Làm sao “chặn” người lạ phá rối trong lớp học trực tuyến ?
Nhiều lớp học trực tuyến bị người lạ phá rối liên tục xảy ra thời gian qua không chỉ gây bất bình với sinh viên mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường học tập.
Theo các chuyên gia, để có môi trường học tập trực tuyến an toàn, cần có nhiều yếu tố từ kỹ thuật đến kỹ năng cho người tham dự lớp học.
Lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM bị kẻ lạ phá rối
Kiểm soát lớp học bằng… email trường cấp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến đã trở nên phổ biến với sinh viên (SV) các trường ĐH. Bên cạnh hệ thống quản lý học tập của trường, đa số các lớp học trực tuyến đều diễn ra trên các phần mềm như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…
Để tham dự các lớp học này, SV bắt buộc thực hiện các bước đăng nhập lớp học theo quy định của giảng viên tùy theo từng nền tảng. Tuy nhiên, tình trạng lớp học trực tuyến bị người lạ phá rối đã liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân là do chính SV chia sẻ hoặc để rò rỉ thông tin về cách thức tham gia lớp học. Tình trạng này thường xảy ra trong các lớp học mà giảng viên ít chú ý đến việc quản lý lớp học.
PGS-TS Phạm Trần Vũ, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết nhà trường đang triển khai dạy học trực tuyến trên nền tảng Google Meet. Khi tham gia lớp học này, SV bắt buộc sử dụng địa chỉ email (thư điện tử) do trường cấp. Trường chỉ cấp địa chỉ email này cho SV chính thức đã nhập học, sau khi SV tốt nghiệp sẽ thu hồi lại. Do vậy, việc người lạ không phải SV của trường tham gia lớp học này là không thể, trừ khi được chính giảng viên mời vào.
“Kinh nghiệm cá nhân khi sử dụng một số phần mềm trực tuyến cho thấy không nên sử dụng chế độ đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu vì dễ dàng chia sẻ nên tính bảo vệ không cao”, PGS-TS Vũ nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đinh Tiên Minh, Trưởng bộ môn marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế – marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đang áp dụng hình thức đăng nhập bằng thư điện tử trường cấp cho SV ở lớp học trực tuyến.
Video đang HOT
Tiến sĩ Minh thông tin: “Trường dạy học trực tuyến trên Microsoft Teams, giảng viên tạo lớp học trên email và những SV có tên trong danh sách mới được tham gia lớp học. SV chỉ được sử dụng địa chỉ email trường cấp, không được dùng địa chỉ thư cá nhân khi tham gia lớp học. Do vậy, chỉ khi chính SV cung cấp đường link và thông tin thư điện tử của mình cho người khác thì người khác mới vào được”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Minh, việc người học cung cấp địa chỉ thư điện tử này rất khó xảy ra vì ngoài mục đích tham gia lớp học, hộp thư này còn gắn với toàn bộ quá trình học tập tại trường với các thông tin cá nhân quan trọng của người học.
Các nhóm học bằng Zalo cũng bị kẻ lạ phá rối – CHỤP MÀN HÌNH
“Chìa khóa” trong tay giảng viên
Bên cạnh quản lý thông tin đăng nhập, theo nhiều ý kiến, vai trò của giảng viên trong việc quản lý lớp học quyết định việc học diễn ra như thế nào.
Cần một lớp bảo vệ vòng ngoài để gia tăng độ an toàn
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, nghiên cứu viên liên kết, Phòng Thí nghiệm liên ĐH về giáo dục và truyền thông (ĐH Strasbourg, Pháp), cho rằng các ứng dụng lớp học ảo hay hội thảo truyền hình trực tuyến chỉ là một công cụ quản lý một phòng học.
“Mật khẩu kết nối giống như chìa khóa mở cửa phòng học, càng nhân bản nhiều và cung cấp rộng rãi càng gia tăng rủi ro bị tiết lộ ra bên ngoài, do cả vô tình hay cố ý. Chưa kể những trường hợp tấn công mạng có chủ đích để lấy cắp mật khẩu với các ý định xấu”, ông Đại nói.
Do đó, theo ông Đại, dù ứng dụng có tên gì đi nữa thì rất cần một lớp bảo vệ vòng ngoài để gia tăng độ an toàn. Cụ thể, các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) đều có chức năng tích hợp các phòng học ảo hay hội thảo truyền hình một cách trực tiếp hay gián tiếp. Khi giáo viên tạo phòng học hay cung cấp đường dẫn ngay trong LMS, thì người học không cần phải chia sẻ các đường dẫn ấy bên ngoài nữa. Tất cả chỉ cần sử dụng mã định danh cá nhân trên LMS để truy cập hệ thống, rồi đến đúng không gian dành riêng cho mỗi khóa học, vào bên trong phòng học mà giáo viên đã tạo sẵn.
“Như thế sẽ không chỉ có lợi ích ở việc tăng độ an toàn mà còn giảm bớt các thủ tục điểm danh thủ công vì mọi dấu vết vào ra phòng học đã được ghi lại đầy đủ trên LMS. Thầy cô chỉ cần tập trung vào chuyên môn, còn danh sách điểm danh bất cứ lúc nào cũng có thể bấm nút xuất ra đầy đủ và nhanh chóng”, chuyên gia này phân tích.
Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng chính giảng viên là người quản lý lớp học, sẽ quyết định các diễn biến của lớp học trực tuyến. Ở tất cả các phần mềm đều có những chức năng cho phép người quản lý lớp học quyền kiểm soát, phân quyền cho các thành viên và những hoạt động diễn ra. Chẳng hạn, giảng viên có quyền mời vào hoặc mời ra khỏi lớp học, kiểm soát quyền được phát biểu, chia sẻ màn hình, chia sẻ link tới người khác. Ngay cả khi phát hiện người lạ, âm thanh, hình ảnh không phù hợp, giảng viên đều có thể kịp thời xử lý để lớp học không bị quấy rối.
“Một giảng viên không nắm các thao tác kỹ thuật trên phần mềm sẽ khó để kiểm soát tốt lớp học. Do vậy, bên cạnh ý thức người học thì giảng viên cũng cần trang bị những kỹ năng công nghệ và kỹ năng xử lý tình huống cần thiết trên các lớp học ảo. Trong trường hợp giảng viên chưa thực sự thành thục, các trường cần có bộ phận kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ các lớp học khi cần thiết”, ông Thanh nêu ý kiến.
Tiến sĩ Đinh Tiên Minh cũng cho rằng giảng viên được quyền chủ động trong việc quản lý lớp học này. Đứng trước những tình huống phát sinh, nếu giảng viên không kịp thời và khéo léo xử lý có thể dẫn tới những điều ngoài ý muốn. “Do vậy, ngoài phương pháp sư phạm cần có thì ở lớp học trực tuyến, thầy cô còn cần hiểu tâm lý SV, kiểm soát được cảm xúc bản thân và thành thạo nền tảng công nghệ để xử lý các sự cố phát sinh trong lớp học”, tiến sĩ Minh bày tỏ. .
Băn khoăn chuyện học trực tuyến
Các em học sinh tại TPHCM sắp bước qua tuần thứ 3 học trực tuyến (online). Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng từ ngành giáo dục đến thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nhưng nhìn chung việc học online vẫn còn một số hạn chế.
Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến.
Học sinh tham gia một tiết học online tại nhà. Ảnh: NGUYỄN HÒA
Phụ huynh NGUYỄN THỊ THU MAI, chung cư HQC 35 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân: Còn hạn chế về kỹ năng công nghệ
Đã từng làm giáo viên và hiện là phụ huynh, tôi thấy có những trở ngại khách quan ngoài ý muốn khi dạy và học online. Trong đó, kỹ năng công nghệ thông tin là một hạn chế lớn. Không phải giáo viên nào cũng có máy tính tốt, cũng có thể xử trí trục trặc khi máy hư, rớt mạng, tải app, tạo gmail... Do vậy, rất cần chia sẻ nỗi khó khăn của thầy cô giáo, phụ huynh trong học online. Với học sinh cũng vậy, rất khó khăn với bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 1, lớp 2.
Ngay như các con tôi mỗi lần học online cũng trầy trật với máy móc, với mạng, rất mất thời gian và dễ trôi bài giảng. Do vậy, để học online tốt, trước hết phải khắc phục hạn chế về trang thiết bị, về kỹ năng, cần có sự chung tay hơn nữa của cộng đồng để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Nhà mạng, các công ty phân phối máy tính phải vào cuộc hỗ trợ tối đa.
Phụ huynh TRẦN VĂN, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức: Khó kiểm tra bài học của con
Con tôi vào lớp 9, năm cuối cấp nên cần cha mẹ thường xuyên hỗ trợ học bài, nhưng học online nên giúp đỡ hay kiểm tra bài của con gặp nhiều khó khăn. Quan sát con học, thấy mắt con dán vào màn hình, tai chăm chú nghe nhưng không khỏi lo lắng. Thông thường, cùng với việc nghe giảng các con còn ghi chép những lời thầy cô giảng, về nhà ôn lại bài cũ. Còn học online tất cả tùy thuộc vào ý thức, sự tự giác và khả năng tiếp thu của học sinh. Vì vậy, học online chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài.
Phụ huynh NGUYỄN THỊ LAN, chung cư Chương Dương Home, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức: Phần mềm không thống nhất
Con tôi đang học lớp 4. Trước khi học chính thức đã có buổi gặp mặt online giữa phụ huynh và giáo viên nhưng phần mềm trục trặc, mất 20 phút mới vào được. Học trực tuyến được 2 ngày thì thêm trục trặc mạng, lúc thấy hình không nghe tiếng, lúc nghe tiếng lại không có hình. Phần mềm dùng không thống nhất, như cô giáo dạy môn Toán, Tiếng Việt thì dùng một phần mềm, đến môn Tiếng Anh phải đăng nhập vào phần mềm khác. Khi các em học sinh cùng lúc phát biểu gây ra tiếng ồn, không nghe được em nào nói gì.
Cô LỤC NHƯ HOA, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3: Phụ huynh không nên can thiệp sâu vào nghiệp vụ của giáo viên
Chúng tôi đã tốn rất nhiều thời gian để sáng tạo trong việc soạn giáo án qua phần mềm Power Point, làm clip video cho các em. Toàn bộ giáo án, video clip... phải nộp cho nhà trường thông qua. Chúng tôi đã không ngần ngại kinh phí để nâng cấp thiết bị, đường truyền... nhưng chưa khắc phục được. Mạng internet chập chờn, tiết học phải vài lần gián đoạn. Nhiều lúc cũng nản chí, nhưng vì sự nghiệp chung nên phải cố gắng.
Thầy cô và nhiều em đủ điều kiện còn chật vật như vậy, các em không có điều kiện, chưa có thiết bị đủ mạnh thì vất vả đến nhường nào. Không ít lần phụ huynh và các em than phiền là video clip cô gửi về mở không được. Việc học online dù cố gắng nhưng chắc chắn một điều không thể bằng trực tiếp ở lớp. Chúng tôi luôn cảm thông và chia sẻ với các bậc phụ huynh vì dịch bệnh phải ở nhà và có thời gian kèm cặp, hỗ trợ con học. Tuy nhiên, phụ huynh đừng can thiệp sâu quá vào chuyên môn, nghiệp vụ của thầy, cô; hay sinh hoạt quá tự nhiên trước màn hình của con em mình trong giờ học. Mới đây, trong tiết kiểm tra, có phụ huynh đã tắt màn hình, âm thanh để... làm bài dùm con em mình.
Học sinh VIỆT NHÂN, lớp 7/7 Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh: Chúng con chỉ muốn đến trường
Theo lời dặn của cô chủ nhiệm, trước giờ học phải ngồi vào bàn, mở máy để chuẩn bị vào lớp. Những ngày đầu con cảm thấy học online dễ chịu vì không phải dậy sớm, bàn học đặt ngay phòng ngủ. Bài học do cô thầy giảng qua máy ngắn gọn. Học ở nhà chỉ bực mình bởi thỉnh thoảng đường truyền yếu, máy bị đứng hình. Suốt buổi học phải ngồi một mình, một chỗ. Nay con muốn đến trường, muốn vào lớp để được gặp thầy cô, bạn bè. Học trên lớp bị thầy cô kiểm tra bài vở thường xuyên nhưng bù lại được chạy nhảy, vui chơi thoải mái.
Anh NGUYỄN THANH TUẤN, Kỹ sư CNTT Công ty TMA, Công viên phần mềm Quang Trung: Thiếu sự tương tác giữa thầy cô và học sinh
Các nền tảng dùng để học online hiện đang được sử dụng như: Vioedu, Microsoft Teams, Google Meet hay Zoom, tùy lựa chọn và quyết định của mỗi trường. Trước khi bước vào năm học mới, các nhà trường đã tập huấn giáo viên, phụ huynh học sinh sử dụng một nền tảng để dạy và học trực tuyến.
Là phụ huynh có con học lớp 2, tôi thấy rằng việc dạy và học online mất đi tính tương tác giữa cô và trò. Với các cháu bậc tiểu học, thao tác chưa được linh hoạt, có cháu dù được cha mẹ hỗ trợ nhưng loay hoay cả buổi chưa vào được lớp. Sau buổi học, phụ huynh phải chụp hình bài tập của học sinh nhưng không biết gởi vào đường link cô giáo tạo sẵn để nộp bài. Tốc độ internet cũng ảnh hưởng tới khả năng truyền đạt của giáo viên và phản hồi của học sinh. Giáo viên gọi học sinh trả lời câu hỏi, mạng internet chậm sẽ không liền mạch dẫn tới truyền đạt bị sai.
Đẩy mạnh dạy học trực tuyến: Cơ hội để tiết giảm các chi phí xã hội Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Trong tương lai, nếu tiếp tục tận dụng lợi thế của phương thức dạy học này thì sẽ tạo ra ý nghĩa xã hội...