Lạm dụng truyền dịch: Hệ lụy khôn lường!
Cuối tháng 8-2020, một bệnh nhân ở Hà Nội đã thiệt mạng do tự ý truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng lạm dụng truyền dịch hiện nay.
Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng là một loại thuốc, không phải “cứ muốn là truyền”.
Truyền dịch không đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Không màng hậu họa
Tại Hà Nội từng có những trường hợp tử vong sau khi tự ý truyền dịch. Tháng 4-2019, một nữ bệnh nhân sinh năm 1986 tử vong sau khi đến truyền dịch tại một phòng khám tư ở quận Thanh Xuân. Cách đó không lâu, một bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân ở quận Long Biên. Và mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp nam giới 17 tuổi bị ngừng tim do sốc sau khi truyền dịch tại nhà.
Đó chỉ là 3 trong số nhiều trường hợp thiệt mạng do lạm dụng việc truyền dịch. Dù thảm kịch đã rõ nhưng rất nhiều người vẫn có thói quen cứ ốm, sốt hay mệt mỏi là yêu cầu dịch vụ truyền dịch tại nhà, không màng hậu quả xấu có thể xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, rất nhiều người cho rằng khi bị sốt do vi rút thì phải truyền dịch mới mau khỏe. Đây là quan niệm sai. Sốt, mệt là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh. Việc tiêm, truyền cho bệnh nhân phải có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bắt buộc phải truyền, nhân viên y tế sẽ phải tính toán kỹ xem cần truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền như thế nào… chứ không thể truyền bừa bãi.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nguyên tắc là không được truyền muối, đường khi bị sốt vi rút vì những chất này vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng nguy cơ phù não khiến bệnh nặng thêm. Hơn nữa, tất cả các loại thuốc đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ và nguy cơ này càng gia tăng khi cơ thể hấp thu trực tiếp. Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan… Do vậy, nếu bị sốt vi rút trong khi vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch.
Không thể tùy tiện
Theo các chuyên gia, khi truyền dịch cần phải lưu ý bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ – xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi tiêm.
Biểu hiện sốc phản vệ là bệnh nhân thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39oC – 40oC hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã… Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân gây sốc phản vệ có thể do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh, hay đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm với thuốc. Dù nguyên nhân nào thì cũng phải lập tức ngừng tiêm, truyền và dùng thuốc cấp cứu khi bệnh nhân bị sốc phản vệ. “Sốc phản vệ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do vậy, mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc”, bác sĩ Lê Ngọc Duy nêu.
Đặc biệt, cần thận trọng khi truyền dịch cho bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não. Việc truyền dịch để hạ sốt đối với trẻ em cần được cân nhắc kỹ. Do vậy, trước khi truyền dịch, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn, mọi người nên duy trì nếp sống lành mạnh, thói quen làm việc, sinh hoạt nền nếp, luyện tập một cách khoa học, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, qua đó nâng cao sức đề kháng.
Chuyên gia khuyến cáo: Người dân nên uống nhiều nước, nhất là các loại nước trái cây giàu vitamin C (cam, quýt, ổi…). Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối pha loãng vài lần mỗi ngày để ngăn ngừa các loại vi rút và vi khuẩn; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, nơi tập trung đông người, đồng thời hãy rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh.
Thiếu niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết tử vong do sợ Covid-19, tự truyền dịch tại nhà
Thiếu niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết bị ngừng tim vì sốc sau khi người thân tự ý truyền dịch tại nhà, không đưa đến bệnh viện do sợ Covid-19.
Bệnh viện Bạch Mai ngày 24-8 cho biết mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận 1 trường hợp mắc sốt xuất huyết là nam thiếu niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc sau khi truyền dịch tại nhà.
Trước đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng do mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội, nên đã tự ý cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
PGS-TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới
Khi được chuyển tới Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim. Với sự nỗ lực của các bác sĩ, tim của bệnh nhân đã đập trở lại nhưng sau đó lại bị ngừng tim lần 2.
Nhờ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại, các bác sĩ đã lại hồi sức tim cho bệnh nhân và tiến hành đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, 2 ngày sau, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.
Trước đó, từ đầu năm đến nay Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính...
Điển hình là nam bệnh nhân 27 tuổi (ở Thanh Xuân, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ban đầu, khi bệnh nhân này vào khám, các nhân viên y tế đã nhầm lẫn sốt xuất huyết thành Covid-19. Ngày 16-8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở, có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30-7 đến 7-8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19.
Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm Realtime-PCR, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Khi các bác sĩ xét nghiệm công thức máu bệnh nhân mới được kết luận mắc sốt xuất huyết. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Bệnh Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết có biểu hiện xung huyết trên da mặt và củng mạc mắt đỏ.
Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra
Trường hợp mắc bệnh nặng có thể bị xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,... khi bệnh nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp.
"Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên da nổi xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết xuất huyết dưới da, ra máu cam, ra máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà"- PGS Cường khuyến cáo.
Theo giới chuyên môn, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như xuất huyết hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc
Ăn thạch rau câu, bé trai 20 tháng tuổi chết ngạt Khi đang ăn thạch rau câu, bé trai 20 tháng tuổi bỗng nhiên ho, sặc rồi toàn thân tím tái rồi tử vong sau đó. Ngày 17-9, Công an huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đang xác minh, điều tra vụ cháu B.K (20 tháng tuổi, trú xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) tử vong do ăn thạch rau câu. Vào sáng cùng...