương y khuyến cáo, bạn cần chú ý tới việc giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh đột ngột, nhất là sáng sớm và đêm như điều kiện thời tiết gần đây. Người làm việc văn phòng nên cố gắng dành thời gian đi lại, vận động, tránh ngồi quá lâu. Ngoài ra, cần rèn cho mình thói quen luyện tập thể dục đều đặn bằng các bài tập phù hợp với thể lực và tuổi tác. Khi thấy các dấu hiệu đau vai gáy, đau cứng cổ... cần tìm tới cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng lâu dài.
Theo VNE
Làm sao để "bên chồng" an toàn trong ngày "đèn đỏ"? Nếu biết cách giữ an toàn cho cả hai thì việc "quan hệ" trong những ngày "đèn đỏ" cũng không có gì là không tốt. Em chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, đã có gia đình. Em đang gặp một chuyện khó xử, mong được bác sĩ tư vấn giúp em. Chúng em là vợ chồng mới cưới nên "chuyện vợ...